Tên để làm gì?

10:36 CH @ Chủ Nhật - 09 Tháng Bảy, 2017

Nước Nam ta có cái tục là: hễ đã động dính vào chức dịch gì, là mất tên. Người không phải là một người nữa, ra một phẩm, gọi là quan Thượng, quan Tham, quan Huyện, ông tổng, ông lý, thầy nho. Ai gọi đến tên tục thì chửi rủa không bằng.

Cái tục ấy, mới nghe thì thấy có lấy gì làm lạ, ấy thế mà tự xưa đến giờ hại nước Nam bao nhiêu cũng vì nó.

Tại sao trong cả nước, từ kẻ giầu cho chí người nghèo, người có chữ cho chí kẻ ù lỳ, ai ai cũng chỉ ao ước được mụn quan, không quan thực thì quan tiếng vậy, là cũng chỉ vì ai ai cũng sợ người ta gọi tên mình.

Anh đồ thì dáo-diết, đầu treo giường, đùi đâm đùi, cũng chỉ cố lấy một là quan Tham quan Thượng, hai nữa cũng ông cử ông tú, chớ không phải hiếu học mà học.

Các hương chức 1915

Các hương chức năm 1915

.

Bác thợ Cẫn, thợ Thêu, thợ Bạc, thợ Trạm kia, thì còn gì sướng bằng tài có trong tay, một tháng kiếm trăm kiếm ngàn, mình vừa giầu, nước cũng được giầu, ấy thế mà cứ động nho-nhoe thừa lưng vốn là đã cố kiếm lấy cái trật con con rồi, không Hàn thì cũng Bát Cửu, chớ không chịu cái tiếng là dân có tài. Được hàm một cái, là tài thây kệ tài ngay. Ai đến đặt đồ đã có đầy tớ, Quan đâu lại có quan Cẫn, quan Thêu, quan Trạm.

Ngẫm nghĩ trong sự ấy lắm nỗi buồn cười, là ai không có thể nào mà gọ (gọt – b/t) được chức quan thì cũng muốn soay thế nào cho không là bạch-đinh nữa mới nghe.

Như bọn thông ký ta cũng vậy. Xưa còn thầy ký sau ra thầy thông, sau ra thầy phán, bây giờ thì Quan Lớn Phán. Từ ngày được cái chức ấy đến giờ cũng đỡ được cái xin phẩm hàm đi một ít, vì ai bây giờ không phẩm hàm cũng là quan rồi, nhưng ác nghiệp quan đàng này chỉ kém quan đàng kia một nỗi, rằng còn được tại chức thì còn có người bẩm, đổi về Hà-nội hay là cáo về hôm trước thì hôm sau đã xuống thầy rồi. Vì thế cho nên trong cánh vai vế có mấy ông vừa xin được cái nghị định hễ cáo về thì đổi chức cho phẩm hàm quan An-nam. Cái ân ấy thực là to lắm. Nhà nước tăng lương, cũng không thỏa dạ bằng.

Nói truyện đến các Quan Phán lại nhớ đến lắm việc buồn cười. Nghiệp này, được cái dễ. Chẳng cứ tiến-sĩ-xuất-thân cũng được. Cho nên bao nhiêu những cậu con-cái nhà ở Hà-nội, bây giờ muốn chánh lên bác cả Mỗ, bác hai Mỗ, thì đổ vào mặt này nhiều. Có người chữ nghĩa thì ít, mà nghề thì cũng có, nhưng muốn kiếm chút danh phận, cho nên lo hàng 2, 3 trăm bạc, để vào làm việc ở một sở nào đấy, nhất là kẻ sổ không xong, làm được vài hôm xếp đuổi cũng đành, vì đuổi thì đuổi, từ dày cũng không ai dám gọi là bác Cả, bác Hai nữa. Vào mũi thầy rồi, có quyền mặc áo cổ là, đi giầy ủng 36 francs (quan tiền – b/t) rồi, có phải đuổi chóng quá, thì cũng nhiều cách tre mặt thế gian: Bây giờ thiếu gì chỗ, trại bách-thú, vườn hoa Paul-Bert (sau này là vườn hoa Chí Linh, giữa Bờ Hồ và Ngân hàng VN, b/t) cứ tám giờ ra đấy ngồi, 10 giờ ½ lại về, 2 giờ lại ra, 3 giờ lại về, độ một tháng thì dẫu chẳng thực thọ được với ai bằng thực thọ được với mấy bà láng giềng, có con gái. Nghề thế ! ở đời này bác Cả bác Hai vẫn khó lấy vợ.

Xin các ông Thông, – À quên ! các quan Phán ! – đừng có dận tôi, tôi nói là nói thực, trong đám mình cũng lắm người ra-phét, nhưng cũng nhiều khoản khó chịu lắm.

Ở nhà quê cũng vì sợ tên trắng mà lắm kẻ mất cửa mất nhà, bán ruộng bán nương.

Ngày xưa còn có mấy đám buôn giấy vàng bán quyền cấp thì cũng dễ, bây giờ ai quỉ quái thì đã có cái nghệ đi thám bậy, bắt duy-tân ! bỏ thuốc phiện, bỏ riệu, bỏ thuốc súng. Mà khù khờ thì cứ đợi đám lạc quyên nào may ra thì Hàn, chẳng may Bát-cửu cũng được. Cũng có người chịu hẳn mặt ấy, thì đã có mặt tổng-lý. Hai ba trăm, năm trăm, một nghìn, lại khao vọng, nhất là của mồ hôi nước mắt ba đời để lại cho cũng đem ra mà chạy hết cũng đành, quí hồ mất được cái tên bố-cu Mỗ, bố-đĩ Mỗ.

Đất không có người cầy, nghề không có người làm, xảo nghệ không tấn tới, mãn đại chỉ thích cắn rơm cắn cỏ, dốt như bò, cũng do ở sự muốn làm quan cả.

Mà muốn làm quan là chỉ muốn ăn báo kho bạc, việc ít tiêu nhiều, tài nhỏ danh to, cũng có, nhưng muốn làm quan vì cái tên cũng nhiều.

Vậy thì chúng tôi nghĩ có một kế để làm cho thiên-hạ bớt được một nửa người muốn làm quan đi, để ruộng đất được thêm tay cầy, buôn bán được thêm người bận, nghệ nghiệp lắm kẻ truyên, sảo kỹ nhiều tay rỗi ra, cách ấy là cách bỏ đứt cái thói lấy nghệ mà gọi tên đi.


Cảnh lều chõng đi thi ngày xưa
.

Lúc ở công đường thì nha lại, trị hạ phải bẩm quan lớn, về nhà anh em quen thuộc, hàng sóm láng giềng, lại cứ tên chữ mà gọi. Sự đổi tục ấy như các quan thì khí khó, chúng ta là bọn quan kiểu mới này thì dễ. Cứ lệ với nhau đừng ai gọi là quan Phán, ông Phán, thầy Phán gì nữa, cứ gọi nhau là ông Đỗ, ông Nguyễn, ông Trần, hoặc ai có tên chữ thì gọi càng hay. Người khác mà lấy chức gọi ta, phải cho đã hình như là bỉ báng. Xem ngay như các quan Đại-pháp, có thấy họ gọi nhau là monsieur le Commis (quý ông Bán hàng – b/t), monsieur le Préposé des Duoanes (quý ông Công chức Hải quan – b/t) bao giờ không? Giả thử các ông Tây bây giờ mà gọi nhau là M. le Bachelier(quý ông Cử nhân – b/t), M. le Licencié (quý ông Công chức cấp phép – b/t) thì buồn cười quá, thế mà ta động đi thi được cái bằng con, là không có tên nữa. Gọi ngay là ông cử, ông tú. To lắm rồi, cho nên chỉ khôn được đến thế là mãn nguyện. Tú, cử cũng đã vào thượng-lưu xã hội rồi.

Cũng có kẻ nói nhà quê có nhiều người muốn được phẩm hàm, vì là được trừ đóng góp phu phen, chớ có thiết gì cái danh. Nếu thế thì lại tệ nữa. Vì cách trốn sưu dịch ấy là cách hèn hạ, dân đinh có vất vả quá, thì ta nên cùng với anh em đồng-bào mà chịu, muốn cho được sướng thì phải cầu cho dân cũng sướng với mình mới phải, chớ mình không có tài cán gì hơn ai, mà vào đám chức sắc để chạy lấy một mình, thì không đáng làm đàn anh dân.

Tôi như các bạch-đinh nhà quê, thì những bác ấy tôi không cho ngồi chiếu trên. Có khác gì mấy người An-nam vào làng Đại-pháp để được quan Đại-pháp dong dự mình hơn người khác. Người đại-lượng đi đâu phải có đàn. Vinh cung vinh, nhục cùng nhục. Thấy đàn cùng nhục mà bỏ đàn vào bọn khác lấy vinh, thì chẳng hóa ra hèn lắm du !

(Nguyễn Văn Vĩnh, 26 tháng 9 năm 1907
chungta.com đăng lại theo trang Tân Nam Tử)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tật huyền hồ lý tưởng

    05/02/2021Nguyễn Văn VĩnhXét trong văn chương nước Nam, điều gì cũng toàn huyền hồ giả dối hết cả, không có cái gì là thực tình. Người làm thơ thì ngâm những cảnh núi Thái Sơn, sông Hoàng Hà, giời cao, bể rộng. Núi Tản Viên, sông Nhị Hà sờ sờ trước mắt, thì cảnh không ứng bao giờ. Có cao hứng mà vịnh đến thì cũng phải viện đến cái gì ở đâu xa, chưa biết, chưa trông thấy.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: nhiều thói xấu, tin nhảm, giới hạn yêu thương

    09/08/2019Vương Trí NhànDân ta tin rằng? Đất có thổ công, sông có hà bá, cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để ủng hộ cho dân vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh...
  • Ma to giỗ lớn

    27/09/2018Nguyễn Văn VĩnhPhong tục An-nam mình, nhiều điều thật không có nghĩa lý gì. Như có bố mẹ lên lão, hoặc mình đi thi đỗ, cưới vợ, làm nhà, được làm quan, thăng hàm, mà ăn mừng thì còn có nhẽ; nhưng bố mẹ chết, mà mổ trâu mổ bò, mời làng mời nước, biếu-xén hàng sóm láng giềng, thì còn có nghĩa gì nữa ?
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tầm nhìn hạn hẹp, cam chịu, lẫn lộn, kìm hãm nhau

    04/06/2018Vương Trí NhànXét nước ta học văn học của Trung Quốc bắt chước quá sâu, có khi mất cả chân tướng của mình. Từ khi hấp thụ văn minh Trung Quốc, không phân biệt tốt xấu cái gì cũng thâu vào, lựa chọn không tinh, được không bù mất.
  • Chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    06/06/2017Anh VũBộ phim tài liệu- dài gần bốn tiếng đồng hồ chiếu liền một mạch -“Mạn đàm về người man di hiện đại”, cố gắng xây dựng một chân dung thật minh oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người từng bị cho là tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ qua.
  • Bước ngoặt kỳ lạ giúp 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy

    16/04/2017Diệu Bình - Ngọc TrangDo gia cảnh nghèo khó, thuở nhỏ Nguyễn Văn Vĩnh đã phải chăn bò thuê. Rồi sau đó, để đỡ đần cho gia đình, ông nhận làm công việc kéo quạt thuê tại trường Hậu bổ (Thông ngôn) của Pháp, mở ở Đình Yên Phụ (Đình An Trí)… Từ đây cuộc đời ông bước vào một hành trình đầy thăng hoa mà cũng nhiều phần ai oán...
  • Cờ bạc

    25/02/2017Nguyễn Văn VĩnhỞ Hà-Nội bây giờ tuy nhà-nước có phép cấm, nhưng vẫn còn nhiều nơi mở cờ-bạc lậu...
  • Tại sao văn học Việt Nam tụt hậu?

    30/12/2016Triệu Từ TruyềnVai trò nhà cầm quyền rất lớn để tạo ra môi trường cho văn thi sĩ sáng tạo. Ngay dưới chế độ phong kiến hà khắc, cũng có nhiều vị hoàng đế ý thức được chính sách này. Dưới thời Napoléon đệ tam, Victor Hugo quyết liệt chống hoàng đế với những lời lẽ miệt thị cùng cực, nhưng ông vẫn được Napoléon III ân xá, dù dứt khoát không thoả hiệp, khi mất Victor Hugo vẫn được tổ chức quốc tang trong điện Panthéon. Rõ ràng chưa có chế độ nào vì chủ trương tự do sáng tác mà bị suy yếu, hay sụp đổ…
  • Nghèo khó, biếng lười, xấu xí

    29/09/2016Vương Trí NhànNgười nước của chúng ta, bởi không từng trải ít thấy rộng ít nghe xa (...) hễ vừa mới động nở nòi ra một thí là đổi tính đổi nết, làm bề làm thế, muốn nghỉ mà ăn chơi. Bởi làm sao vậy?
  • Chữ Nho, nên để hay là nên bỏ?

    08/09/2016Nguyễn Văn VĩnhBài viết của Nguyễn Văn Vĩnh cũng xác định rõ quan điểm minh bạch của tác giả về thái độ ứng xử trước chữ Nho, tuyệt đối không có sự hạ thấp hay coi thường như luận điệu của một nhóm người thiếu thiện chí, từng mượn cớ thóa mạ Nguyễn Văn Vĩnh là kẻ tội đồ trong việc động viên cuộc cách mạng văn hóa, đẩy chữ Quốc ngữ soán ngôi vị của chữ Nho, làm đứt mạch văn hóa Hán Nôm của dân tộc Việt...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: cần mẫn bất đắc dĩ, không thiết gì, trống rỗng

    05/11/2015Vương Trí NhànDân An Nam ta có nhiều tật xấu, duy có một tật làm biếng là không ai trách được(1). Chỉ hiềm một điều làm ăn thì cần mẫn, nhưng lại không coi cái cần mẫn ấy là vinh hiển, tựa hồ như một điều bất đắc dĩ phải làm thì làm, chớ không có gì vẻ vang...
  • Thói hư tật xấu của người mình

    08/10/2015Trần Văn GiangỞ hòan cảnh Việt Nam, đã gần một thế kỷ rồi, thế hệ cha ông của chúng ta cũng đã có rất nhiều người dám vạch thẳng những tính xấu, những hủ tục của người Việt mình để biết mà sửa đổi...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: thô tục, vô duyên, luộm thuộm

    30/09/2015Vương Trí NhànNói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta không tiếng nước nào dịch nổi, giả sử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô(1) cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt. Thử ngẫm mà xem, những câu ấy có nghĩa lý gì đâu...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Thị hiếu tầm thường, Thời gian phí phạm

    06/09/2015Vương Trí NhànNgười Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu càng xấu bấy nhiêu...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: quá viển vông, tầm thường hóa, quá tin sách, tín ngưỡng nông

    03/09/2015Vương Trí NhànMặc dù sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn, về sự sống ở thế giới bên kia, về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách...
  • Nghĩ về những thói hư tật xấu của người mình

    15/10/2006Dương Trung QuốcKhông biết có phải vì được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của nước Trung Hoa trong cuộc cải cách mà dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn “Người Trung Hoa xấu xí” của Bá Dương...
  • xem toàn bộ