Tạo luồng sinh khí mới

02:25 CH @ Thứ Tư - 21 Tháng Tư, 2010

"Nhiều anh chị em trí thức Việt kiều khi trao đổi với chúng tôi nói rằng, trước hết mong Nhà nước ta sử dụng tốt lực lượng trí thức trong nước, rồi tạo môi trường thuận lợi cho trí thức Việt kiều về làm việc". Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đã tâm sự như vậy khi trao đổi về việc thu hút, sử dụng trí thức để xây dựng, phát triển đất nước.

Tạo sân chơi hấp dẫn và hiệu quả

Có khi nào ông hình dung một ngày không xa LHH giống như một thư viện tổng hợp để mỗi khi tham gia tư vấn, phản biện một sự án lớn của đất nước các nhà khoa học dễ dàng tìm kiếm thông tin họ cần để đưa ra những ý kiến phản biện xác đáng nhất?

Ở nhiều nước, các tổ chức như Liên hiệp hội được coi như Viện Hàn lâm. Nơi đó tập hợp nhiều học giả giỏi nhất của các lĩnh vực khoa học họ có thể phát biểu những ý kiến có giá trị về tất cả các vấn đề của xã hội. Vì vậy, điều tôi mong ước là Liên hiệp hội có một bộ dữ liệu đầy đủ nhất và chính xác nhất về các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng như kinh tế - xã hội. Nếu chúng ta làm được điều này, tin rằng hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam sẽ vươn lên một tầm cao mới.

Vậy điều cản trở ước mong này thành hiện thực thưa ông?

Trước hết, có lẽ là do cơ chế tập hợp của Liên hiệp hội Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn. Mặt khác, xã hội ta chưa có một nhu cầu cao cũng như chưa có truyền thống sử dụng các ý kiến tư vấn, phản biện độc lập, có khi là những ý kiến khác chiều. Vì vậy, Liên hiệp hội Việt Nam mặc dù có sự tham gia của đông đảo nhà khoa học đầu ngành, song không phải lúc nào các nhà hoạch định chính sách cũng sẵn sàng trưng cầu ý kiến của họ.

Nếu có thể thay đổi, ông sẽ làm gì để lực lượng trí thức có một “sân chơi” và họ phát huy hết mình cho sự phát triển của đất nước?

Chúng ta đã có một nghị quyết rất hay đó là Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Nghị quyết này nêu rõ, cần tạo diễn đàn để khuyến khích và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Phê phán và xoá bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng. Đây là một quan điểm chỉ đạo vô cùng quan trọng, vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, từ văn kiện đi vào cuộc sống còn một bước dài. Việc thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo trên sẽ tạo ra sân chơi hấp dẫn và hiệu quả trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Phải chăng đội ngũ trí thức chưa tạo được “thế” nhất định nên các ý kiến đưa ra chưa có sức nặng?

Nói như vậy cũng có ý. Nhưng ngược lại phải nói rằng, các cơ quan các cấp trên chưa thực sự lắng nghe ý kiến của trí thức, của xã hội. Các nhà hoạch định chính sách cần biết lắng nghe, biết đối thoại trước khi ra quyết định. Điều này không chỉ có lợi cho đất nước mà ngay cả với anh em trí thức cũng phấn khởi vì thấy mình đã được lắng nghe. Họ thấy sự đóng góp của mình là có ích và tiếp tục cố gắng đóng góp cho đất nước.

Chưa khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong khoa học

Ông có nghĩ rằng, bản thân tổ chức Liên hiệp hội cũng cần đổi mới bằng cách thu hút lực lượng trí thức trẻ để tạo một luồng sinh khí mới cho các hoạt động của mình?

Điều này thực sự rất cần thiết. Chúng ta vẫn hay nói tre già, măng mọc, nếu măng không mọc được thì bụi tre ấy sẽ bị tàn lụi. Với tổ chức Liên hiệp hội Việt Nam cũng vậy, ngày càng cần có ý kiến của lực lượng trí thức trẻ vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Qua tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, thấy nhiều người có kiến thức rất tốt, am hiểu nhiều vấn đề của khoa học, công nghệ và của xã hội nói chung. Đây là đội ngũ có triển vọng vì nhiều người trong số họ có điều kiện được đào tạo bài bản và có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các nhà khoa học trong và ngoài nước, tiếp cận với các nguồn thông tin quốc tế phong phú mà đôi khi các nhà trí thức lớn tuổi không có điều kiện để thực hiện.

Thế nhưng, sự tham gia của lực lượng này xem ra vẫn còn mờ nhạt?

Có nhiều lý do, thứ nhất trong xã hội nhu cầu về các ý kiến tư vấn chưa cao nên chưa thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Mặt khác, hiện nay giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp cụ thể. Một điều nữa, Liên hiệp hội thấy rằng, việc thu hút trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp cũng là điểm yếu của mình. Ở nhiều nước quanh ta, sự tham gia hoạt động hội là nhu cầu thiết thân của anh chị em trí thức trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành đạt trong sự nghiệp của họ. Như vậy là hội ở đó đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trí thức KH&CN nói chung và trí thức trẻ nói riêng. Vì nhiều lí do khách quan và chủ quan hội ở nước ta chưa làm được như vậy.

Vậy còn với trí thức Việt kiều thì sao, thưa ông?

Hiện nay có khoảng trên dưới 300.000 trí thức Việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các nước phát triển với nền khoa học và công nghệ rất cao. Phần lớn trong số đó vẫn gắn bó với quê hương, có mong muốn được đóng góp trí tuệ của mình vào sự phát triển đất nước. Chúng ta đã có khá nhiều chính sách để thu hút anh chị em về phục vụ đất nước, nhưng xem ra chưa đủ sức hấp dẫn, cho nên hiệu quả của các chính sách đó chưa cao. Về mặt này, chúng ta phải học tập cách làm của Trung Quốc. Nhiều anh chị em trí thức Việt kiều nói rằng, trước hết mong Nhà nước ta sử dụng thật tốt lực lượng trí thức trong nước, rồi tạo môi trường thuận lợi cho trí thức Việt kiều về làm việc.

Xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm người Việt Nam

    28/10/2016Nguyễn Khắc ViệnTốt nghiệp phổ thông, chuyên nghiệp và cả đại học nữa nhiều khi cũng không tìm ra việc. Sống chưa nổi, nói gì đến lối sống. Có lần, chụp được tay một em bé móc túi, tôi hỏi: Tại sao em lại đi móc túi? Nó hỏi lại: Thế bác bảo cháu làm gì bây giờ?
  • GS Ngô Bảo Châu: Cần nhất là "thổi lại" tinh thần hiếu học

    17/12/2009Kim Dung"Tổ chức xây dựng những nhóm nghiên cứu khoa học trẻ, năng động, là con đường lâu dài để tổ chức lại, để tạo một sức sống mới cho khoa học nước ta." - GS Ngô Bảo Châu.
  • Gặp “ông chủ” Viet-studies

    13/09/2008Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiệnCác “fan” bất ngờ gặp ở Press Café trong cơn mưa lạ Sài Gòn. Hiểu vì sao trên trang web được coi như bộ lọc tri thức lớn nhất, có dòng báo cáo: “Cho đến ngày 16.8 trang này không được cập nhật thường xuyên – người làm trang về quê”. Vị khách cao gầy, áo pun giản dị, kêu “1 ly cà phê đá lớn” – giáo sư tại Mỹ nổi tiếng nhưng khiêm nhường - Trần Hữu Dũng...
  • Điểm hẹn của trí thức toàn cầu

    12/01/2006Minh Hoàn“Điểm hẹn của trí thức toàn cầu” là lời khen tặng của tờ New York Times dành cho trang web http://www.aldaily.com/, sau khi trang web này được trao giải webbys trong lĩnh vực Internet (có giá trị như giải Oscar trong lĩnh vực điện ảnh), đánh bại các trang báo điện tử lớn như CNN, BBC… vào năm 2002. Nhưng không nhiều người biết một trong hai tác giả của “Oscar” Internet đó là một người Việt, GS. Trần Hữu Dũng, Khoa Kinh tế, Đại học Wright State (Dayton, bang Ohio, Mỹ)...