Tản mạn về quốc gia và chính khách không đón đợi

07:15 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Giêng, 2011
Xem phần 1:

Những con đường (đã là hiện thực hay ở dạng tư tưởng, lý thuyết) mà các cá nhân, dân tộc khác đi qua, ở những thời khắc và tọa độ địa lý khác nhau luôn là những bài học chỉ đường cho chúng ta ngày hôm nay.


Những điều tốt đẹp có thể dẫn dắt ước vọng cho chúng ta, còn những điều đen tối lại là cảnh báo nghiêm trọng để chúng ta đề phòng.

Việc hướng tới những ước vọng cao đẹp không trái ngược hay phủ định việc tuân thủ công lý, hiến pháp bỏ qua những cảnh báo quan trọng. Qua 2 câu chuyện về quốc gia/ chính trị gia tương đối giống nhaudưới đây ta thấy việc cẩn trọng đề phòng sự chệch hướng là rất quan trọng đối với những nước đang muốn tiến chắc đến tương lai tươi sáng.

1. Philippines và chính khách Ferdinand Marcos

Philippines là quốc gia có 300 năm là thuộc địa của Tây Ban Nha và một thời gian ngắn do Vương quốc Anh cai trị. Từ năm 1935, Phillipines là thuộc địa của Mỹ, nhiều năm dưới quy chế một nước thuộc Khối thịnh vượng chung của Mỹ. Từ ngày 4/7/1946, Philippines được trao trả độc lập và chính phủ được tổ chức theo kiểu cộng hòa do Tổng thống lãnh đạo, bầu cử tổng thống thông qua phổ thông đầu phiếu, 6 năm bầu lại một lần.

Ferdinand Marcos (1917-1989) là một luật sư, làm dân biểu Hạ viện Philippines từ năm 1949 đến 1959, rồi làm thượng nghị sĩ từ 1959 đến 1965, trong đó từ năm 1963 ông giữ chức chủ tịch Thượng viện. Trong cuộc bầu cử năm 1965, ông được bầu làm Tổng thống thứ 10 của Philipines.

Trong nhiệm kỳ đầu (1965-1969), với vai trò Tổng thống, Marcos đã có công rất lớn trong việc phát triển hạ tầng (đường xá, cầu cống, nhà máy điện, nhà máy nước và công trình công cộng) và nâng cao vị thế ngoại giao trên trường quốc tế.

Sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 (1969-1973) Marcos qua những hình ảnh, thông điệp tuyên truyền tạo nên tệ sùng bái cá nhân. Ông cho ồ ạt đầu tư phát triển hạ tầng làm cho mức bội chi ngân sách của chính phủ ngày một tăng cao, mức nợ công của chính phủ năm 1969 đã tăng gấp đôi so với năm 1966, lạm phát ngày một tăng cao buộc Philippines phải vay nợ IMF.

Cùng các khó khăn kinh tế, suốt những năm cuối thập niên 60 và hai năm đầu thập niên 1970, liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình cực đoan của học sinh, sinh viên chống Mỹ và đòi xây dựng hiến pháp mới thay cho hiến pháp của Khối thịnh vượng chung của Mỹ từ 1935. Học sinh, sinh viên ở các trường cao đẳng, các trường đại học tổ chức các cuộc biểu tình lớn và các cuộc biểu tình để bày tỏ nỗi thất vọng và oán giận. Điểm đỉnh là xô xát giữa quân đội và sinh viên.

Marcos cho thay đổi hiến pháp với tuyên bố hiến pháp mới sẽ tạo nên một “xã hội mới” nền tảng bởi những giá trị xã hội và chính trị mới. Hiến pháp này giúp Marcos kéo dài được nhiệm kỳ của mình dưới vị trí Thủ tướng (1972-1981). Tiếp theo Marcos ra lệnh thiết quân luật, gỡ bỏ tự do báo chí và tự do dân sự, đóng cửa Quốc hội và phương tiện truyền thông và bắt giữ lãnh đạo phe đối lập và các đối thủ chính trị; nhiều đối thủ chính trị buộc phải đi lưu vong.

Sau mười hai năm, Phillipines tiến hành bầu cử tổng thống dưới Hiến pháp mới và Marcos lại tham gia tranh cử, nhiệm kỳ 1981-1986. Ferdinand Marcos giành thắng lợi lớn trong khi các Đảng đối lập tẩy chay và thế giới phản đối việc tổ chức bầu cử gian lận.

Vậy là để kéo dài việc cầm quyền thêm nữa, Marcos đã tiến hành những biện pháp vi hiến và để cho nạn tham nhũng, chuyên quyền, gia đình trị và vi phạm nhân quyền tràn lan, biến chính phủ mình đứng đầu biến chất và mất uy tín, xã hội ngày một căng thẳng, bất ổn, nhân dân bất mãn.

Năm 1983, lãnh tụ đối lập -thượng nghị sĩ Benigno Aquino sau thời gian dài sống lưu vong trở về Phillipines và bị ám sát ngay tại sân bay quốc tế Manila. Chính phủ Marcos bị buộc tội đã chủ mưu ám sát đối thủ chính trị Benigno Aquino. Từ đó Marcos bị cô lập về chính trị cả trong nước và quốc tế.

Năm 1986, thông tin về việc gia đình ông đã chuyển hàng trăm triệu USD vào Mỹ để mua bất động sản tại các bang New Jersey, New York, San Francisco, California, Honolulu, Hawaii,… bị lộ ra, người dân đã khinh bỉ, căm phẫn và xuống đường biểu tình thực thi “quyền lực nhân dân” lật đổ chính quyền của Marcos. Ông và gia đình bị buộc tội tham nhũng, đàn áp chính trị và chà đạp nhân quyền và bị trục xuất sang sống lưu vong tại Hawaii. Marcos qua đời năm 1989 và không được chôn ở nghĩa trang quốc gia dành cho những anh hùng Philippines do là tội phạm.

Về phát triển kinh tế

Thời kỳ Marcos có những thời điểm kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhưng trên toàn cục thì kinh tế không phát triển.

Vào thập niên 1950, Philippines là nước phát triển chỉ sau Nhật, cao hơn cả Hàn Quốc. Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan, nhưng đến giữa thập niên 1980 Thái Lan đã theo kịp Philippines và khoảng năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960. Năm 1985, GDP đầu người của Philippines cao gấp 3,5 lần Trung Quốc nhưng sau năm 2000, Trung Quốc đã vượt Philippines.

Để giúp một số dự án phát triển kinh tế, như xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền Marcos đã gia tăng vay tiền nước ngoài. Trong thời gian Marcos cầm quyền nợ nước ngoài tăng 27 tỷ USD. Cho tới năm 1983, do chính trị bất ổn, kinh tế Phillipines suy giảm, việc chính phủ Philippines vay nợ cũng khó khăn hơn. Chính phủ Marcos cũng buộc phải đàm phán với chủ nợ nước ngoài để tái cơ cấu và giãn nợ. Marcos cũng buộc phải cắt giảm chi tiêu công. Tình trạng bất ổn dân sự, tham nhũng tràn lan, gia tăng thất nghiệp và độ tin cậy suy giảm cùng với việc chuyển số tiền lớn của chính phủ vào quỹ riêng của Đảng.

Theo số liệu của Ủy ban trong sạch chính phủ thuộc Phủ Tổng thống Philippines ngày 26/2/2006 thì cố Tổng thống Ferdinand Marcos và tay chân trong 4 nhiệm kỳ Tổng thống đã tham nhũng 100 tỷ USD (chuyển vào Mỹ, Thụy Sĩ và một số nước).20 năm kể từ khi Marcos bị lật đổ, các nhà điều tra vẫn đang truy lùng để thu hồi các khoản tiền này. Cho đến nay, Chính phủ Philippines đã phát hiện được 8 tỷ USD của Marcos giấu tại các ngân hàng phương Tây, và đã thu hồi được 2 tỷ USD. Ủy ban điều tra còn phát hiện 419 khoản cho vay của gia đình Marcos trị giá đến 444,8 triệu USD.

Tại dinh thự Tổng thống, người ta đã phát hiện ra 1.220 đôi giày cùng với 508 chiếc váy dài chấm gót, 888 túi xách, 65 chiếc ô và 15 chiếc áo lông thú đắt tiền của vợ ông Imelda Marcos - trở thành biểu tượng của lối sống xa hoa của vợ chồng Marcos. Ngoài ra, chính phủ còn tịch thu 2 bộ sưu tập trang sức trị giá 310 triệu USD, để lại khi bà Marcos bỏ chạy. Bà Marcos nổi danh từ khi còn là đệ nhất phu nhân với các trò tiêu hoang lãng phí. Một đệ nhất phu nhân hay đi mua sắm tại các cửa hiệu sang trọng bậc nhất trên thế giới và nổi tiếng với các "dự án" làm đẹp.


Vợ chồng Ferdinand Marcos và Imelda Marcos


Kho giày gây sốc của bà Marcos trong tầng hầm cung điện Malacan


2. Romania và chính khách NicolaeCeauşescu

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Romania trở thành nước Đông Nam Âu chuyển từ chế độ quân chủ (vua Michael I rời bỏ ngai vàng) sang chế độ quản trị của quân đội Liên Xô. Sau thỏa thuận rút binh lính Liên Xô khỏi Romania, từ năm 1958, Romania, dưới sự lãnh đạo của Nicolae Ceauşescu bắt đầu theo đuổi những chính sách độc lập hơn với Liên Xô.

Nicolae Ceauşescu (1918-1989) thời trẻ, tham gia du kích, chiến đấu chống phát xít Đức. Ông đã hoạt động bí mật và đi tù cùng với Gheorghe Gheorghiu-Dej – lãnh tụ Đảng Lao động Romania sau này.

Năm 1945, kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, quân đội Hồng quân Xô Viết chiếm đóng Romania và áp dụng chế độ Xô viết. Ceauşescu được Gheorghe Gheorghiu-Dej cất nhắc lên vị trí Bí thư Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Romania.

Năm 1947, sau khi đảng Lao Động Romania giành được chính quyền từ tay chế độ quân chủ, Ceaucescu được đề cử giữ chức Bộ trưởng bộ Nông nghiệp, sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1952, ông được bầu làm ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Romania và năm 1954 được bầu vào Bộ Chính Trị.

Năm 1965, sau cái chết của chủ tịch Đảng, ông được bầu làm chủ tịch nước Romania, kiêm chủ tịch đảng Lao Động Romania. Trong năm đầu, ông đã đổi tên thành Đảng Cộng Sản Romania và ký sắc lệnh đổi tên nước Cộng hòa Nhân dân Romania thành nước Cộng hòa XHCN Romania.

Ceauşescu theo chủ nghĩa dân tộc, công khai phê phán chính sách đối ngoại của Liên Xô, bắt tay sớm với phương Tây (từ 1969, ông đã mời Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Romania) và tìm cách phát triển kinh tế theo cách riêng.

Năm 1971, Ceauşescu đi thăm 3 nước Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên, rất ấn tượng về cách lãnh đạo của Kim Nhật Thành và cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc. Ông đã chuyển sang xu hướng lãnh đạo độc tài, duy ý chí và tăng cường vai trò tuyên truyền tư tưởng trong các trường học, lấy chính trị làm trung tâm trong các phương tiện truyền thông, văn học, điện ảnh, sân khấu... Ceauşescu cho họa sĩ vẽ thật nhiều bức ảnh chân dung của mình rồi cho treo cùng khắp nước Romania, đưa hình ảnh của mình phát trên truyền hình. Rumania rơi vào nạn tệ sùng bái cá nhân - Ceausescu là lãnh tụ tối cao anh minh giống như Stalin ở Liên Xô hay Mao Trạch Đông tại Trung Quốc. Năm 1974, ông củng cố thêm quyền lực bằng cách duy trì mạng lưới mật vụ, kiểm soát chặt chẽ truyền thông và ngôn luận, và không khoan nhượng với những ai đối lập.



Một poster tuyên truyền trên những con phố thủ đô Bucharest, 1986

Về kinh tế, năm 1972 Ceauşescu đề ra kế hoạch " xây dựng xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện ”. Đưa nông dân vào sống trong các khu tập thể với các nhà cao tầng được xây dựng theo kiểu thành phố. 1/5 trung tâm thủ đô Bukarest gồm cả các nhà thờ và các công trình lịch sử, bị phá huỷ do đô thị hóa. Do đầu tư dàn trải về hạ tầng và quản lý kinh tế yếu kém, nợ nước ngoài của Romania gia tăng không ngừng. Từ năm 1977-1981, nợ nước ngoài tăng từ 3 lên 18 tỷ USD, vay nợ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và Ngân hàng thế giới ngày một bất lợi.

Cuối những năm 80, nợ đến hạn phải trả, Nicolae Ceauşescu đã đề xướng một phương án trả nợ nước ngoài nhưng làm Romania lầm vào nghèo đói, kiệt quệ. Đó là xuất khẩu hầu hết sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp Romania làm ra để chi trả các khoản nợ. Ông tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và tìm cách thay đổi hiến pháp, thêm vào một điều khoản cấm Romania nhận các khoản vay từ nước ngoài trong tương lai. Kết quả trưng cầu dân ý hầu như toàn bộ là "đồng ý".

Kết quả là sự thiếu hụt trong nước khiến cuộc sống của những người dân Romania trở thành một cuộc đấu tranh sinh tồn bởi thực phẩm bị phân phối và nhiên liệu sưởi ấm, gas và điện bị quản lý. Trong thập niên 1980, điều kiện sống ngày càng khốn khó, đặc biệt là số lượng và chất lượng thực phẩm cũng như hàng hoá trong các cửa hàng. Cuối cùng khoản nợ nước ngoài được thanh toán hết vào mùa hè năm 1989.

Việc tăng cường an ninh bắt bớ, tham nhũng tràn lan và tệ nạn sùng bái cá nhân chối bỏ một thực tế rõ ràng là cuộc sống của người dân đã đến mức tồi tệ, thiếu thốn trầm trọng, khó khăn trăm bề. Điều đó đã làm giảm uy tín của Nicolae Ceauşescu và dẫn đến việc lật đổ ông về sau.


Ceauşescu và vợ Elena Petrescu

Trong khi đó, vợ chồng Ceauşescu đã biến nhà nước thành một chế độ độc tài, “gia đình trị” với cuộc sống vương giả, sa hoa. Hai vợ chồng Ceauşescu có 39 vila sang trọng, được xây dựng ở các vùng khác nhau của Rumani, 21 căn hộ cao cấp giành riêng cho Ceauşescu tại các sứ quán của Rumani ở nước ngoài. Tại thủ đô, 2 vợ chồng sống trong một cung điện sang trọng với 40 phòngkhác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm đượckhảm bằng vàng 18. Mỗi phòng đều có truyền hình, máy video và những đồđắt tiền.

Đội bay phục vụ Ceauşescu với 9 máy bay (trong đó có 2 chiếc IL-62 và 1 Boeing707), ba trực thăng và 3 đoàn tầu hỏa đặc biệt. Ngoài sở hữu những căn biệt thự tại Pháp và các nước khác, Ceauşescu còn có thú sưu tầm máy bay và du thuyền.

Tem kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Nicolae Ceauşescu, 1988

Chính biến lật đổ chế độ

Ngày 17/12/1989, Ceauşescu ban lệnh trục xuất Linh mục Laszo Tokes người Hung ra khỏi nước vì ông này đã tranh đấu nhân quyền cho người Hungary tại thành phố Timisoara. Lực lượng an ninh và xe tăng của quân đội đã nã súng bừa bãi vào đoàn biểu tình 200 giáo dân và dân thường, trong đó có cả sinh viên.

Nhân sự kiện này và việc Ceauşescu kết án tử hình Bộ trưởng quốc phòng Vasile Milea chống lệnh, từ chối cho quân đội bắn vào dân, nông dân, công nhân và quân đội khắp cả nước đã nổi dậy, làm chính biến đảo chính lật đổ chế độ Ceauşescu.

Sáng ngày 25/12/1989, sau khi bắt được vợ chồng Ceauşescu, tòa án quân đội đã xử tội danh Diệt chủng tại vụ án Timisoara, kết án tử hình trong phiên tòa 55 phút có truyền hình trực tiếp và xử tử hình cả hai ngay cùng ngày.

"Do họ đã phạm phải các tội ác chống lại loài người, tôi thay mặt các nạn nhân của hai tên bạo chúa này đề nghị án tử hình cho hai bị cáo, với các tội danh sau: Tội diệt chủng, theo Điều 256 Bộ luật hình sự; tội tấn công vũ trang nhằm vào nhân dân và quyền lực của Nhà nước, theo Điều 163 Bộ luật hình sự; tội hủy hoại các tòa nhà và cơ quan của Nhà nước, hủy hoại nền kinh tế quốc gia, theo Điều 165 và Điều 145 Bộ luật hình sự" (Trích biên bản phiên tòa xét xử Nicolae và Elena Ceauşescu, ngày 25 tháng 12 năm 1989)


Nicolae Ceauşescu bỏ chạy khỏi Bucharest bằng trực thăng
ngày 22/12/1989 trước khi bị bắt và xử tử

Sau sự kiện này, Romania quay trở lại tiến trình dân chủ và từ năm 2007, Romania đã chính thức trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu (EU).

3. Những điểm rút ra từ câu chuyện của Nicolae Ceauşescu (Romania) và Ferdinand Marcos (Philippines)

Philippneslà quốc gia châu Á nằm trong khu vực Đông Nam Á, còn Romania là quốc gia ở Đông Nam Âu. Mặc dù diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra tại 2 quốc gia ở tại 2 vùng địa lý khác nhau trên thế giới và với chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau nhưng ta có thể nhận thấy một vài điểm chung như sau:

- Lãnh đạo của hai quốc gia đều muốn phát triển nền kinh tế, vị thế của quốc gia và uy tín lãnh đạo của mình. Những năm đầu đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, họ đã có những công lao nhất định và đạt những thành tựu đầu tiên có dấu ấn. Dần dần, họ tìm cách ra tăng uy tín hết sức sai trái bằng tệ nạn sùng bái cá nhân.
- Họ tiến dần đến độc đoán, lạm quyền/ chuyên quyền, đưa người thân, gia đình vào tham nhũng, để cho tham nhũng ngày một tăng và biển thủ các tài sản quốc gia.
- Do năng lực quản lý kinh tế-xã hội yếu kém nên họ đã đẩy kinh tế đất nước thụt lùi, nợ nần quốc tế ngày một cao, người dân sống trong lầm than và chịu nhiều tầng kìm kẹp
- Hậu quả đẩy đến là các nhiệm kỳ 5 năm, 10 năm cuối cùng xã hội đã bộc lộ muôn vàn bất công, bất ổn và căng thẳng
- Cuối cùng, người dân bất mãn đã không chịu nổi và vùng lên, thực thi quyền tự quyết


Chỉ số kinh tế hiện nay của Philippines, Romania
và Việt Nam


Philippines
: Dân số (2005): 87.857 triệu , GDP (2005): 189,061 tỷ USD , GDP trên đầu người: 2.151 USD

Romania : Dân số (2007): 22.276 triệu , GDP (2007): 158,39 tỷ USD , GDP trên đầu người: 7.110 USD

Việt Nam : Dân số (2010): 89.571 triệu người , GDP (2009): 92,44 tỷ USD , GDP trên đầu người: 1.032 USD


LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô

    24/02/2014Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn nguời tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moscow. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
  • Lãnh tụ Đảng nhiều thế hệ xa rời quần chúng, vô nguyên tắc, bất tài

    01/09/2010Đối với một Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên
    tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển lại biến thành người đi đầu
    phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng
    ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa...
  • Tình trạng tham nhũng khắp nơi và nghiêm trọng

    01/09/2010Dưới thời Brezhnev, tình trạng tham nhũng tại Moscow và các nước cộng hòa thuộc Liên bang ngày càng nghiêm trọng...