Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

07:51 CH @ Thứ Năm - 03 Tháng Tư, 2008

Tiếp tục những trăn trở của một người đi trước dành cho giới trẻ, chị Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với bạn đọc một cách sống và làm việc theo triết lý nhà Phật trong thời đại cạnh tranh ý tưởng...

"No mà sạch, lành mà thơm thì vẫn tốt hơn"

- Với giới trẻ ngày hôm nay, chị cảm nhận gì về họ? Có một số người chỉ lo làm giàu, khi vào cơ quan, doanh nghiệp, họ mặc cả rất kĩ đồng thương, thưởng, tiền làm thêm giờ. Cũng có những doanh nghiệp trẻ mang tính chụp giật, chỉ lo tích trữ cho hiện tại. Chị có lời khuyên gì cho họ?

TTNT: Thật lòng không những tôi mong các bạn trẻ khao khát làm giàu mà tôi còn muốn cả dân tộc mình khao khát làm giàu. Đành rằng "đói cho sạch rách cho thơm", nhưng no mà sạch, lành mà thơm thì vẫn tốt hơn nhiều.

Thực tế cho chúng ta thấy, dân giàu thì nước mạnh, phú quí thì phát sinh lễ nghĩa. Nước VN hiện đang có thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng theo tôi, nhà nước, xã hội và cộng đồng không nên kỳ thị người giàu, mà nên khuyến khích giới trẻ làm giàu.

Những người lớn tuổi đừng nên lo lắng gì nhiều cho các bạn trẻ. Hiện nay đất nước đã có nhiều nhà doanh nghiệp trẻ làm giàu một cách đàng hoàng và đúng pháp luật.

Nói thì có thể quá, nhưng tôi tin, mươi năm nữa thôi, nước VN sẽ có một thế hệ các bạn trẻ biết làm giàu một cách chính đáng. Tôi cho rằng, VN của chúng ta có phúc lắm mới có được một giới trẻ khát khao làm giàu như vậy.

Tuy vậy, tôi xin phép được chia sẻ với giới thanh niên, doanh nhân trẻ về cách ứng xử với sự giàu có của mình: tiền đem đến cho ta sự giàu có, nhưng cái TÂM trong sáng giúp cho sự giàu có đó bền vững.

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi khuyên các bạn trẻ nên ghi lại những điều được và chưa được theo dạng nhật ký doanh nghiệp. Chịu khó thu thập những tài liệu liên quan đến ngành nghề của mình.

Từ những ghi chép như thế sẽ giúp chúng ta gạn đục khơi trong và hình thành lối tư duy lớp lang, logic. Khi đã thành công trên thương trường, những ghi chép đó sẽ giúp chúng ta đúc kết thực tế thành một phương pháp luận để truyền đạt lại cho giới trẻ.

- Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm khi làm việc với giới trẻ trong doanh nghiệp? Có những khó khăn nào mà chị phải đối mặt?

TTNT: Doanh nghiệp của tôi chỉ là một trong số 305.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong thị trường VN. Ngoài môi trường kinh doanh đầu tư khó khăn mà tôi đã đề cập, chúng tôi còn có một khó khăn chung, đó là vấn đề nguồn nhân lực ở trình độ trung, cao cấp.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn CEO, CFO, CMO... nói chung là những giám đốc điều hành, giám đốc nhân sự, giám đốc marketing, giám đốc tài chính trên thị trường hiện nay... Trước hết, chúng tôi rất trân trọng vì các bạn là bộ não của doanh nghiệp vì các bạn đã giúp chúng tôi, biến giấc mơ và ý tưởng của chúng tôi thành hiện thực.

Nhưng tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, một CEO giỏi không phải là người có nhiều bằng cấp mà còn phải chứng tỏ được mình bằng hiệu quả. Hiệu quả đó trong thương trường được đo bằng con số công ăn việc làm mà doanh nghiệp tạo ra ngày một nhiều, bằng lợi nhuận thực tế mà doanh nghiệp gặt hái được.

Nếu trên 6 tháng mà không đem thêm đồng lợi nào cho công ty hoặc không tạo thêm được công ăn việc làm cho xã hội thì đừng tự hào mình là CEO giỏi.

Đất nước mới có hơn 20 năm đổi mới, dù chúng tôi là những giới chủ doanh nghiệp có thể không có bằng cấp, học vị, nhưng chúng tôi là những người có kinh nghiệm và quan trọng hơn, là những người đã thành công trên thương trường.

Vậy khi chúng tôi mời các bạn về cộng tác, chúng tôi chỉ mong các bạn một điều: Ngoài việc biến ý tưởng của chúng tôi thành hiện thực, các bạn hãy khiêm tốn, trải lòng ra mà học. Nếu với bằng cấp, học vị, chuyên môn học vị của các bạn, cộng với kinh nghiệm của chúng tôi mà các bạn học hỏi được, thì các các bạn sẽ giỏi hơn rất nhiều.

"Mở cửa" đạo Phật

- Được biết hiện chị vẫn đang dự tuần lễ Văn hóa Phật giáo ở Huế. Chị còn tham gia tài trợ, thuyết trình và rất tâm huyết để xây dựng một chương trình rất ấn tượng cho Tuần lễ Văn hóa Phật giáo. Chị có thể chia sẻ về triết lý nhà Phật với bạn đọc?

TTNT: Thật lòng, khi đến với tuần lễ, tôi có nhiều cái lo, tôi lo sự vô ngã của giới tu hành và “hữu ngã” của giới kinh doanh khó có được tiếng nói chung. Nhưng tôi suy nghĩ thế này: Nếu chưa đạt được vô ngã thì hãy “hữu ngã” một cách đàng hoàng, chính trực minh bạch và có đạo đức.

Tại sao tôi lại mang đề tài kinh doanh chia sẻ trong tuần lễ Văn hóa Phật giáo? Có lẽ là bởi tôi trăn trở với cái nghèo của đất nước mình trong đó có cái nghèo của Huế..

Huế là nơi rất nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo nhưng hình như ít nhà kinh tế. Có phải nguyên nhân này làm cho Huế nghèo hơn trong mặt bằng chung với 64 tỉnh thành? Có phải vì vấn đề này chăng mà năng lực cạnh tranh ở Huế thấp? (Tôi nói vậy Huế có buồn tôi không)

Quả thật tôi phục lăn ban tổ chức Tuần lễ VH Phật giáo. Nội dung chương trình thể hiện quý thầy, quý ni đã mở toang cửa chùa chủ động đến với quần chúng, không phân biệt tầng lớp, đạo giáo.

Việc đưa bài trình bày "Bạn có muốn trở thành doanh nhân không?" của tôi vào chương trình tuần lễ Văn hóa Phật giáo là một thách thức lớn với Ban tổ chức. Nhất là khi mỗi buổi nói chuyện tại Tuần lễ này có ngày đã thu hút hàng ngàn phật tử về tham dự. Tôi rất hiểu sự căng thẳng của các thầy, các ni trong Tuần lễ̉ VHPG. Cho phép tôi thay mặt giới doanh nhân Phật tử trân trọng tấm lòng dấn thấn bao la đó.

Tôi không có gì khác ngoài hơn 20 năm kinh nghiệm trên thương trường, vì vậy tôi đem đề tài kinh doanh chia sẻ với các bạn thanh niên tại Tuần lễ Văn hóa Phật giáo.

Sau buổi nói chuyện vào chiều ngày 2/3/2008, Ban tổ chức và tôi “nín thở” lắng nghe ý kiến phản hồi của giới trẻ. Bây giờ tôi có thể tự tin khẳng định rằng, bài nói chuyện của tôi đã thành công và có tác động tích cực đến suy nghĩ của thanh niên Huế. Điều gì xuất phát từ tâm sẽ đến được với trái tim.

Thú vị hơn nữa là không chỉ có thanh niên Huế quan tâm đến chuyện kinh doanh mà còn có một số ni sư nữa. Các ni đã chủ động mời tôi đến chùa để nói chuyện kinh doanh.

Ngày thứ hai (3/3/2008) tôi đã trình bày “những mô hình kinh doanh trong phạm vi có thể đối với giới tu hành” với khoảng hơn 70 ni tại chùa Diệu Đức.

Tại sao tôi lại bước chân vào chùa để nói chuyện kinh doanh? Vì tôi biết, các ni ở chùa rất thường xuyên tham gia làm từ thiện.

Các ni không có của cải riêng cho nên phải xin đồng tiền từ thiện từ nhiều nguồn khác nhau. Như độc giả biết đấy, tiền từ thiện thì vui người ta cho, buồn người ta không cho.

Vậy thì tại sao chúng ta bàn tính việc chủ động tìm kiếm đồng lời rồi dùng đồng lời đó đi làm từ thiện? Vì bất cứ hoạt động nào, kể cả hoạt động từ thiện, có chi thì phải có thu. Cũng như nước thủy triều của một dòng sông vậy, nếu không thì nó cạn.

Tôi đã đặt chân đến Rome (Ý), tôi nhìn thấy hệ thống kinh doanh ở đây của các ma soeur chuyên nghiệp như thế nào. Tôi đã đặt chân đến các nước trong đó có nước Trung Quốc, tôi đã thấy các sư và ni tại đây cũng kinh doanh rất chuyên nghiệp.

Tôi đã giới thiệu các mô hình kinh doanh phù hợp với các ni. Ví dụ: Có một thị trường đang được bỏ ngỏ, đó là việc nuôi trẻ từ 6 tháng đến 35 tháng. Lứa tuổi này Nhà nước chưa tổ chức nhà trẻ, cha mẹ chỉ biết gửi con ở nhà trẻ tư nhân.

Ở đó, đã có nhiều trẻ bị đối xử không tử tế như vừa qua truyền hình, báo chí đã đưa tin. Việc nuôi trẻ trong lứa tuổi này, nếu các ni cô nhận làm, với uy tín và tấm lòng của các ni, tôi tin rằng các ni vừa có đồng lợi nhuận, vừa cứu giúp được đời.

Ví dụ thứ hai về vấn đề kinh doanh nghĩa trang: Giao tâm linh của mình vào giới tu hành thì còn gì an tâm hơn nữa?

Tôi rất vui vì sự lĩnh hội của tôi và nhà chùa đã gặp được nhau ở điểm này. Có thể thời gian tới sẽ có những mô hình kinh doanh của giới tu hành.

Những khóa tu cho người đời, tại sao không?

Tôi còn một đề nghị nữa, là tổ chức những khóa tu dành riêng cho doanh nhân, giới báo chí, v...v. Thời gian mỗi khóa tu có thể ngắn dài khác nhau: 3 ngày, 5 ngày hoặc một tuần... Nếu những khóa tu như vậy đến với giới doanh nhân, chính khách, giới báo chí, ngoài chút lợi nhuận các ni thu được, đó còn là một cách để hướng cộng đồng về với cội nguồn.

Số người theo đạo Phật là con số không hề nhỏ, có thể nói trong dân số VN là lớn nhất. Khi những khóa tập tu như vậy được tổ chức, sẽ giúp cho những người tham dự lắng lòng mình lại, tự chiêm nghiệm đời mình...

Nếu có nhiều khóa như vậy thì chắc chắn những chuyện như sập cầu Cần Thơ, chuyện rút ruột công trình, mua gian bán lận, những chuyện tham nhũng... rồi sẽ được bớt đi.

Tôi biết, tu giữa thương trường như thế các sư, ni sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin các sư, ni sẵn sàng vì cộng đồng dấn thân, không quản ngại.

- Hướng đến một tinh thần trách nhiệm xã hội và đạo Phật, chị tìm thấy điều gì tương đồng trong chuyện này?

TTNT: Trong bài viết Lạc thụ dụng từng đăng tải trên Tuần Việt Nam, tôi đã viết: "Đồng tiền không có gương mặt riêng, nó mang đúng gương mặt của người nắm giữ nó, thể hiện qua cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền".

Khi chúng ta nhìn đồng tiền như thế, chúng ta không ngần ngại để kiếm nó. Trong xã hội hiện nay có những người kiếm được tiền bằng sự tham nhũng, bằng sự gian dối, lừa gạt.

Nhưng cũng có những người kiếm được tiền bằng cách tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác, tạo ra cơ sở vật chất cho xã hội. Cách kiếm tiền như thế thể hiện phẩm chất đạo đức của người kiếm tiền.

Đồng tiền thu được từ lợi nhuận, có những người tiêu vào bài bạc, ăn chơi trác táng... Nhưng có những đồng tiền lại tái tạo ra việc làm mới cho xã hội, có những đồng tiền như nước Cam Lồ tưới vào những mảnh đời bất hạnh.

Chúng ta không nên đổ lỗi cho đồng tiền. Đồng tiền vô ngã. Vấn đề là ta nhìn đồng tiền thế nào và đối xử với nó ra sao!

- Thưa chị, nhưng hiện nay, môi trường kinh doanh luôn có triết lý cạnh tranh, để một người tồn tại trên thương trường thì phải vượt lên trên người khác, phải người được người thua. Trong đạo Phật thì lại có triết lý từ bi bác ái, vậy thì có gì mâu thuẫn không?

TTNT: Cạnh tranh trong thời đại ngày nay là hai bên cùng thắng. Mà không chỉ có hai bên cùng thắng, mà là các bên cùng thắng. Không có sự cạnh tranh triệt tiêu lẫn nhau. Với doanh nhân phật tử càng không như thế.

Hiện nay, cạnh tranh là cạnh tranh về mặt ý tưởng, cạnh tranh về sự khác biệt trong đầu tư, kinh doanh và dịch vụ. Đó mới là yếu tố rất lợi hại trong thời toàn cầu hóa.

Còn cạnh tranh mà triệt tiêu lẫn nhau là cạnh tranh ở cấp độ thấp. Doanh nhân nào cạnh tranh để triệt tiêu lẫn nhau, chắc chắn doanh nhân đó cũng đi dần đến lụn bại và phá sản.

- Giới trẻ ngày nay có rất nhiều bạn quan tâm đến đạo Phật, có bạn trẻ còn xuất gia, lên chùa. Như vậy là tốt chưa? Có đúng là phải lên chùa tu mới tốt? Hay là có thể tu tại tâm?

TTNT: Chuyện xuất gia không phải chỉ theo ý muốn, mà còn do tùy duyên. Đạo Phật không ép buộc người xuất gia, đã là duyên thì trước sau gì cũng đến cửa chùa xuống tóc.

Khi kinh tế ở giai đoạn khấm khá thì người ta nhận ra rằng ăn, mặc, ở chỉ là phần con, phần tâm linh, tâm hồn mới là phần người. Mỗi người có một cái đạo của mình. Riêng những người chọn đạo Phật thì tìm đến cửa chùa như tìm đến niềm an vui cho tâm hồn của mình.

Đạo Phật rất gần gũi với dân tộc Việt Nam. Đạo Phật luôn tư duy trên lợi ích của người khác (điều này đúng với đạo đức kinh doanh). Hiểu cao siêu hơn là tư duy trên lợi ích của loài người. Chùa không có sở hữu. Tăng, Ni không có của riêng. Đạo Phật cũng chẳng của riêng ai, đạo Phật là của mọi người. Do đó, Phật tử tìm đến chùa, Phật tử lo chuyện Phật sự, đạo sự, hoàn toàn tự nguyện, tự giác với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Còn một điều đáng lưu ý là, có những Phật tử đóng góp cho đời không hề thua các tăng ni. Thậm chí khi không khoác áo nâu thì người ta còn rộng đường làm những việc tốt đời đẹp đạo hơn nữa.

Theo tôi, nên làm gì những mình thấy thanh thản, tự tại, đừng vì sức ép hoặc quyến rũ nhất thời nào mà xuống tóc xuất gia.

Kết thúc cuộc trò chuyện, chị Tạ Thị Ngọc Thảo kể cho chúng tôi nghe về ngôi nhà theo phong cách Á Đông của chị, được thiết kế như một ngôi đình Việt Nam. Trong nhà chị có bộ sưu tầm tranh của những họa sĩ Việt Nam mà chị yêu mến như tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình, Lê Ngọc Linh... với những nét vẽ độc đáo, triết lý. Thi thoảng khi quây quần với bạn bè, người thân, dù chơi không được hay chị vẫn thích dạo một vài đường nhạc và khi tĩnh lặng thì viết báo hoặc soạn giáo án...

Chị nói: "Với tôi, căn nhà (mà chị gọi đùa là "Thiền đường") là một nửa tâm hồn mình. Tôi chỉ mời bạn bè, người thân đến nhà. Người làm ăn tuyệt đối tôi không mời đến" - Điều này cũng phải thôi, bởi lẽ không phải bất cứ ai cũng có thể chạm vào một nửa tâm hồn còn lại của Tạ Thị Ngọc Thảo.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lạc thụ dụng

    16/03/2008Tạ Thị Ngọc ThảoLạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, lúc Khách tưởng doanh gia đang khổ, thì họ lại rất lạc; khi Khách ngỡ doanh gia đang lạc, thì họ lại rất khổ!
  • "Chị là... Tạ Thị Ngọc Thảo"

    16/03/2008Tuần Việt Nam (thực hiện)Không chỉ là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, Tạ Thị Ngọc Thảo còn là một cây bút sắc sảo, một diễn giả ấn tượng. Giọng nói chậm rãi, nhẹ như gió thoảng, dáng điệu khoan thai và gương mặt thảnh thơi như không hề... vướng bận bụi trần, những ý tưởng mạnh mẽ, bất ngờ trong kinh doanh... Rất khó có thể "vẽ" lại chân dung người phụ nữ đặc biệt đến thế chỉ bằng câu chữ...