Sức lao động hiện đại

11:25 SA @ Thứ Ba - 30 Tháng Sáu, 2009

Về lý thuyết, sự nghiệp Đổi mới đặt ra hai vấn đề: Về chế độ sở hữu và sức lao động. Mặc dù chế độ sở hữu nặng về phía xã hội - chính trị, còn sức lao động nặng về phía kỹ thutậ thì cả hai cũng đều do lịch sử thai nghén, sinh ra, nuôi lớn, có ngày có tháng, theo luật tự nhiên.

Như mọi đứa con trần thế sinh ra, mỗi vấn đề ấy có số phận riêng, với hạnh phúc và đau khổ riêng. Mỗi bước tiến của sức lao động lúc còn non yếu dễ chừng phải mất hàng chục vạn năm. Từ những thao tác hái lượm mà tổ tiên động vật cấp cho, chỉ biết nhắt lấy của trời đất cho không, đến những thao tác có trí khôn người như chăn nuôi, trồng trọt, đã phải mất đến hàng vạn năm. Tiếp đến, thời chăn nuôi, trồng trọt, theo kiểu nông nghiệp lạc hậu, kéo dài hàng ngàn năm. Với hàng chục vạn năm tích lũy, đến thời đại công nghiệp (mà hình thái xã hội - chính trị của nó là chủ nghĩa tư bản), thì theo sự đánh giá của Mác, chỉ trong vòng một trăm năm, sức lao động hiện đại đã làm ra bằng cả hàng vạn năm trước đó gộp lại.

Sức lao động là nguyên nhân và kết quả của sự phát triển lịch sử người, kể từng cá nhân đến toàn nhân loại. Sự phát triển này, ở buổi đầu, hoàn toàn tự phát tự nhiên, giống như phù sa lắng đọng, chưa đáng kể gì sự can thiệp của ý thức, trí khôn. Đáng kể nhất là sự kiện này: Những "nhà tư bản ông tổ" đã bắt đầu bằng một thao tác giản đơn: gom lại những sức lao động cùng loại. Ba ông thợ rèn ở ba nơi gom về một chỗ, làm việc bên cạnh nhau. Không ngờ, phép toán số học đơn giản ấy lại là sự mở đầu vĩ đại. Mác đã dùng hàng ngàn trang trong bộ Tư bản để mô tả chặng đường từ buổi đầu hợp tác giản đơn ấy, qua công trường thủ công, đến đại công nghiệp.

Tôi nhớ mãi ấn tượng lần đầu tiên đọc những dòng này của Mác:

“Một nét đặc trưng cho đến tận thế kỷ XVIII, các nghề thủ công đều được gọi là những mystères (bí quyết) mà chỉ những người am hiểu kinh nghiệm và nghề nghiệp mới có thể đi sâu nắm vững được. Đại công nghiệp đã xé toang cái tấm màn che đậy không cho con người ta thấy được các quá trình sản xuất xã hội của chính họ, cái tấm màn làm cho những ngành sản xuất khác nhau, đã được tách riêng ra một cách tự phát, trở thành những điều bí ẩn đối với nhau và thậm chí đối với mỗi người am hiểu trong mỗi ngành nữa. Nguyên lý của đại công nghiệp là phân giải mọi quá trình sản xuất, xét ngay trong bản thân nó và trước hết là không liên quan gì đến bàn tay của con người, thành những yếu tố cấu thành nó, - nguyên lý đó đã tạo ra một khoa học hoàn toàn hiện đại là công nghệ học. Những hình thái hỗn tạp, bề ngoài hình như không liên hệ với nhau và đã cố định lại của quá trình sản xuất xã hội, được phân giải thành những lĩnh vực áp dụng khoa học tự nhiên một cách tự giác theo kế hoạch, được tách riêng ra một cách có hệ thống, tuỳ theo hiệu quả hữu ích mong muốn (1).

Chẳng hiểu sao, cái lần đọc ấy làm cho tôi "À" một tiếng, như "xuất thần" thấy ra nét đặc trưng của thời hiện đại, thấy ra khả năng tổ chức và kiểm soát quá trình hình thành sức lao động hiện đại, nẩy ra ý tưởng về Công nghê giáo dục như cái chìa khóa để mở toang ra khả năng xử lý các vấn đề đào tạo sức lao động hiện đại.

Qua cánh cửa sức lao động, tôi thấy hiện ra trước mắt lịch sử hiện đại, như bước tiến từ kinh nghiệm đầy bí ẩn (nhưng hoàn toàn có thực) của các cá nhân có tay nghề, nhảy sang bên kia công nghệ học, mà đại công nghiệp (cơ khí) đã tạo ra.

Theo cách nói của Mác, chúng ta, những người Việt Nam đang sống, là những người đương thời của thế giới hiện đại, nhưng chỉ là đương thời về mặt triết học, chứ chưa phải về mặt lịch sử. Đối với nhân loại thế kỷ 21, lịch sử đã là của đại công nghiệp và của công nghệ học. Nhưng với nước ta, đó vẫn còn là một mục tiêu ở phía trước như một xu hướng, - xu hướng công nghiệp hoá.

Lịch sử tự nhiên của toàn nhân loại không thể không đi qua chặng đường công nghiệp hóa và cách xử lý các vấn đề của đời sống (dù là đời sống xã hội) bằng các công nghệ thích hợp. Công nghiệp hoá (xét thuần tuý về mặt kỹ thuật thực thi là công nghệ hoá quá trình sản xuất) cũng là cách hiện đại hoá mọi vấn đề còn lại của đời sống (vật chất và tinh thần).

Đổi mới, suy cho cùng, là đổi mới công nghệ, tức là đổi mới về cách xử lý vấn đề. Mác đã nói như thế này: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà ở chỗ chúng được sản xuất bằng cách nào với những tư liệu lao động nào”(2). Tất nhiên, lịch sử vẫn tiến lên bằng CÁi, nhưng quyết định hơn là bằng CÁCH. Ngày nay, chúng ta có những CÁI chưa hề có (như ti-vi, con tàu vũ trụ), nhưng còn hơn thế, ngoài những CÁCH mới để làm ra những CÁI mới ấy, còn có cả CÁCH mới để làm ra những CÁI cũ quen thuộc ngàn năm. Trong số đó, CÁCH có ý nghĩa quyết định nhất là CÁCH tạo ra sức lao động mới.


(1) Các Mác, Tư bản, quyển thứ nhất, tập II. Nxb Sự thật, H 1975, tr.321-322
(2) Các Mác, Tư bản, quyển thứ nhất, tập I, Nxb Sự thật, H. 1973, tr.338.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị lao động và giá trị tri thức

    01/05/2017Trần Quân Tuyền (GS, TS Viện khoa học xã hội Trung Quốc)Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra sự phân tích và luận chứng khoa học để, một mặt, phê phán quan điểm của phương Tây cho rằng lý luận giá trị lao động của C.Mác đã không ý nghĩa, mặt khác chứng minh một cách thuyết phục lý luận giá trị thặng dư của C.Mác không hề lỗi thời, mất tác dụng...
  • Làm khoa học

    27/08/2017Hồ Ngọc ĐạiKhi đã có hàng chục tiến sĩ, hàng nghìn phó tiến sĩ, hàng chục vạn người có trình độ Đại học, thì đất nước đã có cái lót ở dưới cùng nền văn minh, làm móng vững chắc cho ngôi nhà khoa học được xây dựng trên nền tảng ấy. Chúng ta đã qua thời kỳ đổ móng ồ ạt và bây giờ đã đến lúc xây dựng có lớp lang, nghĩa là phải có cách tổ chức thích hợp. Trong bài này, tôi chỉ bàn tới cách tổ chức thích hợp với những người làm khoa học.
  • Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm

    30/07/2018“Hiện nay từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.
  • Triết học và lịch sử

    12/06/2009Hồ Ngọc ĐạiBài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại trường viết văn Nguyễn Du. Giáo sư đầu bạc trắng, áo trắng, quần trắng, giọng nói sang sảng, giọng điệu hài hước và thẳng thừng.
  • Hệ thống giáo dục quốc dân

    11/03/2009Hồ Ngọc ĐạiHệ thống giáo dục quốc dân hiện đại là một sản phẩm tự nhiên của Cuộc sống hiện đại, với cốt lõi vật chất là nền sản xuất vật chất. Nền sản xuất hiện đại là nguyên nhân vật chất tạo ra sự phân hoá các lứa tuổi của Trẻ em hiện đại, là căn cứ đáng tin cậy nhất để thiết kế các bậc học. Các bậc học chẳng qua là sự phân đoạn toàn bộ tiến trình phát triển tự nhiên (song song với sự trưởng thành tự nhiên) của Trẻ em hiện đại.
  • Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

    22/12/2008Bùi Hoàng Tám (Thực hiện)Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
  • Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!

    29/11/2008GS Tương Lai"Đã đến lúc đó rồi!” - "Phải đặt 22 triệu những người đang và sẽ là chủ thể của xã hội mới vào trong bối cảnh của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức đang giữ nhịp cho đời sống hiện đại của thế kỷ XXI." - Giáo sư Tương Lai có bài viết suy ngẫm về sự thay đổi tư duy trong giáo dục Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
  • Hoàn toàn mới: Thực nghiệm giáo dục

    11/11/2003Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể chuyện thực nghiệm giáo dục với các bạn Văn Nghệ Trẻ vì dễ chia sẻ những chuyện lãng mạn như thế với bạn trẻ...
  • Càng cải cách... càng tệ hại

    11/09/2003Hồ Ngọc ĐạiCuộc “đổi mới giáo dục” đang triển khai thực chất là một cuộc cách mạng “lén” đã không hề đem lại bất cứ cái mới nào về ý tưởng và công nghệ mà càng tệ hại hơn...
  • xem toàn bộ