Sự thất bại của giáo dục rập khuôn kiểu Mỹ

08:56 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Bảy, 2005

Những trường công lập ở nước ta còn là gì ngoài một công cụ của nhà nước?Học sinh không được dạy cách suy nghĩ mang tính phê phán để tự giúp họ như những công dân của một xã hội tự do trong suốt cuộc đời. Giáo dục rập khuôn chú trọng vào học thuộc lòng và thành tích thi cử. Trường học không khuyến khích tư duy hay hành động độc lập mà dạy sự tuân theo và phục tùng đám đông. Học sinh nào cũng được dạy cùng một thứ, bằng cùng một cách, trong đó có nhiều thứ không đúng sự thật, đặc biệt là lịch sử và kinh tế. Học sinh nước ta không được giáo dục để trở thành những thành viên hữu dụng và sáng tạo cho xã hội mà được lập trình thành những kẻ nghe lời không bao giờ thắc mắc và các khách hàng dễ dãi để tiêu thụ hàng hóa và sản phẩm tuyên truyền. Do vậy chúng ta đang tạo ra một xã hội của những người máy xử sự đúng bài bản, sẽ không bao giờ thách thức nhà cầm quyền và là đội ngũ bảo vệ vững chắc chế độ hiện tại. Nói cách khác, họ sẽ trở thành bộ phận nòng cốt đầy tính thụ động của xã hội Mỹ.

Nhà nước vì thế yên tâm rằng tuyệt đại đa số giới trẻ sẽ không bao giờ gây rối loạn hay đe dọa quyền lực của mình. Nhà nước sản xuất một dàn người máy không biết sáng tạo, chỉ biết làm theo lệnh mà không hề thắc mắc gì. Hầu hết những học sinh này gắng theo đuổi bằng được giấc mơ Mỹ, để rồi về cuối đời mới nhận ra rằng nó thật xa xôi và quá đỗi mơ hồ. Họ làm việc cật lực, vắt kiệt cả tinh thần lẫn sức lực nhưng hầu hết chỉ kiếm được hơn mức đủ sống một ít, hoặc phải sống bằng nhiều nghề. Tôi hiểu thấu điều này nhờ kinh nghiệm và sự thất bại của chính bản thân mình.

Ý tưởng đánh giá sự tiến bộ của hàng triệu cá nhân học sinh bằng cách cho họ làm các bài thi được chuẩn hóa thật là ngớ ngẩn. Việc thi cử ấy không đánh giá sự tiến bộ của học sinh mà đánh giá sự tiến bộ hệ thống giáo dục đã đạt được. Trường học của chúng ta đúng là những nhà máy sản xuất hàng loạt không hề mang mục tiêu giáo dục và nâng cao hiểu biết, mà chỉ nhằm sản xuất ra một văn hóa đồng nhất của những con chiên ngoan ngoãn và các khách hàng không biết suy nghĩ. Thành phẩm giống như những chiếc hamburger của McDonald's,dù mua ở đâu đi nữa, vẫn giống hệt nhau.

Thoreau đã nói "Giáo dục biến một con suối quanh co thành một con mương thẳng tắp". Trường học là những thiết chế hữu hiệu để điều khiển công chúng. Không ngẫu nhiên mà nó tương đồng với hệ thống nhà máy về phương pháp sản xuất. Điều khiển một dân số đồng nhất sẽ dễ hơn một dân số đa dạng mang tư duy thông thoáng. Một xã hội có óc phê phán thì đích thị là nguy hiểm cho sự thống trị của những người nắm quyền lực. Tôi không biết điều này có được thiết kế hữu ý hay không, tuy nhiên kết quả đã tự nó nói lên tất cả.

Số những “kẻ cứng đầu” dám suy nghĩ tự do trong chúng ta chỉ vừa đủ để đổi mới và đẩy xã hội tiến lên một cách chậm chạp. Những thay đổi quan trọng nhất không bao giờ xảy ra ở số đông chính thống của xã hội mà xảy ra ở những nhóm cấp tiến ngoài lề. Đây là nơi mà người ta vẫn còn đặt những câu hỏi xác đáng, xem xét các sự kiện lịch sử và phát biểu thẳng thắn về những điều đó. Đây là nơi của những người mạo hiểm, là vùng mà người ta không chịu tin vào những gì người khác nói mà chưa chất vấn hay kiểm nghiệm, một nơi mà người ta nhất định không chịu phục tùng chỉ đơn giản vì thói quen tòng phục. Đây luôn luôn là nơi những công dân vĩ đại nhất của chúng ta đã ra đời.

Một trong những lợi ích to lớn nhất của các tập đoàn điều hành đất nước là: họ nhận được một lực lượng lao động không chỉ dễ sai khiến, mà còn ngoan ngoãn nhận mệnh lệnh, bảo gì làm nấy, không cần thắc mắc. Công việc đòi hỏi sự tuân lệnh nhiều hơn là sự đổi mới. Và hầu hết sự đổi mới mà chúng ta có được trong chế độ tài phiệt tập đoàn này chỉ là để cải tiến phương pháp sản xuất hàng hoá hàng loạt. Về bản chất, những đổi mới này hiếm khi chỉ mang tính khoa học hay nhân đạo mà nhằm cải tiến mục đích cốt yếu nói trên.

Hệ thống giáo dục trong trường học nước ta có khuynh hướng tự khép học sinh vào những khuôn phép xã hội. Nó không chỉ đòi hỏi sự phục tùng mà còn coi khinh tư duy cấp tiến và sự bất đồng quan điểm. Nếu bạn nghĩ khác và hành động khác với đám đông bạn sẽ bị dán nhãn "khác người", sẽ bị nhìn với con mắt nghi ngờ và khinh bỉ. Bạn sẽ bị xem như một kẻ lập dị, bị bạn học khinh miệt. Nếu bạn khác đám đông đủ nhiều và những đặc điểm này kéo dài đến khi lớn, bạn có thể bị FBI theo dõi và cho vào sổ đen như một kẻ thù của nhà nước hoặc một tên khủng bố. Một khi bạn bị đưa vào danh sách tống vào tù hay ám sát, bạn bạn tự biết mình đã đạt đến đỉnh cao của thành công rồi đó!

Hệ thống giáo dục rập khuôn ở Hoa Kỳ tồn tại chủ yếu vì quyền lợi thực dụng của kinh doanh. Lợi thế kinh tế họ có là một nguồn cung ổn định lao động bán lành nghề và lành nghề giá rẻ có thể bóc lột dễ dàng.

Chương trình học ở trường công lập nước ta xuất phát từ quan điểm thiên về phục vụ kinh doanh và thương mại. Về bản chất, nó không dung nạp các quan điểm trái ngược với đa số. Cách dạy học này vẽ nên chủ nghĩa tư bản đầy khả quan. Nó đưa ra những diễn dịch đặc biệt kỳ lạ của lịch sử chẳng có mấy tương đồng với thực tế hay sự kiện thật.

Những con người vĩ đại đã nổi lên từ tuyến đầu xã hội chúng ta không phải nhờ vào hệ thống giáo dục dù đúng là nó có tồn tại đi chăng nữa. Họ là trường hợp ngoại lệ, không phải là khuôn mẫu. Tôi chỉ xin kể tên một vài người trong số họ như: June Jordan, Noam Chomsky, Howard Zinn, Martin Luther King, Rachel Carson, Cynthia McKinney, Malcolm X, Tim Hermach, Ambrose Lane, William Blum và Amy Goodman. Xã hội đã được lợi vô cùng từ sự dũng cảm và thông thái của một thiểu số công dân sống trong lòng mình. Chúng ta có một văn hoá giàu có hơn nhờ bao thành quả của những con người có óc phê phán này đóng góp cho xã hội. Nếu nền giáo dục công đã được tổ chức khác đi, những người này đã có thể là chuẩn mực thay vì là ngoại lệ. Hãy tưởng tượng xem điều kì diệu gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có một hệ thống giáo dục sản sinh ra thêm hàng nghìn những người như vậy mỗi thập niên thay vì chỉ có chừng chục người.

Dĩ nhiên, chủ nghĩa tư bản chẳng được chút lợi lộc nào khi giáo dục người ta thấy được mục đích của chủ nghĩa tư bản thực sự là gì, có óc phê phán nó và thậm chí có thể làm gì đó để thay đổi nó. Giáo dục rập khuôn của những tập đoàn tồn tại là để thúc đẩy việc lập trình ra những người tiêu thụ và việc cung cấp một lực lượng lao động ngoan ngoãn chấp nhận một hệ thống lương bổng nô lệ bất công, chứ không phải là để cung cấp cho xã hội một tập thể công dân có hiểu biết đúng đắn và tích cực về chính trị. Thực ra đây là những mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ tài phiệt tập đoàn của Mỹ.

Việc lập trình liên tục những đầu óc non nớt dễ uốn nắn nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa tư bản đã dọn đường cho một xã hội kém hiểu biết, thụ động, có thể tin tưởng mọi lời giả dối, chấp nhận mọi hành động tàn bạo và gọi đó là giải phóng, dân chủ hoặc công bằng, gọi bằng gì cũng được, ngoại trừ bản chất của nó. Nếu chúng ta muốn rồi sẽ có một xã hội hòa bình và công bằng, trân trọng bình đẳng những đóng góp của công dân, chúng ta phải bắt đầu bằng cách trước hết giáo dục chính bản thân mình và kế đến là lớp trẻ. Sự tự huyễn hoặc không hề mang lại một lợi ích nào cho cộng đồng. Nó chưa từng một lần trong lịch sử làm được việc đó!


Tác giả: Charles Sullivan là một nhà văn, nhà hoạt động bảo vệ rừng hoang dã kì cựu. Ông còn là một người thợ mộc hiện sống trong trang trại rộng gần 4 hécta ở vùng nông thôn West Virginia.

Nguồn:Tạp chí CounterPunch 24/02/2003 - Hoa Kỳ
http://www.counterpunch.org/sullivan02252003.html

LinkedInPinterestCập nhật lúc: