Nịnh

04:44 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Mười Hai, 2008

Cô con gái cưng Êlêônôra của Mác hỏi cha: "Ba ơi, thói xấu đáng ghét nhất của con người là gì?" Mác trả lời ngay không một chút do dự: "Thói nịnh hót".

Không riêng gì Mác, mọi người chân chính từ xưa tới nay đều có ý kiến tương tự như vậy. Vua Pie đệ nhất của Nga thường nói: "Thà tôi có một kẻ thù trắng trợn còn hơn có một nịnh thần bịp bợm". Nhà dân chủ Ôgút Bêben thì gọi những kẻ nịnh là “bọn chỉ quen vẫy đuôi mừng trước chủ”...

Biểu hiện của thói nịnh hót rất phong phú. Loại nịnh phổ biến nhất, thường gặp nhất là dùng lời nói để tâng bốc người khác một cách quá đáng, có khi hèn hạ nhằm mục đích cầu lợi. Đối tượng để kẻ nịnh tâng bốc chủ yếu là người có chức, có quyền. Anh là thủ trưởng của kẻ nịnh ư? Thế thì anh lập tức trở thành con người "toàn thiện, toàn mỹ''. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của anh đều trở thành mẫu mực. Nếu anh nói dài, lượng thông tin trong bài nói của anh quá nghèo nàn thì kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh phát biểu sâu sắc, phong phú; rằng những ý kiến anh nêu ra mang tính khoa học và có giá trị chỉ đạo, làm cho mọi người “sáng ra”. Nếu anh nói cụt lủn, ấp a ấp úng, chẳng ai hiểu anh muốn nói gì, thì kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh phát biểu ngắn gọn, súc tích và dễ tiếp thu. Nếu anh thô bạo, kẻ nịnh sẽ nói rằng anh có thái độ nghiêm khắc cần thiết của người lãnh đạo; anh mềm yếu rụt rè, kẻ nịnh sẽ bảo anh tế nhị, độ lượng. Nếu anh ăn mặc cầu kỳ, xa hoa, kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh lịch sự; anh ăn mặc cẩu thả, lôi thôi lếch thếch, kẻ nịnh sẽ bảo rằng anh giản dị, tiết kiệm... Thôi thì đủ thứ. Những ưu điểm, sở trường của anh, kẻ nịnh sẽ "bốc" lên theo cấp số nhân, những khuyết điểm, nhược điểm của anh, kẻ nịnh sẽ "hoá phép" biến tất cả thành những điều hay, lẽ phải.

Một loại nịnh khác là, cùng với việc dùng lời nói, kẻ nịnh hót còn có những cử chỉ và hành động thích hợp. Thông thường thì những kẻ nịnh hay khúm núm, xun xoe trước đối tượng mà hắn thấy cần thiết phải nịnh. Anh là thủ trưởng của hắn? Thế thì khi gặp hắn, anh chỉ việc hững hờ chìa bàn tay trái của mình ra, kẻ nịnh sẽ dùng cả hai tay của hắn ôm chặt lấy bàn tay anh, mắt hắn long lanh sung sướng, đầu hắn hơi cúi xuống, lưng hắn hơi khom lại, hai gối hơi chùng với tư thế nửa đứng nửa quỳ và kèm theo là lời chào hỏi, tâng bốc ngọt ngào. Những cử chỉ và hành động của kẻ nịnh thường khá lộ liễu, nhưng đôi khi lại dược biểu lộ một cách kín đáo, tinh vi; phải chú ý quan sát, phân tích mới thấy hết được ý nghĩa của những cử chỉ và hành động đó.

Những kẻ nịnh thường đồng thời cũng là những kẻ hay xúc xiểm và hay nói xấu người khác. Bởi thế ngôn ngữ dân gian mới có từ “kẻ xiểm nịnh”. Họ đã nịnh anh thì trước mặt anh thế nào họ cũng tìm được những đối tượng mà anh không ưa thích để nói xấu. Họ khen anh thông minh, lịch sự, độ lượng. . . thì thế nào họ cũng chê người mà anh không thích là ngu đần, thiếu văn hoá và hẹp hòi, v.v. .

Nếu cho rằng những kẻ nịnh chỉ nịnh cấp trên thôi thì chưa đủ. Nhiều khi họ nịnh cả đồng cấp và cấp dưới. Sắp đến kỳ xét lương, sắp bầu cấp uỷ mới, cơ quan sắp lấy ý kiến của quần chúng về việc đề bạt cán bộ... toàn những việc hệ trọng cả, những kẻ nịnh đánh hơi các khoản ấy tinh lắm. Họ thừa hiểu rằng muốn vào được cấp uỷ phải có sự tín nhiệm của đa số đảng viên, muốn được đề bạt, muốn được nâng lương sớm thì cũng phải có sự ủng hộ của quần chúng. Chỉ được lòng cấp trên thôi thì chưa đủ. Thế là họ "mở chiến dịch" lấy lòng tất cả mọi người, tìm mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.

Cần phân biệt nịnh với quý mến và kính trọng. Chúng ta không phủ nhận sự quý mến và kính trọng thật sự thường thấy trong quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa người và người. Không phải cứ khen nhau, tôn trọng nhau, tặng nhau, giúp nhau thứ này, thứ khác đều là những hiện tượng xu nịnh cả. Chúng ta không "vơ đũa cả nắm", không hồ đồ và thiển cận như vậy. Trong cuộc sống, sự quý mến và tôn trọng nhau một cách chân thành, sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, tặng nhau, giúp nhau khi cái này, khi cái khác là những chuyện thường tình, là những điều cần thiết. Đó là biểu hiện của sự quý mến và kính trọng thật sự, là những nét rất đẹp trong truyền thống đạo đức của dân tộc ta. Chúng ta chỉ phê phán thói nịnh hót được nấp dưới chiêu bài quý mến, kính trọng. Bởi vì đó là sự giả dối. Trong thực tế, những kẻ nịnh thường nấp dưới chiêu bài quý mến và kính trọng khi nịnh người khác, cho nên dễ làm cho nhiều người ngộ nhận. Không phải họ nịnh anh tức là họ quý mến hay kính trọng anh đâu. Khi nào anh hết vai trò quan trọng đối với họ, hoặc anh "thất thế" thì họ sẽ hững hờ, lạnh nhạt với anh ngay, thậm chí họ có thể quay ngoắt 180 độ đối với anh.

Thói nịnh hót gây ra tác hại không nhỏ, thậm chí nó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, nó làm cho chính kẻ nịnh mất hết bản lĩnh, mất hết nhân cách, trở thành thoái hoá, biến chất, bị mọi người khinh bỉ. Nó làm cho người được nịnh không đánh giá được đúng mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dễ mắc khuyết điểm, sai lầm. Nó ươn lệch nhận thức của người được nịnh. Nếu người được nịnh đó là những cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý thì có thể sẽ làm tổn hại đến công việc chung như: đánh giá sai lệch đội ngũ cán bộ dưới quyền mình dẫn tới tình trạng người tốt không được trọng dụng, kẻ xấu lộng hành, chính sách cán bộ không được bảo đảm... Thói nịnh hót còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tạo ra sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu tổ chức.

Nịnh và ưa nịnh là hai mặt của một vấn đề. Kẻ nịnh hót và kẻ ưa nịnh hót là tiền đề tồn tại của nhau. Có kẻ nịnh bởi vì có người ưa nịnh. Có người ưa nịnh bởi có kẻ, “nịnh thần”. Sự tồn tại của hai hiện tượng nịnh và ưa nịnh chứng tỏ một điều là do chúng ta tu dưỡng kém, do việc tự phê bình và phê bình không được đẩy mạnh trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và trong các tổ chức quần chúng khác. Thường có tình trạng là, mọi người có thể tự nhận mình có khuyết điểm này, khuyết điểm khác, nhưng ít ai dám dũng cảm nhận mình có thói quen nịnh hót hoặc ưa nịnh. Khi phê bình người khác cũng vậy, dường như chúng ta đều cảm thấy có gì khó nói khi phê bình đồng chí mình, bạn mình là có thói nịnh hót hoặc thích được ninh hót. Muốn hạn chế thói nịnh hót, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc đấu tranh tự phê bình và phê bình; phải tạo nên dư luận xã hội rộng rãi lên án thói nịnh hót và thói ưa nịnh. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế cũng như các tổ chức quần chúng khác phải có những hình thức kỷ luật thích đáng đối với những kẻ nịnh hót và ưa nịnh.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói nịnh nọt

    07/01/2019Linh LinhNgôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ nịnh có thể dùng làm cả danh từ,động từ và tính từ, nhưng định nghĩa chung nhất của từ nịnh là: Khen quá đáng hoặc khen không đúng, chỉ cốt để làm đẹp lòng (thường nhằm mục đích cầu lợi). Các kiểu nịnh cũng khá rôm rả: ninh bợ (tự hạ mình, nịnh một cách hèn hạ để cầu lợi), ninh hót (nịnh nọt và ton hót chuyện), nịnh nọt (nịnh bằng cách luồn cúi hèn hạ), nịnh đầm (chỉ nịnh phụ nữ để lấy lòng), nịnh thần (chỉ chung những kẻ dưới gian nịnh)... cho đến nịnh thối!
  • 14 điều răn của cổ nhân

    27/05/2014Đ.H.LXã hội phát triển đến mức nào đi nữa thì những giá trị truyền thống phương Đông, tức là cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc Châu Á vẫn cần phải được bảo tồn và trân trọng. Tuy là vốn cổ, nhưng nếu xét về nhân sinh quan đối với con người hiện đại thì dường như không cổ chút nào hay nói đúng hơn là câu chữ cũ, còn ý nghĩa thực tế vẫn hoàn toàn mới mẻ. Đây chính là điều đáng bàn luận và suy ngẫm...
  • Quyền lực và đạo đức

    22/10/2010PGS - TS Bùi Đình PhongTheo "Từ điển tiếng Việt", quyền lực được hiểu là "quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy"...
  • Sợ người tài!

    21/09/2006Vũ ĐảmNước ta nghèo, chịu ảnh hưởng nặng nề của chiển tranh, thiên tai, tài nguyên khoáng sản khan hiếm, khoa học kỹ thuật lại kém phát triển vì thế nhân tài là tài sản vô giá, là động lực quan trọng nhất để từng bước đưa ta thoát khỏi nghèo đói. Con người Việt Nam bản chất cần cù và thông minh, bởi thế nhân tài nước ta thời nào cũng có. Thế nhưng có một nghịch lý là người tài ở nước ta trong lúc được trọng dụng ở nước ngoài thì ở trong nước lại chìm nghỉm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do căn bệnh sợ người tài.
  • “Để người Việt Nam tự nhận thức...”

    12/09/2006Nguyên An thực hiệnTự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này...