Sống trọn ba chiều thời gian

06:10 CH @ Thứ Bảy - 20 Tháng Giêng, 2018

Người Việt Nam ta sống trọn cái hiện tại, đồng thời chăm chút cho tương lai không biết mấy là đủ, tôn vinh quá khứ chẳng bao giờ là thừa...

Cuộc sống hiện đại luôn hối hả.Như chịu tác động vòng quay theo đà, thời gian có vẻ ngày càng trôi nhanh hơn, năm tháng tưởng chừng co dần lại. Mới đó lại hết năm rồi...

Cuộc sống ở bất kỳ đâu, giàu sang no đủ đến mấy vẫn đan xen vô vàn bất trắc, ưu phiền. Không chỉ những nước còn nghèo thiếu như Việt Nam ta, từ Bangladesh, Indonesia hay các quốc gia lục địa đen... phải thường xuyên gồng mình, vừa lo bảo đảm cái ăn cái học của đồng bào vừa làm sao khỏi tụt hậu quá xa so với bạn bè, trong khi thường xuyên đối mặt đủ loại tai ương: bão tố, lụt lội, sóng thần, núi lửa, bệnh dịch...; đến những quốc gia hùng cường nhất thế giới lắm khi còn thúc thủ trước tai ương nữa là. Sau cơn bão Katrina năm 2005 tàn phá miền Nam nước Mỹ mà sự phản ứng của chính quyền cực kỳ hiện đại này như tuồng trì trệ, người đứng đầu quyền lực đầy ắp trong tay lại phản ứng chậm rề, để cho dân chúng (phần đông người da màu nghèo nhập cư) lao đao trong hoạn nạn. Một tờ báo lớn phương Tây chua chát viết: “Đột nhiên người ta tự hỏi: Vậy thì từ nay nên hiểu một quốc gia giàu có nghĩa là thế nào? Phải chăng có nghĩa là quốc gia ở đó những người nghèo khó ít được đoái hoài nhất? Phải chăng cái thuật ngữ “thế giới thứ tư” không dùng để chỉ lớp người bất hạnh nhất trần gian ở đâu đó mà họ ở ngay trong xã hội chúng ta? Khắp thế giới đâu đâu người ta cũng đang nói, qua cơn thảm họa này, nước Mỹ tự bộc lộ tất cả sự yếu hèn, trọn vẹn tính dễ tổn thương của mình. Từ ngày 11-9-2001 (ngày tháp đôi New York bị khủng bố tấn công), người Mỹ nhận ra mình không phải là ông chủ của loài người. Từ ngày 25-8-2005 (ngày bão Katrina ập đến), người Mỹ hiểu thêm họ không đủ khả năng làm chủ xã hội của chính mình”. Hóa ra những nơi tình thương yêu đồng loại đậm đà nhất, nghĩa cử cưu mang nhau khi hoạn nạn phổ cập nhất lại là tại các nước nghèo.

Khó khăn luôn rập rình cuộc sống. Vậy mà đâu đâu người ta cũng vẫn sống mê say, sống hết mình, sống tận cùng cái hiện tại. Bởi hiện tại vô cùng quan trọng. Hiện tại của nước Việt Nam ta đáng cho mọi người Việt dù ở trong nước hay sinh sống tại nước ngoài dấn thân vào hết mình. Không sống trọn cái hiện tại, cuộc sống con người phỏng còn có ý nghĩa gì. Nói sống là sống cái hiện tại, sống trong hiện tại, sống cùng hiện tại. Thiếu chút lạc quan tối thiểu vốn là thuộc tính bẩm sinh của người thì làm sao có thể sống vui, sống khỏe, sống với hiệu suất cao, sống có cống hiến cho xã hội.

Sống hết mình, dấn thân trọn vẹn vào hiện tại cũng có nghĩa là hướng tới tương lai, có nghĩa chăm chút xây dựng tương lai. Một thực tế thoạt trông tưởng chừng nghịch lý song thực ra hợp quy luật, là bất kỳ ở xã hội nào, lớp trẻ vẫn là những người sống hăng say nhất, hết mình nhất. Họ tận hưởng cái hiện tại, bởi chính họ là những người vươn mạnh nhất đến tương lai, họ được viễn cảnh tương lai cuốn hút nhất. Dù ý thức đầy đủ hay tuân theo truyền thống, dân tộc Việt Nam ta luôn dồn năng lượng vun đắp đất nước hôm nay, đồng thời chăm lo hết mình cho những thế hệ mai sau. Xin đừng vội ngộ nhận, lớp trẻ Việt ngày nay thoạt nhìn như lắm người có vẻ “ham chơi”. Họ ham vui, họ tận hưởng, họ dấn thân vào hiện tại, bởi họ yêu mến gắn bó với hiện tại của đất nước, bởi họ thật lòng tin tưởng ở tương lai xứ sở, từ đó họ ý thức đầy đủ trách nhiệm cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc Việt Nam. Không nhìn thấy sự hấp dẫn của tương lai, làm sao có động lực vượt qua trắc trở để xây đắp hiện tại, hướng tới ngày mai.

Quá khứ phong phú bởi cái hiện tại của mọi dân tộc đều được dựng nên trên cái nền quá khứ của chính mình. Cái nền có dày, có vững, có đủ tầm thì tòa nhà hiện tại xây cất trên đó mới cao to, vững chãi. Không có cái gì đã qua của dân tộc mà không mang lại cho hôm nay bài học lịch sử. Con người rẻ rúng quá khứ thì có khác gì cây không bén đất, chắc chắn sẽ chóng lụi tàn.

Người Việt Nam ta sống trọn cái hiện tại, đồng thời chăm chút cho tương lai không biết mấy là đủ, tôn vinh quá khứ chẳng bao giờ là thừa. Nét tinh túy của người Việt là ở chỗ chúng ta luôn sống trọn ba chiều thời gian. Ngày Tết, nhà nhà dâng cành hoa lên bàn thờ tiên tổ. Người nông dân bước ra sân vái bốn phương trời đúng lúc giao thừa. Bà cụ già cắm nén nhang xuống vườn khấn ông địa, đều là cầu mong cho quốc thái dân an. Con người hiện đại hẳn chẳng mấy người làm y như theo các cụ, song xin đừng vội bài xích, mà hãy biết nhìn, biết thấy qua những cử chỉ ấy biểu tượng thiêng liêng hàm chứa bên trong. Đó là lòng cảm tạ lịch sử, biết ơn tiên tổ, tri ân đất nước, hướng về nguồn cội, thâm tạ môi trường đã và đang mang cuộc sống trường tồn cho dân tộc trong không gian ba chiều...

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hoá và Quá khứ

    26/11/2014Nguyễn Trần BạtVăn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng...
  • Biện chứng của quá khứ

    08/08/2014Nguyễn Trần BạtTại sao quá khứ lại hấp dẫn và quan trọng đối với loài người như vậy? Sự hấp dẫn của quá khứ là do chính nó hay do con người bất lực và chỉ biết kéo lê quá khứ của mình đến tương lai? Đó chỉ là hiện tượng, hãy nhìn sâu hơn vào tâm hồn của mỗi con người để thấy rằng, có con người nào mà không mơ ước về tương lai, có dân tộc nào mà không hướng về tương lai? Quá khứ thật hấp dẫn nhưng quá khứ có vai trò như thế nào đối với tương lai? Tương lai, thực ra là gì và làm thế nào để có được nó?
  • Văn hoá và Tương lai

    17/05/2014Nguyễn Trần BạtTương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng....
  • Để đến được tương lai?

    13/01/2011Nguyễn Quốc Phong“Chỉ tưởng tượng ra tương lai không đủ, bạn phải xây dựng nó”. Càng ngày người ta càng nhìn rõ một điều: Rất nhiều vấn đề trước đây tưởng như bất biến thì cũng có thể thay đổi; nhiều nguyên lý không còn mang giá trị thực tiễn. Từ đó, xuất hiện thái độ hoài nghi. Nhưng, con người không thể cứ quay lại quá khứ mà phải bước tới tương lai...
  • Tương lai nhìn từ Giao thừa

    13/02/2008Tô PhánGiao thừa là giây phút chuyển từ hiện tại cũ sang hiện tại mới, chuyển từ quá khứ sang tương lai. Tương lai là thời gian phía trước, là cái của ngày mai, của giờ phút tiếp nối. Tương lai là cái định hướng, cái mà con người hướng tới, nhưng tương lai không diễn tiến theo ý muốn chủ quan của con người...
  • Đi giật lùi về tương lai

    28/03/2007Luật gia Cao Bá QuátNếu chỉtựngắm nhìn mình, ta đang có những bước tiến an ủi nhưng so với tốc độ phát triển của nhiều nước khác, có lẽ chúng ta đang đi giật lùi về tương lai. Điều đó có thể lý giải phần nào hiện tượng ta vẫn thấy tiến hơn trước, ngày càng xa điểm xuất phát nhưng càng tiến thì lại càng tụt hậu so với các nước.
  • Quá khứ và tương lai trò chuyện

    31/12/2006Nguyễn Thị Giông DàiQuá khứ này, anh là kẻ bạc tình bạc nghĩa, một đi không trở lại thế mà người ta lại luôn nhớ về anh. Trong khi tôi đầy khát khao, mong đợi, ngóng chờ thì vẫn chỉ bị coi như một khái niệm. Bí quyết của anh là gì vậy?
  • Tương lai

    28/11/2005Trần Cao Dũng
    Tương lai sẽ đi về đâu? Con người sẽ sống ra sao khi chỉ có trí óc tưởng tượng bị giới hạn? Mọi thứ không ngừng thay đổi. Thời gian trôi đi một cách chóng mặt và nhân loại như đang chạy đua với nó. Kẻ nào sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua vô hình này? ...
  • Văn hiến… xưa và nay & văn hiến trong tương lai

    23/11/2005Hoàng Ngọc HiếnBàn về văn hiến... xưa và nay nên dành một phần thời gian cho sự thảo luận để hình dung văn hiến trong tương lai. Riêng trong ngành giáo dục, điểm qua những nhân tài xưa và nay tôi thấy hào quang của quá khứ và hiện tại nhưng chưa thấy tương lai.
  • xem toàn bộ