Sách Việt Nam và con đường hội nhập

08:38 SA @ Thứ Ba - 05 Tháng Bảy, 2005

Ta: hội nhập yếu

Ông Vũ Đình Hòa - giám đốc Công ty văn hóa Minh Trí, chủ nhà sách Văn Lang - cho biết: ¿Không kể mảng sách giáo khoa, theo tôi, thị trường sách tại VN có đến 80% sách dịch, còn lại khoảng 20% là sách trong nước.

Như vậy, chúng ta đang khai thác bản thảo từ thị trường nước ngoài rất nhiều. Còn việc đưa sách ra nước ngoài thì lâu nay chúng tôi vẫn bán sách theo kênh của Việt kiều. Hầu hết sách chúng tôi đưa sang Mỹ, Đức, Canada đều do Việt kiều về đóng gói chở đi. Tuy nhiên đó là sách tiếng Việt phục vụ kiều bào bên ngoài nên số lượng không nhiều¿.

Cục Xuất bản cho biết trong năm nay sẽ hoàn chỉnh đề án thực hiện mã số chuẩn quốc tế về sách trình Bộ VH-TT để áp dụng trong toàn quốc và tham gia Tổ chức Mã số chuẩn quốc tế. Còn theo ông Phạm Minh Thuận - phó giám đốc Công ty Fahasa TP.HCM, đến nay Bộ VH-TT mới chuẩn bị hoàn tất đề án mã số hóa cho sách là chậm quá. Không có mã số cho sách, sách VN không thể xuất hiện ở các nhà sách nước ngoài được, bởi người ta buôn bán là tính tiền tự động bằng mã vạch, giá sách thể hiện trên hệ thống mã vạch đó.

Tại Hội sách TP.HCM lần này, ban tổ chức đã dành ra một ngày để giao dịch tác quyền tự do hoặc tìm kiếm đối tác giữa các NXB, các công ty phát hành sách trong và ngoài nước, nhưng cuối cùng sự chuyển động giao dịch này chẳng hề diễn ra giữa các NXB trong nước với các NXB nước ngoài. ¿Ban tổ chức không đứng ra tổ chức một cuộc gặp gỡ giao dịch mà các đơn vị tự lo tìm kiếm thôi¿ - ông Phạm Minh Thuận, phó giám đốc Công ty Phát hành sách (Fahasa) TP, nói như vậy.

Còn các công ty phát hành, các NXB, các đơn vị tham gia hội chợ sách vẫn vận động theo kiểu từ trước đến nay: chủ yếu là đổ hàng ra bán. Sự xuất hiện của các đơn vị xuất bản nước ngoài vẫn chưa được xem là một cơ hội để cho các NXB, các đơn vị trong nước tiếp cận để làm một động tác ký kết hay hợp tác gì đó.

Người: đánh giá không cao

Ông Clyde Fowle - cố vấn, chuyên viên huấn luyện khu vực của NXB Macmillan hiện đang công tác tại Thái Lan - cho biết tình hình ở VN cũng không khác gì Thái - sách trong nước cũng nhiều, hay, nhưng vẫn không ra được thị trường thế giới...

Theo ông, đa số người nước ngoài quan tâm nhiều đến những sách về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của VN. Tuy nhiên, ngoại trừ sách hướng dẫn du lịch có đề cập sơ lược thì chưa có quyển sách VN nào viết trọn vẹn và đầy đủ về những vấn đề mà họ quan tâm bằng tiếng Anh.

Năm 2003, trong 7,56 triệu USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sách của VN, kim ngạch xuất khẩu sách của VN đạt 1,9 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 5,66 triệu USD. Tổng kim ngạch cũng thể hiện rằng khâu xuất nhập khẩu sách báo của ta còn yếu (so với doanh thu 1.047 tỉ đồng toàn ngành trong năm). (Nguồn: Cục Xuất bản)

Ông Fowle cho rằng các NXB ở VN nếu muốn bạn đọc nước ngoài chú ý nhiều hơn thì nên có những quảng cáo, giới thiệu trên mạng. VN cũng nên thiết lập những trang web (bằng tiếng Anh) về sách để giới thiệu những quyển sách hay của mình.

Trong khi đó thông tin giới thiệu sách của VN được ¿người ngoài¿ đánh giá là rất ít. Trong ngày khai mạc Hội sách TP.HCM lần 3, ông Patrick Coustance - tùy viên văn hóa lãnh sự quán Pháp - đã đến xem những quyển sách quí cũng như tìm hiểu sách của VN.

Nhưng ông không đọc được tiếng Việt, mà ngay cả gian trưng bày các loại sách quí của VN, ban tổ chức cũng không có lấy một bản giới thiệu tóm tắt nội dung sách bằng tiếng nước ngoài (cả tiếng Việt cũng không).

Theo ông Patrick, các NXB trong nước nên có những chiến dịch quảng cáo cho những quyển sách có nội dung tốt. Bên cạnh đó là những dòng giới thiệu, phân tích về quyển sách. Người nước ngoài thấy được những thông tin, nội dung hay sẽ tự tìm đến, nhờ người đọc và dịch. Và tự nhiên, nếu đó là một quyển sách hay thì chắc chắn sẽ được phổ biến...

Tại Hội sách TP.HCm, chúng tôi gặp Mei Chung - một sinh viên Trung Quốc - đang lân la tìm sách. Cô vui vẻ thổ lộ: ¿Được mấy người bạn VN giới thiệu, tôi mới biết sách văn học - mảng sách mà tôi yêu thích - của các bạn rất hay.

Một người bạn tên Phương đã tóm tắt cho tôi nghe một số truyện ngắn mà tôi nghĩ là rất tuyệt. Tiếc rằng trước đây chúng tôi đã không có được những lời giới thiệu này. Trong suốt hơn hai tuần đi tham quan theo tour, tôi được các hướng dẫn viên giới thiệu rất nhiều về đất nước, con người VN từ lịch sử, kinh tế, xã hội... nhưng không một ai nhắc chút gì đến những tác phẩm quí của các bạn¿.

Vậy đó, công tác quảng bá của ta, nói chung, trong mắt của người nước ngoài đi tìm sách là rất kém.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: