Richard Branson và những thành công của Virgin

03:13 CH @ Thứ Tư - 31 Tháng Tám, 2005

Khi người bà kính yêu của Richard Branson bước sang tuổi 99, bà đã viết thư cho ông và nói rằng 10 năm qua là thời gian tuyệt vời nhất của cuộc đời bà. Bà khuyên ông phải đọc cuốn sách “A brief story of time” của Stephen Hawking. Đó là cuốn sách hay nhất của bà. “Con chỉ có một cuộc đời, do vậy hãy vận dụng nó một cách tốt nhất.” Những lời nói đó có ý nghĩa vô giá đối với Richard, đã thẳm sâu vào trái tim và niềm tin gây dựng sự nghiệp độc lập của ông.

Hiện là chủ nhân của hơn 150 tổ chức kinh doanh mang thương hiệu Virgin, với số tài sản cá nhân trên 3 tỉ đô la Mỹ, Richard Branson đã chung thành với ước mơ của cuộc đời mình. Ông đã khắc ghi lời khuyên của người bà kính yêu, không ngừng phấn đấu để tận dụng triệt để từng khoảng khắc vô giá của cuộc đời mình.

Richard Branson không “lướt qua” trường học. Đó không phải là sự thách thức đối với ông, đó là cơn ác mộng. Với đôi mắt bị cận thị, cộng thêm khuyết tật viết sai chính tả đã làm ông xấu mặt bao lần trước bạn bè khi luôn phải nhớ và đọc thuộc từng chữ một trước lớp. Ông biết rõ rằng đợt kiểm tra IQ chỉ để vạch ra những điểm yếu của ông. Rồi còn nhiều đợt kiểm tra khác nữa, tất cả đều chống lại ông.

Tất cả những thứ đó không thể đo được năng lực của ông, lòng đam mê thể thao, tính cầu tiến hay ngọn lửa đang thiêu đốt trong tâm trí giúp tìm ra con đường dẫn đến thành công. Làm sao đo được những yếu tố thành đạt quan trọng nhất: là tài năng kết nối mọi người cả ý trí lẫn tâm hồn, là tài thổi bùng lên ngọn lửa sức mạnh và tính tiến thủ của mọi người giúp họ có đủ can đảm sống vì ước mơ. Trường lớp? Các đợt kiểm tra IQ … có đo được những thứ đó không?

Thật là một sự mỉa mai, tài năng của Richard Branson bắt đầu biểu hiện cũng chính trong khuôn viên nhà trường – nơi trú ngự những ác mộng của ông. Thất vọng với sự cứng nhắc của những nội quy, cung cách làm việc của nhà trường, và luôn cảm thấy nguồn năng lượng vô tận của thế hệ sinh viên thập niên 60, ông quyết định thành lập một tờ báo riêng. Đó là một việc làm không đáng được chú ý lắm, ngoài mục đích muốn xích các trường học lại gần nhau hơn. Tờ báo sẽ quan tâm nhiều hơn đến sinh viên chứ không phải trường học. Nó sẽ bán quảng cáo cho các công ty lớn, sẽ đăng bài viết của các nghị viện, các ngôi sao nhạc Rock, những nhân vật tiêu biểu và các ngôi sao màn bạc. Tờ báo chắc chắn sẽ mang lại những thành công thương mại - đó là business plan của chàng trai trẻ 17 tuổi đã viết cùng người bạn của mình, Jonny Gems.

Hai người cũng nhận được những trợ giúp nho nhỏ. Mẹ của Richard đã tài trợ 4 bảng để chi trả những khoản chi tiêu cho bưu điện và điện thoại. Tất cả những thứ đó cũng đủ cho một sự bắt đầu. Mọi người làm việc dưới tầng hầm nhà của Richard, tằn tiện cho mọi thứ để nuôi hy vọng và sự phát triển lâu dài cho tờ báo. Số báo đầu tiên ra mắt với trang bìa là hình của một sinh viên vẽ bởi Peter Blake – người đã thiết kế vỏ album Sergeant Pepper của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Peter Blake cũng đồng ý để tờ báo phỏng vấn mình. Tờ “Student” được ra mắt vào tháng 1 năm 1968. Ông hiệu trưởng trường học của Richard Branson và Jonny đã viết: “Chúc mừng, Branson. Ta tiên đoán rằng một là anh sẽ kết thúc trong nhà tù hoặc sẽ trở thành triệu phú.”

Năm 1970, Chính phủ Anh hủy bỏ hiệp định gìn giữ giá bán lẻ, nhưng không một cửa hiệu nào được chọn để triết khấu giá cả cho băng đĩa. Richard Branson đã nhận ra cơ hội cho tờ báo “Student” bán băng đĩa giá rẻ theo cách quảng cáo và giao hàng qua bưu điện.

Đơn đặt hàng được gửi về toà soạn như những cơn nước lũ, công việc kinh doanh mới này mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với thu nhập từ những đơn đặt mua báo dài hạn. Richard đã nhanh nhậy nắm bắt lấy thời cơ có một không hai này và đã thuê một số sinh viên để thành lập một thương mại bán đĩa nhạc giá rẻ. Mọi người đã tìm và thuê lại một cửa hàng bán giày nhỏ, thuyết phục chủ nhân để được đóng những cái giá treo trên tường và mang đến một số đồ đạc cần thiết cho cửa hàng đầu tiên. Mọi người sẽ làm tất cả để luôn có đông đảo người qua lại nơi cửa hàng. Cái họ cần bây giờ là một thương hiệu.

Đề xuất đầu tiên là “Slipped Disc”. Là một cụm từ dễ nhớ, có ấn tượng, sẽ có tiếng vang đến số lượng người mua rộng hơn. Sau đó một người trong nhóm chợt thốt lên “Virgin” (Trinh Nữ). Người con gái có ý tưởng đó giải thích: “Vì chúng ta hoàn toàn là trinh nữ trong buôn bán!”. Khi hồi tưởng lại quá khứ, Richard Branson hài lòng với sự lựa chọn thương hiệu Virgin. Chắc chắn một điều rằng Slipped Disc Airlines sẽ không có nhiều khách hàng bằng Virgin Airlines.

Virgin Airlines phác thảo được rõ nét nhất phong cách công ty của Richard Branson. Mặc dù luôn có những thăm trầm và cạnh tranh trong hàng không, ông đã lập ra đường bay qua Atlantic với giá cả phải chăng cùng những thú vị không ngờ tới trong lĩnh vực hàng không. Đó là dịch vụ In-flight mát xoa, ăn kem và xem phim, tiếp đó là phòng tắm có vòi hoa sen và những phương tiện tập thể dục. Với tất cả những đổi mới không ngờ tới đó, Virgin Airlines đã trở thành bộ máy in tiền khổng lồ.

Tuy có hơn 150 chi nhánh, công ty ngày ngày vẫn “in tiền” nhưng Richard Branson không phải giám sát tỉ mỉ. Ông không có ý định thành lập những tập đoàn cồng kềnh với số lượng nhân viên quá nhiều. Nếu có họp mặt cũng chỉ rất ít. Cung cách làm việc của ông là giữ các chi nhánh vừa, độc lập quản lý sau đó dùng “chiếc đũa thần kỳ” của mình để trao quyền cho mọi người, giúp họ có đủ những yếu tố cần thiết để thành công.

Về quảng cáo và gây sự chú ý cho những bước đột phá của các thương hiệu ông luôn có những ý tưởng táo bạo, những sáng kiến mang tính chất 100% Virgin. Tới dự buổi lễ họp báo chí quốc tế, ông đã hóa thân thành một phi công quân đội thực thụ để công bố Virgin Airlines. Chỉ có thương hiệu Virgin mới gắn liền với những kỷ lục như bay vòng quanh trái đất bằng kinh khí cầu, vượt Đại Tây Dương bằng thuyền … Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp ông thành công.

“Tất cả mọi thứ đều từ con người” – ông đã nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với David Sheff của tạp chí Forbes. Một tháng một lần ông thường có thói quen viết thư cho 5000 nhân viên của Virgin, luôn khích lệ mọi người viết thư hoặc gọi điện cho ông khi cần trao đổi về những khó khăn, sáng kiến hoặc hoài bão cá nhân… Nhân viên thường làm điều đó … và cứ như thế thành công mới của Virgin lại ra đời.

Nguồn:Tầm nhìn
LinkedInPinterestCập nhật lúc: