Quê hương, dân tộc, toàn cầu hoá

08:45 CH @ Thứ Sáu - 02 Tháng Hai, 2018

Có lẽ bạn, cũng như tôi, khi du lịch hoặc đến làm việc ở một nơi mà giọng nói hoặc diện mạo của mình không giống người địa phương, thường được hỏi: Ông/bà từ đâu đến? Hoặc, thân mật hơn, gốc gác của ông/bà ở đâu?

Câu hỏi ấy, thoạt nghe thì đơn giản nhưng lắm khi không dễ trả lời. Tôi là người Việt Nam, sống ở Mỹ nhiều năm, nên mỗi khi tôi sang Âu Châu, chẳng hạn, khi được hỏi "anh từ đâu đến?" thì tôi không khỏi ngập ngừng trong vài giây để chọn câu trả lời: Tôi từ Việt Nam, hoặc tôi từ bang Ohio (nơi tôi đang sống), hoặc từ Mỹ.

Tình tự quyến luyến với quê hương, gốc gác, thay đổi theo thời gian và cuộc sống của mỗi người. Có điều là, khi sự di chuyển ngày càng dễ dàng (không những trong một quốc gia mà còn quốc tế, thậm chí liên lục địa) thì cảm giác về “gốc gác” ngày càng nhạt mờ.

.

Từ cá nhân đến quốc gia, và thế giới

Ghi lại vài cảm nghĩ trên đây không chỉ để chia sẻ sự nhớ nhung man mác, lắm lúc nhói đau, của mỗi chúng ta lúc xa quê. Sự gắn bó đối với quê hương là tự nhiên và cao quý, nhưng phải nhìn nhận rằng nó không chỉ thể hiện qua những bài thơ, những bản nhạc, hay những câu chuyện kể với nhau qua ly rượu, chén trà. Qua lịch sử và trong thực tế hiện tại, lắm khi nó cũng là lực cản những biến đổi tích cực trong xã hội, là nguồn gốc nhiều phong trào chính trị phản tiến bộ. Các hậu quả tiêu cực này có thể truy về hai đặc tính liên hệ đến tình tự của cá nhân đối với cộng đồng gốc rễ của mình.

Một là, hầu hết mọi quốc gia ngày nay đều là đa chủng tộc, một số được hình thành sau Thế Chiến II do sự thỏa thuận (có phần áp đặt) giữa các cường quốc thực dân cũ, do đó gốc rễ của một người không nhất thiết là gốc rễ của người khác, dù cùng một quốc gia.

Hai là, vì nhiều lý do, mức độ lưu động của mỗi người giữa các vùng miền và nghề nghiệp có khác nhau. Do đó, lợi ích của tiến bộ công nghệ, của toàn cầu hóa (mà phần lớn bắt nguồn từ sự luân lưu dễ dàng của hàng hóa lẫn lao động) là không đồng đều đối với những người cùng quốc gia, nói chi đến giữa quốc gia này và quốc gia khác.

Phát hiện hai đặc tính gắn liền với “gốc rễ” ấy, nhiều nhà bình luận đã đưa ra những giải thích rất thuyết phục đối với những sự kiện chấn động thế giới trong vài năm gần đây.

(1) Đa số dân Anh muốn Anh rút ra khỏi Liên hiệp Châu Âu

Dù nước Anh là thành viên của Liên hiệp Châu Âu (EU) từ năm 1973, đã có nhiều người Anh phản đối việc này ngay từ đầu, viện dẫn không ít lý do -- từ lịch sử, văn hoá, đến kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, tin rằng những người phản đối là thiểu số, và để dứt khoát khẳng định chính sách của Anh là kết chặt với cộng đồng châu Âu, thủ tướng Anh David Cameron đã mở một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6-2016, đinh ninh rằng đa số đồng bào của ông sẽ bỏ phiếu ở lại EU.

Thật bất ngờ khi đa số phiếu (phải nói cho chính xác: không phải đa số dân Anh, vì có nhiều người không bỏ phiếu) là muốn Anh rời khỏi EU!

Đã có rất nhiều giải thích kết quả này. Thú vị và sâu sắc nhất có là nhận xét của David Goodhart, nhà bình luận người Anh. Theo Goodhart, nước Anh ngày nay có hai nhóm ngày càng đối nghịch nhau. Một nhóm là những người tốt nghiệp đại học, tư duy phóng khoáng, dễ dàng tiến thân trong sự nghiệp, cũng như dễ dàng chuyển từ công nghiệp này sang công nghiệp khác, rời vùng này sang vùng khác (kể cả ra nước ngoài). Goodhart gọi họ là “những người từ Bất-Cứ-Nơi-Nào" (“people from Anywhere”) vì họ hầu như không còn cảm thấy bị buộc chặt vào một nơi nào. Nhóm thứ hai là thành phần mà Goodhart gọi là “những người từ Một-Nơi-Nào-Đó (“people from Somewhere). Nhóm này tương đối bảo thủ hơn nhóm thứ nhất, ý thức mạnh mẽ hơn về căn tính quốc gia, và trân quý lối sống cỗ truyền mà họ cảm thấy đang dần mất đi. Theo Goodhart, chính nhóm thứ hai đã bỏ những lá phiếu quyết định nước Anh đòi “ly dị” với EU.

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi lẽ đa số nhóm thứ nhất là thị dân, hưởng thụ những thành quả của tiến bộ công nghệ, của viễn thông, của toàn cầu hóa. Nhóm thứ hai (theo ước lượng của Goodhart thì không dưới 20% dân Anh) thì trái lại, họ sống ở nông thôn, ở các thành phố nhỏ trong nội địa. thu nhập không cao và bị chững lại, và cảm thấy bị “bỏ lại phía sau”. Rồi gần đây, những người này lại thấy những nét văn hóa cộng đồng thân thuộc của họ bị hăm dọa bởi những làn sóng di dân từ các văn hóa rất khác.

(2) Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Sau vụ Anh bỏ phiếu rời EU (sự kiện này thường được gọi là “Brexit”, gộp hai chữ “British” và “exit”) vào mùa hè 2016 thì việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào mùa thu tiếp đó, càng gây một sự ngạc nhiên hầu như chưa từng có cho giới bình luận Tây phương, nếu không nói là đại đa số người Mỹ. Tại sao một người không hề có kinh nghiệm chính trị, ăn nói bỗ bã, lắm “thói hư tật xấu”, như Trump lại có thể thắng bà Hillary Clinton, một chính trị gia lão luyện và khôn khéo?

Trong hàng nghìn bài báo, hàng chục quyển sách phân tích, giải thích kết quả bất ngờ này, nhiều nhà bình luận đưa ra nhận xét tương tự như của David Goodhart trên đây. Eugene Robinson của báo Washington Post viết: Ngày nay, lằn ranh phân cách (trong xã hội Mỹ) có lẽ là giữa (một bên là) những thành phố lớn và (bên kia là) những vùng xa ngoại ô và những thị trấn nhỏ; giữa những người tốt nghiệp đại học và những người học vấn kém hơn; giữa những người nhận lãnh lợi ích của toàn cầu hoá, và những người không được những lợi ích ấy, và giữa những người da trắng hiện là đa số và các nhóm dân thiểu số mà chỉ trong vài thập niên sắp đến sẽ trở thành đa số. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy nhóm thứ nhất (tương tự như “những người từ Bất-Cứ-Nơi-Nào” của Goodhart) chọn bà Clinton, trong lúc nhóm thứ hai (tương tự như “những người từ Một-Nơi-Nào-Đó”) bỏ phiếu cho ông Trump. Nói cách khác, theo ngôn ngữ của tôi trong bài này, những người ít nặng tình với cộng đồng gốc rễ thì chọn bà Clinton, còn những người nặng tình với gốc rễ, thậm chí bài ngoại, thì bảo thủ hơn, chọn ông Trump.

Cần nhấn mạnh rằng tình tự cộng đồng của những người ở thôn quê, tỉnh nhỏ, thu nhập không cao… chẳng phải hoàn toàn là do kỳ thị chủng tộc hoặc giới tính (Hillary Clinton đã rất sai lầm khi ám chỉ như thế -- và bị cho là miệt thị đông đảo cử tri -- trong một diễn văn tranh cử). Sự quyến luyến với cộng đồng của những người này cũng có nhiều lý do kinh tế rất cụ thể. Sống ở tỉnh nhỏ, có thu nhập thấp… họ thường phải nương tựa vào gia đình, vào láng giềng, trong sinh hoạt hàng ngày (như giữ con cho nhau, hoặc đưa đón đi chợ, đi khám sức khoẻ, hay những việc vặt vãnh khác). Mạng lưới gia đình, xóm giềng đối với họ là cần thiết, là rất quan trọng, vì lý do kinh tế. Sự quyến luyến với cộng đồng, gốc rễ của họ không chỉ là tình cảm trừu tượng.

(3) Phong trào chống di dân từ nước ngoài và chia rẽ tôn giáo

Ngoài hai sự kiện Brexit và Trump kể trên, vài diễn biến khác cũng được nhiều người cho là có nguyên nhân từ tâm thức “gốc gác”. Chẳng hạn như ở Trung Âu và Đông Âu gần đây có phong trào chống đối di dân từ Trung Đông và Bắc Phi. Tất nhiên, sự chống đối này cũng có lý do kỳ thị chủng tộc, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng nó có phần phản ảnh sự “sợ hãi” của dân địa phương rằng văn hóa bản địa sẽ bị loãng đi, biến dạng, khi những người nhập cư đem đến cộng đồng quen thuộc của họ một nền văn hóa rất khác...

Trong một cuốn sách gần đây, giáo sư (cũng có thời là lãnh tụ một đảng lớn ở Canada) Michael Ignatieff đã phân biệt “toàn cầu hóa kinh tế” và “toàn cầu hóa đạo đức” (globalization of morals). Theo Ignatieff, quả là toàn cầu hóa kinh tế có làm cho các quốc gia gần nhau hơn, nhưng ông đặt câu hỏi: Hình thức toàn cầu hóa (kinh tế) ấy có làm hệ đạo đức của các quốc gia (ông gọi đó là “toàn cầu hóa đạo đức”) giống nhau hơn không? Ignatieff cho rằng câu trả lời sẽ là “không”. Theo ông, toàn cầu hoá không chỉ xoá bỏ biên giới hiện hữu, đem con người gần nhau hơn, mà oái oăm thay, nó có thể tạo ra những biên giới mới. Trong lúc biên giới chính trị và kinh tế mờ nhạt đi thì biên giới tôn giáo và chủng tộc lại sâu đậm hơn.

Lấy sự thảm sát dân Rohingya ở Myanmar để dẫn chứng, Ignatieff cho rằng dân chủ không nhất thiết sẽ gia tăng sự tôn trọng nhân quyền: Chính những người Myanmar từng tranh đấu cho dân chủ (dẫn đầu là bà Aung San Suu Kyi) đã làm ngơ, nếu không ngầm ủng hộ sự tàn sát ấy. Tại sao như thế? Theo Ignatieff, Myanmar là một quốc gia đa chủng tộc và người dân Myanmar có những ý thức khác nhau về “gốc rễ”, tùy theo họ là thuộc phe (đa số) theo đạo Phật, hay phe thiểu số theo đạo Islam như người Rohingya. Chính sự “mở cửa” (toàn cầu hóa) của Myanmar sau khi dân chủ được tái lập đã phơi trần sự khác biệt này, đưa đến sự đàn áp có tính diệt chủng như hiện nay.

Chúng ta phải làm gì?

Từ những nhận định đầu tiên về sự quý báu của tình cảm đối với gốc gác, quê hương… đến nhận xét về những sự kiện gần đây liên hệ đến tác động của tình cảm này đối với xã hội, quốc gia, và quan hệ quốc tế, thì phải nhìn nhận rằng vấn đề “gốc rễ” không phải là đơn giản. Nó có nhiều hậu quả phức tạp, bất ngờ, thậm chí tiêu cực. Nó có thể gây ra những rạn nứt trong xã hội, tuỳ thuộc vào ảnh hưởng chênh lệch của toàn cầu hoá, của di dân đối với những thành phần xã hội và kinh tế, ở những vùng miền khác nhau.

Chúng ta cần nhìn nhận sự đan xen chặt chẽ giữa các xu hướng công nghệ và xu hướng xã hội. Toàn cầu hóa ưu đãi những thành phần dễ dàng chuyển từ nghề này sang nghề khác. Nhìn từ một góc cạnh nào đó, sự mềm dẻo (trong di dân và nghề nghiệp) là một dạng bất công bình thu nhập. Những người thích ứng nhanh với công nghệ, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến vùng khác, đổi từ nghề này sang nghề khác, trong cùng một quốc gia cũng như quốc tế, sẽ là những người có thu nhập gia tăng nhanh chóng, nhưng lại là những người mà ý thức về nguồn gốc, về quê hương ngày càng (tương đối) kém mặn nồng. Ngược lại, những người không dễ di chuyển, khó thay đổi nghề nghiệp, thì lại thường giữ được tình cảm gốc gác quê hương một cách thiết tha hơn.

Nói cách khác, không phải ai cũng chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng do toàn cầu hoá đem lại. Sự đối kháng không chỉ vì chủng tộc, vì văn hoá, mà còn vì kinh tế, như trong trường hợp những người lo ngại bị toàn cầu hoá bỏ lại phía sau.

Muốn phát triển kinh tế, tiến bộ công nghiệp thì ta cần những người dễ dàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng, nhưng chúng ta cũng không nên quên những người, vì lý do này hoặc lý do khác, khó thay đổi. Sự chia rẽ giữa hai thành phần này, nếu ngày càng rộng hoặc không giảm đi, sẽ phát sinh những biến động trong một quốc gia cũng như trong quan hệ quốc tế.

Dù muốn dù không, thay đổi là tất yếu. Những người chấp nhận và thích ứng với những thay đổi ấy sẽ khấm khá, thịnh vượng hơn, còn những người không chấp nhận sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhưng phải nhìn nhận rằng trong sự thay đổi ấy chúng ta sẽ mất đi một phần của chính chúng ta, những tình cảm về gốc rễ, về đặc tính của cộng đồng.

Nhìn nhận sự mất mát (ít nhất cũng là mờ nhạt) ấy không có nghĩa là chúng ta phải chống lại thay đổi. Nhưng mỗi chúng ta phải thích ứng theo cách của từng người; cách thích ứng của người này không giống của người khác, không chỉ vì sở thích mỗi người một khác mà còn vì hoàn cảnh của mỗi cá nhân, tùy cách chúng ta được dạy dỗ, truyền thống gia đình của chúng ta.

Mỗi quốc gia phải chấp nhận nhu cầu “nhìn ra ngoài”, nhưng cũng phải tôn trọng những người gắn bó với làng mạc, đất đai. Những người thụ hưởng lợi ích của toàn cầu hóa có trách nhiệm chăm lo những người bị “bỏ lại phía sau”

Trách nhiệm ấy không chỉ là trách nhiệm đạo đức nhưng còn là nhu cầu chính trị và kinh tế. Thiếu nó, xáo trộn xã hội sẽ xảy ra. Các nhà lãnh đạo chính trị, những nhà văn hóa cần ý thức những điều ấy trong những hoạch định chính sách cho quốc gia, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại.

Trần Hữu Dũng

(13/12/2017)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người trẻ và những thách thức trong thời đại toàn cầu hóa

    11/04/2016Nguyễn Trần BạtLiên minh chặt chẽ với xã hội là một trong những yếu tố quan trọng một cách phổ biến đối với tất cả các cá thể, nhất là các cá thể trẻ. Và điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói là, khủng hoảng là một cơ hội, nhưng là một cơ hội cho nhiều tính xấu, và chúng ta không được phép để cho những tình huống xấu của cuộc sống bẻ gẫy sự lương thiện vốn có của mình.
  • Toàn cầu hóa và xã hội tri thức

    08/01/2016Nguyễn Trần BạtỞ đây chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, không chỉ để có được một cái nhìn toàn diện mang tính lịch sử mà còn nhằm đưa ra những kiến giải về nguyên nhân xuất hiện, cơ chế biến đổi và những hậu quả nhiều mặt của nó...
  • Ngày xuân nói chuyện viễn tưởng: Các mô hình toàn cầu hóa

    10/03/2015Bùi Văn Nam SơnThế giới đang đầy rẫy xung đột, nhưng tiến trình toàn cầu hóa dường như vẫn cứ tiếp diễn. Hai hiện tượng mâu thuẫn ấy sẽ triệt tiêu nhau, sẽ tiếp tục song hành hay sẽ hòa giải với nhau một cách nào đó?
  • Lối sống người Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa hiện nay

    10/11/2014Nguyễn Văn HuyênTrong những năm đất nước ta đổi mới, mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin hiện đại, các giá trị của toàn cầu hoá đã tác đông mạnh mẽ tới lối sống Việt Nam, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong lối sống...
  • Người nặng lòng với quê hương

    19/06/2014Đỗ ThanhGiáo sư Hoàng Xuân Hãn- nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn- đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình Lịch sử và Lịch Việt Nam: 1/ Lý Thường Kiệt; 2/ La Sơn Phu Tử; 3/ Lịch và Lịch Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp khoa học, giáo dục của ông đã được nhiều người biết đến. Nhưng tấm lòng của ông đối với Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam nơi trùng khơi, thì không phải ai cũng biết.
  • Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa

    18/04/2004Nguyễn Trần BạtMỗi một dân tộc đều tranh luận với các dân tộc khác về hệ thống giá trị, về định nghĩa con người của mình mà không dịch chuyển đến cái ngưỡng của nó. Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, trên thế giới xuất hiện một trào lưu mới, một hiện tượng văn hóa mới và rộng lớn, đó là hiện tượng toàn cầu hoá. Hiện tượng này đã phá vỡ từng mảng một sự cát cứ về tinh thần trên toàn thế giới...
  • Toàn cầu hóa chênh lệch giàu nghèo

    15/04/2014Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đối với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Hiện đại hóa, toàn cầu hóa và vấn đề chảy máu chất xám

    01/12/2009Trần Hữu DũngỞ hầu hết mọi nơi trên thế giới, hiện tượng “chảy máu chất xám” (từ nước này sang nước khác) là một hiện tượng được nhiều người, trong chính quyền cũng như ngoài xã hội, đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, sự chảy máu chất xám trầm trọng nhất vẫn là từ các quốc gia nghèo, kém phát triển Á, Phi, Mỹ La Tinh (và mới đây là Đông Âu) sang các quốc gia giàu, đã phát triển, ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
  • Gìn giữ và phát huy những giá trị nhân văn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

    30/11/2009Hà Thị Thùy DươngCon đường mà loài người đã đang và sẽ đi chính là hành trình hướng tới các giá trị nhân văn và hiện thực hoá nó trong thực tiễn. Do vậy, giá trị nhân văn luôn có ý nghĩa vĩnh cửu và phổ quát đối với mọi nền văn hoá.
  • Nhà học giả phải có một cái quê hương

    10/09/2009Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân 17.4.1929"Đạo lý vẫn không có quê hương, mà nhà học giả phải có một cái quê hương” (La science n’a pas de patrie, l’homme de science doit en avoir une); đó là câu của ông Pasteur. Thật là một câu nói, không những có ý nghĩa sâu xa mà gồm cả lịch duyệt kinh nghiệm. Phàm chân lí ở trong vũ trụ là của chung cả loài người không riêng gì cho ai. Chân lí mà đã phát minh ra, thì không kỳ xưa nay không hạn đông tây, ai mà chuyên học đạo lí, có lòng yêu trọng chân lí, phục tùng chân lí, thì cái chân lí đó, mình có thể nhận làm của mình, mà không có ai giành xé ngăn trở được.
  • Toàn cầu hóa và những thay đổi của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNói về thế giới hiện đại với những đòi hỏi có tính toàn cầu đối với mọi quốc gia không thể không đặt một câu hỏi có tính chất cốt lõi, đó là thời đại mà chúng ta đang sống có những đặc điểm chủ yếu nào?
  • Toàn cầu hóa về văn hoá

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNgoài hai xu thế là dân chủ hóa về chính trị và tự do hóa về kinh tế còn có một xu thế lớn khác là toàn cầu hóa về văn hoá. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa nhưng chủ yếu là nói về khía cạnh kinh tế. Nói như thế là phiến diện, mặc dù nó có lý do lịch sử...
  • Cải cách và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtMột khi coi cải cách là công cụ phát triển chủ động của con người cũng tức là đòi hỏi con người phải nhận thức được giới hạn của cải cách. Nghiên cứu về cải cách hay cơ sở lý luận của cải cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó chứng minh sự cần thiết phải tiến hành cải cách thường xuyên và liên tục...
  • xem toàn bộ