Quan trọng nhất là phải biết nhìn ra nhược điểm của chính mình

08:00 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Giêng, 2007
Trong cuộc gặp gỡ mới đây với chúng tôi, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về một chủ đề mang tính thời sự: tính cách Việt trong thời buổi hội nhập...

Người ta gọi ông là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa”. Bởi lẽ, hầu như cả cuộc đời ông đã dành cho sự nghiệp giới thiệu văn hoá Việt Nam ra nước ngoài và tìm hiểu, giới thiệu các nền văn hoá thế giới. Ông là Hữu Ngọc, một nhà văn hóa được biết đến nhiều ở trong và ngoài nước.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hà Nội, gốc gia đình ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tốt nghiệp tú tài, Hữu Ngọc vào học trường Luật. Tốt nghiệp, ông lại rẽ ngang sang nghề dạy học. Kháng chiến 9 năm chống Pháp, ông làm Trưởng ban giáo dục tù, hàng binh Âu – Phi, có dịp lặn lội đi khắp các trại để làm công tác địch vận, giúp cho những người lính Âu – Phi trong đội quân xâm lược của thực dân Pháp hiểu về cuộc kháng chiến chính nghĩa và nền văn hóa của Việt Nam. Sau năm 1954, có dịp đi công tác, hội thảo ở nhiều nước trên thế giới, ông đem tiếng nói chính nghĩa, yêu lao động, yêu hoà bình của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, làm cho họ hiểu đất nước và nền văn hoá của Việt Nam hơn.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và “Lời Vàng” cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Với tri thức sâu rộng, lại sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, sử dụng được chữ Hán, hơn 50 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời một loạt tác phẩm viết về kho tàng văn hóa phong phú của nhiều dân tộc. Đó là “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Mảnh trời Bắc Âu”,”Văn hoá Thuỵ Điển”, “Hồ sơ văn hoá Mỹ”, “Chân dung văn hóa Nhật Bản” “Chìa khoá để biết và hiểu Lào”. Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục “Mạn đàm truyền thống” cho Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Những bài viết đó đã được tập hợp thành một cuốn sách quý “Phác thảo chân dung văn hoá Việt Nam” bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp.

Ở tuổi 88, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam và Quỹ văn hóa Đan Mạch - Việt Nam. Quỹ do ông phụ trách đã giúp cho 11 phường rối nước khỏi bị mai một; tài trợ trùng tu gần 70 đền chùa, nhà thờ họ một số gia tộc nổi tiếng có công với nước, sửa chữa và làm mới nhiều bia mộ, tượng của các anh hùng, danh nhân, giúp nhiều học bổng cho con em các dân tộc. Hoạt động của Quỹ đã vươn tới những vùng sâu, vùng xa: phục chế tháp Mường Luân ở Lai Châu, tu bổ công trình kiến trúc cổ Thala Pangxay của đồng bào Khơ-me ở An Giang...

* Thưa ông, có nên chăng đặt ra một vấn đề trong thời buổi hội nhập hiện nay: người Việt Nam “chất lượng cao”?

- Tôi hiểu ý ngầm của thuật ngữ này. Đó là một khái niệm khá thú vị, nhưng theo tôi, ở đây không thể khu biệt những tính cách “chất lượng cao” cho một nhóm người nào đó mà phải lan toả nó ra toàn xã hội. Có nghĩa là đụng đến một vấn đề đang làm đau đầu xã hội hiện nay: giáo dục toàn dân. Chỉ có giáo dục cho đại đa số người dân những tri thức hiện đại, đồng thời cả về ý thức công dân nữa thì chúng ta mới hy vọng đưa đất nước hội nhập vào với thế giới được. Chứ nếu chỉ có một tầng lớp người nào đó trong xã hội thì đó chỉ là những cố gắng manh mún nhỏ lẻ và không mang lại được hiệu quả cho cả xã hội.

* Vậy theo ông, những tính cách “chất lượng cao” của người Việt trong thời buổi hội nhập là gì?

- Để bàn về vấn đề này, cần phải nói rộng ra một chút. Nếu như so với các nước trong khu vực thì chúng ta hội nhập với thế giới chậm hơn nhiều. Những nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều đã hội nhập sớm; kinh tế của họ phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở sức lao động rẻ, hoạt động dịch vụ...

Bây giờ, nếu ra sân chơi quốc tế, chúng ta lại đua tranh với họ trên chính những lĩnh vực mà họ đã có lợi thế do có kinh nghiệm, có thị trường... thì chúng ta sẽ chỉ gặp nhiều bất lợi mà thôi. Bởi vậy, để đua tranh trên lĩnh vực phát triển kinh tế, chúng ta phải dựa vào nội lực của mình. Nói như thế thì nghe có vẻ mông lung, sách vở quá nên tôi nói cụ thể hơn như thế này. Nền kinh tế của chúng ta sẽ phát triển dựa trên và chủ yếu là trông vào sức tiêu thụ của dân mình là chính! Có nghĩa là phải nâng cao được tỉ lệ tiêu thụ hàng hóa của người mình lên thì kinh tế mới phát triển được.

Mà người mình ở đây là ai? Là người nông dân! Bởi tỉ lệ nông dân ở ta vẫn còn lớn lắm, lên đến 80% dân số. Một bộ phận người ở thành thị đâu có tiêu thụ hàng hóa đáng kể cho nền kinh tế mà phải là người nông dân thì tỉ lệ tiêu thụ hàng hóa mới cao được. Vòng quay tiêu thụ hàng hóa càng nhanh thì nền kinh tế mới càng phát triển.

Ở đây, như vậy có một sự liên quan giữa “Hàng Việt Nam chất lượng cao” với “Người Việt Nam chất lượng cao”!

Tôi thấy rằng khẩu hiệu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chính là toát lên cái tinh thần vì quốc kế dân sinh và người Việt Nam thời hội nhập phải là người biết vì quốc kế dân sinh như vậy.

Bên Nhật Bản hàng năm có một ngày chính phủ kêu gọi người dân hãy dùng hàng nước ngoài vì dân Nhật chỉ thích dùng đồ do họ làm ra thôi. Còn ở ta thì ngược lại. Dân mình chỉ thích dùng hàng ngoại và như thế thì nền kinh tế sẽ khó mà phát triển sánh với các cường quốc năm châu được.

* Đó là đặc trưng mang tính kinh tế. Còn về tính cách cá nhân thì sao, thưa ông?

- Từ trước đến nay, chúng ta chỉ chủ yếu nói về những mặt tích cực trong tính cách người Việt: yêu nước, thương nòi, dũng cảm, cần cù, chịu khó... Việc cổ vũ những tính cách như vậy rất có ích lợi trong thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng chúng ta thường “kiêng” nói đến những mặt tiêu cực trong tính cách Việt.

Theo tôi, một tính cách quan trọng của người Việt trong thời kỳ hội nhập chính là phải khiêm tốn, chặt chẽ, biết nhìn ra những nhược điểm, yếu kém của chính mình thì từ đó mới vươn lên được.

Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của người Việt trong thời kỳ hội nhập, theo tôi, là phải có ý thức công dân. Chúng ta có thể anh dũng chết trước mặt kẻ thù, nhưng phê phán cấp trên thì không! Có thể nhẹ nhàng nhận cái chết trên chiến trường, nhưng cũng sẵn sàng xéo lên vườn hoa, cây cỏ. Ai phê bình thì tự ái.

Tôi nhớ trong một cuộc họp, có người nói rằng dân mình thiếu chữ tín, không tôn trọng lời hứa; thế là một nhà văn có tên tuổi đứng lên gay gắt bảo rằng nếu như dân ta không thật thà thì làm sao đánh thắng được quân Nguyên! Đại loại là như thế...

* Trung Quốc có xuất bản cuốn Người Trung Quốc xấu xí của nhà văn Bá Dương, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vậy theo ông, có cần phải có một cuốn sách tương tự như thế cho người Việt chúng ta hay không?

- Nên quá đi chứ! Nhưng tôi thích một cuốn sách khác của Trung Quốc hơn, cuốn Người Trung Quốc tự trào. Cần phải biết tự trào về những thói hư tật xấu của mình. Không nên coi đó như là chuyện “vạch áo cho người xem lưng”. Có bệnh thì chữa và đó chính là sức mạnh.

Ở nhiều nước, người ta có những số liệu điều tra nghiên cứu về xã hội học rất thú vị, chẳng hạn như tỉ lệ người nói dối trong xã hội, tỉ lệ người biết quan tâm đến người khác... Tôi nghĩ ở Việt Nam cũng nên tiến hành những điều tra xã hội học như thế.

* Một trong những đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường là tính cạnh tranh, còn mục tiêu tối hậu của nó là làm ra lợi nhuận. Theo ông, trong bối cảnh đó, liệu văn hóa có phải và nên như một cái “phanh” hãm bớt những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường hay không?

- Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài cuộc đua tranh về tiềm lực quân sự, cả hai bên Đông-Tây đều lao vào cuộc đua tranh về kinh tế với quan niệm cho rằng sự vượt trội về tiềm lực kinh tế sẽ có ý nghĩa quyết định đối với thành bại về đại cục!

Đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên nhân loại đã nhìn nhận lại ý nghĩa của văn hoá thông qua thập kỷ văn hoá UNESCO, nhận thức lại cái tương quan giữa văn hoá và kinh tế trong đời sống con người. Người ta hiểu ra rằng sự phát triển đơn thuần về kinh tế không có nghĩa là một bảo đảm chắc chắn cho cái gọi là “chất lượng sống”.

Nên nói văn hóa là cái động cơ cho một xã hội vận hành, còn kinh tế chính là nhiên liệu của xã hội đó. Văn hóa là mục tiêu của kinh tế chứ không phải ngược lại. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng. Nó như cái kén của con tằm, được tạo ra cho chính nó chứ không phải cho ai khác. Cần tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, không áp đặt những quy chuẩn chung cho tất cả; mà có áp đặt cũng không được. Người Hàn Quốc vẫn ăn thịt chó và World Cup vẫn được tổ chức ở Hàn Quốc, bất chấp những sự phản đối của một số người... Những người Việt của thời hội nhập cần phải nhận thức rõ những điều này và điều đó tạo nên nội lực cho người Việt trong thời kỳ hội nhập.

* Là người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, ông nói gì với họ về nước Việt Nam hiện nay?

- Có lần tôi dành ra cả một buổi để thuyết trình cho nhiều người nước ngoài hiểu về khẩu hiệu của chúng ta: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Sau buổi thuyết trình, một người Mỹ tới gặp tôi và bảo: “Khẩu hiệu này cũng hợp với nước chúng tôi!”.

* Xin cảm ơn ông!
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Việt Nam: Ô, ta tự đóng cửa ngắm mình!

    04/02/2018Mỹ HằngTừ trước đến nay, chúng ta luôn tự khen Việt Nam rừng vàng biển bạc, tự khen... chính chúng ta thân thiện. Nhưng tại sao khách du lịch vẫn ùn ùn đổ về Thái Lan, Malaysia, Indonesia... mà không hào hứng ghé thăm quốc gia Việt Nam nằm cận kề ngay đó - nơi vẫn được người Việt tự hào là "hòn ngọc Viễn Đông"?
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Co mình trong hủ lậu, Văn nặng về đùa giỡn, Lười và hay nói hão

    06/04/2015Vương Trí NhànKìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo...
  • Ai dám nhận là mình xấu xí?

    14/07/2014Phan Thị Vàng AnhNếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người. Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là "thí điểm"?
  • Tính tự phán của người mình

    18/11/2013Thái AnGần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương...
  • Có nên viết về khuyết tật của người mình không?

    19/08/2013Nguyễn TýCách đây nhiều năm, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã viết bài “Đôi chút tự trào” đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Ở bài viết đó tác giả đã chỉ ra được một số đặc điểm về thói hư tật xấu của người Việt. Nhân cuốn sách “Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng” được giải vàng sách hay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư...
  • Biết mình biết người, tỉnh táo đi tới!

    22/12/2010Vương Trí NhànBắt tay vào cuộc hội nhập là chấp nhận rằng chúng ta sẽ tham gia sân chơi lớn của thế giới. Điều cần thiết lúc này là soát xét lại mình, bàn bạc, học hỏi, rút kinh nghiệm, sẵn sàng làm lại mình nếu cần. Bởi mọi cơ hội chỉ có ý nghĩa khi người ta có một phương sách đúng, một chiến lược đúng để tận dụng được nó...
  • Cần nghĩ đến một cuộc tự vấn

    08/12/2006Nhà văn Nguyên NgọcMột con người cũng như một dân tộc, trên đường đi tới, cần biết thường xuyên tự nhìn lại mình, tự tìm hiểu chính xác chính mình, để cho cuộc đi tới được vững chắc...
  • Nghĩ về những thói hư tật xấu của người mình

    15/10/2006Dương Trung QuốcKhông biết có phải vì được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của nước Trung Hoa trong cuộc cải cách mà dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn “Người Trung Hoa xấu xí” của Bá Dương...
  • “Để người Việt Nam tự nhận thức...”

    12/09/2006Nguyên An thực hiệnTự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này...
  • Những chuyện phải giật mình

    21/07/2006Đào NguyênCó những điều tưởng chừng vặt vãnh, nhưng đôi khi nó phản ánh cả một tầm mức văn hoá của cộng đồng. Và chúng ta đã đến lúc phải nhìn thẳng vào những gì cụ thể sự tệ hại của một nếp sống, hay thói vô tránh nhiệm trong kinh doanh để có thể tìm cách sửa đổi. Chuyện kể ở đây không còn là một hiện tượng đơn lẻ, nó gần như đã thành hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng kể lại sẽ khiến ta phải giật mình.
  • Biết mình yếu để mạnh hơn

    01/09/2005Trần Hữu QuangBài viết sau nêu ra một số điểm yếu trong tư duy quản trị của tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay và thử đi tìm căn nguyên của chúng, mong góp phần vào việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân ngày càng mạnh và bản lĩnh...
  • Hãy tự xét mình

    18/01/2004Hoàng TámMấy năm gần đây người ta hay nhắc đến cuốn sách "Người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương (bản dịch Nguyễn Hồi Thủ), nói việc người láng giềng phương Bắc tự soi gương để nhận diện "cái xấu xí" của mình, "tự sỉ" mong sửa chữa để vươn lên. Bá Dương cũng nêu tấm gương của những người ở Mỹ và Nhật đi trước ông, viết sách tự phê phán "cái xấu xí" của mình.
  • Thích buộc mình vào mảnh đất... trời Tây

    11/11/2003Cao Xuân HạoNgười Do Thái bị Trời đày lưu lạc ở nước ngoài cố tích luỹ lấy một tài sản lớn rồi tìm hết cách để trở về Cõi Đất Hứa khô cằn của mình. Người Việt Nam được Trời đãi một cõi rừng vàng bể bạc mà vẫn cố phát mãi tài sản đi để tìm hết cách ra sống ở nước ngoài.
  • xem toàn bộ