Quan niệm của G. V. Ph. Heghen về "tha hóa" qua sự đánh giá của C. Mác

Ban Tuyên giáo Trung ương
08:32 CH @ Chủ Nhật - 19 Tháng Mười Hai, 2010

Nhân kỷ niệm 240 năm ngày sinh Hêghen (Hegel), trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích quan niệm của ông về “tha hoá” qua sự đánh giá của C.Mác. Đó là quan niệm của ông về “tha hoá” với tư cách một phạm trù xuất phát để xây dựng hệ thống triết học; “tha hoá” là quá trình phát triển biện chứng, quá trình tước bỏ và bảo tồn, quá trình phủ định của phủ định và là thuộc tính phổ biến, là quá trình phổ biến của tự nhiên, của xã hội và của tư duy (ý thức); về sự tha hoá của bản chất con người và vấn đề “giải” tha hoá.


Có lẽ, phạm trù “tha hoá” đã trở thành phạm trù triết học theo nghĩa đầy đủ, rõ ràng và điển hình nhất của nó ở triết học cổ điển Đức. Chúng ta có thể tìm thấy tính triết học sâu sắc của phạm trù này trong quan niệm của Hêghen. Tiếp nối truyền thống của các nhà triết học cổ điển Đức và là người đạt tới đỉnh cao trước Mác trong việc đem lại cho phạm trù “tha hoá” một nội dung triết học hết sức độc đáo, phong phú và biện chứng, Hêghen đã xây dựng một lý luận khá hoàn chỉnh về “tha hoá” và nâng “tha hóa” lên thành phạm trù trung tâm, xuyên suốt trong hệ thống triết học của ông.

Vậy, quan niệm về “tha hoá” của Hêghen có những nội dung đặc sắc gì? Đọc lại Hegel nhân kỷ niệm 240 năm ngày sinh (1770 - 2010) của ông và qua các chỉ dẫn của C.Mác, chúng ta có thể nêu một số điểm sau:

Thứ nhất, như C.Mác đã nhận xét trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, “Hêghen đã xuất phát từ tha hoá” để nghiên cứu triết học của mình. Phạm trù “tha hoá” rốt cuộc đã xuyên suốt và bao trùm lên toàn bộ hệ thống của Hêghen.

Trong những tác phẩm khá sớm của Hêghen, cụ thể là trong Những phác thảo về hệ thống ở Iena (1805-1806), Hêghen đã chỉ ra biện chứng của lao động và tha hoá, của thống trị và bị nô dịch, của nguyên nhân và giả định mục đích, của cơ học và hữu cơ luận,v.v., nghĩa là ông đã bắt đầu bàn về “tha hóa”. Đặc biệt, trong Hiện tượng học tinh thần- tác phẩm đánh dấu kết sự thúc thời kỳ hoạt động của Hêghen ở Iena, quá trình phát triển mang tính biện chứng phổ biến của tồn tại và nhận thức đã được cụ thể hoá thành biện chứng của chủ nô và nô lệ, tự do và tha hoá, xã hội và cá nhân, chân lý và sai lầm. Ở đây, “tha hóa” đã được Hêghen luận bàn như một phạm trù triết học và trở thành nét chủ đạo trong suy tư triết học của ông.

Phạm trù “tha hoá” của Hêghen mang cả tính chất bản thể luận (sự chuyển hoá của tinh thần thành tự nhiên và sự tạo ra thế giới đối tượng, tức là thế giới xã hội, khách quan, thông qua hoạt động mang tính đối tượng hoá của con người) lẫn tính chất nhận thức luận (biến tri thức thành mặt đối lập của nó, tức là thành sai lầm). Xét về mặt thuật ngữ, “đối tượng hoá” (Vergegenstandlichung) và tha hoá tri thức là khác nhau (Entansserung und Entyremdung). Tuy nhiên, sự khác biệt đó đã được vạch ra trong quan điểm của Hêghen, nhưng sau đó lại bị lu mờ vì ông cho rằng, mọi sự đối tượng hoá về nguyên tắc đều là tha hoá, còn mọi tha hoá thì đều được đối tượng hoá(1).

Thứ hai, tính độc đáo và biện chứng trong cách tiếp cận của Hêghen về “tha hoá”. Trong cách hiểu của Hêghen về “tha hoá”, có thể chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ 1807 đến trước 1812, tức là những năm đánh dấu sự chín muồi trong thế giới quan triết học của Hêghen, thể hiện qua việc ông cho xuất bản Hiện tượng học tinh thần. Trong tác phẩm này, Hêghen đã xây dựng và trình bày rõ quan niệm của mình về “tha hoá”: tha hoá chính là quá trình biến thành (trở thành) cái khác, cái tha hoá chính là cái ban đầu được biểu hiện là cái khác. Hêghen viết: “Tự nhiên biểu hiện ra là ý niệm dưới hình thức tồn tại khác. Như vậy, vì ý niệm biểu hiện ra ở đây là sự phủ định bản thân, hoặc như ở ngoài bản thân mình, cho nên không phải tự nhiên chỉ có tính chất bên ngoài theo ý nghĩa tương đối, so với ý niệm ấy, mà tính bên ngoài tạo thành sự quy định trong đó ý niệm biểu hiện ra là tự nhiên(2).

Giải thích rõ hơn về quan niệm này của Hêghen, C.Mác viết: “Cần phải hiểu tính bên ngoài ở đây theo ý nghĩa sự tha hoá, theo ý nghĩa sự thiếu sót, khuyết điểm không nên có. Vì cái chân thực vẫn còn là ý niệm. Tự nhiên chỉ là hình thức tồn tại khác của ý niệm(3). Rằng, mặc dù là “cái tha hoá”, nhưng vẫn cần cái ban đầu, dĩ nhiên là cái ban đầu trong hoàn cảnh khác. Và, chính C.Mác đã chỉ ra quan niệm này ở Hêghen: “Mặt khác, theo lời Hêghen, ở đây đồng thời cũng có một nhân tố khác, đó là: trên một mức độ y như thế, tự ý thức đã tước bỏ và hấp thu trở lại vào mình sự tha hoá ấy và tính đối tượng ấy và do đó, trong tồn tại khác của nó với tính cách là tồn tại khác, cũng vẫn ở trong bản thân nó(4).

Vậy, căn nguyên và điểm xuất phát của tha hoá là ở đâu? Theo Hêghen, căn nguyên và điểm xuất phát của tha hoá là ở ý niệm tuyệt đối, hay tinh thần tuyệt đối. Cũng theo ông, ý niệm tuyệt đối – tinh thần tuyệt đối là điểm xuất phát, là nền tảng trong quan niệm về hiện thực. Tiếp thu những quan niệm của Senlinh về cái Tuyệt đối, Hêghen coi nền tảng thế giới quan triết học của mình là tinh thần tuyệt đối được hiểu như đấng tối cao sáng tạo ra giới tự nhiên và con người. Mọi sự vật, hiện tượng xung quanh ta, từ những sự vật tự nhiên cho đến những sản phẩm hoạt động của con người (xã hội và tư duy) chỉ là hiện thân của tinh thần tuyệt đối được hiểu như là căn nguyên sinh ra, “tha hoá” ra mọi cái trên thế gian.

Ở Hêghen, - C.Mác viết -, biện chứng là sự tự phát triển của ý niệm. Ý niệm tuyệt đối không những tồn tại vĩnh viễn - không biết ở đâu - mà còn là linh hồn sinh động thật sự của toàn bộ thế giới hiện tồn. Ý niệm đó phát triển để trở về bản thân nó, thông qua tất cả những giai đoạn chuẩn bị..., và tất cả những giai đoạn ấy đã nằm ngay trong bản thân ý niệm. Sau đó, nó “tự tha hóa” bằng cách chuyển hoá thành giới tự nhiên, trong đó, không có ý thức về bản thân và hoá thành tính tất yếu tự nhiên, ý niệm tuyệt đối ấy trải qua một sự phát triển mới và cuối cùng trở lại tự ý thức trong con người; cái tự ý thức đó xây dựng bản thân nó trong lịch sử từ hình thái thô sơ để rồi, cuối cùng, lại hoàn toàn trở về với bản thân nó trong triết học của Hêghen. Ở Hêghen, sự phát triển biện chứng biểu hiện trong giới tự nhiên và trong lịch sử, - tức là mối liên hệ nhân quả của sự vận động tiến lên từ thấp đến cao thông qua tất cả những sự vận động chữ chi và những bước thụt lùi tạm thời, - chỉ là sự sao chép lại sự tự vận động của ý niệm, một sự tự vận động diễn ra vĩnh viễn, không biết ở đâu, nhưng dù sao cũng độc lập đối với mọi bộ óc đang tư duy của con người(5).

Không những thế, ý niệm tuyệt đối còn được Hêghen xem là chủ thể của sự tha hoá. C.Mác đã nói rõ về điều này khi chỉ ra quan niệm của Hêghen về quá trình nhận thức “phải có kẻ đảm nhiệm, phải có chủ thể” nhưng “chủ thể chỉ nảy sinh như là kết quả; cho nên kết quả đó - chủ thể hiểu mình như tự ý thức tuyệt đối - là thượng đế, tinh thần tuyệt đối, ý niệm hiểu mình và tự thực hiện mình. Con người hiện thực và giới tự nhiên hiện thực trở thành đơn thuần những tân từ, những biểu tượng của con người không hiện thực và bị che giấu ấy và của giới tự nhiên không hiện thực ấy. Cho nên quan hệ giữa chủ từ và tân từ bị xuyên tạc một cách tuyệt đối: đó là, chủ thể - khách thể thần bí, hoặc là tính chủ thể trùm lên khách thể, là chủ thể tuyệt đối với tính cách là một quá trình, với tính cách là chủ thể tự tha hoá mình và trở lại bản thân mình từ trong sự tha hoá ấy và đồng thời hấp thu sự tha hoá ấy trở lại bản thân mình, và là chủ thể với tính cách là quá trình ấy…(6).

Theo đó, có thể nói, trong quan niệm của Hêghen, ý niệm tuyệt đối là tồn tại đầu tiên, duy nhất và vĩnh hằng và nhờ có sự “tự tha hoá” mà hình thức thể hiện đầu tiên của nó là giới tự nhiên, hình thức thứ hai là con người và xã hội loài người và đến đây, ý niệm tuyệt đối tự nhận thức đầy đủ về chính bản thân mình trong triết học Hêghen.

Giai đoạn 2: Từ 1812 - 1814 về sau, nghĩa là giai đoạn Hêghen công bố Khoa học lôgíc, bộ sách mà thông qua sự vận động của phạm trù "tha hoá", ông trình bày các quy luật và phạm trù cơ bản của phép biện chứng. Ở giai đoạn này, Hêghen đã tiến thêm một bước lớn, hoàn chỉnh hơn quan niệm của mình về tha hoá. Ở đây, ông hiểu tha hoá là trở thành cái khác hoàn thiện hơn và các hình thức khác nhau của sự tha hoá (giới tự nhiên, con người và xã hội loài người, tự ý thức của con người) đều có xu hướng, có tham vọng trở về với cái xuất phát, cái căn nguyên, cái chủ thể tuyệt đích tối thượng - ý niệm tuyệt đối - tinh thần tuyệt đối. Bởi lẽ, theo Hêghen, ý niệm tuyệt đối là giai đoạn sơ khai nhất, nhưng là điểm xuất phát và là nền tảng của toàn bộ hệ thống và do vậy, “vận động lên phía trước là sự quay trở về nền tảng, về điểm đầu và chân lý(7). Hơn thế nữa, cũng nhờ mỗi lần quay trở về đó mà sự vật đã trở thành cái khác (tha hoá), sự vật mới được xuất hiện. “... Cùng với tri thức,- Hêghen viết -, cả đối tượng cũng trở nên khác đi, vì thực chất nó thuộc về tri thức đó...”, “... đối tượng mới đã xuất hiện nhờ sự quay về (Um Kehrung) của bản thân ý thức(8). Cứ như vậy sự vật vận động tiến lên mãi cho tới khi đạt đến tri thức tuyệt đối (tinh thần tuyệt đối).

C.Mác đã lý giải rõ hơn về quan niệm này của Hêghen như sau: “Dù cho Hêghen đã nhấn mạnh, nhất là trong cuốn “Lôgíc học” của ông, rằng chân lý vĩnh cửu đó chẳng qua chỉ là bản thân quá trình lôgíc, (resp: quá trình lịch sử), nhưng Hêghen lại buộc phải gán cho quá trình ấy một điểm tận cùng, chính là vì ông phải kết thúc hệ thống của ông ở một điểm nào đó. Trong cuốn “Lôgíc học”, ông lại có thể làm cho điểm tận cùng đó thành một điểm bắt đầu, vì ở đây, cái điểm tận cùng, tức ý niệm tuyệt đối - ý niệm đó sở dĩ là tuyệt đối, chỉ là vì ông tuyệt đối không biết nói gì về nó cả, -“tự tha hoá”, tức là tự chuyển hoá thành tự nhiên, và sau đó lại trở về với bản thân nó trong tinh thần, tức là trong tư duy và trong lịch sử. Nhưng ở điểm tận cùng của toàn bộ triết học thì muốn quay trở lại khởi điểm như vậy, chỉ có thể có một con đường duy nhất. Cụ thể là bằng cách hình dung điểm tận cùng của lịch sử như sau: nhân loại chính là đã nhận thức được ý niệm tuyệt đối ấy và tuyên bố rằng nhận thức ấy về ý niệm tuyệt đối đã đạt được trong triết học của Hêghen(9).

Thứ ba, thực chất của tha hoá, theo Hêghen, là quá trình phát triển biện chứng, là quá trình tước bỏ và bảo tồn, là quá trình phủ định của phủ định. Chính bởi thế, trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác đã lưu ý rằng: “Giờ đây phải xét - trong khuôn khổ phạm trù tha hoá - những nhân tố tích cực của phép biện chứng của Hêghen”(10).

Vậy, “phép biện chứng” trong phạm trù “tha hoá” của Hêghen là như thế nào và có những điểm gì? Chính C.Mác đã chỉ ra nội dung cơ bản của phép biện chứng trong phạm trù tha hoá của Hêghen như sau: “Theo Hêghen, sự khắc phục đối tượng của ý thức (sự tha hoá – N.Đ.X.) được biểu hiện một cách toàn diện ở chỗ:

1) đối tượng với tính cách như vậy biểu hiện ra đối với ý thức như là đang biến mất;

2) sự tha hoá của tự ý thức là cái mà tính vật thể thiết định;

3) sự tha hoá ấy không chỉ có ý nghĩa phủ định mà còn có ý nghĩa khẳng định nữa;

4) nói rõ có ý nghĩa đó không chỉ đối với chúng ta hoặc ở trong bản thân nó mà cả đối với bản thân ý thức;

5) đối với ý thức, sự phủ định đối tượng, hoặc việc đối tượng xoá bỏ bản thân nó, có một ý nghĩa khẳng định (hoặc nó có ý thức về cái hư vô của đối tượng) do chỗ nó tha hoá bản thân nó, hoặc trong sự tha hoá ấy nó thiết định bản thân nó như là đối tượng, hoặc thiết định đối tượng như là bản thân nó, do sự thống nhất không thể phân chia của tồn tại vì mình;

6) mặt khác, ở đây đồng thời cũng bao hàm cả nhân tố thứ hai, cụ thể là trên một trình độ như vậy, ý thức cũng tước bỏ và thu hút trở lại bản thân mình sự tha hoá ấy và tính đối tượng ấy và, do đó, trong tồn tại khác với tính cách là tồn tại khác của nó nó vẫn ở trong bản thân nó;

7) đó là sự vận động của ý thức, và trong sự vận động ấy, ý thức là tập hợp những nhân tố của nó;

8) ý thức cũng phải đối đãi với đối tượng phù hợp với tập hợp những quy định của mình và xem xét nó trên góc độ mỗi quy định đó. Tập hợp những quy định ấy của ý thức làm cho đối tượng tự nó trở thành bản chất tinh thần, còn đối với ý thức thì đối tượng thực sự trở thành như vậy là do việc nhận thức mỗi quy định riêng biệt của đối tượng như là cái tự ngã, hoặc do thái độ tinh thần đối với chúng như đã nói ở trên”(11).


Bởi vậy, “cho nên, - theo C.Mác -, ở Hêghen sự tước bỏ trong đó sự phủ định và sự giữ lại, tức là sự khẳng định kết hợp nhau, có một vai trò độc đáo(12).

Thứ tư, “tha hoá”, đối với Hêghen, còn là thuộc tính phổ biến, là quá trình phổ biến của tự nhiên, của xã hội và của tư duy (ý thức).

Theo C.Mác, Hêghen đã hiểu quá trình tha hoá nói chung như sau: “Chất đã bị tước bỏ là lượng, lượng đã bị tước bỏ là độ, độ đã bị tước bỏ là bản chất, bản chất đã bị tước bỏ là hiện tượng, hiện tượng đã bị tước bỏ là hiện thực, hiện thực đã bị tước bỏ là khái niệm, khái niệm đã bị tước bỏ là tính khách quan, tính khách quan đã bị tước bỏ là tư tưởng tuyệt đối, tư tưởng tuyệt đối đã bị tước bỏ là tự nhiên, tự nhiên đã bị tước bỏ là tinh thần chủ quan, tinh thần chủ quan đã bị tước bỏ là tinh thần đạo đức khách quan, tinh thần đạo đức đã bị tước bỏ là nghệ thuật, nghệ thuật đã bị tước bỏ là tôn giáo, tôn giáo đã bị tước bỏ là tri thức tuyệt đối(13).

C.Mác cũng đã vạch ra quan niệm của Hêghen về tha hoá trong xã hội: “Chẳng hạn như trong triết học pháp quyền của Hêghen, - C.Mác viết -, tư pháp đã bị tước bỏ là đạo đức, đạo đức đã bị tước bỏ là gia đình, gia đình đã bị tước bỏ là xã hội công dân, xã hội công dân đã bị tước bỏ là nhà nước, nhà nước đã bị tước bỏ là lịch sử thế giới. Trong hiện thực thực tế, tư pháp, đạo đức, gia đình, xã hội công dân, nhà nước, v.v. tiếp tục tồn tại như trước, chúng chỉ trở thành những nhân tố, những hình thức sinh tồn và hình thức tồn tại hiện có của con người, những hình thức và nhân tố này nếu cô lập với nhau thì không có sức mạnh, chúng xoá bỏ lẫn nhau, sản sinh lẫn nhau v.v. những nhân tố của vận động(14).

Còn trong tư duy, “tha hoá” được Hêghen hiểu, - qua cách trình bày của C.Mác, - như sau: “Trong sự tồn tại hiện thực của chúng, bản chất cơ động ấy của chúng bị che giấu. Bản chất đó chỉ bộc lộ ra, được vạch ra lần đầu tiên trong tư duy, trong triết học, và do đó tồn tại tôn giáo đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học tôn giáo, tồn tại chính trị đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học pháp quyền, tồn tại tự nhiên đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học tự nhiên, tồn tại nghệ thuật đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học nghệ thuật, tồn tại con người đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học. Chính như vậy sự tồn tại đích thực của tôn giáo, của nhà nước, của tự nhiên, của nghệ thuật là triết học tôn giáo, triết học tự nhiên, triết học nhà nước, triết học nghệ thuật(15).

Thứ năm, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng triết học, Hêghen đã bàn đến sự tha hoá của bản chất con người. Song, đúng như C.Mác đã chỉ ra: “Đối với Hêghen, bản chất người đồng nghĩa với tự ý thức. Cho nên đối với con người, mọi sự tha hoá của bản chất con người chẳng qua là sự tha hoá của tự ý thức. Sự tha hoá của tự ý thức không được coi là biểu hiện, là biểu hiện được phản ánh vào trong ý thức và tư duy, của sự tha hoá hiện thực của bản chất con người. Trái lại, sự tha hoá hiện thực có tính chất thực tại, xét theo thực chất che giấu rất sâu bên trong nó - và chỉ do triết học vạch ra - chẳng qua là biểu hiện của sự tha hoá của bản chất người chân chính, của tự ý thức(16). Hêghen cũng đã bàn đến lao động và sự tha hoá lao động của con người và khi bàn đến vấn đề này, theo C.Mác, “ông nắm lấy bản chất của lao động” và “hiểu con người đối tượng, con người chân chính,... là kết quả của lao động của bản thân con người(17). Song, cũng theo C.Mác, “ông coi... lao động là sự sinh thành vì mình của con người trong khuôn khổ sự tha hoá, hoặc với tính cách là con người bị tha hoá. Hêghen chỉ biết và thừa nhận một thứ lao động, cụ thể là lao động tinh thần trừu tượng. Như vậy, phàm cái gì nói chung cấu thành bản chất của triết học, cụ thể là sự tha hoá của con người hiểu biết mình, hoặc khoa học bị tha hoá tự tư duy về mình, thì Hêghen thừa nhận là bản chất của lao động(18).

Do vậy, Hêghen chỉ nhận thấy hậu quả tiêu cực của lao động là các trạng thái tinh thần nhưng đã bị tha hoá (từ những hậu quả thuần túy vật chất, ông chỉ ra sự phân hoá nghèo - giàu trong xã hội). Thực tế tha hoá hiện thực của sản phẩm lao động khỏi người lao động được nhà triết học thể hiện dưới hình thức thần bí, bao gồm các trạng thái ý thức bị trói buộc của chủ thể mà cá tính phải chịu những hậu quả tai hại do tác động qua lại với môi trường xã hội(19).

Cùng với việc kiến giải về sự tha hoá của bản chất con người và của lao động con người, Hêghen cũng đã bàn đến “chẳng hạn khi ông xem xét sự giàu có, quyền lực nhà nước v.v. như là những bản chất bị tha hoá khỏi bản chất người(20). Song, theo C.Mác, không phải Hêghen bàn và lý giải về hiện thực hoá của chúng, mà ông “chỉ nắm những cái ấy trong hình thức tư tưởng của chúng” và coi “chúng là bản chất được tư tưởng và do đó chỉ là sự tha hoá của tư duy triết học thuần tuý, nghĩa là trừu tượng(21).

Thứ sáu, Hêghen cũng đã bàn đến việc “giải” tha hoá. Theo Hêghen, đối với con người, việc “giải” tha hoá chính là việc con người phải trở về với nguồn gốc ban đầu của nó - ý niệm tuyệt đối. “Vì quan điểm đó có tính chất hình thức và trừu tượng, - Mác chỉ ra,- nên tước bỏ sự tha hoá trở thành khẳng định sự tha hoá, nói cách khác, đối với Hêghen sự vận động nói trên của sự tự sản sinh, của sự tự đối tượng, một sự biểu hiện tuyệt đối và do đó là một sự biểu hiện cuối cùng, có mục đích là bản thân mình, ổn định trong bản thân mình và đạt tới bản chất của mình(22).

Đưa ra quan niệm như vậy để “giải” tha hoá ở con người thì chỉ là một cách làm thuần tuý trong tư duy, không phải là cách “giải” hiện thực. Về vấn đề này, C.Mác đã rất chí lý khi đánh giá rằng: “Hêghen nhập lại làm một và giam hãm tất cả những tinh thần đã cứng đờ ấy vào trong “Lô-gích học” của ông, bằng cách coi mỗi tinh thần ấy trước hết như là sự phủ định, nghĩa là như là sự tha hoá của tư duy con người, rồi sau đó như là phủ định của phủ định, có nghĩa như là sự tước bỏ sự tha hoá ấy, như là biểu hiện hiện thực của tư duy con người; nhưng trong khi còn bị sự tha hoá cầm tù, bản thân sự phủ định của phủ định ấy một phần là sự phục hồi những tinh thần đã cứng đờ lúc đầu trong sự tha hoá của chúng, một phần là sự dừng lại ở hành vi cuối cùng, là sự quy bản thân mình vào bản thân mình trong sự tha hoá, coi như tồn tại đích thực của những tinh thần đã cứng đờ ấy; còn một phần, vì sự trừu tượng ấy hiểu bản thân mình và cảm thấy một sự buồn chán vô tận về bản thân mình, cho nên ở Hêghen sự từ bỏ tư duy trừu tượng chỉ vận động trong tư duy (chúng tôi nhấn mạnh – N.Đ.X.), tồn tại không cần có con mắt, răng, tai, không có mọi cái, biểu hiện như sự quyết tâm thừa nhận tự nhiên với tính cách là bản chất và chuyên vào việc trực quan(23).

Như vậy, qua cách trình bày của Hêghen về “tha hoá” trong lý luận triết học của ông thông qua sự nhận xét, đánh giá của C. Mác, chúng ta thấy, đây là lý luận triết học đầy đủ nhất, sâu sắc nhất, mang nội hàm triết học uyên bác nhất và là lý luận triết học đỉnh cao về phạm trù “tha hóa” trong lịch sử triết học giai đoạn trước Mác. Trong lý luận triết học đó của Hêghen, những giá trị khoa học (lôgíc học), những yếu tố tích cực và hợp lý (phép biện chứng), những suy tư về triết học... đã được thừa nhận, đánh giá cao, được tiếp thu, kế thừa và phát triển về sau này, nhất là trong triết học Mác. Song, thật đáng tiếc, đúng như nhận xét của C.Mác, ở trong lý luận tha hóa đó, “toàn bộ lịch sử của sự tự tha hoá và toàn bộ việc xoá bỏ sự tha hoá chẳng qua là lịch sử của sự sản xuất ra tư duy trừu tượng, nghĩa là tư duy tuyệt đối [XVII], tư duy lô-gích, tư biện. Do sự tha hoá đó - hình thành sự quan tâm thực thụ của sự tha hoá ấy - và việc tước bỏ sự tự tha hoá ấy được Hêghen hình dung là sự đối lập giữa tự nó và vì nó, giữa ý thức và tự ý thức, giữa khách thể và chủ thể, nghĩa là sự đối lập giữa tư duy trừu tượng và hiện thực cảm tính hoặc cảm tính hiện thực, trong giới hạn bản thân tư tưởng. Mọi sự đối lập khác và sự vận động của các mặt đối lập ấy chỉ là vẻ ngoài, vỏ ngoài, hình thức bề ngoài của những mặt đối lập duy nhất đáng quan tâm cấu thành ý nghĩa của những mặt đối lập tầm thường khác ấy. Cái biểu hiện ở đây với tính cách là bản chất được thiết định và phải bị tước bỏ sự tha hoá không phải là việc bản chất con người được đối tượng hoá một cách không phải người, đối lập với bản thân mình, mà là việc bản chất đó được đối tượng hoá khác với tư duy trừu tượng và đối lập với nó(24).

Tìm hiểu tư tưởng triết học của Hêghen về “tha hóa” là hết sức cần thiết, bởi lẽ, theo cách nói của V.I.Lênin, nếu chúng ta “không hiểu Hêghen thì không hiểu Mác”. Với tư cách một môn đệ của phái Hêghen trẻ, C.Mác khi bắt đầu sự nghiệp triết học của mình cũng đã chịu ảnh hưởng rất lớn của triết học Hêghen, nhất là học thuyết về “tha hoá” của Hêghen. Cũng giống như các môn đệ khác của phái Hêghen trẻ, C.Mác cũng bắt đầu nghiên cứu về phạm trù “tha hoá”, - một phạm trù triết học nổi bật nhất, trung tâm nhất của triết học Đức cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Song, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá phạm trù “tha hoá” của Hêghen, C.Mác cho rằng: Tha hoá là một hiện thực có thật, một hiện trạng thực tế trong xã hội và có cơ sở kinh tế của nó. Và, cũng từ đây, C.Mác đã đi đến nhận định và kết luận về một nội dung quan trọng nhất trong lý luận về tha hóa của mình, đó là việc tìm ra lực lượng và biện pháp vật chất để “giải” tha hóa trong hiện thực. Như vậy, cách tiếp cận của C.Mác về tha hoá đã được dựa trên một nền tảng hiện thực; nói cách khác, quan niệm duy vật lịch sử về tha hoá đã được tuân thủ và áp dụng triệt để mà, về vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác. Thiết nghĩ, nhận thức đúng, đánh giá đúng thực chất và ý nghĩa của tư tưởng về tha hóa (cũng là tư tưởng triết học) của Hêghen là cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ về ông. (24)


(1)Xem thêm: Lịch sử phép biện chứng, t.III: Phép biện chứng cổ điển Đức. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.348-354.

(2)G.Hêghen. Hiện tượng học tinh thần. Dẫn lại theo C.Mác

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bảy bước tới tha hóa

    16/06/2020Vương Trí NhànKhi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa. Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa...
  • Lời cảnh tỉnh chúng ta

    07/10/2019Bùi Quang MinhNước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hóa cũng đã lâu nhưng ví với các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao... Xem thêm: Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt...
  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Mối quan hệ giữa sở hữu tư và tha hóa

    26/03/2018Ngụy Tiểu BìnhC.Mác đã không chỉ dùng khái niệm tha hoá để giải thích về sự đối tượng hoá (sự vật hoá) bản chất con người, mà còn dùng nó để chỉ rõ các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng như vạch trần sự bóc lột trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Song, C. Mác vẫn chưa có sự phân biệt rõ hai phương thức biểu thị khác nhau của sự đối tượng hoá bản chất chủ thể, đó là: sự tha hoá nội sinh (dị hoá) và tha hoá ngoại sinh (ngoại hoá)...
  • Sự tha hóa của ngôn từ

    30/03/2017Vương Trí NhànTục ngữ Việt Nam có câu "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Hóa ra sự tha hóa tiếng nói ở ta đã bắt đầu từ lâu lắm. Điều cần nói thêm là đến nay trong xã hội hiện đại, khuynh hướng này ngày càng phổ biến.
  • Mặc cảm - Tha hóa - Phân thân trong tâm lý người cầm bút

    13/01/2016Vương Trí NhànỞ nước nào cũng vậy, một dấu hiệu chứng tỏ xã hội trưởng thành là sự phân công lao động được thúc đẩy mạnh mẽ, đi kèm với nó là sự hình thành tầng lớp trí thức chuyên làm công việc sáng tạo. Của cải mà lớp trí thức này giao nộp cho xã hội là những giá trị tinh thần với tất cả sự phong phú đa nghĩa của hai chữ tinh thần. Trong khi có vẻ sống xa nhân dân thì những gì tốt đẹp mà họ làm ra lại gắn liền với nhân dân. A. P. Chékhov còn nói trí thức, đó là lương tâm của nhân dân nữa...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: tha hóa tự nhiên, đáng chê cười

    20/04/2015Vương Trí NhànNước ta, đạo Khổng Mạnh dĩ đức báo oán là chữ nhãn, dĩ tiểu sự đại là chữ trí, ai chết mặc ai không học chữ kiêm ái, dở khôn dở dại cứ giữ đạo trung dung(1), trải mấy ngàn năm vua tôi cha con quan dân thầy trò từ trên chí dưới cứ ở trong phạm vi cái đạo đức ấy đã gây nên một nến văn hóa rất có đặc sắc cho đến ngày nay...
  • Sự biến dạng tâm lý xã hội dưới tác động của tham nhũng

    08/02/2013Nguyễn Trần BạtTham nhũng không phải là hiện tượng tiêu cực duy nhất gây ra biến dạng tâm lý nhưng nó là một trong những yếu tố gây ra những biến dạng khủng khiếp nhất, trên quy mô rộng lớn nhất, ở mức độ sâu sắc nhất và thậm chí, tham nhũng gây ra sự biến dạng nhân cách...
  • Về điều bí ẩn trong “thế giới hàng hoá” của Marx

    11/11/2009Lữ Phương“Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối thì của cải biểu hiện ra là một “đống hàng hoá khổng lồ”, còn từng hàng hoá một thì biểu hiện ra là hình thái nguyên tố của của cải ấy. Vì vậy, công cuộc của chúng ta bắt đầu bằng việc phân tích hàng hoá”
  • Vấn đề tha hóa trong "hiện tượng học tinh thần” của Hêghen

    17/12/2008TS. Nguyễn Anh Tuấn & ThS. Nguyễn Thị Thanh HuyềnLuận giải quan niệm của Hêghen về "tha hoá" trong "Hiện tượng học tinh thần" theo các cách tiếp cận triết học, nhận thức luận, xã hội học và lịch sử văn hóa, trong bài viết này, các tác giả không chỉ làm rõ quan niệm của Hêghen về "tha hoá" với tư cách một phạm trù mang tính hệ thống và năng động, về tiến trình biện chứng của sự tha hóa và sự “vượt bỏ”, mà còn bước đầu chỉ ra những hạn chế trong quan niệm của ông.
  • Vẫn là chuyện nuôi dưỡng con người

    16/01/2006GS. Tương laiNhững ngày cuối cùng của năm 2005 lùi vào phía sau để lại dư vị đắng tai ác của vụ bán độ bóng đá. Giờ đây, việc xử phạt nghiêm khắc số cầu thủ bán độ là cần nhưng cần hơn gấp nhiều lần là phải chỉ ra được môi trường sống đã nuôi dưỡng và đẩy những cầu thủ trẻ của chúng ta trượt dài trên con đường tha hóa...
  • xem toàn bộ