Lợi ích của đạo văn

11:15 SA @ Chủ Nhật - 22 Tháng Tư, 2018

1. Thưa ông, với quan sát cá nhân, ông đánh giá vấn nạn đạo văn ở VN đang ở mức độ như thế nào?

Tôi cho rằng đạo văn hiện đang rất phổ biến và đó là điều đáng xấu hổ. Với tư cách một nhà giáo, thú thật là tôi rất xấu hổ về tình trạng đạo văn ở nhà trường Việt Nam . Nhưng không chỉ có sinh viên đạo văn. Rất nhiều người nổi tiếng, trong đó có cả nhà văn, nhà giáo cũng có đạo văn dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài những hình thức đạo văn thông thường, còn có những hình thức “kín đáo” hơn, chẳng hạn lấy ý kiến của người khác rồi viết lại y như mình nghĩ ra. Hay việc một vị PGS ở Hà Nội không biết tiếng Pháp đi thuê một học giả nổi tiếng ngoại 80 tuổi dịch một tác phẩm lý luận, sau đó đứng tên “đồng tác giả”, mà lại đặt tên mình lên trước.

2. Theo ông, đạo văn có nguồn gốc từ đâu?

Về mặt văn hóa, như tôi đã viết trong bài “Nguồn gốc văn hóa của đạo văn”,nguyên nhân sâu xa của tình trạng đạo văn là truyền thống giáo dục áp đặt và giáo điều mà cho đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Cơ sở của nền giáo dục này là sự thần thánh hoá tư tưởng của một số tác giả, biến những tư tưởng ấy thành chân lý phổ quát mà mọi người đều phải học và làm theo. Với lối học như thế, trí thức ngày xưa không phải là những người sáng tạo, mà là những người biết nhiều chữ, thuộc nhiều sách, để lúc nào cũng có thể nói ra những câu na ná những câu của các bậc Thánh hiền.

Phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn vậy. Các thầy cô giáo đọc sách rồi truyền đạt cho học sinh và đòi hỏi các em phải nhớ. Em nào thuộc lòng và chép lại chính xác bài giảng của thầy sẽ được điểm cao - một ví dụ là bài văn được điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006. Những bài viết không hoàn toàn giống với bài giảng của thầy sẽ được điểm thấp hơn. Về bản chất, dạy học như vậy chính là dạy đạo văn, và việc chấm bài cũng đề cao trình độ đạo văn. Lối dạy này khiến cho các em nhầm tưởng rằng các kiến thức trong sách hay trên mạng đều là vô chủ, hoặc là sở hữu chung, ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải quan tâm đến tác giả của chúng.

Việc thiếu sách là một lý do khác. Nếu cả thầy và trò chẳng có gì để đọc ngoài cuốn giáo trình thì thử hỏi các em sẽ học như thế nào nếu không học thuộc lòng?

Về mặt đạo đức, đạo văn chính là sự ăn cắp, nhưng là thứ ăn cắp tồi tệ hơn ăn cắp thông thường. Bởi ăn cắp thông thường chỉ là chiếm đoạt một cách vụng trộm tài sản của người khác. Còn đạo văn là ăn cắp cộng với đạo đức giả. Những người đạo văn nói chung đều là trí thức, ít nhất là trong con mắt xã hội. Lý do của việc đạo văn chắc chắn là long tham, nhưng sâu xa mà nói, đạo văn phản ánh sự tự ti. Vì không dám tin là mình có thể làm một điều gì đó có giá trị, không dám dấn than, trong khi lại muốn nổi tiếng, muốn thăng quan tiến chức. Vậy là làm liều.

3. Phải chăng những người càng giỏi thì lại ‘đạo’ nhiều, hay nhờ đạo nhiều mà ‘giỏi’?

Tôi không đồng ý. Không hề có chuyện người càng giỏi càng “đạo” nhiều. Theo tôi đạo tác phẩm nhiều nhất là là những người “chân đến đất cật không đến giời”, những kẻ “dở ông dở thằng về mặt tri thức”. Nghĩa là, anh ta không phải hạng dốt nát, cũng có đôi chút kiến thức và thường là có bằng cấp hoặc ít nhiều danh tiếng. Nhưng anh không phải người có tài lớn, ít nhất là ở mức anh ta mong muốn. Dưới áp lực của việc phải có “tác phẩm” xứng với cái danh (và nhiều khi kèm theo là chức vụ), anh ta không chống chọi lại được cám dỗ và tặc lưỡi làm liều.

Dĩ nhiên, một số người rất khéo trong việc che đậy, hay nói cách khác là khéo “đạo”, chẳng hạn vay mượn ý tưởng, làm thao tác “copy and paste” biến của người khác là của mình, mà không dễ gì phát hiện? Nhưng làm sao có thể gọi một người phải đi vay mượn ý tưởng của người khác là người giỏi được?

4. Đi nhiều nước trên thế giới, ông thấy chuyện đạo văn có như ở VN không? Cách xử lý của họ về chuyện đạo văn như thế nào?

Ở các trường đại học Pháp, Mỹ mà tôi từng biết, sinh viên đạo văn sẽ bị đuổi học. Giáo sư đạo văn sẽ bị đuổi việc. Đó là cách xử lý thông thường ở mọi nơi, trừ ở Việt Nam . Có lẽ bởi vì ở các nước khác, chuyện đạo văn rất hiếm khi xảy ra. Quả thật, mặc dù đã học và dạy học ở nhiều nước khác nhau, tôi chưa gặp một trường hợp đạo văn nào.

5. Còn ở VN, rất nhiều vụ đạo văn, cuối cùng chỉ dừng lại ở ‘nghi án’, rồi ‘chìm xuồng’. Không có một nơi nào, một hội đồng nào làm công việc xử lý những vụ đạo văn. Ông thấy có kỳ cục không?

Đúng là ở ta có tình trạng đó. Có nhiều lý do, nhưng tôi muốn nói đến 3 lý do.

Trước hết, trong xã hội ta hiện nay đang lan tràn sự vô cảm đối với bất kỳ những thứ gì thuộc về cộng đồng. Có lẽ đó là phản ứng về việc chúng ta đã nói quá nhiều và quá hình thức về tinh thần tập thể chẳng? Ông ta có đạo văn thì đạo văn ai đó, và có là vẩn đục đời sống tinh thần, nhưng đời sống tinh thần là của chung, thêm một con sâu vào nồi canh vốn đã nhiều sâu thì có chết ai?

Lý do thứ hai, theo tôi là chúng ta chưa có giới trí thức đích thực. Chúng ta chỉ có một số nhà trí thức đơn lẻ. Chúng ta có rất nhiều công nhân và nông dân có bằng cấp, có học hàm học vị đủ loại, nhưng có bằng cấp và học vị chưa phải là trí thức. Chỉ có trí thức mới đặt câu hỏi, mới trăn trở tìm giải pháp, mới tôn trọng chân lý và muốn cải thiện xã hội.

Lý do thứ ba là tình trạng đạo đức xuống cấp một cách phổ biển. Trong một xã hội đầy rấy tham nhũng, hối lộ, nơi hễ dựng xe là sợ mất gương đèn, nơi mà ngay cả nông dân cũng dể dành rau sạch cho nhà mình và bán phun thuốc trừ sâu cho con người khác ăn, việc ai đó tham nhũng là điều không mấy cấp bách.

6. Ý kiến của ông về câu nói: ‘Cái gì hay của nhân loại là của chung, ta cứ lấy xài, việc gì phải suy nghĩ cho mệt óc’?

Có rất nhiều thứ hay đã trở thành tài sản chung của nhân loại, nhưng chúng ta có dùng đâu!

7. Nhiều người hiện nay xem đạo văn là bình thường và ứng xử với nó cũng bình thường. Theo ông thì có bình thường không?

Rất nhiều điều bình thường ở nước ta lại rất không bình thường ở những nước khác. Không chỉ đạo văn, mà cả đi muộn, vượt đèn đỏ, đái bậy, lấn chiếm đất công, hối lộ cảnh sát, ném chuột chết ra đường, chạy trường, mua điểm, rồi còn chạy chức, chạy giải thưởng, chạy giáo sư…Tôi không thể kể hết được.

8. Tác hại lớn nhất của đạo văn là gì?

Sao anh không hỏi, đạo văn có lợi ích gì không? Theo tôi, mặc dù đạo văn là phi đạo đức và đáng chê trách, nó có tác dụng rất lớn đối với xã hội. Nhờ có đạo văn mà chúng ta nhanh chóng xây dựng được đội ngũ khoa học hùng hậu bậc nhất châu Á như hiện nay. Nếu tiếp tục phát huy truyền thống đạo văn, tôi tin tưởng rằng kế hoạch đào tạo 20 ngàn Tiến sĩ trong thời gian từ nay đến năm 2020 của chúng ta sẽ thành công rực rỡ.

Nguồn:Viet-studies
LinkedInPinterestCập nhật lúc: