Phía sau lớp khẩu trang

03:20 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Tám, 2009

Tin tức về số ca nhiễm cúm và tử vong bởi virút H1N1 tăng vọt trên toàn cầu đang được cập nhật từng giờ, từng phút trên các bản tin ti vi. Và nỗi hoang mang được lan đi…

Giải pháp cho sự lo lắng hoang mang đó là lớp khẩu trang mỏng manh màu xanh xanh có hai quai thun, giá một hai ngàn đồng, ngày thường cho cũng không ai lấy vậy mà giờ lại đang khan hiếm ngay cả tại các quầy thuốc tây. Khỏi cần đợi bộ Y tế ra quyết định hay những cuộc vận động mang tính siêu tưởng, chúng ta nhanh tay tự nguyện bịt miệng, bịt mũi mình vì nỗi lo ngày càng lớn dần. Các cô, các bà khổ sở đi qua mùa cúm trong sự hy sinh lớn lao về phương diện thẩm mỹ để chọn lấy sự an toàn sống còn.

Tôi là tôi. Tôi có nói tôi tên gì ở đâu thì cũng không ai nhận ra. Thế nên cách tốt nhất cứ gọi tôi là tôi. Và tôi cũng không hỏi han anh là ai. Vì anh có nói anh là ai thì tôi cũng không nhận ra. Tôi và anh hoàn toàn giống nhau, chỉ có đôi mắt và mái tóc (nếu không đội nón bảo hiểm) là dễ nhận diện. Chúng ta giữ một cự ly an toàn trong giao tiếp để hơi thở từ mũi người này không bay đến mũi người kia. Vì thế tôi không cần biết anh, anh cũng không cần quan tâm vấn đề ấn tượng cá nhân đối với tôi.

Tôi và anh. Chúng ta xài chung một loại khẩu trang đồng nhất từ chất liệu, lớp màng vải mỏng tang có mấy nếp xếp li phía trước, có hai chiếc quai phía sau. Chúng ta bình đẳng và bị cào bằng trong nhận diện. Và đôi mắt, cái được coi là cửa sổ tâm hồn, cửa sổ cảm xúc thì đến lúc, cái cửa sổ ấy cũng đã nheo nhắt lo âu, mệt mỏi cam chịu. Những đôi mắt có chung một mẫu số hoang mang bất an khó tả. Đôi mắt ấy đang nhìn kẻ bên cạnh với một nỗi dặt dè, nó tự vấn rằng, chẳng biết anh (chị) ta có triệu chứng gì không nhỉ? Chẳng biết con virút nhiễu sự ấy có lởn vởn đâu đây không nhỉ? Và, cái thằng người hoang mang ấy sẽ rút khỏi đám đông, bầy đàn hàng ngày để thu mình lại một góc, rờn rợn lặng im lắng nghe cảm giác nong nóng tót lên trên đỉnh mũi mà hình dung đến những thông tin tuyên truyền về triệu chứng bệnh phát hàng đêm ra rả trên truyền hình. Chưa bao giờ hắn dành nhiều thì giờ để “lắng nghe cơ thể” đến thế. Mà không riêng hắn, nhiều người giống hắn. Chỉ cần một tiếng hắt hơi của đồng nghiệp là cả văn phòng giật bắn mình. Và ở tư thế thường trực truy hô, hắn sẵn sàng lên tiếng cảnh báo: “A, trong phòng này có người vừa ho, hắt xì, sổ mũi…” Hãy coi chừng! Những đôi mắt âu lo ngơ ngác nhìn về nhau. Có kẻ đưa tay kéo khẩu trang lên sát mắt, không để một khoảng hở nào cho lũ virút có cơ hội đột nhập.

Cứ ngỡ sự bi đát của thế giới dừng lại ở chỗ chúng ta bị bi kịch “cào bằng” về chân dung, ai dè còn có một thứ thảm hoạ cào bằng khác khó chịu hơn, đó là sự cào bằng về tâm trạng, đó là nỗi sợ hãi và hoang mang, sự dè chừng và cảnh giác lẫn nhau! Chúng ta sẵn sàng hy sinh cái ngôn ngữ biểu hiện cảm xúc cần tỏ bày trên khuôn mặt, thứ mà trước đây chúng ta sử dụng một cách phóng khoáng và vô tư với nhau nhất. Chúng ta hy sinh cả nhu cầu được ngắm nhìn, quan sát và khám phá một nét đẹp, một nỗi buồn, một nụ cười thắp lên trên khuôn mặt người đối diện để thấu hiểu, để giận hờn, để hợp tác hay thương yêu. Hỡi những kẻ yêu nhau, trong bối cảnh này, liệu những nụ hôn có kém phần cuồng nhiệt vì những ý nghĩ lởn vởn virút đến từ hơi thở bạn tình?

Sự lãng mạn đang bị khánh kiệt bằng cái cách mà chúng ta mượn đến lý trí và sự hiểu biết ra để tìm kiếm an toàn cho bản thân trước diễn biến đầy bất an. Chúng ta không có chọn lựa nào khác. Chúng ta không thể duy trì sự lãng mạn cho đến chết và chết một cách lãng mạn!

Cơn cúm xuất hiện trên toàn cầu, trong lúc nhân loại đang hả hê về văn minh khoa học và hưởng thụ vật chất, phương tiện. Các cô các bà có vẻ cũng mất đi nguồn cảm hứng được say sưa phô bày ưu thế về giới trong thẩm mỹ. Cái thói quen bịt miệng trước khi bước ra đường, sự “cào bằng về nhân diện” bắt buộc xảy ra như một sự xáo trộn, khuấy đảo đời sống và thức tỉnh về ứng xử của con người với môi trường, về những tương tác sâu xa trong đời sống mà lâu nay chúng ta ít dành thì giờ để suy ngẫm.

Tôi sẽ chọn cách mang khẩu trang bước ra đường. Và tôi nghe tiếng nói của mình khó có thể tròn vành rõ chữ trước một vật cản mong manh chống lại nỗi sợ lớn lao xâm chiếm trí não. Và anh cũng thế, anh phải nói to hơn thường ngày, nói ít hơn thường ngày. Rồi đến một lúc nào đó, tấm mạng che miệng làm cho anh lười nói hơn mức bình thường. Con người, có lẽ lúc ấy sẽ ít giao tiếp hơn và nhân loại sẽ phát sinh một căn bệnh mới.

Thôi, hãy đợi đến đấy rồi bàn tiếp. Bây giờ thì hãy đội mũ bảo hiểm lên và mang khẩu trang vào mà chạy ra đường. Vì sự an toàn của đám đông và mỗi người. Có vẻ, đôi khi sự an toàn là một nhu cầu tầm thường và hài hước hơn chúng ta nghĩ!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái tôi to tướng và cái tập thể nhạt nhẽo

    10/04/2017Họa sỹ Phan Cẩm ThượngCái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng
  • Một chân lý đầy nghịch lý - về "cái tôi" của mỗi người...

    26/06/2016Trên đời, trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chung với tha nhân, có một chân lý rất nghịch lý. Đó là càng tự đưa mình lên thì càng bị hạ xuống; và càng tự hạ mình xuống thì càng được đưa lên. Càng tự coi mình là nhỏ bé thì tâm hồn ta càng được bình an, càng dễ hạnh phúc, và ta càng trở nên vĩ đại trước Thiên Chúa và tha nhân; còn càng tự coi mình là vĩ đại thì ta dễ rơi vào bất an, đau khổ, và càng trở nên nhỏ bé trước Thiên Chúa và tha nhân.
  • Buổi sáng khi thức dậy…

    11/04/2014Mang Viên LongMặt trời hừng đông. Ngày mới lại đến. Buổi sáng bắt đầu cho một ngày mới của đời sống. Cô giáo dạy triết của tôi thời năm lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) đã ngoài 60 – mỗi lần đến thăm cô (hay bất ngờ gặp lại cô ở đâu đó) cô đều chép miệng nói : “Cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá, phải không em?”...
  • Ý nghĩa cuộc sống: Mi ở đâu?

    24/09/2013Mỹ Quyên“Cuộc sống bây giờ mỗi ngày trôi qua với cảm giác chán ngán. Chán không phải vì cái gì cụ thể mà vì nó vô vị, vô nghĩa rất nhiều. Chúng em sống no đủ về kinh tế thật nhưng tinh thần lại vô cùng trống trải”.
  • Không vô cảm

    03/12/2008Đỗ Chí NghĩaMột lần nữa cái tên Đỗ Việt Khoa lại nóng lên trên các trang báo. Một câu chuyện có vẻ lặt vặt, chỉ là những xử sự của con người cụ thể với nhau, mà nhuốm nỗi buồn. Một bên là "người đương thời" Đỗ Việt Khoa, với lời tố cáo bị đe dọa hành hung bị cướp máy tính chỉ vì - như mọi lần- đã dám lên tiếng về những khoản thu không đúng quy định ở một trường THPT...
  • Quen lối mòn

    08/07/2007Thảo ĐanTình trạng sinh viên đi theo lối mòn thật đáng báo động. Những bài tiểu luận đều là copy, cắt dán từ sách này, sách kia. Sinh viên cũng xuề xoà: Anh chị đi trước làm thế, thầy cô chẳng nói gì...
  • Nhìn đời qua “cửa sổ”

    20/05/2006Đặng HàoKể từ khi Bill Gates lập ra Microsoft và sáng tạo ra cái gọi là Windows thì thời gian của nhân loại bị thế giới của “cửa sổ” chiếm gần hết. Thế kỷ 20, 21 và chưa biết bao lâu nữa, loài người sẽ vẫn chúi mũi vào cái ô cửa sổ hư hư, thực thực ấy mà lục lọi, mà tìm kiếm, rồi quyết định cho công việc, cho cuộc sống và cho vận mệnh của mình. Nhân loại còn lo xa về một ngày nhỡ cái ô "cửa sổ" ấy không mở ra được thì biết “nhìn vào đâu mà đi”...
  • xem toàn bộ