Phát huy nội lực

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
02:38 CH @ Thứ Năm - 02 Tháng Tư, 2015

Từ bao đời nay, người Việt ước mơ xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh". Có thời người ta đặt hy vọng ở nguồn tài nguyên rừng vàng biển bạc, chẳng hạn như dầu mỏ phun lên ồ ạt nhiều hơn cả dầu mỏ Trung Đông. Cũng có người mơ tưởng sẽ có những lực lượng ngoại bang mang lại cuộc đổi đời cho dân tộc. Họ vừa thiếu thực tế vừa sai lầm về mặt lý luận. Chỉ có sức mạnh của chúng ta - nội lực Việt Nam - mới giải quyết được những vấn đề của chúng ta, mới là yếu tố quyết định để biến đổi một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Nội lực – nguồn tài sản vô giá

Ngoại trừ nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý vốn là thứ "trời cho", những yếu tố chủ quan tạo nên sức mạnh hay nội lực của một dân tộc bao gồm sức mạnh tài chính (nguồn vốn và chính sách tài chính), sức mạnh của nguồn lực con người tức lực lượng lao động (số lượng và kỹ năng được đào tạo), sức mạnh trí tuệ (dân trí và năng lực sáng tạo của toàn dân) và cuối cùng là sức mạnh của nhân tố lãnh đạo.

Trước hết nói về sức mạnh tài chính. Điều đáng mừng là ngày nay người Việt Nam đang trở nên giàu có, người ta mua một mét vuông đất với giá cả chục cây vàng, một chiếc ô tô Mercedes với giá 77.000 đô la. Hàng năm, Việt kiều gửi về nước khoảng 3 tỷ đô la cho người thân ở trong nước. Rõ ràng nguồn vốn trong dân là nguồn tài chính đáng kể cho quá trình phát triển. Trong khi chúng ta phải chật vật huy động mọi nguồn vun đầu tư từ các nguồn ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài... thì nguồn vốn quan trọng này lại bị xem nhẹ. Nếu huy động triệt để nguồn vốn trong dân cho sản xuất kinh doanh thì mục tiêu tăng thu nhập quốc dân lên gấp đôi vào năm 2010 có thể vẫn là một chỉ tiêu tăng trưởng khiêm tốn. Sức mạnh tài chính Việt Nam có thể cho phép chúng ta tăng tốc quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Thứ hai là sức mạnh của "nguồn lực con người tức lực lượng lao động đáp ứng cho nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai. Với 83 triệu dân, Việt Nam là nước đông dân xếp thứ 15-16 trên thế giới, nhưng ưu thế đáng kể hơn là trong khi ở các nước phát triển, tháp dân số ngày càng trở nên già cỗi thì Việt Nam lại có tháp dân số trẻ. Trên 60% dân số Việt Nam là những người đang tuổi lao động. Lực lượng lao động là nền tảng của sức mạnh dân tộc và nguồn nhân lực dồi dào này sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại cũng như trong tương lai.

Thứ ba là sức mạnh trí tuệ. Trí tuệ luôn là hạt nhân của tiến trình phát triển xã hội và quan trọng hơn nữa, ngày nay trí tuệ đã trở thành nhân tố trực tiếp của lực lượng sản xuất.

Nhân tố cuối cùng là hiệu quả lãnh đạo. Lãnh đạo là yếu tố đặc biệt để kết hợp và phát huy có hiệu quả ba nhân tố kể trên. Nếu không có sự lãnh đạo hoặc lãnh đạo kém hiệu quả thì các nguồn lực sẽ bị sử dụng tuỳ tiện.

Giải bài toán phát huy nội lực

Về sức mạnh tài chính, hiện có tình trạng bất hợp lý nghiêm trọng trong việc khai thác sức mạnh tài chính quốc gia. Một khoản tiền rất lớn trong dân cư hiện dược huy động vào khu vực bất động sản như là một phương thức để dành hay đầu cơ, trong khi lẽ ra nguồn vốn này phải được đầu tư vào các dự án mở rộng sản xuất hoặc dịch vụ tạo nhiều việc làm để giải quyết tình trạng thất nghiệp khá cao ở cả khu vực nông thôn và thành thị hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng đầu tư bất hợp lý và mất cân đối này không chỉ nằm ở chính sách đất đai và chính sách phát triển đô thị còn nhiều bất hợp lý và khá mờ ảo, mà còn do nhà nước chưa có ngột chính sách kích thích sản xuất, kinh doanh.

Đầu tư bất hợp lý tất yếu làm tăng rủi ro, các ngân hàng trở thành những ngôi chùa tài chính mà ở đấy những kẻ trục lợi đi hết từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác và kết quả là nợ khó đòi của các ngân hàng hiện đã lên đến 1,3 tỷ đô la. Hệ thống ngân hàng của chúng ta trở nên kém tin cậy và được đánh giá có mức tín nhiệm khá thấp. Nhiều ngân hàng đã trở thành phương tiện để cho một số giới chức, thương nhân thao túng. Sức mạnh tài chính còn phụ thuộc vào chính sách tài chính trong đó đặc biệt phải kể đến chính sách thuế. Chính sách thuế của chúng ta khá hiện đại nhưng bộ máy điều hành nền tài chính lại quá tạc hậu. Tỷ. suất thuế đối với các doanh nghiệp quá cao làm thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh doanh khác, nền kinh doanh trốn thuế. Với sự tiếp tay của một số cán bộ trong chính ngành thuế, có thể nói hiện nay nền kinh doanh trốn thuế đã ở trình độ chuyên nghiệp trong khi trình độ của các cơ quan quản lý về thuế của nhà nước còn ở mức nghiệp dư, do vậy nền kinh tế và kết quả kinh doanh thường bị bóp méo.

Trong nhiều trường hợp người cạnh tranh thắng lợi là người "trốn thuế giỏi" chứ không phải người kinh doanh giỏi. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ nền kinh tế không thể kiểm soát được. Dễ phát huy sức mạnh tài chính, cần phải gấp rút cải cách hệ thống ngân hàng và hệ thống chính sách tài chính, trong đó đặc biệt là chính sách thuế dựa trên định hướng tăng nguồn thu cho ngân sách trên cơ sở phát triển sản xuất chứ không phải tăng thu ngân sách bằng mọi giá. Việc tăng thu kiểu này nhiều khi đã giết chết không ít mầm nội lực khi nó mới manh nha phát triển. Chúng ta hoàn toàn có thể hạ thấp mức thuế để phát triển kinh tế, mở rộng diện nộp thuế, trên cơ sống tăng nguồn thu cho ngân sách.

Chính sách thuế phải khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích người dân đầu tư nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh chứ không phải chủ yếu nhằm phục vụ thu ngân sách. Cần nói thêm rằng, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay rất bất hợp lý. Sắc thuế này đã cản trở quá trình đầu tư, cản trở quá trình tích tụ và phát triển của nguồn vốn Chúng ta cần phải cải cách chính sách tài chính, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách cần được xem xét thận trọng và giám sát chặt chẽ hơn cho phù hợp với năng lực đầu tư của xã hội, nếu không, hệ thống tài chính sẽ phải tiếp tục tận thu để phục vụ các chương trình dầu tư thiếu hiệu quả, làm trầm trọng thêm căn bệnh tham nhũng và làm cạn kiệt nguồn sức mạnh tài chính mà cả dân tộc dang phải chắt chiu dành cho quá trình phát triển.

Về sức mạnh của nguồn lực con người, trước hết cần nói về tình trạng mất cân đối trong lực lượng lao động hiện nay. Chúng ta cần cấu trúc lại lực lượng lao động. Hiện nay, chúng ta có thừa những người làm giám đốc, nhà quản lý, nhưng lại rất thiếu đội ngũ công nhân chuyên nghiệp lành nghề. Điều đáng lo ngại hơn là trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chúng ta không quản lý và điều chỉnh được sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kình tế không chỉ là phân bố lại lực lượng sản xuất mà đồng thời phải tổ chức lại sản xuất. Từ lâu chúng ta yên tâm với những thành công của chính sách khoán hộ trong nông nghiệp mà không thấy rằng chính sách này cũng đã trở nên lạc hậu và không còn thích hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại. Về bản chất, nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn là sản xuất nhỏ, người sản xuất vẫn bị trói buộc với sự manh mún của ruộng đất trong khi nhà nước chưa có giải pháp cơ bản nào để giúp người nông dân thực hiện quá trình tích tụ vốn lớn. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lớn khi những người sản xuất nông nghiệp không đủ sức mạnh cạnh tranh trong khi chúng ta đang gần kề quá trình mở cửa hoàn toàn thị trường.

Lực lượng lao động Việt Nam hiện còn mang nặng tâm lý, lối sống của người sản xuất nhỏ. Người ta làm tất cả những gì để chứng minh mình là người Việt trong khi trên thực tế chúng ta phải chứng tỏ chúng ta là những người Việt khôn ngoan, những con người hiện đại. Người lao động hiện đại không thể hiện bản thân mình như một sự dễ thương. Thay vì chúng ta kêu gọi tình thương đồng loại của đối tác, chúng ta cần thể hiện mình có sức mạnh và năng lực hợp tác, bởi vì, chính những những yếu tố này hấp dẫn các đối tác hợp tác, đầu tư với chúng ta. Nhằm khẳng định mình, nhiều người Việt hiện có xu hướng muốn cường điệu hóa sự dị biệt của mình để phân biệt với người khác, nhưng thực tế đã làm giảm đi khả năng hợp tác và sự hấp dẫn của chính họ với đối tác. Trên quy mô toàn quốc, người Việt hiện nay đang xúc tiến những hành vi để phân biệt mình với người khác, do đó, trên thực tế, người Việt khó hợp tác với nhau và với người từ các cộng đồng khác. Tính đố kỵ cũng làm giảm khả năng hợp tác của người Việt. Có một thực tế đáng buồn là tại nhiều văn phòng công ty nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoại thường tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy người Việt thù ghét lẫn nhau vì những lý do vặt vãnh và vô lý nhất, nhiều người Việt luôn muốn hơn người bên cạnh, họ nói xấu nhau nhiều hơn nói tết về nhau và do đó, không tạo ra được áp lực xã hội để người nước ngoài tôn trọng.

Một nhược điểm khác về mặt tâm lý của người Việt cần phải uốn nắn, sửa đổi là tính sùng bái quá khứ. Họ hay cầu cứu quá khứ mà quên mất tương lai. Cho dù quá khứ có huy hoàng đến đâu thì cũng là niềm tự hào chứ hoàn toàn không phải là khuôn mẫu để xây dựng hiện tại và tương lai. Thế hệ trẻ không có phương hướng ở đằng trước, buộc phải nhìn lại quá khứ để mong tìm được phương hướng và do đó, dân tộc chúng ta có nguy cơ đi giật lùi đến tương lai của mình. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ những thói xấu trong tâm lý, lối sống người Việt. Chính những nhược điểm này làm mất đi sự hấp dẫn của cả con người lẫn nền kinh tế đất nước. Chúng ta cần làm thay đổi lối sống, tâm lý của người lao động để phù hợp với thời đại sản xuất công nghiệp hiện đại và hòa nhập quốc tế, nâng cao khả năng hợp tác của mỗi cá nhân với các đối tác khác dù là người Việt Nam hay người nước ngoài.

Về mặt lập pháp chúng ta vẫn nặng tư tưởng bao cấp, cả khi xây dựng Bộ luật Lao động để bảo hộ một cách thái quá người lao động,tràm giảm năng lực thương mại lao động. Bộ luật Lao động hiện nay của chúng ta có xu hướng thiên lệch nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và tầng lớp lao động, trong khi lẽ ra Bộ luật phải tạo sự dễ dàng hơn cho việc thương mại và lưu chuyển tự do sức lao động, tức làm cho nguồn lực con người Việt Nam được dễ dàng lưu thông trên thị trường lao động trong và ngoài nước.

Về sức mạnh trí tuệ, trước hết, hãy xem xét sự phát triển sức mạnh trí tuệ Việt Nam, tức nâng cao dân trí thông qua giáo dục, đào tạo hiện nay. Một trong những nguyên nhân làm Việt Nam rơi vào vực xoáy của sự kém phát triển là căn bệnh giáo dục xa rời thực tiễn. Trong quá khứ cũng như hiện nay, nội dung giảng dạy trong các trường học xa rời thực tế đời sống sản xuất kinh doanh hay nói khác đi "đầu ra" của giáo dục không đáp ứng nhu cầu để phát triển xã hội. Cũng như tầng lớp hủ nho thời phong kiến, đội ngũ trí thức Việt Nam đang bị lãng phí do nền giáo dục và đào tạo chưa tương thích về mặt xã hội, khoa học và công nghệ với thời đại cũng như với quá trình hội nhập. Cải cách giáo dục không phải là sắp xếp lại các trường học mà trước hết, phải xây dựng lại chương trình giáo dục và đào tạo để sức mạnh trí tuệ - thành tố quan trọng nhất của nội lực Việt Nam - đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển.

Hư danh là căn bệnh truyền thống của nhiều trí thức Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại, họ mải mê đi tìm bằng cấp, đi tìm chứng chỉ. Một số chính sách vĩ mô và hoạt động xã hội cũng vô tình làm trầm trọng thêm căn bệnh hư danh này. Chúng ta có quá nhiều giáo sư tiến sỹ, rồi phó tiến sỹ cũng phong luôn thành tiến sỹ... Hiện tượng "bằng cấp hóa" diễn ra cả đối với những kỹ nặng thông thường như ngoại ngữ, tin học. Bệnh háo danh của trí thức làm cho tính năng động, tính hiệu quả, tính hội nhập với cộng đồng lao động của họ kém đi. Việc sử dụng con người không phải trên cơ sở họ có bằng cấp gì mà phải trên cơ sở họ làm được gì. Trí thức phải là bộ phận tỉnh táo và có tầm nhìn xa nhất, nếu không có được phẩm chất như vậy thì trí thức chỉ là đồ trang trí phù phiếm của xã hội. Thực tế cho thấy hiện chưa có nhiều công trình lý thuyết do trí thức Việt Nam sáng tạo ra, nhưng đáng buồn hơn là rất nhiều cái gọi là công trình lý thuyết của trí thức Việt Nam sau khi nghiệm thu, công bố rồi xếp luôn vào kho lưu trữ mà chẳng có mấy ứng dụng trong thực tế. Chúng ta hãy tự hỏi hàng hóa do Việt Nam sản xuất hiện có bao nhiêu yếu tố là đóng góp của giới trí thức Việt Nam? Do sự yếu kém của giới trí thức, về cơ bản sản xuất hàng hóa của chúng ta vẫn chỉ là làm gia công cho nước ngoài.

Chỉ cần để ý một chút, người ta có thể nhận thấy một hiện tượng không bình thường trong đời sống trí tuệ Việt Nam. Trên thực tế, các giải thưởng nhà nước chủ yếu được tặng thưởng cho giới văn nghệ sỹ, các học giả xã hội học, còn số những nhà khoa học tự nhiên và công nghệ dược trao giải thưởng không nhiều. Thực tế này chứng tỏ có sự khai thác một cách lệch lạc giới trí thức hay cấu trúc một cách lệch lạc đội ngũ trí thức Việt Nam. Các nhà khoa học và công nghệ nước ta vẫn chỉ là tiềm năng của sự phát triển chứ chưa phải là lực lượng trực tiếp tham gia, thúc đẩy quá trình phát triển.

Để khai thác, phát huy sức mạnh trí tuệ đồng thời khắc phục được tình trạng lãng phí chất xám hiện nay, cần phải triệt để thay đổi quan niệm về giá trị của trí tuệ Việt Nam. Hiện nay, nhiều người còn nhầm lẫn giữa trí tuệ của dân tộc với đội ngũ trí thức. Trí tuệ Việt Nam có nền tảng là sức sáng tạo của nhân dân chứ hoàn toàn không phải trí tuệ Việt Nam có nghĩa là trí thức Việt Nam. Chỉ có trên cơ sở quan niệm mới này chúng ta mới có thể lành mạnh hóa đội ngũ trí thức, làm cho đội ngũ trí thức thực sự trở thành những người đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Về nhân tố lãnh đạo, trước hết, cần nhớ rằng lãnh đạo không có nghĩa là cầm quyền. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa phải đảng cầm quyền nhưng Đảng hoàn toàn xứng đáng và trên thực tế đã lãnh đạo nhân dân đứng lên thực hiện sứ mạng lịch sử của mình. Nhiều người có quyền hành trong tay đã ngộ nhận họ là những người lãnh đạo và có phẩm chất lãnh đạo.

Người lãnh đạo ở các cấp phải ý thức rất rõ rằng mình là lực lượng của sự phát triển chứ không phải là yếu tố đứng trên sự phát triển. Ngày nay, khoa học kinh tế coi lãnh đạo là thành tố của sự phát triển, là lực lượng phát triển, người lãnh đạo cần tránh làm cho mình dị biệt với xã hội và với cộng đồng quốc tế. Sự phát triển trong điều kiện toàn cầu hóa là sự hội nhập, hội tụ các lực lượng, là sự chuyển đổi và sử dụng một cách mềm dẻo linh hoạt các lực lượng toàn cầu. Và người ta chỉ có thể trao đổi một cách mềm dẻo chừng nào sự dị biệt được giảm thiểu. Giảm bớt các yếu tố dị biệt không có nghĩa là hy sinh các nguyên tắc chính trị và từ bỏ bản sự văn hóa. Chúng ta nói nhiều về bản sắc nhưng chúng ta chưa thực hiểu về bản sắc. Bản sắc không phải là cái dị biệt, càng không phải là cái gì bất biến cho dù chúng ta ra sức giữ gìn. Với cái nhìn biện chứng thực sự chúng ta sẽ thấy bản sắc thay đổi cùng với sự hội nhập. Nó biến thành một bản sắc khác chứ không biến mất.

Yếu tố quan trọng trong lãnh đạo là sự sáng suốt của hệ thống chính trị, đội ngũ các nhà hoạt động chính trị.Nhà lãnh đạo không thể xa rời thực tế cuộc sống, tin vào những kết luận rút ra từ những tín điều xơ cứng để áp đặt cho sự phát triển của cuộc sống vốn chỉ tuân theo quy luật của riêng nó. Sự sáng suốt chính trị chính là tuân theo những quy luật sinh động của chính bản thân cuộc sống luôn biến động và đầy bất trắc ngày nay, chứ không phải những khuôn vàng thước ngọc của quá khứ, càng không phải là ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Sự bao cấp kinh tế dẫn đến tình trạng bao cấp tư tưởng. Thật là sai lầm khi ngộ nhận rằng lãnh đạo là Đấng Quyền năng Tối cao có thể điều khiển, áp đặt mọi điều cho quá trình phát triền. Nhà lãnh đạo cần phát hiện và điều chỉnh quyết định của mình theo những quy luật phát triển của cuộc sống. Cuộc sống phát triển phong phú và đa dạng, cái mới luôn xuất hiện như vô số cây xanh đang nhú mầm: Sự sáng suất của hệ thông chính trị là sự phát hiện các quy luật phát triển và điều chỉnh mọi quyết định cho phù hợp với thực tê, chứ không phải gò ép thực tế đi theo những ảo ảnh hay ý chí chủ quan bất chấp sự phát triển thực tế của dời sống xã hội.

Năng lực cảm nhận, phát hiện và sáng tạo Cái Mới là phẩm chất quan trọng của lãnh đạo. Mỗi sáng khi thức dậy, người lãnh đạo chân chính luôn tự hỏi: "Ngày hôm nay có gì mới và bản thân mình có sáng kiến gì mới?" Người lãnh đạo phải có khả năng đặc biệt để nhìn nhận, phát hiện ra những Cái Mới đang manh nha hình thành mà thiên hạ chưa kịp hoặc chưa ý thức được. Chính năng lực cảm nhận Cái Mới là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của nhà lãnh đạo.

Điều quan trọng nữa là người lãnh đạo phải có Cái Tâm, biết khuyên khích và sử dụng nhân tài phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước. Do vị thế đặc biệt của mình, người lãnh đạo phải tập hợp, tổ chức, lãnh đạo, điều hành công việc để thực hiện các mục tiêu chung. Một số nhà lãnh đạo thiển cận thường sợ người dưới quyền tài giỏi hơn mình và vì vậy, họ ngại sử dụng người tài, làm nhân tài vốn đã hiếm hơi lại càng khan hiếm.

Điều cuối cùng cần nói là các thành tố của nội lực được phân tích ở trên không phải là những khái niệm khô cứng, chúng ta cần nhìn nhận chứng dưới dạng những nhân tố sinh động có sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi thành tố, cũng như sự tác động của các thành tố này tới quá trình phát triển của đất nước. Nội lực là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí này làm lên sức sống Việt Nam bất diệt truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho nguyên khí ngày càng sinh sôi nảy nở, ngày càng dồi dào hơn, tạo tiền đề cho Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao về nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Quá trình phát triển của nhân loại ngày nay như một trường đua quốc tế bắt buộc đối với mọi dân tộc.Chiến thắng sẽ thuộc về những dân tộc biết cách khai thác, phát huy, nuôi dưỡng và vun trồng nội lực, đó cũng là sự trăn trở của bao người dân Việt Nam tâm huyết với sự nghiệp phát triển đất nước. Trong quá khứ, nhiều người Việt Nam không tin và không biết cách khai thác sức mạnh của mình. Họ cam chịu nghèo khổ trong khi phải chôn vàng hoặc cất tiền dưới gối. Nhận thức lại và tìm được cách phát huy triệt để sức mạnh Việt Nam, chúng ta sẽ không để nội lực như những mỏ vàng nằm im trong lòng đất hoặc bị khai thác bừa bãi và phung phí, mà ngược lại nội lực sẽ là những nguồn lực vô giá giúp chúng ta đi nhanh hơn tới tương lai.

(2005)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: