Phát giác về ngôn ngữ thân xác

05:25 CH @ Chủ Nhật - 05 Tháng Sáu, 2016

Nếu như văn học hiện đại thế giới có công phát hiện ra ngôn ngữ văn tự, thì văn học hậu hiện đại hôm nay lại đang dần tước mất vai trò thống trị của nó.

Thân xác và nữ quyền

Trong các trào lưu nghệ thuật mới nhất, tự thân xác con người cũng có vai trò như một ngôn ngữ. Nó trở thành nguồn gốc của ngành nghệ thuật mới như kịch hình thể (Theatre of Images), nghệ thuật hình thể (Bodyart), nghệ thuật biểu diễn (Performance art)…

Phương thức biểu hiện này có được bệ đỡ của chủ nghĩa nữ quyền (Feminism) nghiễm nhiên đã biến thân thể phụ nữ thành phương tiện để sáng tác. Cuộc đấu tranh bình đẳng giới đã bắt đầu từ đấy, từ sự phát hiện ra thân thể phụ nữ, ý thức và quyền sở hữu nó của người phụ nữ để chống lại nỗi thống khổ và thân phận nô lệ hàng ngàn đời của họ trước nam giới. Nó bắt đầu ở phương Tây từ “cách mạng tình dục” (1968) và nhanh chóng lan nhanh ra toàn thế giới, tiêu biểu là “thân thể sáng tác” của các nhà văn linglei Trung Quốc.

Khi ngôn ngữ văn tự (language) thất thế thì ngôn ngữ tín hiệu (signal) và ngôn ngữ cử chỉ (body language) trỗi dậy.

Tới Việt Nam sau khi đã đến với công chúng 29 ngôn ngữ khác trên thế giới, tiểu thuyết Syngue’ Sabour (Nhẫn Thạch- Nguyên Ngọc dịch) của nhà văn Pháp gốc Afghanistan - Atiq Rahimi (Giải Goncourt 2008) là một tuyên ngôn từ lời đề từ “từ thể xác qua thể xác cùng thể xác đến thể xác” đến những cảm nhận tình yêu, nhục dục của người phụ nữ. Nhà văn Nguyên Ngọc có lý khi ông cho rằng chiều sâu nhân sinh của tác phẩm là đã phát hiện ra bên cạnh cái đầu lý trí của đàn ông, thân xác của phụ nữ cũng phải có phần của nó trong lịch sử thế giới. Ngày 8-4 vừa qua, tại Hà Nội, các diễn giả Nguyên Ngọc, Đặng Anh Đào, Cao Việt Dũng nhiều lúc đã vượt qua chủ đề “Khát vọng sống - khát vọng yêu” của buổi tọa đàm đề nói về ngôn ngữ thân xác trong Nhẫn Thạch.

Tình dục - một giá trị văn học

Lịch sử Trung Đông của tác giả Nhẫn Thạch cũng có nhiều điểm tương đồng với chúng ta, đều nằm trên “hành lang văn hóa Đông-Tây”. Ở đấy, nếu con người bị đẩy vào những thái cực nghiệt ngã thì văn hóa lại có điều kiện phát triển, ở việc thâu thái và kết tinh văn hóa. Văn chương Trung Đông, với Orhan Pamuk, Atiq Rahimi, đã chuyển động cùng nhịp với thế giới. Thậm chí, riêng với vấn đề ngôn ngữ thân xác, Rahimi đã có đóng góp cho văn chương nhân loại.

“Trông người lại nghĩ đến ta”. Văn học Việt Nam nói chung và ngôn ngữ thân xác nói riêng hình chưa có tiếng nói.

Văn chương của ta chủ yếu vẫn là để “tải đạo”, khai thác thân xác thì hầu như lại chỉ ở khía cạnh gợi dục. Thân xác vì vậy vẫn bị lạm dụng, hoặc để minh chứng cho đạo đức, hoặc để kích thích bản năng tình dục trong con người.

Với Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, hai tác giả đương đại tiêu biểu cho văn chương gắn với sex và yếu tố nữ quyền, chẳng hạn. Trong Cánh đồng bất tận, khát vọng tình yêu của cô gái điếm và sự từ chối chống đối bị cưỡng bức của Nương, biểu thị cho khát vọng tình yêu chân chính. Hay ước muốn làm mẹ và tình yêu nhục cảm trong thơ Vi Thùy Linh, người được coi là đại diện cho khuynh hướng giải phóng tình dục, thì vẫn nằm trong khát vọng dâng hiến của người phụ nữ. Thậm chí, I’m đàn bà của Y Ban vẫn chưa thoát khỏi quan niệm này. Người nữ osin trong tác phẩm dù đã chủ động ban phát tình yêu cho ông chủ mắc bệnh - thì đấy vẫn là “những tấm lòng cao cả” của người mẹ, người vợ. Ở Việt Nam, đạo Mẫu như một di truyền văn hóa thiên về tính nữ vẫn dai dẳng tồn tại. Nó đề cao vai trò của người phụ nữ nhưng tuyệt nhiên, ý thức về quyền tự trị của người nữ vẫn chưa hình thành. Thân thể người phụ nữ vẫn bị lệ thuộc vào đàn ông.

Tình dục trong sáng tác văn học vẫn là thứ tình dục bị - được ban phát - cưỡng đoạt. Tiếng nói nữ quyền nhập làm một với tiếng nói tố cáo hiện thực nói chung, cái xấu, cái ác tiên thiên. Ý thức về thân xác như một “vật tự nó”, một quyền lực trong cuộc đấu tranh bình đẳng giới chưa được văn học ta nhận thức một cách thấu triệt. Người ta chưa hình dung đến quyền năng của phái đẹp, về vai trò và quyền quyết định của họ trong tình yêu và quan hệ tính giao. Nó làm cho văn học nữ quyền VN chưa được phát triển với hết tiềm năng của nó.

Đó là một thiếu sót rất đáng tiếc. Vì vậy, phát giác về ngôn ngữ thân xác như ở Nhẫn Thạch, đang được giới thiệu rộng rãi là rất cần thiết và có ý nghĩa trong phát triển văn hóa, văn học.

Nhẫn Thạch lấy ý tưởng từ một huyền thoại Ba Tư về hòn nhẫn thạch ( hòn đá kiên nhẫn), ai đau khổ chỉ cần đặt hòn đá trước mặt rồi kể lể hết nỗi buồn đau riêng tư của mình. Bí mật ấy được chất chứa đến khi hòn đá bị nổ tung, người ta sẽ được giải thoát khỏi nỗi bất hạnh.

Atiq Rahimi đã dựng lên câu chuyện thống thiết: Một phụ nữ Hồi giáo ngồi trong căn phòng của một thành phố bốn bề hỗn chiến tương tàn chăm sóc người chồng, một chiến binh trong chiến tranh, đang phải sống đời sống thực vật, vì một viên đạn găm vào gáy. Chứng kiến sự chết dần mòn của chồng, sự hỗn loạn của đời sống chiến tranh, sự u mê của con người và tôn giáo,… cô không chịu đựng được nữa, cô từ bỏ cầu kinh và bấu víu vào huyền thoại hòn đá ma thuật, coi người chồng là hòn nhẫn thạch của mình để tâm sự về tất cả nỗi thống khổ, những khát khao, những ẩn ức tình dục, những bí mật mà bấy lâu cô kìm nén, cất giấu… Đặt trong bối cảnh tiểu thuyết, tiếng nói ấy là “tiếng nói bị vùi nén từ hàng nghìn năm”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lịch sử - văn hóa và sex trong văn chương

    26/11/2015Nguyễn HòaSự có mặt một cách bất thường của sex trong đời sống văn chương vài năm gần đây đã được lý giải qua những nguyên cớ khác nhau, nhưng tựu trung, những người tán thưởng đều vô tình (cố tình?) lẩn tránh việc còn cần phải xem xét sex từ các quy chiếu văn hóa...
  • Nữ sinh và văn học đô thị

    24/04/2009Trần Hoàng HoàngCó người đã chê văn học Việt Nam chưa phản ánh được nhịp sống đô thị. Không hẳn vậy, thân phận nữ sinh đô thị Việt Nam trong văn học chí ít đã phản ánh nhịp sống ấy, hoặc ngược lại. Có thể thấy xã hội đô thị Việt Nam mỗi thời kỳ qua thân phận các thế hệ nữ sinh trên các trang văn.
  • Văn chương tính dục - adua hay tất yếu

    18/03/2009Vũ HuyềnSự xuất hiện bất thường của sex trong văn học gần đây đã làm tốn không ít giấymực của báo chí và gây khá nhiều tranh cãi trong công chúng, khiến người không muốn quan tâm cũng phải quan tâm.
  • Phê bình văn học nữ quyền

    04/03/2009Lý LanTrong nửa thế kỷ qua, các học viện trên khắp thế giới, nhất là ở Âu Mỹ, đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng liên quan đến giới tính. Chẳng những số lượng nữ giáo sư và nữ sinh viên tăng nhanh trong các học viện, mà học thuyết nữ quyền còn ảnh hưởng đến nhiều bộ môn học thuật khác, từ triết học, lịch sử, đến ngôn ngữ học, xã hội học, nhân chủng học, truyền thông đại chúng, kinh tế, luật…
  • Quan niệm của S.Freud về vai trò văn hóa trong đời sống con người

    29/12/2008Tạ Thị Vân HàPhân tích quan niệm của S.Freud về vai trò của văn hoá trong đời sống con người từ cách tiếp cận phân tâm học của ông đối với văn hoá trong bối cảnh khủng hoảng, tha hoá tinh thần của con người phương Tây hiện đại và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người...
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.
  • xem toàn bộ