Phật giáo đem lại lợi ích gì cho tuổi trẻ?

11:12 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Tám, 2016
Thuở đôi mươi, khi đọc cuốn Tuổi trẻ tình yêu lý tưởngNói với tuổi 20 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã bồi hồi xúc động. Dù thời điểm còn non nớt ấy chưa thể hiểu hết thông điệp mà Thầy gửi gắm, nhưng tôi thấy tâm hồn mình được khai thông.
.

Cánh cửa tuệ giác từ đó mở ra, từng chút một, từng ngày một. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường đi sinh hoạt ở Gia đình Phật tử vào mỗi chiều Chủ nhật, được là chú chim oanh vũ dưới sự hướng dẫn của các anh chị huynh trưởng, những hạt mầm Phật pháp đã được gieo từ sớm. Nhưng, mãi đến khi đọc sách của Thiền sư, tôi mới thấy Phật giáo có ý nghĩa lớn lao đối với tuổi trẻ.

Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo?Câu hỏi này không đơn giản, đôi khi là cả một học thuyết. Nhưng, ở nghĩa đơn giản nhất, qua trải nghiệm của bản thân tôi, có cả thất bại lẫn thành công, tuổi trẻ cần ở Phật giáo ở 3 điểm chính yếu Bi, Trí, Dũng.

• Tinh thần Bi:

Người trẻ là có nhiều cảm xúc và ham muốn, cái lớn nhất có thể thấy là tham ái. Đối với họ, tình yêu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Họ dễ dàng yêu đời, yêu người, yêu cảnh. Họ còn trẻ, họ còn thời gian và vì thế mà họ thả lỏng mình chạy nhảy quanh những ham thích. Không biết mình muốn gì nhưng chính họ cũng không nhận ra điều đó, họ đau buồn với cái mình mất đi, họ hân hoan với cái mình có được.

Họ chấp vào cái cảm giác “được” và sợ cái cảm giác “mất”. Vì vậy, họ cố ra sức sở hữu càng nhiều cảm giác “ái” càng tốt, đối với con người và cả sự việc. Nhưng, đến một lúc, có tiếng nói nhỏ thôi từ trong sâu thẳm của họ sẽ cho thấy, họ đang không hạnh phúc. Càng “ái” thì tôi càng không hạnh phúc. Tất cả những cười nói kia chỉ là chốn đông người, nhưng khi về lại một mình, tôi vẫn cảm thấy cô đơn, trống rỗng. Lúc này đây, Phật giáo sẽ giúp họ.

Hạt giống tham ái cấu thành gồm 50% là tham, 50% là ái, chỉ cần chuyển hoá “ái” hơn 51% trở lên thì người trẻ có xu hướng và cơ hội thực tập tâm từ bi. Tỷ lệ tham càng thấp đi, tỷ lệ ái thuần khiết càng lớn lên, đó chính là cơ hội cho bi phát triển. Tâm từ bi, nói cho thật sâu thì vô cùng, nhưng nói đơn giản có nghĩa là biết yêu thương, cảm thông, có sự rung động của trái tim sâu sắc đối với mọi việc và con người. Thuyết vô thường trong đạo Phật có thể giúp người trẻ chuyển hóa được. Bởi khi thấm nhuần ý nghĩa rằng, mọi thứ trên đời đều không có gì là mãi mãi, tính tham của họ sẽ mất dần đi.

• Tinh thần Trí:

Đặc trưng của người trẻ là tò mò, ham học hỏi. Việc gì cũng muốn biết, muốn học, muốn gom kiến thức. Tri thức là vô cùng quan trọng, trong những điều răn của Đức Phật, khiếm khuyết lớn nhất của đời người là thiếu hiểu biết. Thế nhưng, không phải cứ có nhiều kiến thức là trở thành người hữu dụng. Kiến thức phải được chuyên sâu, hữu ích cho bản thân và cho xã hội.

Phật giáo sẽ giúp người trẻ phân biệt giữa kiến thức thô mộc và kiến thức có trí tuệ qua khái niệm vô minh. Nếu tìm hiểu sâu về thuyết vô minh, người trẻ sẽ nhận ra rằng, có kiến thức giỏi không đồng nghĩ với trí tuệ sáng suốt. Có nhiều kiến thức, chấp trước vào những gì mình biết, kéo theo những hành động không mang lại lợi ích gì cho người khác, như vậy cũng đã là vô minh.

Vô minh có hai cách hiểu đơn giản, một là thiếu sáng suốt để nhìn vào bản chất của cuộc sống và hai là không nhìn thấy sự vật như nó là. Người trẻ, với kiến thức của mình, kết hợp thực tập giải thoát khỏi vô minh, thì họ sẽ có trí tuệ sáng để làm những việc có lợi cho chính bản thân, biết phân biệt đúng sai, biết đi con đường đúng đắn từ đó đóng góp hữu ích cho cộng đồng.

• Tinh thần Dũng:

Ai cũng từng là người trẻ và đều hiểu rằng đặc điểm nổi bật của người trẻ là tính hiếu thắng. Cũng vì hiếu thắng mà người trẻ bất chấp tất cả, đặt cái tôi to lớn của mình làm trung tâm trong mọi hành xử. Thời điểm đó, có thể bản thân họ cũng chưa nhận ra mình hiếu thắng. Họ chỉ biết rằng mình phải vượt lên, mình phải thành công, người khác phải công nhận mình, để rồi bất chấp những rủi ro, hiểm nguy, tổn thương xảy ra cho chính mình.

Thế nhưng, ở mặt khác, tính tích cực của những người có tính hiếu thắng là dám nghĩ, dám làm, dám bước về phía trước. Và đó cũng chính là đặc điểm của người dũng cảm. Vậy, làm thế nào để chuyển hóa từ hiếu thắng sang dũng cảm. Đó chính là bỏ cái tôi đi. Và đạo Phật với thuyết vô ngã cũng như nhiều câu chuyện, bài học, phương thức khác nhau sẽ giúp người trẻ bỏ bớt ngã mạn. Bởi một khi thấu hiểu rằng, cái tôi này chẳng thể tồn tại một mình, mà có sự liên kết của tất cả nhân duyên và nhiều con người xung quanh ta thì cái tôi mới có thể tồn tại. Như vậy, nếu vẫn cứ giữ tinh thần dám vượt lên phía trước nhưng biết gạt bỏ cái tôi, thì người trẻ sẽ có tinh thần dũng cảm.

Tuổi trẻ, với tình yêu và lý tưởng đẹp đẽ sẵn có, nếu được thắp sáng và tiếp sức bởi tinh thần bi - trí - dũng thì họ sẽ trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ và hữu ích.

Nếu chỉ có trí và dũng mà không có tâm từ bi thì con người dễ ngã mạn, tự cao tự đại, không có lòng cảm thông với tha nhân. Nhưng chỉ có bi mà thiếu trí, dũng thì con người cũng sẽ trở nên yếu đuối, thiếu phương tiện và ý chí để làm việc hữu ích.

Và, chỉ có bi và dũng mà không có trí thì người trẻ thiếu phương tiện để làm việc tốt, không thể phát huy hết khả năng của mình, không biết con đường chánh đạo để đi.

Nếu có trí và bi mà thiếu dũng thì con người thiếu lửa, thiếu sự dấn thân, lúc đó, tất cả những ước mơ hoài bão chỉ dừng lại ở lý thuyết và trí tưởng tượng mà thôi.

Dĩ nhiên, học tập, chuyển hóa, thực hành 3 tinh thần này không phải là việc một sớm một chiều. Có nhiều phương thức cho người trẻ chọn lựa như đọc sách, hành thiền, lắng nghe các bậc tiền bối giải thích, và quan trọng hơn hết là thực hành trong đời sống hàng ngày, từng việc nhỏ, từng phút giây. Khi biết kết hợp nhuần nhuyễn và linh động bi trí dũng, người trẻ đang thật sự hướng đến một cuộc sống tinh tấn và an lành từ bên trong.


Người trẻ nghĩ gì?

- Phong Chánh (Thiết kế, ăn chay trường)

Các khóa tu thiền ngắn hạn và dài hạn hiện nay thu hút đông đảo các bạn trẻ, đó là một tín hiệu dễ thấy nhất cho lợi ích của Phật giáo mang lại cho tuổi trẻ. Vì đối với thời đại mà các bạn đang sống hiện giờ, các thông tin mạng xã hội bùng nổ, những giá trị, các nền văn hóa, nhiều xu hướng đều bị pha trộn.

Người ta dễ dàng bày tỏ chính kiến một cách cẩu thả, coi những dòng status facebook là kiến thức, tin sái cổ vào lượng thông tin một chiều của tờ báo lá cải nào đó… từ những suy nghĩ, dẫn đến những lời nói và hành động cực đoan, ảnh hưởng đến công việc, lối sống bản thân.

Những ai sớm nhận biết được cái “khổ” đó, thì Phật giáo xuất hiện như một người Thầy đúng đắn, khởi điểm ban đầu xuất phát từ tâm linh, nhưng với sự tò mò, ham học hỏi của tuổi trẻ, họ tìm hiểu sâu về triết học, các bài luận giảng, những phương pháp rèn luyện giúp nâng cao thể lực và trí tuệ của Phật giáo (như thiền định chẳng hạn). Họ ứng dụng hoàn toàn những điều đó vào cuộc sống thực tại, để có được những cảm xúc cân bằng, tạo được một đời sống an lạc thư thái.

Và điều quan trọng khi một người trẻ có học Phật, họ đóng góp nhiều những giá trị lớn cho xã hội.

- Nghiêm Hương Diệu (Làm việc tại một CLB Phật giáo tại Hà Nội)

Sự hiện hữu của Đức Phật và giáo lý của Ngài để lại không chỉ riêng cho nhân loại, cho những người già và người trẻ đó là Từ bi và Trí tuệ. Hai viên thuốc có thể đánh bại mọi chuyện. Điều này cho thấy người trẻ có đủ hai nhân tố Từ bi và Trí tuệ để có thể phát triển ra khi tìm tới Phật giáo. Do đó người trẻ có lợi thế về sức khỏe và tinh thần để đón nhận tri thức về sự thật một cách sáng suốt.

Người trẻ cần gì ở Phật giáo? Người trẻ cần học cách sống, cách làm người từ Phật giáo, phát huy tối đa tinh thần từ hai phương thuốc Từ bi và Trí tuệ như đã nêu. Người trẻ cần sự hiểu biết về tính thống nhất xuyên suốt về Phật giáo đó là không có sự phân biệt, không có sự phê phán, không có nhạo báng với mỗi trường phái khác nhau của đất nước này hay đất nước kia, nêu cao tinh thần bất bạo động.

Hiện tại, tôi đang làm việc về Phật giáo Tây Tạng, đó là chia sẻ, kết nối, mở rộng sự hiểu biết của mình về cách áp dụng giáo lý của người Tạng trong đời sống. Cách người Tạng hiểu về Phật giáo rất đơn giản, đó là lòng tốt được hiện diện khắp nơi.

- Trịnh Ngọc Hân (Quản ký kênh truyền thông Phật giáo Sala Foundation trên YouTube)

Niềm tin lớn trong tôi là việc tôi làm điều tốt đẹp sẽ góp phần làm cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩ này làm tâm mình thanh thản, từ đó, tôi cảm thấy giảm áp lực, tận hưởng cuộc sống và mình trở nên hạnh phúc. Tôi cho rằng cách nghĩ này đã khiến cho giới trẻ ứng dụng Phật giáo nhiều hơn, vượt ra ngoài các ấn định về nghi thức.

Những người trẻ thường không có xu hướng đến đền chùa với mục đích chính là cầu khấn. Nhiều người trẻ xem việc đến chùa là một trải nghiệm, tương tự như việc chúng ta đi du lịch vậy. Người trẻ đôi khi tiếp cận Phật giáo để thu thập thêm trải nghiệm, tìm kiếm thêm những triết lý phù hợp để họ vượt qua hoàn cảnh hiện tại. Việc tìm kiếm và trải nghiệm này làm cách nhìn của những người trẻ sẽ khoa học, đa chiều hơn.

Họ nhìn nhận thiền định không chỉ mang đến giá trị tinh thần mà còn mang đến giá trị về sức khỏe, trí tuệ. Họ nhìn nhận việc ăn chay không chỉ không sát sinh mà còn là biện pháp góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường sức khỏe bản thân. Chính điều này làm họ gắn bó với Phật giáo nhiều hơn.

Mặt khác, tuổi trẻ đang cần Phật giáo nhất chính là duyên. Việc tôi đang làm với kênh Phật giáo trên YouTube Sala Foundation là góp một phần nhỏ tạo thêm một vài “duyên” cho các bạn trẻ đến với Phật giáo. Tuổi trẻ đôi khi cũng cần sự linh động, cởi mở và dễ hiểu hơn từ các triết lý của đạo Phật.

Một số bạn bè của tôi chỉ đơn giản là họ hướng nhiều vào tâm, sống sao cho có tâm, làm điều thiện và điều tốt cho bản thân, bạn bè, gia đình, cộng đồng, như vậy đã là đi theo đạo Phật.

Nguồn:Giác Ngộ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đạo Phật giúp gì cho tình yêu lứa đôi?

    29/11/2015Đào Văn BìnhTheo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)...
  • Những hiểu lầm về đạo Phật

    10/02/2020Minh Đức Triều Tâm ẢnhĐạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian...
  • Đạo Phật & cuộc đời

    11/05/2019PGS. TS. Hà Vĩnh TânĐạo Phật dạy rằng, không phải khi con người đạt được mọi thứ mình mong muốn là ta đã có sự thành đạt hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực chỉ đạt được khi ta được giải thoát khỏi mọi sự đau khổ phiền não trong tâm trí. Và chỉ khi thấy được sự thật và chân lý của cuộc đời, tức là giác ngộ, ta mới đạt được giải thoát hoàn toàn...
  • 7 sự hiểu lầm phổ biến về đạo Phật ở Việt Nam

    14/01/2019Chu Ngọc CườngLà một quốc gia có truyền thống Phật giáo, nhưng nhiều người Việt Nam không có hiểu biết về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, và dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay...
  • Đi lễ chùa, nhiều người chưa hiểu gì về đạo Phật

    22/02/2018Thạc sĩ Trần Văn PhươngĐến chùa cầu tiền tài địa vị, thậm chí còn phân biệt Đức Phật ở chùa nào thiêng hơn…
  • Áp dụng triết lý đạo phật để thành công trong công việc và luôn an lạc hạnh phúc

    06/07/2010Hòa thượng Thích Thánh NghiêmHơn 2.500 đã trôi qua, những chân lý mà Đức Phật đã giác ngộ vẫn đang ngày càng được nhiều người biết đến và áp dụng vào cuộc sống của mình. Triết lý của đạo Phật là BI (lòng từ bi, khoan dung, độ lượng) và MẪN (trí tuệ sáng suốt). Con người không thể sống tốt trong cuộc đời nếu không có lòng từ bi hỉ xả, nhưng cũng không thể “vô minh” chìm trong màn đêm u tối, phải hiểu biết, phải nhìn nhận đúng bản chất thực sự của mọi việc xung quanh, con người mới có được an lạc thảnh thơi.
  • Đạo Phật giúp giới trẻ tiến thân có nhân cách

    31/05/2010Thanh Tùng (Thực hiện)Tiến sĩ Thái Kim Lan là một Phật tử, chuyên dạy so sánh triết học Đông
    - Tây, từng dấn thân trong cuộc vận động mùa Phật Đản 1963. Đã hơn 40
    năm, mỗi khi có việc có thể làm Phật sự chị đều tự nguyện góp sức. Và
    lần này, trong chương trình của 'Tuần Văn hóa Phật giáo' có một cuộc
    đối thoại với thế hệ trẻ, chị đã nhận lời chủ trì. Sau buổi tọa đàm, PV
    Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Kim Lan.
  • xem toàn bộ