Phan Châu Trinh và công cuộc ly khai văn hóa Hán tộc

07:37 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Ba, 2014

Như đã trình bày, tuy các triều đại quân chủ dùng chữ Hán làm chuyển ngữ, nhưng người Việt vẫn nói tiếng Việt. Tiếng Việt là kỳ quan biểu tượng cho tinh thần độc lập của dân tộc Việt.

Từ thế kỷ 17, khi đến truyền đạo tại Đại Việt, các giáo sĩ Ky-Tô giáo La Mã ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh, sáng chế một văn tự mới là Quốc ngữ. Lúc đầu, Quốc ngữ chỉ được truyền bá trong khuôn viên giáo đường. Khi người Pháp xâm chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa năm 1874, vì nhu cầu cai trị, người Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ. Trong thuộc địa Nam Kỳ, Pháp bãi bỏ hoàn toàn chữ Hán ngày 1-1-1882, chỉ sử dụng chữ Pháp và Quốc ngữ

Bảo hộ Trung và Bắc Kỳ năm 1884, do chủ trương khai thác và bóc lột, Pháp giới hạn việc mở mang giáo dục tại vùng đất bảo hộ, chỉ lập một số trường Pháp cần thiết, dạy chữ Pháp để đào tạo lớp quan lại mới cho chế độ mới. Pháp vẫn để triều đình Huế duy trì thi cử Hán học ở Trung và Bắc Kỳ.

Trong hoàn cảnh đó, qua đầu thế kỷ 20, dầu đã đậu phó bảng Hán học năm 1901, khi dấn thân hoạt động duy tân để mở mang đất nước năm 1904, Phan Châu Trinh (1872-1926) đưa ra chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Để mở đầu cuộc khai dân trí nhằm chấn dân khí và hậu dân sinh, đầu tiên Phan Châu Trinh vận động từ bỏ “cái học cũ”. Muốn từ bỏ “cái học cũ”, việc đầu tiên Phan Châu Trinh chủ trương là bãi bỏ việc học chữ Hán, và bãi bỏ việc dùng chữ Hán, đồng thời từ bỏ luôn thi cử Hán học.

Từ bỏ thi cử Hán học, tức từ bỏ việc học và truyền bá văn hóa Hán tộc. Lời kêu gọi sĩ tử không tham dự các kỳ thi Hán học hùng hồn nhất là bài “Chí thành thông thánh thi”, do Phan Châu Trinh viết và bài “Danh sơn lương ngọc phú” do Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng viết năm 1905 tại Quy Nhơn.


Thay thế chữ Hán, ông kêu gọi sử dụng Quốc ngữ. Quốc ngữ gồm 24 chữ cái trong mẫu tự La-tinh, có thể dùng để lắp ghép tất cả các từ ngữ trong tiếng Việt, nên rất giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá văn hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật. Tại Quảng Nam, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức cấp tiến vận động mở rất nhiều trường dạy Quốc ngữ ngay từ năm 1904. Trường Dục Thanh ở Phan Thiết và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội đều do Phan Châu Trinh vận động thành lập. Bản thân Phan Châu Trinh cũng làm thơ, viết văn, viết báo bằng Quốc ngữ.

Cuộc vận động của Phan Châu Trinh bắt đầu từ 1904, mà cho đến năm 1919, Pháp mới bỏ các kỳ thi Hán học và cho đến gần cuối đời Phan Châu Trinh, chữ Quốc ngữ mới được chính thức phổ cập ở bậc tiểu học bằng nghị định ngày 18-9-1924 của toàn quyền Martial Merlin. Từ đây, Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt và cũng từ đây xuất hiện nền văn học Quốc ngữ, những tác phẩm văn chương, học thuật, nghiên cứu Việt Nam....

Về xã hội, Phan Châu Trinh kêu gọi bãi bỏ những hủ tục trong văn hóa Hán tộc, bỏ thói để tóc dài (búi tó) theo kiểu người Trung Quốc, bỏ quan niệm thứ tự xã hội theo tứ dân, sĩ nông công thương, mà kêu gọi mọi người cùng nhau học những nghề kỹ thuật, học cách thức buôn bán theo kiểu tây phương.

Về chính trị, Phan Châu Trinh đả kích mạnh mẽ chế độ quân chủ “thiên tử” từ Trung Quốc truyền sang. Theo Phan Châu Trinh, chế độ quân chủ là một chế độ nhân trị. Ông giải thích: “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay nghiêm khắc, chỉ huy tùy theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.” Do đó, nếu đất nước may mắn gặp một ông vua anh hùng, thì đất nước hưng thịnh, nhưng nếu đất nước không may mắn, gặp một ông vua hôn ám, thì đất nước suy sụp. Nói cách khác, chế độ quân chủ là một chế độ tùy hứng cá nhân người cai trị.

Thay vào đó, Phan Châu Trinh đề nghị thành lập chế độ dân chủ pháp trị, có hiến pháp, có quốc hội, có tổng thống và có quyền tư pháp độc lập. Theo ông, trong chế độ dân chủ pháp trị, “quyền lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do, muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn cản, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của người khác thì không được. Vì đối với pháp luật thì mọi người đều bình đẳng, không có ai là quan, ai là dân cả.” (Phan Châu Trinh, “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.)

Một khái niệm mới được Phan Châu Trinh đưa vào sinh hoạt chính trị Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là ông đề xướng dân quyền. Theo ông, dân quyền sẽ là đầu tàu thúc đẩy tất cả những cải cách chính trị, kể cả việc đòi hỏi độc lập từ tay người Pháp vì " dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được."

Như thế, trong 1,000 năm Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta đã bị Trung Quốc áp đạt nền văn hóa Hán tộc. Sau đó, tuy đất nước chúng ta độc lập về chính trị, nhưng lại lệ thuộc văn hóa Hán tộc vì trong gần một ngàn năm độc lập, các triều đại quân chủ chọn chữ Hán làm văn tự chính thức, đưa vào chương trình học thuật các sách vở Trung Quốc,và đã đào tạo tầng lớp trí thức theo văn hóa Hán tộc. Lớp trí thức nầy làm quan và điều hành xã hội cũng theo văn hóa Hán tộc.
Cho đến khi nền văn hóa Tây phương truyền vào nước Việt, Phan Châu Trinh và các nhà trí thức cấp tiến vào đầu thế kỷ 20 mới thấy rõ nền văn hóa Hán tộc là trở ngại chính cho sự tiến bộ của dân tộc. Do đó, các ông cương quyết kêu gọi từ bỏ chữ Hán, chấm dứt ý thức hệ quân chủ, dứt khoát ly khai với nền văn hóa Hán tộc, nhằm mở hướng đi mới, canh tân đất nước, tiến lên chế độ dân chủ.

Cuộc ly khai văn hóa Hán tộc do Phan Châu Trinh đề xướng là con đường thiết thực, mở rộng cánh cửa văn hóa cho sự phát triển đất nước. Nếu không có cuộc mở đường của Phan Châu Trinh, một mặt giới thủ cựu Việt Nam cố duy trì nền văn hóa Hán tộc nhằm duy trì quyền lợi, một mặt người Pháp tránh mở mang văn hóa, làm cho Việt Nam chậm tiến, để dễ bề thống trị, thì nước Việt chúng ta vốn đã chậm tiến, tiếp tục chậm tiến lâu ngày nữa. Có thể nói, quyết định ly khai văn hóa Hán tộc, chấm dứt việc học chữ Hán, văn hóa Hán, chế độ quân chủ kiểu Hán, đã lót đường cho các phong trào văn hóa, văn học và chính trị từ thời Phan Châu Trinh trở về sau.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước

    03/09/2015GS. Vũ Ngọc KhánhĐi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh - Tri Bằng Học - xem như một lời danh ngôn...
  • Phan Châu Trinh - cuộc đời và sự nghiệp

    23/03/2018Đinh Xuân LâmPhan Châu Trinh là một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Trong dịp dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ, thiết tưởng việc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh để rút ra những bài học cho hôm nay cũng là một việc làm cần thiết và bổ ích...
  • Phan Châu Trinh *)

    22/03/2016Nhà văn Thiếu SơnCụ sống vỏn vẹn có 54 năm nhưng đời cụ ngang tàng, phong phú mà những người sống lâu hơn cụ không thể nào có được. Bởi vị cụ đã gắn liền đời cụ vào đời sống của đất nước quê hương. Cụ là ở những số nhân vật lịch sử nếu không phải là những người làm nên lịch sử...
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX

    03/11/2015Đỗ Hòa HớiVề Phan Châu Trinh, trước đây đã có nhiều người nghiên cứu, nhất là về vai trò, vị trí của ông đối với phong trào cách mạng đầu thế kỷ. Tuy nhiên, do phương pháp, trình độ nhận thức, cững như do hạn chế về tư liệu mà sự đánh giá về ông cũng có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Vấn đề Phan Châu Trinh trong điều kiện cho phép hiện nay đặt ra trước các nhà nghiên cứu nhiều khía cạnh mới mẻ. Trong bài viết này tác giả cố gắng tìm hiểu những đóng góp của ông vào sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX như là một thử nghiệm, một sự lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc...
  • Tư tưởng canh tân sáng tạo nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX của chí sĩ Phan Châu Trinh

    26/09/2014Đỗ Hòa HớiVới sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và hiện đại hóa văn hóa dân tộc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua tìm hiểu chí sĩ Phan Châu Trinh, chúng tôi thấy ông là một tấm gương mạnh dạn canh tân và sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thời điểm đầu thế kỷ XX.
  • Phan Châu Trinh và một số vấn đề văn hóa tư tưởng hôm nay

    29/07/2014Vương Trí Nhàn... Phan Châu Trinh mang lại một cách nghĩ mới về các vấn đề quốc gia dân tộc. Sự phát triển tư tưởng ở ông đánh dấu một bước ngoặt trong việc tiếp nhận văn hóa tư tưởng phương Tây ở VN. Ông cũng có cách nhìn nhận hiện đại đối với các vấn đề thiết cốt như tình trạng đời sống tinh thần của dân tộc trong lịch sử, từ đó có quan niệm riêng về yêu nước về dân chủ -- những quan niệm sâu sắc tới mức mà xem ra ở vào thời điểm đầu thế kỷ XXI , nhiều người chúng ta vẫn còn chưa với tới được.
  • “Phan Châu Trinh hiện đại một cách lạ lùng!”

    24/03/2014Anh Kiệt thực hiệnNgay trong lúc bị thực dân Pháp cai trị, một quốc tang độc nhất vô nhị được nhân dân cả nước đồng loạt tổ chức. Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, 100.000 người Sài Gòn xuống đường đưa tang...
  • Chi Bằng Học - tư tưởng Phan Châu Trinh

    31/01/2012Phan Châu TrinhVậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”...
  • Ảnh hưởng của “Tân thư” trong tư tưởng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh

    17/07/2006PGS. PTS. Lê Sĩ ThắngĐối với các nhà nho Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỷ - những người đã từng bị Nho giáo bưng tai bịt mắt, đã thấy được ở một chừng mực nào đó sự lạc hậu của nhà trường Nho giáo và đang khao khát giải thích nhiều vấn đề có liên quan đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì “Tân thư" đã có sức hút mãnh liệt...
  • xem toàn bộ