Phản biện xã hội và sứ mệnh của nhà báo chân chính

05:05 CH @ Thứ Ba - 03 Tháng Năm, 2016

>> Xem thêm: Đọc lại Mác về báo chí tự do

Báo chí đang góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội. Đó là quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại, lấy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thay cho độc quyền và đặc quyền “xin cho”.

Không có phản biện sẽ không có phát triển

Sẽ hiểu được rõ vai trò của báo chí trong cuộc sống hôm nay nếu thống kê những sự kiện tiêu cực lớn, những sai lầm được bưng bít, những thủ đoạn gian manh được bảo kê mà các nhà báo phát hiện, phanh phui, đưa ra dư luận chiếm tỷ lệ thế nào so với cuộc đấu tranh từ bên trong tổ chức đẩy tới sự can thiệp của pháp luật.

Con số thống kê đó sẽ là minh chứng sống động nói lên sự góp sức rất đáng biểu dương của những nhà báo chân chính trong “cuộc chiến đấu khổng lồ” như Bác Hồ đã chỉ ra trong Di chúc, nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”.

Những nhà báo chân chính ấy đã thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội của báo chí. Không có “phản biện” sẽ không có phát triển. Trong khoa học, điều ấy quá rõ vì khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Mà sửa chữa được, là nhờ có sự tranh luận nhằm phê phán cái sai và chấp nhận cái đúng, cái sai bị loại bỏ để cho cái đúng được tiếp tục đúng.

Nhưng đâu phải chỉ khoa học mới cần đến “phản biện”. Những “sai lầm được sửa chữa” ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một đất nước.

Như công cuộc “Đổi Mới” từng tạo ra một bước đột biến, đẩy tới sự phục hưng đất nước với Đại hội VI, thời điểm chín muồi của những tìm tòi quyết liệt kể từ 1979 với Nghị quyết 6 của BCHTƯĐ [khóa 4], chẳng là một minh chứng sống động của “sai lầm được sửa chữa” đấy thôi!

Không có phản biện xã hội thì sao gọi được là dân chủ, không có dân chủ thì làm sao có được đại đoàn kết dân tộc. Phải từ thực sự dân chủ mới có đồng thuận xã hội, tạo ra được sự đồng thuận xã hội nới có được đại đoàn kết dân tộc.

Cần phản biện xã hội vì chúng ta ngày càng hiểu rằng “thế giới này không phải được vận hành bởi những người đúng, mà bởi những người có khả năng thuyết phục người khác rằng mình đúng”. Nhưng do khi đã có quyền lực, khi nắm quyền lực trong tay thường dễ nảy sinh ra một thói quen khó khắc phục là không muốn nghe những lời trái ý mình, không muốn chia sẻ quyền lực cho ai ngoài mình và vây cánh của mình. Đó là một thói quen khó bỏ."

>> GS Tương Lai

Mọi chủ trương, chính sách, mọi chương trình kế hoạch không thể luôn luôn đúng. Nếu không thường xuyên bám sát cuộc sống, nương theo sự vận động, biến đổi và phát triển của cuộc sống để kịp thời điều chỉnh, sửa sai thì không thể tránh khỏi những thất bại.

Những thông tin phản hồi từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ dưới lên, sẽ là tiền đề không thay thế được của sự điều chỉnh, sửa sai ấy. Báo chí với chức năng vốn có của mình sẽ phải đối diện với công việc đầy thách thức này.

Cùng với việc chuyển tải những chủ trương đường lối đến với mọi người, những thông điệp từ trên xuống, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên để góp phần quan trọng vào sự điều chỉnh và sửa sai ấy.

Hành trình nhận thức của con người là hành trình liên tục sửa sai. Vào thế kỷ XV, bằng đường biển, Christopho Colombo đến được châu Mỹ mà cứ ngỡ là Ấn Độ. Ông đã khẳng định đúng là “quả đất tròn”. Thế là từ 6 thế kỷ trước đây, cách nhìn trái đất phẳng theo hình vuông là một cái nhìn sai lầm đã bị vứt bỏ. “Quả đất tròn” chính là cái nhìn mới, hiện đại về thế giới vào lúc ấy. Thế nhưng, nay thì lại có một cái nhìn mới về quả đất của chúng ta, “ngôi nhà toàn cầu” đã trở nên quá chật chội với sự xuất hiện khái niệm “thế giới phẳng”.

Không phải là quả đất từ “tròn” được thượng đế ép lại cho trở thành “phẳng”, mà là thế giới chúng ta đang sống trở thành “phẳng” nhờ trí tuệ của con người, nhờ sự gắn kết toàn cầu của nối mạng internet! Chẳng phải đi đường vòng, mà là trực diện, ngay tức thì, trước màn hình của máy vi tính.

Chiếc màn hình “phẳng” ấy đã kết nối những người ở khắp mọi nẻo đường của thế giới, tại những góc khuất nhất của trái đất, hay ngay giữa chốn phồn hoa đô hội, hoặc trong cabin máy bay đang bay ở độ cao mười nghìn mét, và xa hơn, trong khoang tàu vũ trụ.

Trên mặt phẳng của chiếc màn hình ấy, thế giới hiện ra như một biểu tượng của “thế giới phẳng”. Đó là “biểu tượng” về thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, “với việc thêu dệt những sợi dây trí tuệ từ kính và sóng radio, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó đã ra đời một nền tảng hợp tác cho nền văn minh của chúng ta”(Thomas L.Friedman).

Dòng thác đầy sinh khí khởi nguồn từ nhân dân

Dưới tác động của cuộc cách mạng thông tin và mạng internet, “ở mọi nơi, các hệ thống thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới và phải tự biến đổi thành các cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn”.

Với mạng internet nối mạng toàn cầu thì sự bưng bít thông tin là chuyện ngớ ngẩn. Có khi, chính sự bưng bít ấy lại gợi thêm sự tò mò đển người đọc tự tìm lấy thông tin cho mình qua mạng.

Bởi vậy, trong thời đại hiện nay, hơn bao giờ hết, báo chí có điều kiện thực hiện sứ mệnh cao quý của mình theo khát vọng của Các Mác báo chí “là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực, lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí”.

Chỉ có thể là dòng thác đầy sinh khí, khi “báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”.

Vì, dòng thác đầy sinh khí đó chỉ có thể khởi nguồn từ trong cuộc sống của khối quần chúng nhân dân vĩ đại, cuộc sống kiên cường và nhẫn nại, có thể âm thầm và lặng lẽ nhưng cũng không thiếu những dồn dập, trào dâng, có thể giàu chất tráng ca song cũng không thiếu những khúc bi ca.

Chỉ có điều, dòng chảy của cuộc sống miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ không là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính, mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng hình thành những hợp trội không dự báo trước được.

Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài hay từ bên trên quyết định. Cũng giống như tốc độ dòng sông được quyết định bởi sức cuộn chảy từ bên dưới, dòng sông cuộc sống cũng vậy.

Ý chí và sức mạnh của nhân dân rồi sẽ quyết định sự phát triển của chính nó. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rõ điều đó. Đâu phải chúng ta tự huyễn, một học giả nước ngoài đã từng đưa ra nhận định “lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” [Edouard De Penguilly].

Những “giải pháp độc đáo” ấy không là sản phẩm ngẫu nhiên, tình cờ mà là sự thể hiện bản lĩnh của dân tộc ta. Bản lĩnh ấy được hun đúc và rèn luyện trong trường kỳ dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cái bản lĩnh “có cứng mới đứng được đầu gió” của một dân tộc ở vào một vị thế địa-chính trị không mấy dễ dàng của một bán đảo đầu cầu của vùng Đông Nam Á nằm ở ngả tư đường giao lưu quốc tế.

Bản lĩnh ấy đã từng quyết định số phận của đạo quân xâm lược từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải ở thế kỷ XIII. Cái đế chế vốn được xây dựng trên lưng ngựa ấy lại bị đánh bại trên sóng biển Đông nơi cửa sông Bạch Đằng!

Và sóng Bạch Đằng không chỉ cuộn lên một lần trong lịch sử Việt Nam chống ngoại xâm. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn được tiếp sức từ “dòng thác đầy sinh khí ” đó để kịp thời dóng lên tiếng chuông cảnh báo, khởi động tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc nhằm chống trả kịp thời những mưu toan xâm hại đến chủ quyền đất nước.

Cùng với nhiệm vụ trọng đại đó, nhiều trang báo đã thực hiện một cách xuất sắc nhiệm vụ chuyển tải ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phấn đấu quyết liệt để có thể “là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân” như C.Mác đã yêu cầu.

Chỉ có thể trở thành “con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân”, chứ không là những bản sao lười nhác công văn chỉ thị dội từ trên xuống, khi mỗi nhà báo chân chính nhận thức được sứ mệnh lớn lao nhưng cũng cực kỳ gian khổ của họ để không lùi bước trước những thách thức.

Báo chí - “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình

Dõi theo những phóng sự nóng bỏng, những thông tin giàu sức cảnh báo, với nội dung truyền cảm đầy tính thuyết phục mà để thu thập được, những người làm báo phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, kể cả không loại trừ khả năng bị đe doạ đến tính mạng, sẽ hiểu ra được cuộc chiến đấu trên trận địa này không kém phần cam go.

Sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tính chính xác trong nhìn nhận và phân tích sự kiện của một số nhà báo tài năng thể hiện trên nhiều trang của những tờ báo được công chúng đón chờ, đã thổi một luồng sinh khí vào đời sống xã hội.

Xã hội nhận ra ở đó cách nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật, phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, từ đó, tạo ra một áp lực của dư luận xã hội đấu tranh chống lại những tiêu cực, những trì trệ, thoái hóa biến chất đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Những trang báo, những cây bút ấy đã thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội của báo chí. Người đọc thực sự biết ơn những cây bút trung thực và can đảm dám nói lên sự thật cho dù có phải trả giá đắt cho việc đó.

Thực hiện chức năng phản biện xã hội, báo chí đang góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội mà Nghị quyết Đảng đã đề ra. Đó là quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại, lấy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thay cho độc quyền và đặc quyền “xin cho”.

Thói quen độc thoại tự dành cho mình quyền được độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, theo nguyên lý loại trừ, ai không nghe ta tức là chống ta. Còn đối thoại là biết lắng nghe, nhất là lắng nghe những tiếng nói trái tai, những ý kiến phản hồi có góc cạnh, nhằm làm phong phú thêm hiểu biết của mình để có thể loại cái giả, giữ cái thật theo nguyên lý bổ sung.

Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của “nguyên lý loại trừ” mà bước vào “nguyên lý bổ sung”: khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới vì thế mà tạo dựng được phong cách ứng xử khoan dung, cởi mở, thúc đẩy sự hòa hợp, tin cậy lẫn nhau.

Không có đối thoại cởi mở và thẳng thắn thì không thể có phản biện xã hội lành mạnh nhằm tạo ra động lực của phát triển. Mục tiêu của phản biện xã hội mà báo chí đang phấn đấu thực hiện là nhằm tạo nên sự đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội là động lực của sự phát triển xã hội, đồng thuận càng cao thì sự phát triển càng bền vững.

Đất nước ta đang đối diện với những thách thức cam go từ biển, từ trời, từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những hiểm họa do môi trường bị tàn phá, mỗi một người Việt Nam yêu nước đều khát khao được góp phần mình vào nhiệm vụ chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hơn lúc nào hết càng thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, báo chí có một vai trò không thể thay thế được trong cuộc chiến đấu khổng lồ đó để phấn đấu sao cho mỗi trang báo phải là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình ”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Đọc lại Mác về báo chí tự do

    03/05/2016Nguyễn Khắc MaiBáo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. (Các Mác)
  • Tản mạn về nhà báo và doanh nhân

    01/07/2009GS. Dương Trung QuốcSự gần gũi, mối liên minh và cả sự cạnh tranh giữa báo chí và doanh nghiệp, giữa nhà báo và doanh nhân hay giữa tất cả hai giới chúng ta là lẽ thường tình như một quy luật mà ta đã đọc thấy trong pho lịch sử báo chí của những cái đã trải qua...
  • Nhân ngày tôn vinh nhà báo

    21/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaCho tới một ngày đủ tự tin hơn nữa, quyền được biết và được nói của dân chúng sẽ giúp báo chí có thêm năng lực phản biện chính sách và dẫn dắt công luận. Thật quý bởi có một ngày để tôn vinh nghề báo, những mong từ một ngày tôn vinh hướng tới cả năm tôn trọng.
  • Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975

    21/06/2009Đoan Trang"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
  • Báo chí Việt Nam “đêm trước đổi mới”

    12/06/2009Đoan TrangTin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không “lá cải” giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới “đêm trước đổi mới”, năm 1986.
  • Báo chí và quyền Nhà nước pháp quyền

    20/06/2009Lò Văn MinhBảo là cánh cửa dân chủ đã mở cũng đúng. Nói cho có vẻ "văn hoa", bảo là "cuộc chơi" dân chủ bắt đầu cũng quá đúng. Nếu ai đó chịu khó quan sát, chịu khó thống kê các sự kiện báo chí Việt nam từ thời đổi mới, từ thời mở cửa...
  • Những “kỳ biến” trong làng báo đầu thế kỷ XX

    20/06/2009Trần Hòa BìnhVề cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
  • Ai xóa cái "Tôi" của nhà báo?

    18/06/2009Lưu Hoài AnQuá nhiều các bài viết lờ nhờ, nhạt nhẽo trên báo chí mà người viết không đưa ra một quan điểm nào. Họ biện hộ: Đó chính là tính "khách quan" của báo chí. Hay đó chỉ là sự vô trách nhiệm và ngại chịu trách nhiệm của nhà báo?
  • Từ hành chính sự nghiệp tới tập đoàn báo chí

    18/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaBài viết ngắn dưới đây lạm bàn về vai trò của giới truyền thông trong quản trị quốc gia và nhu cầu thay đổi cách quản lý lĩnh vực này trong thời đại ngày nay.
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Suy nghĩ về sự lạm dụng quyền lực thứ tư

    16/01/2007Lê Thiết HùngLâu nay, báo chí vẫn được coi là cơ quan quyền lực thứ tư (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Báo chí không trực tiếp giải quyết vụ việc, nhưng thông qua thế mạnh truyền thông của mình, có thể làm giảm uy tín, làmđiêu đứng, thậm chí đánh sập một cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân nào đó nếu phát hiện thấy đối tượng có điểm yếu...
  • Truyền thông đang “xâm lấn” báo chí

    20/06/2006Lê ThăngTháng 5 vừa qua, Đại học Tự do Bruxelles đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nhà báo thời kỳ công nghệ thông tin và truyền thông (ITC): Những thách thức về đạo đức báo chí”. Tham dự hội thảo này có các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á (PV Báo Lao động tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo)...
  • Nhà báo, chữ tín và doanh nghiệp

    13/01/2006Beth Erickson (Sơn Tùng dịch)Một tờ báo sẽ phải xây dựng những quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp như thế nào khi các nhà báo ở đó cần phải xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp, tổ chức cũng như nuôi dưỡng nguồn tin của mình?
  • xem toàn bộ