"Trả nợ đời vẫn chưa xong"

Hình ảnh: Lê Thiết Cương; Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
10:48 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Mười, 2009

Giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu thành viên viện Nghiên cứu phát triển (IDS), nguyên viện phó viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, viện trưởng viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện là chủ tịch hội đồng khoa học cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân. Tuy đã nghỉ hưu, ông vẫn hoạt động học thuật và cùng đồng nghiệp xuất hiện trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế về hạt nhân nguyên tử, khí quyển, môi trường...

Ông tự trào: “Từ khi nghỉ hưu mình thật sự được tự do. Tự do làm việc, nghỉ ngơi, giao tiếp, nhưng trên hết là tự do cô đơn trong cái không gian học thuật nhỏ bé của mình”.

Thưa giáo sư, đã có rất nhiều những hội thảo, diễn đàn đề cập đến sự xói mòn các giá trị văn hoá, ở góc độ người làm khoa học ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, muốn xác định giá trị văn hoá của một đất nước, phải xem xét lại việc xây dựng các thang giá trị trong xã hội. Ở các nước tiên tiến có nền văn hoá khoa học lâu đời, luôn tồn tại những thang giá trị dựa trên tính chuyên nghiệp. Nghề nào người ta cũng xem trọng. Ở nấc thang cao nhất của nghề nghiệp, các vận động viên, nhà khoa học, ca sĩ, thậm chí một đầu bếp có tài... có khi còn được người dân coi trọng hơn một vị tổng thống, vì làm tổng thống cũng chỉ là một nghề. Giữa các nghề nghiệp không có sự phân biệt sang hèn, nhưng trong từng lãnh vực lại có những nấc thang giá trị cao thấp rành mạch. Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp chính là leo lên các nấc thang đó.

Những nấc thang nghề nghiệp đó còn tạo ra cơ chế đào thải tự nhiên, nhờ đó mà cộng đồng phát triển lành mạnh. Ai đuối sức phải nhường chỗ cho người khác. Tri thức được tích luỹ và nhân lên sau các thế hệ nhờ người ta biết “đứng trên vai những người khổng lồ”.

Như vậy sẽ có vô số cánh cửa mở ra cho mọi người, mỗi người có thể chọn cho mình một cơ hội để bước vào đời. Tuy nhiên, ông giải thích sao về quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” mang tính truyền thống, và “làm nhà nước cho yên ổn” vẫn còn rất nặng nề trong mọi giới?

Trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hiện nay, những nấc thang nghề nghiệp nói trên lại thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Từ đó người ta tổ chức ra các sân chơi quốc tế giống như các đấu trường thể thao. Phải bước lên những sân chơi ấy để khẳng định vị trí của đất nước mình, giống như các vận động viên của chúng ta bước lên các vũ đài Olympic giành lấy những huy chương danh giá.

Nếu mọi thang giá trị nghề nghiệp đều quy về các cấp bậc hành chính, quan trường, thì trong xã hội sẽ không còn nghề nghiệp đích thực nữa. Tất cả đều là cá mè một lứa, không ai lên được những nấc thang cao nhất, ngang tầm với thế giới, để nhìn xa hơn và biết cách dọn đường cho đoàn người tiến lên. Quản lý hành chính cũng là một nghề nghiệp cao sang, nhưng có thang giá trị riêng của nó, khác với thang giá trị nghề nghiệp mà mình quản lý. Đội ngũ chuyên gia của đất nước đang ngày càng hẫng hụt chính vì trên thực tế chúng ta không chấp nhận sự tách bạch giữa các thang giá trị nói trên. Hành chính hoá các hệ thống nghề nghiệp đến mức đối lập với các thang giá trị nghề nghiệp chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “làng nhàng”, thiếu đỉnh cao hiện nay trong nhiều ngành học thuật của chúng ta.

Vấn nạn mà chúng ta đang gặp phải chính là đây. Chen nhau trên các nấc thang hành chính là con đường tiến thân hầu như độc đạo. Nhiều người có năng khiếu thiên phú về học thuật cũng không dễ dàng thoát khỏi con đường độc đạo này. Nó như một thứ ma lực. Có người phải từ bỏ niềm đam mê cái đẹp trong nghề nghiệp của mình vì ma lực của tiền và quyền. Lập luận rất đơn giản: không có tiền không thể đi sâu vào nghề nghiệp, mà muốn có tiền thì phải có quyền. Nhưng có tiền và quyền rồi, liệu chúng ta sẽ ung dung đi sâu vào nghề nghiệp chăng? Rất khó, thậm chí không thể.

Có phải đó là lý do mà ở hầu hết các ngành nghề, dự án lớn, chúng ta đều phải thuê chuyên gia nước ngoài?

Điều này cũng dễ hiểu vì khoa học – công nghệ của chúng ta đi sau thế giới hàng trăm năm. Nhưng thật ra chúng ta cũng đã bỏ qua nhiều cơ hội để có chuyên gia giỏi của mình. Mà nếu có thì trong môi trường học thuật bị hành chính hoá đến xơ cứng, sẽ không có chỗ đứng cho những chuyên gia nội địa đích thực. Bởi những tiếng nói riêng của họ xuất phát từ ý đồ vì dân vì nước có khi lại không phù hợp với một số chủ trương ít nhiều bị các nhóm lợi ích chi phối. Thiếu chuyên gia cao cấp trong nhiều lãnh vực thì đương nhiên người nước ngoài sẽ điều khiển chúng ta ở những khâu công nghệ xung yếu nhất, và đây là nguy cơ mất độc lập dân tộc trong thời đại cạnh tranh và toàn cầu hoá hiện nay.

Ông nghĩ chúng ta phải làm gì trước nguy cơ này?

Trước hết các nhà lãnh đạo phải nhận ra nguy cơ, từ đó mới có giải pháp. Và trên thực tế hình như các nhà lãnh đạo cũng đã nhận ra rằng chúng ta đang thiếu nghiêm trọng các chuyên gia cao cấp. Các đại học hàng đầu của chúng ta chưa hề có mặt trong bảng xếp hạng 200 trường top châu Á, trong khi danh sách này có tên nhiều trường đại học của các nước láng giềng chưa phát triển lắm như Philippines, Indonesia. Chưa kể đại học Chulalongkorn của Thái Lan còn nằm trong danh sách 200 đại học hàng đầu thế giới. Những thông tin này chắc cũng đã đến tai các nhà lãnh đạo. Sự lạc hậu của chúng ta là một thực tế phũ phàng. Song không phải vì thế mà nôn nóng. Đạt đến những đỉnh cao học thuật cần cả một quá trình lâu dài. Bác Hồ đã nói trồng người là sự nghiệp trăm năm. Chúng ta phải bắt đầu chấn chỉnh lại những đại học của mình, tập trung nghiên cứu khoa học về các trường đại học để sớm có một số đại học nghiên cứu theo tiêu chí quốc tế, xây dựng những trung tâm đỉnh cao về học thuật để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các chuyên gia cao cấp.

Ông thuộc thế hệ khoa học được đào tạo sớm nhất, từ 50 năm trước ở những trung tâm danh tiếng của Liên Xô. Chả lẽ thế hệ của ông không chịu trách nhiệm gì về sự lạc hậu của khoa học và đại học nước ta hay sao?

Có chứ! Tôi không dám nói thay cho người khác, về phần mình, tuy đã cố gắng hết sức, lao động không ngưng nghỉ, cũng có chút ít hữu ích qua những gì mình đã đóng góp, nhưng tôi vẫn không hài lòng với mình. Nhiều lúc thất bại, mà thất bại là do mình chưa đủ cao cường trong nghề nghiệp. Tôi không để ý đến ai đó cản đường, hoặc không bao giờ trách Nhà nước không dùng mình. Tôi không bao giờ nản lòng. Mình làm được điều gì đó thì làm, nói được điều gì đó thì nói. Vấn đề là muốn nói cho người ta nghe, muốn thuyết phục được họ tin mình, thì phải nói những gì xuất phát từ trái tim mình, từ sự vô tư chứ không xuất phát từ bất kỳ một lợi ích cá nhân nào. Giờ ngoảnh lại thấy mình đã già, ngành khoa học xây dựng từ hơn 30 năm về trước chưa đi đến đâu, các thế hệ học trò chưa đủ lông đủ cánh, nên trên vai nặng trĩu một món nợ – nợ đời.

Tại sao ông lại quan tâm và có nhiều bài viết về xã hội nhân văn, giáo dục, phát triển... Ông nghĩ sao về trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội?

Trước hết, việc nhìn rộng ra các lãnh vực khác là nhu cầu tự thân của nhà khoa học trong bất cứ ngành chuyên sâu nào. Tôi không tin rằng trong thời đại ngày nay lại có một nhà khoa học nào đó tuyên bố anh ta không cần đọc sách văn học, không cần biết những khái niệm sơ đẳng về triết học, hoặc nghe nhạc cổ điển chẳng có ích lợi gì. Nhà khoa học nào cũng phải biết chiêm ngưỡng cái đẹp của tự nhiên và biết cách diễn đạt nó qua ngôn ngữ. Có một số người làm khoa học mà tôi quen biết rất giỏi chuyên môn, làm máy tính rất thiện nghệ (giỏi logic), nhưng không thể trình bày một bản báo cáo cho ra hồn, viết bài cứ giống như viết báo cáo thành tích cơ quan hàng năm. Và họ không thể trở thành nhà khoa học. Hỏi ra mới biết, họ chẳng mấy khi đọc sách văn học.

Nhà văn Nguyên Ngọc:

“Anh Hiển không chỉ là một nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực hạt nhân mà ngay cả chuyên gia Nga cũng nể, mà còn là một người có nền tảng về văn hoá. Có lần tôi hỏi giáo sư Phan Đình Diệu về anh Hiển thì anh Diệu nói: “Ở Việt Nam có những kỹ sư rất giỏi nhưng nhà khoa học thì rất ít. Vì nhà khoa học cũng phải là nhà văn hoá và Phạm Duy Hiển là một nhà khoa học thực sự”.

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn:

“Có nhiều vấn đề không thể giải quyết bằng chính lối tư duy đã gây ra vấn đề. Càng không thể giản dị nhìn mọi việc như những… cái đinh, chỉ vì không biết sử dụng cái gì ngoài chiếc búa. Khoa học – như một thiên chức – không sợ sự thật do mình tìm thấy, vì có khi ta thấy nhiều hơn những gì mình muốn tìm. Lương tâm trong sạch là sự tự do của nhà khoa học. Giáo sư Phạm Duy Hiển, như tôi biết, là một con người tự do như thế”.

Còn về trách nhiệm xã hội? Bất cứ ai, nhất là nhà khoa học, đều phải có. Tôi nghiên cứu hạt nhân nguyên tử và làm hết sức mình để ngành hạt nhân “của tôi” giúp ích cho đất nước. Nhưng với tư cách là một người được giao trọng trách chỉ huy xây dựng ngành hạt nhân cách đây hơn 30 năm, tôi không sao yên lòng khi thấy vấn đề an toàn điện hạt nhân bị hiểu không đúng như hiện nay, có thể dẫn đến những chủ trương lợi bất cập hại, khiến người dân phải lo lắng không yên. Đến nước này, tôi phải bước ra khỏi cái tháp ngà khoa học của mình – âu cũng là nhu cầu giải toả nỗi cô đơn – với tham vọng thuyết phục những người có thẩm quyền, lại phải đến với công chúng, mà đây là bài toán khoa học xã hội, nhân văn, phải nghiên cứu sâu và rộng lắm, nếu không anh sẽ thất bại.

Thiết nghĩ, đã là trí thức, dù anh nghiên cứu lãnh vực chuyên sâu nào, đều phải quan tâm đến cuộc sống quanh mình, và có tiếng nói cổ vũ cái tốt, phê phán cái xấu. Miễn là anh trung thực, đề cao tính khoa học, hết lòng vì cái đẹp, như anh từng viết và nói trên các diễn đàn khoa học quốc tế trước các đồng nghiệp luôn phán xét mình.

Nhìn ra thế giới ta thấy có Einstein vĩ đại với thuyết tương đối mà mấy ai hiểu được nó, kể cả giới vật lý đương thời. Nhưng Einstein đã bước ra khỏi tháp ngà của mình để đến với công chúng, nhờ đó mọi người ai cũng có thể hiểu ông qua “Thế giới như tôi nhìn thấy”, trong đó ông trình bày những quan điểm của mình về xã hội, nhân văn, chính trị, chiến tranh, hoà bình, nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh... tất cả ông đều phát biểu một cách có trách nhiệm, sâu sắc và dễ hiểu.

Đưa ra thí dụ trên đây, để liên tưởng đến một khía cạnh thường thấy ở nhiều nhà khoa học. Từ trên đỉnh cao chuyên ngành của mình, nhà khoa học mới có điều kiện nhìn xa sang các lãnh vực khác của thế giới tự nhiên và con người, từ đó dấn thân sang một con đường khác.

Josephson tìm ra hiệu ứng đường ngầm giữa hai thanh siêu dẫn khi còn là sinh viên, và sau đó được nhận ngay giải Nobel khi mới 33 tuổi. Bao nhiêu nhà khoa học đã nhận ra những ứng dụng mầu nhiệm của hiệu ứng này và lao vào nghiên cứu nó. Về phần mình, có lẽ vì quá ngỡ ngàng trước sắc đẹp và sự huyền bí của tự nhiên trong khi nghiên cứu bài toán siêu dẫn, Josephson chuyển sang nghiên cứu hoạt động của bộ não, nhận thức luận, tâm linh và mối quan hệ giữa khoa học với tôn giáo. Ông cho rằng những chuyện này còn quan trọng hơn là tiếp tục đi sâu vào con đường cũ.

Tôi cũng đã từng “chuyển nghề” như thế, nhưng ở tuổi lục tuần. Thành ra vất vả.

Xin giáo sư chia sẻ một vài kinh nghiệm trong công việc mà giáo sư từng đảm nhiệm trong suốt cuộc đời khoa học của mình; ở cương vị của một người thầy, ông có nhắn nhủ với các bạn trẻ điều gì?

Một trong những ký ức sâu sắc nhất của tôi là những ngày đầu cùng các chuyên gia Nga xây dựng lò hạt nhân Đà Lạt, vào một đêm định mệnh. Sau khi các thanh hạt nhân đã đưa vào lò, theo lịch hôm sau khởi động lò để các chuyên gia kịp về ăn Noel ở quê nhà. Đêm hôm đó, không hiểu sao tôi cứ trằn trọc không yên. Sáng hôm sau, tôi ra lệnh dừng lại và rút tất cả các thanh nhiên liệu ra thì phát hiện bề mặt thanh nhiên liệu bị đen hết. Tôi ngưng ngay việc đốt lò và đề nghị các chuyên gia ở lại để hoàn tất công việc. Thế đấy, làm khoa học đôi khi cũng phải tin vào trực giác.

Còn một điều khác mà tôi nghĩ cũng cần chia sẻ với các bạn trẻ. Một hiện tượng rất phổ biến hiện nay là hỏi đến vấn đề nào cũng chỉ nghe “lợi được bao nhiêu?”, mà không nghĩ nó sẽ hại cho ai, hại như thế nào. Khi tôi tự hỏi mình “làm điều này có lợi cho ai, có hại cho ai?”, lập tức tôi sẽ thấy mình không thể quyết định dễ dàng. Với tôi, chính cái tâm mới quyết định được những điều lớn lao.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và nhận thức pháp quyền

    30/10/2015B. A. Kistiakovski - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchMột số người cho rằng pháp luật chỉ có giá trị tối thiểu về đạo đức, một số khác lại cho rằng cưỡng chế, nghĩa là bạo lực, là thành tố không thể tách rời của pháp luật. Nếu đúng là như thế thì chẳng có cơ sở nào để chê trách giới trí thức của chúng ta trong việc coi thường pháp quyền hết. Giới trí thức của chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng tuyệt đối và trên đường đi của mình nó có thể bỏ qua cái giá trị thứ cấp này.
  • Trí thức nửa mùa

    09/09/2013Oleshuk Iu.FỞ nước Nga, trong thế kỷ XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc cải cách đầy tai họa hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa.
  • Lại bàn về giáo dục

    15/01/2011Phạm Duy HiểnKhông riêng gì ở Việt Nam, giáo dục hiện đang là bài toán khó, ngay ở những nước tiền tiến nhất trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, thành bại là do vốn văn hoá, khoa học, công nghệ của con người quyết định, nên giáo dục đương nhiên là mặt trận xung yếu nhất của mọi quốc gia.
  • Bộ mặt mới của đại học Việt Nam?

    05/10/2009Phạm Duy HiểnHệ thống đại học ở một nước như Việt Nam phải phát triển theo một quỹ đạo tối ưu giữa số lượng và chất lượng. Cần mở rộng quy mô để thỏa mãn nhu cầu được học ngày càng cao của người dân (phương nằm ngang), đồng thời phải nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) ở một số trường trọng điểm, được xem như những chiếc máy cái cho nền khoa học và đại học nước nhà (phương thẳng đứng).
  • Khủng hoảng trí tuệ và sứ mệnh tầng lớp trí thức

    30/07/2009N. A. Berdaev* - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchTình hình trong lĩnh vực trí tuệ và các đại diện của nó, tức là tầng lớp trí thức, càng ngày càng trở thành nặng nề và nguy hiểm. Sự độc lập trong tư duy, tự do trong sáng tạo đang bị những phong trào đầy sức mạnh của thời đại chúng ta phủ nhận. Các thế hệ hiện nay và các lãnh tụ của chúng không công nhận vai trò định hướng của trí tuệ và tư duy. Trong lĩnh vực này thì thế kỷ của chúng ta khác xa với các thế kỷ XIX và XVIII. Những người trí thức, những người sáng tạo văn hóa tinh thần hiện nay cần phải thực hiện các đơn đặt hàng của đời sống, phải phụng sự các quyền lợi của xã hội và ước muốn bá quyền.
  • Vũ khí văn hóa của vị đại tướng

    07/05/2009GS Phạm Duy Hiển - C.V.K. - Thu Hà ghiNgày 6-5, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp nhiều đoàn đại biểu đến thăm và chúc mừng nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, đại diện báo Tuổi Trẻ đã đến chúc mừng và chúc sức khỏe đại tướng. Với sức khỏe tốt so với tuổi 99, đại tướng luôn đặt câu hỏi về tình hình thời sự của đất nước.
  • Thêm một lần bàn về văn hóa và văn minh

    16/11/2008Đỗ Kiên CườngThời gian qua, trên Tia Sáng và trên một số báo khác, có nhiều bài viết rất thú vị bàn về chủ đề văn hóa (và văn minh) trong quá trình canh tân đất nước1. Bài viết này xin bàn thêm về chủ đề rất phức tạp và quan thiết này, nhằm góp thêm một tiếng nói để rộng đường dư luận.
  • Lạm bàn về văn hoá và kinh tế

    13/07/2008GS. Phạm Duy HiểnKhi đồng tiền trở thành cứu cánh trong nghệ thuật, chúng ta chỉ có thể chờ đợi một nền nghệ thuật khá lắm cũng chỉ làng nhàng, cũng như chúng ta đang có một nền đại học và khoa học làng nhàng.
  • Cần một cuộc du nhập khoa học mới!

    15/05/2007Phạm Duy HiểnTrong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết rất cần một bước đột phá về nhận thức trong giới khoa học và đại học về thực trạng đội ngũ khoa học để cấp thiết tiến hành một cuộc du nhập khoa học lần thứ hai nghiêm túc và bài bản hơn lần trước. Có như vậy khoa học & công nghệ mới có thể thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
  • Cái lý và nghịch lý qua Einstein - dấu ấn trăm năm

    07/11/2005GS. TS. Phạm Duy HiểnBạn hãy tìm lấy những giây phút tĩnh lặng một mình dưới bầu trời đêm, ngắm nhìn những ngôi sao leo lét phía chân trời. Biết đâu cái thế giới xa xăm ấy đã lụi tàn hàng trăm triệu năm trước mà ánh sáng vẫn cứ lầm lũi hành trình qua vũ trụ mênh mông để mang đến cho bạn những dấu ấn của một thời...
  • Lạm bàn về giáo dục

    09/07/2005Phạm Duy HiểnKhông riêng gì ở Việt nam, giáo dục hiện đang là bài toán khó, ngay ở những nước tiền tiến nhất trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, thành bại là do vốn văn hoá, khoa học, công nghệ của con người quyết định, nên giáo dục đương nhiên là mặt trận xung yếu nhất của mọi quốc gia. Nơi đây những người lãnh đạo cao nhất của đất nước thường phải vào cuộc.
  • xem toàn bộ