Phải thay đổi cách thi tốt nghiệp

11:55 SA @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Theo tôi, “sự kiện Khánh Hòa” hay mới đây là Cần Thơ, Cà Mau... chỉ là những trường hợp hi hữu trong tình hình thi cử hiện nay. Tuy rằng nó phản ánh chất lượng giáo dục thực có thể đáng buồn nhưng xảy ra việc này tôi thấy cũng có mặt tích cực:Nó cho chúng ta thấy một điều rõ ràng là trong những kỳ thi tốt nghiệp lâu nay, dù Bộ GD-ĐT có nhắc nhở đến đâu, dư luận có đòi hỏi ra sao cũng đều dẫn đến kết quả chung là không sát thực.

Tôi cho rằng không phải là chưa có biện pháp nào hữu hiệu cho sự gian dối, chạy theo thành tích trong thi cử. Mà phải nói là không thể có biện pháp hữu hiệu để có những kỳ thi nghiêm túc nếu cứ tiếp tục thi cử như hiện nay. Đúng là thi cử của ta chưa nghiêm túc, kết quả chưa đáng tin cậy nhưng tôi không quá băn khoăn về các con số tỉ lệ bao nhiêu vì bản thân cách thi đã không hợp lý nên tỉ lệ không còn quan trọng. Ngành giáo dục phải sửa chữa ở chỗ khác, phải tìm cách để người ta khó có thể gian dối. Đó là thay đổi cách thi cử, đánh giá chất lượng.

Hiện nay học hành, thi cử, nhất là các kỳ thi tốt nghiệp của ta cứ diễn ra theo kiểu học dồn, thi góp. Cả quá trình học tập coi nhẹ, kỳ thi cuối cấp lại quá áp lực, căng thẳng. Trong khi đáng lẽ phải học đâu thi đấy, đánh giá suốt quá trình, không làm cho HS, giáo viên, nhà trường và cả xã hội phải căng thẳng, ôn luyện dồn hết chỉ cho một kỳ thi với vài môn “tủ”.

Nếu như trong từng năm học, từng học kỳ, đối với từng môn, thậm chí từng chương, từng phần ta đều qui định kiểm tra, đánh giá một cách chặt chẽ, buộc HS phải học hành nghiêm túc, qua được năm nay mới được học năm sau... Đến cuối cấp, lấy kết quả tổng hợp cuối cùng để xét công nhận tốt nghiệp thì không cần tổ chức một kỳ thi riêng, kết quả có đỗ đến 99, 100% cũng là tự nhiên.

Rớt tốt nghiệp, không phải đã cùng đường

Thi rớt tốt nghiệp THPT, hẳn nhiên các bạn trẻ sẽ cảm thấy hụt hẫng, nhiều gia đình sẽ thất vọng nhưng như thế không có nghĩa là đã cùng đường... Kỳ thi nào cũng có tính sàng lọc và tỉ lệ vài chục phần trăm HS thi rớt tú tài cũng không phải là chuyện bất bình thường.

Xã hội cần có một cái nhìn bình tĩnh, đúng mực và “khôn ngoan”nhất với những trường hợp này: họ là ai, họ đang đứng ở chỗ nào, kiến thức của họ tới đâu? Với kiến thức 12 năm phổ thông, năng lực và sức khỏe ở tuổi trưởng thành, họ vẫn có khả năng để trở thành những người thợ có tay nghề, tự lập thân, thậm chí nhiều người trong số họ sẽ trở thành những ông chủ thành đạt và giàu có nếu họ chọn đúng con đường để vào đời.

Và quan trọng hơn, chính những “người trong cuộc” nên nhận thức đúng giá trị bản thân: không quá bi quan nhưng cũng nên tỉnh táo để hướng đến những mục tiêu vừa sức mình.

Không phải ai cũng có điều kiện và khả năng để tìm cơ hội cầm được mảnh bằng trong kỳ thi tốt nghiệp năm sau! Có một sự lựa chọn thiết thực và phù hợp hơn với những HS này là hãy tìm cho mình một nghề. Các em có thể dự tuyển vào hệ công nhân kỹ thuật các trường nghề, THCN.

Với thời gian từ 12-24 tháng (tùy từng nghề, từng trường), bạn đã có trong tay bằng nghề bậc 3, có kiến thức và kỹ năng của một người thợ lành nghề. Nhanh hơn nữa, các bạn có thể theo học các khóa ngắn hạn ở các trung tâm dạy nghề... Trừ những ngành nghề có yêu cầu năng khiếu cao như đồ họa, thiết kế thời trang…, các bạn có thể chọn một trong rất nhiều nghề đơn giản và gần gũi khác phù hợp với trình độ của mình.

Chẳng hạn như với nghề sửa xe gắn máy đang là một trong những nghề “sống được” trước nhu cầu sửa chữa bảo trì xe gắn máy vẫn tiếp tục tăng. 20 năm nữa nhu cầu nhân lực nhóm nghề cơ khí (han, tiện) vẫn còn nhiều, nếu có trong tay nghề này sẽ không lo thất nghiệp! Một số nghề khác học nhanh, dễ tìm việc làm như: may, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm...

Th.S NGUYỄN TOÀN
(hiệu trưởng Trường TH Kỹ thuật và nghiệp vụ Thủ Đức, TP.HCM)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: