Phải tôn trọng cuộc sống thật của mỗi người

09:45 CH @ Chủ Nhật - 09 Tháng Hai, 2014
Giáo sư Hồ Ngọc Đại - với tư cách nhà giáo - là người đã gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay. Nhưng trên hết, đó là tâm huyết hiếm thấy với sự nghiệp giáo dục. Tâm huyết tới mức, GS cả gan “mạt sát” nền giáo dục hiện hành, chỉ nhằm đổi mới “tận nguyên lý” của nó...

Những kẻ chiến bại đáng phong anh hùng

Giáo sư từng nói, cần có một nền giáo dục mới. Một nền giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Bạn đọc có thể hiểu như thế nào về nội dung này?

- Để dễ hình dung, nông dân chúng ta thường dùng chiếc cày chìa vôi để cày ruộng, nếu chúng ta chỉ đổi mới hình hài của nó, kể cả dát vàng đi nữa, vẫn chỉ là con trâu đi trước cái cày theo sau. Nhưng muốn tăng năng suất, buộc phải cày bằng máy cày. Do đó muốn giáo dục phát triển, phải đổi mới căn bản nó, hay nói cách khác là “phải mới tận nguyên lý” của nền giáo dục.

Đấy là về nguyên tắc chung. Trong giáo dục, thế nào để được coi là mới tận cùng nguyên lý?

- Điều đầu tiên là: Phải tôn trọng cuộc sống thật của mỗi người. Trước đây, chúng ta hay coi thường phạm trù lợi ích, trong khi cuộc sống là vì lợi ích. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật này. Với học sinh cũng vậy, lợi ích của các em là được vui chơi, được học.

Chúng ta làm sao để chúng học mà cũng hứng thú như chơi. Có làm được hay không, chúng ta hãy nhìn mỗi trẻ, chúng có háo hức đến trường không, mỗi buổi học có mang lại niềm vui cho chúng? Muốn vậy, phải thay đổi nội dung, phương pháp, thể chế giáo dục hiện nay. Đã đến lúc không thể để cho tồn tại cách học kiểu thầy đọc, trò chép như hiện nay.

Mặt khác, hiện các trường thường treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, mà lễ ở đây có nghĩa là sự phục tùng trong các quan hệ một chiều giữa vua – tôi, chồng – vợ, cha – con, thầy – trò... Nhưng tôi cho rằng, đến bây giờ, đó là thứ trật tự không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, ở thời nay, vua phải nghe dân, thầy phải vì học sinh. Do đó, rất cần xác lập trật tự mới.

Nhưng hiện hầu hết mọi người đều ước gì trở về tôn ti trật tự, lễ phép như ngày xưa, nay GS lại cổ vũ cho việc đảo lộn trật tự này, tôi tin chắc nhiều người không đồng tình?

- Cách mạng nào cũng vậy, ban đầu bao giờ cũng có cái hỗn loạn – điều khó tránh khỏi. Có thể tôi hơi quá đáng khi chủ trương “bêu riếu”, “mạt sát” nền giáo dục hiện tại để nó mất thiêng, thậm chí vỡ tung ra, như vậy, giúp cho nhiều người dễ nhận ra nền giáo dục hiện tại nó lạc hậu như thế nào, thì mới mong làm cái mới dễ hơn.

Ví dụ, những năm 60 của thế kỷ trước, bên Pháp có cuộc “nổi dậy” của sinh viên, học sinh. Để chống những cái gò bó, bất biến của nề nếp cũ, họ “nổi loạn” bằng cách ăn mặc quần, áo rách, các đôi trai gái ôm nhau nằm trước cửa các nhà thờ...

Nhưng rồi sự “phá phách” đó cuối cùng cũng thất bại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó là những kẻ chiến bại đáng phong anh hùng. Bởi sự “nổi loạn” này tuy thất bại, nhưng nó báo hiệu nhu cầu đổi mới nền giáo dục hiện tại, đòi hỏi phải có cách làm mới, phù hợp với thời đại.

Điều đó cho thấy, ngay phương Tây còn khó chấp nhận phá cách, huống hồ với giáo dục của Việt Nam, chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo?

- Tôi cho rằng, bao giờ cũng có những người đi trước số đông, tuy có thể thất bại, nhưng đó là những ngọn lửa đầu tiên cho một bão lửa mới.


Chương trình CGD (Công nghệ giáo dục) liệu có lạc hậu?

GS từng đưa ra nguyên tắc trong giáo dục: "Học trò là trung tâm, thầy giáo đóng vai trò quyết định". GS có thể nói rõ hơn nguyên lý này?

- Tôi đưa ra nguyên tắc: Thầy không phải giảng, trò không phải cố gắng. Thí dụ, thay vì giảng văn, thầy giao học sinh đọc văn bản với yêu cầu hiểu và cảm nhận gì về nó thì phát biểu.

Như vậy, không chỉ các em hào hứng hơn trong học tập, mà tư duy, cách suy nghĩ của mỗi em sẽ được bộc lộ, không ai giống ai. Điều đó khiến trí tuệ các em phát triển độc lập, dần tạo sự tự tin.

Nhưng thưa GS, với môn toán, lý, hóa thì thầy không thể không giảng, mà trò thì không thể tự học?

- Giáo dục là một kiểu cưỡng bức. Nhưng vấn đề là cưỡng bức như thế nào để học sinh vui vẻ chấp nhận nhất. Các giáo viên đứng lớp thực chất cũng chỉ là những người thi công theo thiết kế. Sáng tạo gì cũng chỉ trong khuôn khổ đã được các nhà khoa học thiết kế ra.

GS đã từng nói, “ôn tập là làm một việc mất hai hoặc nhiều lần thời gian - đó là việc lãng phí thời gian. Mà mất thời gian là mất tuyệt đối”. Nhưng thưa GS, trong nhận thức luận cũng như thực tiễn, dù có mất thời gian thì ai cũng thấy học đi, học lại thì mới nắm chắc nội dung?

- Tôi có công nghệ để cho học sinh ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Tuy nhiên, tôi không phản đối học lại, nhưng nó phải làm theo cách khác. Ví dụ, lần đầu tạo ra một mẫu chung, sau đó dùng mẫu chung đó để học thêm cái mới.

Khi được hỏi về chương trình cải cách giáo dục, ông đã nói với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là chương trình này sẽ thất bại. Lý do ông đưa ra là chương trình thời chiến không thể áp dụng cho thời bình. Vậy, CGD của GS đã có cách đây 40 năm, nay lại được đem ra áp dụng liệu có quá lạc hậu, khi thế kỷ 21, mọi mặt xã hội phát triển nhanh hơn cả tốc độ âm thanh?

- Đúng là vẫn nguyên lý ấy, công nghệ ấy, nhưng thời kỳ bị tạm dừng CGD, tôi kịp hoàn thiện, củng cố nó vững chắc hơn. Hoàn thiện tới mức tôi có thể khẳng định không có sạn, cát cũng không. Còn liệu có lạc hậu không, tôi thưa rằng, CGD là đi trước số đông, khi đó trình độ “quan trí” còn quá thấp. Do đó, tôi có thể khẳng định công nghệ này không hề lạc hậu.

Mong GS thông cảm, có giáo viên ở Hưng Yên điện thoại lên cho tôi đề nghị xuống ngay trường để chứng kiến chương trình công nghệ mới của giáo sư phiền toái, lãng phí?

- Tôi cũng trả lời thẳng, không chỉ giáo viên ở Hưng Yên, mà tất cả những nơi tôi đến đều có những phàn nàn kiểu như vậy, có người còn khóc. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ khó khăn nhất là tháng đầu tiên làm quen với phương pháp mới.

Nhưng tôi cũng lưu ý, phần lớn những người phàn nàn là giáo viên đã có tuổi, quá quen với phương pháp cũ. Một lần, ngồi dự giảng lớp dạy thử theo phương án CGD, lúc xong, tôi nói với các thầy xung quanh, có đúng cô giáo này dạy giỏi cấp tỉnh không? Họ ồ lên, đúng ạ, sao thầy biết? Tôi nói, vì cô đó dạy... sai bét phương pháp của tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, dạy theo chương trình của tôi lúc đầu sẽ vất vả hơn rất nhiều. Vì trước đây, các thầy chỉ đứng trên bục mà giảng, trò chép, còn với CGD, các thầy không phải giảng đã hẫng, lại còn phải dõi theo từng em “làm việc” độc lập.

GS cho rằng, nền giáo dục trước đây là lạc hậu, nhưng không ai có thể phủ nhận, thời kỳ ấy đã đào tạo được thế hệ vàng cho khoa học Việt Nam?

- Đúng là tôi không chấp nhận phương pháp giáo dục từ trước đến nay về cả phương pháp, cả nội dung, cả quan hệ thầy - trò...

Tôi cho rằng, cơ bản là lỗi thời, lạc hậu, sai. Nhưng thời kỳ đó, nền giáo dục làm được việc rất lớn là giáo dục tinh thần yêu nước, tận tụy với nhân dân. Nhờ tinh thần yêu nước đó, những nhà khoa học tiêu biểu thời kỳ đó phần lớn là tự học, tự phấn đấu vươn lên, chứ không phải sản phẩm trực tiếp do nền giáo dục thời kỳ đó tạo nên.

Thành quả của các nhà khoa học này là sản phẩm do chính họ tự học không ngừng. Tài năng là đặc sản của cá nhân. Do đó, với CGD, tôi luôn tạo điều kiện để các em tự học là chính.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Nội dung liên quan

  • Giáo dục phải biết lường trước được những vấn đề của thời đại

    14/06/2017Kim AnhMột ông già tinh anh, tràn đầy nhiệt huyết và say sưa khi nói về trẻ em, về giáo dục. Đó là những ấn tượng đầu tiên dễ dàng nhận thấy ở giáo sư, nhà tâm lý học Hồ Ngọc Đại. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, không ít người coi ông là kiêu căng, gàn dở, vì ở đâu, lúc nào, ông lúc nào cũng nói về mỗi chuyện giáo dục với ý nguyện làm sao thay đổi được những tư tưởng lạc hậu việc dạy và học của trẻ em mà ông tóm gọn trong hai từ: Cách và Cái.
  • Trẻ đau khổ thì sai

    25/09/2016Nguyễn TuấnNhiệm vụ lớn nhất, trong sáng nhất và cũng là thiêng
    liêng nhất mà tôi muốn nói tới trong giáo dục là phải bảo vệ lớp trẻ...
  • Giáo sư Hồ Sĩ Quý: Rất cần một bảng giá trị không lệch lạc

    14/04/2015Giáo sư, TS. Triết học Hồ Sĩ Quý... Xét cho cùng đây cũng chính là vấn đề Con Người, vấn đề văn hoá, tất nhiên là khu biệt ở cộng đồng cán bộ, đảng viên của Đảng. Để có thể có một cái nhìn toàn diện hơn vấn đề này từ trong chiều sâu tâm thức văn hoá, đặt vấn đề trong tổng thể cộng đồng dân tộc, VHNA đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ triết học Hồ Sĩ Quý – Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
  • Lối ra cho nền giáo dục hiện thời của đất nước nên bắt đầu từ đâu?

    08/07/2013Nguyễn Đình ChúLà người Việt Nam không ai không mong muốn đất nước giàu mạnh lên từ một nền giáo dục đích thực là quốc sách hàng đầu nhưng hiện tình giáo dục lại đang là yếu kém để nhân dân vừa thèm khát vừa đòi hỏi một sự đổi mới cho ra đổi mới và Đảng lãnh đạo cũng đã có nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện. Nhưng làm thế nào để đổi mới được căn bản và toàn diện quả không phải dễ dàn
  • “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” khiến ta phải trăn trở

    09/06/2013Clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” đã gây chấn động trong cộng đồng mạng. Một học sinh lớp 12 tự cho mình trăn trở với nền giáo dục của đất nước và nói lên sự trăn trở đó suốt một giờ đồng hồ...
  • Giáo viên tương lai 'mù' tư tưởng giáo dục mới

    01/02/2012Nhã UyênTrong khi công cuộc đổi mới giáo dục đang được các chuyên gia giáo dục hối thúc học hỏi những tư tưởng giáo dục hiện đại thì với giáo trình tái bản đến hàng chục lần, sinh viên sư phạm vẫn mù mờ về chính ngành nghề của mình?
  • Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tài năng là đặc sản cá nhân

    25/08/2010Quý Hiên thực hiệnTrong tiểu sử của giáo sư Ngô Bảo Châu có một dòng dành cho trường Tiểu học Thực nghiệm, bởi anh đã có 5 năm gắn bó với ngôi trường ấy. Sau sự kiện Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của trường Thực nghiệm...
  • Biến con người thành vật thí nghiệm

    05/06/2010Nguyên Thủy (Thực hiện)Phương pháp giáo dục thực nghiệm đã từng “bị đánh” cho tơi bời. Lý do: con người không phải “vật thí nghiệm”. Ông Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của phương pháp giáo dục này lúc đó đứng giữa “tâm bão” để hứng búa rìu dư luận. Cho đến nay những “vết thương” vẫn chưa lành. Người “cha đẻ” ấy đã trải lòng với KH&ĐS về cái sự “bị đánh” và nỗi đau của “người cha mất con”.
  • Hồ Ngọc Đại - Nhà sư phạm dấn thân

    29/03/2010Phạm Anh TuấnTiến sĩ tâm lý học GD Hồ Ngọc Đại từ học hỏi, mà dũng cảm đưa ra một cách cải cách GD có cơ sở khoa học và cơ sở triết học mạch lạc và có thể kiểm chứng được. Ông là nhà tư tưởng sư phạm.
  • xem toàn bộ