Phác thảo chương trình cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:01 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008

Để phát triển, các nước thế giới thứ ba buộc phải nhận thức ra rằng không thể tiếp tục trì hoãn cải cách thể chế, cải cách chính trị được nữa, nhất là trong bối cảnh dân chủ hóa là xu thế không thể đảo ngược như hiện nay.

Phải khẳng định là, một cuộc cải cách chính trị mang tính chất cải lương hoặc không xuất phát từ những đòi hỏi của đời sống sẽ không giải quyết được vấn đề nếu không muốn nói là có thể còn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, tiếp tục đẩy đất nước nói chung và nền chính trị nói riêng lún sâu vào tình trạng lạc hậu và trì trệ hơn so với trước khi cải cách. Bản thân các nhà chính trị Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhận ra tính không hoàn chỉnh, hay không đồng bộ, trong quá trình cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, đặc biệt là sự mất cân đối giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị ở nước này. Đây là những nguyên nhân làm gia tăng mất ổn định xã hội và kìm hãm tốc độ phát triển.

Cải cách chính trị là quá trình tiệm cận dân chủ và tự do, đây là phương pháp thay thế một cách hòa bình các quan điểm chính trị lỗi thời, và đó cũng chính là tính thực dụng của dân chủ. Thể chế chính trị luôn là kết quả của sự lựa chọn một khuynh hướng trong số các khuynh hướng chính trị. Nhưng sau khi đã được lựa chọn, khuynh hướng chính trị này có xu hướng được củng cố để duy trì địa vị, do đó, cải cách chính trị là sự lựa chọn một khuynh hướng mới cho một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, phải chờ đến một thời điểm nhất định, khi khuynh hướng mới bộc lộ rõ rệt tính hợp lý của nó bằng cách chứng minh được tính lạc hậu của khuynh hướng cần thay đổi, chúng ta mới có thể tiến hành lựa chọn lại. Vì vậy, nghiên cứu cải cách chính trị có nghĩa vụ tìm ra phương pháp để hoàn thiện hệ thống chính trị, dịch chuyển nó đến sự hợp lý và phù hợp với quy luật phát triển.

Chúng tôi không có tham vọng đưa ra một chương trình cải cách cụ thể, thay vào đó chỉ là phác thảo những nội dung quan trọng nhất của lộ trình phức tạp, khó khăn nhưng cũng đầy hứng khởi này. Cần thấy rằng điều kiện tiên quyết để đạt được thắng lợi của một cuộc cải cách, dù trên khía cạnh nào và ở quy mô nào, cũng là tính chủ động trong hoạch định chương trình cải cách, tính triệt để của nội dung chương trình cải cách và quan trọng hơn là bản lĩnh của những người thực hiện nó, tức là các lực lượng chính trị tiên tiến và toàn thể dân chúng.

Để bảo đảm thành công, cải cách chính trị ở thế giới thứ ba cần được tiến hành theo những nội dung cơ bản sau đây.

Trước tiên, cải cách chính trị là sự thừa nhận tính dân chủ của chính trị cũng như tính đa dạng tinh thần của nó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trường hợp đảng cầm quyền. Cải cách chính trị gắn liền với cải cách đảng cầm quyền. Sức sống của đảng cầm quyền là ở chỗ đảng có nguồn gốc nhân dân và vì thế đảng cầm quyền không thể không đổi mới cùng đất nước. Một trong những giải pháp quan trọng để cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba là tạo ra tính đa dạng tinh thần ngay trong đảng cầm quyền. Trong thời đại ngày nay, nếu không đa dạng hóa quan điểm của đảng cầm quyền, đảng sẽ trở nên khô cứng, lạc hậu và sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự tiêu diệt mình. Đa dạng hóa quan điểm chính trị của một đảng sẽ làm đa dạng hóa đời sống tinh thần chính trị, và do đó, tạo cho các đảng chính trị sức sống cao để chống đỡ có hiệu quả với những rủi ro của xã hội hiện đại.

Một xã hội không có sự đa dạng tinh thần thì cuộc sống sẽ mất đi sự phong phú của khả năng lựa chọn các khuynh hướng phát triển. Chương trình cải cách chính trị nhằm xây dựng một xã hội đa dạng về tinh thần trên cơ sở các quyền tự do tinh thần và vật chất của con người mới. Sự đa dạng hóa đời sống tinh thần của xã hội sẽ dẫn đến sự hình thành xã hội đa cực. Xây dựng một cấu trúc đa cực về chính trị trên phạm vi toàn thế giới cũng như tính đa cực trong đời sống chính trị nội bộ một quốc gia là xu thế tất yếu trong đời sống chính trị hiện đại. Đây cũng chính là mục tiêu bao trùm của mọi cuộc cải cách chính trị.

Thứ hai, xác định hạt nhân của tất cả các cuộc cải cách chính trị là tự do cá nhân, tức là tôn trọng các quyền cá nhân, các quyền công dân cũng như các quyền con người. Đó là điểm mấu chốt và cơ bản của cải cách chính trị trong các nước đang phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thế giới thứ ba cần phải thay đổi quan niệm về tự do con người trong hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị không được phép và không có quyền nô dịch con người. Hay nói cách khác, chúng ta phải xây dựng xã hội công dân, xây dựng xã hội của những người có quyền đối với vận mệnh của chính mình và của đất nước mình.

Thứ ba, cải cách chính trị là sự khẳng định quyền phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội thông qua thực tiễn hóa các quyền dân chủ. Phát triển ngày nay không chỉ là thực trạng của đời sống xã hội mà cần được coi là một quyền cơ bản của cá nhân và cả cộng đồng trước một thế giới nhiều biến động. Quyền phát triển tạo ra cơ sở thực tế để mỗi cá nhân và cộng đồng phát huy năng lực tinh thần và vật chất và phát huy vị thế chủ động nhằm mưu cầu, kiến tạo cuộc sống hạnh phúc trong xã hội văn minh. Để thực tiễn hóa các quyền dân chủ trên quy mô xã hội, cải cách chính trị cần đi theo xu thế là chính phủ sẽ ngày càng chia sẻ vai trò và trách nhiệm cho các tổ chức phi chính phủ. Sự lớn mạnh và hoạt động thiết thực của các tổ chức phi chính phủ được coi là phương tiện tốt nhất để mỗi cá nhân và cả cộng đồng thực hiện quyền phát triển của mình không phải trong sự hỗn loạn mà diễn ra có tổ chức và hiệu quả, được kiểm soát hợp lý và hợp pháp theo pháp luật.

Cuối cùng, quá trình cải cách phải xây dựng một xã hội nói chung và một nền chính trị nói riêng theo cách tiệm cận dân chủ. Quan niệm về dân chủ, màu sắc của dân chủ, hay các tiêu chuẩn về dân chủ có thể không hoàn toàn giống nhau ở những miền khác nhau trên thế giới, bởi dân chủ phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, trình độ văn hóa và nhận thức của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cho dù ở bất kỳ đâu, dân chủ cũng phải thỏa mãn hai tiêu chuẩn cơ bản sau. Thứ nhất, dân chủ là tự do về kinh tế, tôn trọng các quyền tự do cá nhân và xây dựng xã hội công dân. Thứ hai, dân chủ là đa dạng tinh thần về chính trị, bất kể là ở quốc gia đa đảng hay độc đảng. Sự đa dạng tinh thần, trong đa số trường hợp, dẫn đến sự đa đại diện về chính trị. Điều này đảm bảo cho sự thay đổi các yếu tố chính trị lỗi thời diễn ra trong trật tự, hòa bình và theo đúng pháp luật.

Thế giới biến đổi không ngừng, và cách duy nhất để phát triển là chúng ta cùng nhau nhìn về phía trước, nơi hội tụ sức hấp dẫn của tương lai và những chân lý mới cần được khám phá. Khác với những ứng phó chính trị thông thường nhằm khắc phục tình thế, cải cách chính trị là hoạt động của chính hệ thống chính trị nhằm tự hoàn thiện trước yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn toàn không phải vì sức ép của bất cứ lực lượng ngoại lai nào. Trong tiến trình phát triển của thế giới thứ ba ngày nay, cải cách chính trị có tính trễ tương đối của nó so với những cải cách xã hội khác, nhưng người ta không được lạm dụng tính chất này để khất lần cải cách chính trị và càng không thể thay thế cải cách chính trị bằng bất kỳ một giải pháp tình thế nào khác. Mọi hành động trì hoãn cải cách chính trị, dù với bất cứ lý do gì, phải bị lên án vì nó chỉ kéo dài tình cảnh khốn cùng của dân chúng và làm cho thế giới thứ ba ngày càng tụt hậu. Không thể níu kéo quá khứ dẫu đó là những gì đẹp đẽ, huy hoàng và càng không thể coi quá khứ như khuôn vàng thước ngọc để xây dựng tương lai. Thế giới thứ ba cần có sự sáng suốt chính trị để khắc phục tính trễ của cải cách chính trị, hoàn tất quá trình cải cách kinh tế - xã hội vì sự phát triển và thịnh vượng chung của nhân loại chứ không đơn thuần là của các nước thế giới thứ ba.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: