Nông thôn trong “Thần thánh và bươm bướm” còn đảo lộn ghê gớm hơn cả thời cải cách

08:23 SA @ Thứ Năm - 01 Tháng Mười Hai, 2011
BCH Hội nhà văn ý thức rằng nếu một nền văn học không có cỗ trọng pháo tiểu thuyết thì đó là một khoảng trống rất đáng sợ. BCH đã nhìn thấy vấn đề này và đã có ý thức chủ động để làm cho cái nền tảng của nền văn học được điều tiết, tạo điều kiện cho phát triển.Một trong những cách tạo điều kiện đó là tổ chức các cuộc thi tiểu thuyết. Đấy là một cố gắng rất lớn, liên tục của BCH, coi đó như là một phương hướng phát triển văn học để vừa có sự bao quát về chiều rộng, lại vừa có những điểm nhấn về chiều sâu. Khi Hội nhà văn phát động cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất, nhiều nhà văn tỏ ý ngạc nhiên, cho rằng ai lại thi tiểu thuyết, các anh làm thế này là ảo tưởng, sẽ chẳng ai thi đâu! Nhưng chúng tôi vẫn làm. Càng làm càng thấy rằng chủ trương tổ chức thi tiểu thuyết là đúng đắn. Và bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục bước sang cuộc thi tiểu thuyết lần thứ Tư. Ngay sau Tết, chúng tôi sẽ tổ chức hai trại sáng tác tiểu thuyết mời các nhà văn đến vùi mình làm việc nâng cao chất lượng.
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ Ba vừa qua đã thành công đặc biệt, có sự mở rộng rất lớn về biên độ đề tài, vấn đề, không gian, thời gian, bối cảnh. Nhưng trong giải thưởng cuộc thi lần này có hai cuốn tiểu thuyết đặc sắc cập nhật nhất những vấn đề của cuộc sống hôm nay, chứng minh rằng khả năng cập nhật của văn học không thua báo chí. Đó là là “Lửa đắng” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn. Nếu “Lửa đắng” mang màu sắc chính trị, nói về việc đổi mới hệ thống chính trị và quản lý, được đánh giá rất cao, thì “Thần thánh và bươm bướm” có chiều sâu khác là nền tảng văn hóa và nền tảng đạo đức, được viết bằng một giọng điệu giả tưởng và hài hước rất hiếm có.
Trong mấy chục cuốn tiểu thuyết được vào chung khảo thì “Thần thánh và bươm bướm” là cuốn tiểu thuyết duy nhất mang tính hài, vừa giả tưởng vừa châm biếm. Trong nhiều cuộc hội thảo tôi đã nói là khả năng châm biếm và hài hước của văn học chúng ta lâu nay ít, không có nữa. Cái bút pháp như của Vũ Trọng Phụng, của Nguyễn Công Hoan sau này không mấy ai kế tục một cách có thành tựu. Rất mừng là lần này chúng ta đã phát hiện được một tiểu thuyết bề thế của Đỗ Minh Tuấn, có cống hiến về giọng điệu và sắc thái tiểu thuyết. “Thần thánh và bươm bướm” đã đề cập một vấn đề nhức nhối nhất, đó là vấn đề đạo đức xã hội, thể hiện ở sự săn đuổi đồng tiền ghê gớm nhất, bất cứ cái gì cũng có thể biến thành tiền, biến một vật vô tri vô giác thành thần thánh cũng chỉ vì đồng tiền, cuộc săn đuổi các bộ hài cốt không biết có hay không, cũng chỉ vì tiền! Có thể nói là chưa có bao giờ có cuộc đảo lộn như vậy! Chỗ này theo tôi là ghê gớm đấy! Một cuộc cách mạng tháng Tám, một cuộc cải cách ruộng đất hay một cuộc hợp tác hóa đều từng gây đảo lộn vì tác động vào thiết chế của nông thôn. Ở đây vẫn là làng quê như xưa, vẫn bình lặng như vậy, những cuộc săn đuổi lợi ích, săn đuổi đồng tiền không tác động vào bên ngoài, mà nó lặn sâu vào tâm lý, lặn sâu vào nhân cách, lặn sâu vào đạo đức làm đảo lộn xã hội từ ngay trong mỗi một con người. Những viên gạch lát về đạo đức, những hòn đá tảng về văn hóa đang bị thử thách.
Hôm qua xem lại “Thần thánh và bươm bướm” thì trong tôi xuất hiện một ý tưởng mà trước đây tôi chưa nhận thấy để nói trong lúc chấm chung khảo. Đó là tôi thấy cuộc thay đổi ở nông thôn lần này nó còn dữ dội hơn cả cải cách ruộng đất, hơn cả hợp tác hóa, hơn cả những việc khác. Nó đảo lộn xã hội. Hôm qua tôi có trộm nghĩ như vậy. Vì bất cứ cái gì có lợi là nó dựng lên thành thần thánh để kiếm lợi, sau đó nó lại phá bỏ. Đó là một phát hiện của Đỗ Minh Tuấn đấy! Chính vì thế mà, (cười) tôi xin có một điều sám hối muộn màng, nếu trước đây chúng ta hiểu sâu điều này thì có thể đưa cuốn này lên giải cao hơn.(Vỗ tay)
Ý thứ hai của tôi là không phải Đỗ Minh Tuấn chỉ cập nhật vấn đề theo tính thời sự báo chí, mà đặt ra những vấn đề lâu dài, những vấn đề mà chúng ta không biết sửa lại bằng cách nào? Cải cách ruộng đất xong có thể có sửa sai, hợp tác hóa xong cũng có thể cải cách giao khoán. Còn những vấn đề xã hội trong sách này sửa thế nào, khó đấy! Sửa thế nào đây? Bởi vì bây giờ không nói đến các xung đột giai cấp nữa, mà nói tới xung đột giữa các nhóm lợi ích. Xung đột lợi ích của các nhóm mới là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Lợi ích nhóm đang trở thành cái chia rẽ, phân cách xã hội này một cách ghê gớm. Đây là vấn đề thời sự, vấn đề lâu dài mà anh Tuấn đặt ra trong cuốn tiểu thuyết là vấn đề cực nóng, chúng ta cần thảo luận sâu vấn đề này. Sắp tới,Hội nhà văn tổ chức hội thảo ở TP Hồ Chí Minh về vấn đề quan hệ văn hóa kinh tế, làm thế nào để điều chỉnh lại sự mất thăng bằng giữa văn hóa và kinh tế? Vấn đề quan trọng nhất là: Làm thế nào để có thể đưa đạo đức xã hội, đưa những chuẩn mực văn hóa vào đời sống xã hội để cho nó thấm sâu vào mỗi con người? Cuốn sách của anh Đỗ Minh Tuấn là một đề dẫn rất là sinh động cho cuộc hội thảo này.
Ý thứ ba mà tôi muốn nói là, tác phẩm của Đỗ Minh Tuấn đưa chúng ta trở về một vấn đề rất cơ bản hiện nay là vấn đề về hệ giá trị. Có nhiều vấn đề bây giờ chúng ta có ý kiến khác nhau quá, có mặt là dân chủ nên những cái khác nhau là bình thường. Nhưng có nhiều sự khác nhau trở nên đối nghịch là vì có sự khủng hoảng về hệ giá trị, dẫn đến khác nhau về thước đo, về chuẩn mực. Tiểu thuyết của anh Tuấn cho thấy: vì theo đuổi đồng tiền nên thước đo bây giờ đã khác trước.
Có thể nói, tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn là một tác phẩm mở, tâm thế nghệ thuật, không gian nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật đã được mở trên ba phương diện như vậy.
Hội thảo hôm nay là diễn đàn học thuật, mở ra tiến trình đổi mới văn xuôi, ấy là cái chúng ta đạt tới, đã thành công, hàm lượng trí tuệ cao.. Chúng ta đã thống nhất nhận định “Thần thánh và bươm bướm” là thành công của nhà văn đa tài Đỗ Minh Tuấn. Đó là câu chuyện về những vấn đề xã hội đang đặt ra: sự báo động nguy cơ “tận diệt văn hóa”; sự “xổng chuồng” của dục vọng… sẽ tiêu diệt mọi giá trị. Đỗ Minh Tuấn sử dụng thủ pháp châm biếm, giễu nhại, hài hước nhưng không chút khinh rẻ, đả kích, hạ thấp con người, đó chính là nét nhân văn. Nói về hình tượng nghệ thuật: ở đây bươm bướm là bươm bướm, là sản phẩm độc đáo trong sáng tạo của Đỗ Minh Tuấn chứ không phải sự du nhập từ đâu, chúng ta không nên áp đặt quan điểm nghệ thuật vào đây…Từ thành công của cuộc tọa đàm này, chúng ta có thêm bài học kinh nghiệm cho những cuộc thi tiểu thuyết sắp tới, là nên có song trùng giữa chung khảo và tọa đàm, làm được điều đó sẽ có được những tác giả được đánh giá đúng, xứng đáng với giá trị giải thưởng./.
__________
(*)Phát biểu tại Hội thảo về tiểu thuyết “Thần thánh và bươm bướm” của nhà văn Đỗ Minh Tuấn do Hội Nhà văn VN tổ chức ngày 25-11-2011.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện ĐÔI MẮT và cuộc sống hôm nay

    07/11/2014“ Đôi mắt “ là truyện ngắn thành công nhất của Nam Cao sau Cách mạng tháng Tám. Truyện kể cuộc viếng thăm của Độ với Hoàng – một bạn văn cũ, đang đi
    tản cư cách Hà Nội gần trăm cây số. Ý định của Độ là muốn vận động
    Hoàng đi tham gia kháng chiến. Nhưng khi gặp, Độ nhận ra rằng Hoàng vẫn
    giữ lối sống cũ: Kiểu cách, trưởng giả trong khi mọi người đang tham
    gia kháng chiến thì Hoàng lại sống xa lánh mọi người, từ chối các công
    tác cách mạng. Hơn nữa, Hoàng có cái nhìn miệt thị về người nông dân,
    coi họ là những người gồm toàn những thói xấu như ngu độn, tham lam và
    bần tiện cả. Sự thất vọng càng tăng khi Độ nhận ra công việc Hoàng yêu
    thích chỉ là thú đọc Tam quốc chí . ..
  • "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"

    23/09/2013Nguyễn Trâm Anh (Thực hiện)Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam.
  • Chúng ta ít có những tác phẩm hay

    28/07/2011Trần SơnVăn học hay cũng như các môn nghệ thuật khác, ngoài nội dung tư tưởng còn phải có tính hấp dẫn. Thiếu tính hấp dẫn rất khó chinh phục được người đọc. Nếu chúng ta có những tác phẩm hấp dẫn, trong sáng, lành mạnh thì không khó gì không có người đọc. Những tác phẩm văn học gần đây được giới trẻ đón đọc không phải là ít, ví dụ như Chân dung và đối thoại, loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, tiểu thuyết của Bảo Ninh...
  • Nén nhang muộn cho Nguyễn Khải

    19/07/2011Nhà văn Tạ Duy AnhNhưng cái được lớn nhất là lần đầu tiên ông dám sòng phẳng với chính mình. Ông đã dám nói ra một số sự thật liên quan đến việc viết lách, đến những trang văn nhem nhuốc viết theo đơn đặt hàng, đến cái danh hão mình đang mang. Phải ở một tầm nào đó mới có đủ khả năng tự giễu cợt mình, giễu luôn cả cái thứ gọi là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chết đồng loạt trên toàn hệ thống; ông đã dám công khai xin lỗi nhà văn Vũ Bão – một việc tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được như ông đã làm...
  • Văn chương Việt hết năm 2010, một thập kỷ vẫn... “chờ” thành tựu

    15/02/2011Khánh PhươngNăm 2010 khép lại một thập kỷ văn học mang theo những kỳ vọng hơi bị… “lãng mạn”, về biến chuyển và tác phẩm lớn. Nhiều giải thưởng của nhiều cuộc thi kéo dài một vài năm đã có chủ, các giải thưởng thường niên cũng đã… thường như giải thưởng, nhà văn và bạn đọc thân thiết hồ hởi mãn nguyện tái ngộ nhau trên những đầu sách in ra đều đặn… và người thực sự quan tâm lại tự hỏi, những sự kiện đang được hoạt náo kia có mang theo trong nó thông tin gì đích thực về thể trạng nghề viết hay không? Nếu có, thì nó là hiện trạng gì? Nếu ngược lại, thì phải tìm và biết những thông tin căn bản ấy ở đâu?
  • Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn hậu hiện đại

    14/09/2010Thái Phan Vàng AnhCho đến nay, chủ nghĩa hậu hiện đại không còn là một khái niệm xa lạ trong văn học nước ta. Dẫu có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng nó đã được nhìn nhận như một khuynh hướng văn học với những nét đặc thù. Trong những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, yếu tố hậu hiện đại đã để lại dấu ấn trong tiểu thuyết Việt Nam...
  • xem toàn bộ