Nỗi buồn từ người trẻ

02:35 CH @ Thứ Năm - 25 Tháng Ba, 2010

Thời gian gần đây, mật độ xuất hiện của cụm từ "nữ sinh đánh nhau" ngày càng dày đặc. Gõ vào Google cụm từ này sẽ hiện lên hơn 3,2 triệu kết quả. Đó là một con số khủng khiếp ẩn chứa nhiều điều khủng khiếp.

PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, Chủ nhiệm Bộ môn Giới và Gia đình, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội đưa ra con số khảo sát tại hai trường THPT thuộc Q.Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, có đến 96,7% số học sinh được hỏi cho rằng ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Kết quả khảo sát cho con số đáng lo khi có tới 64% các em nữ thừa nhận từng có hành vi đánh nhau với các bạn khác. Đáng chú ý là hầu hết những lần đánh nhau đầu tiên đều diễn ra trong khuôn viên trường học, và những lần đánh nhau tiếp theo đa số diễn ra ngoài trường học. Phần lớn các em nữ đã có hành vi đánh nhau cho rằng bạo lực giữa nữ sinh là “bình thường” (57,3%) và “chấp nhận được” (39,6%).

Những con số này hẳn nhiên đã làm chúng ta giật mình, nhưng càng giật mình hơn khi xem những đoạn clip nữ sinh tra tấn nhau giữa thanh thiên bạch nhật ở chỗ đông người với những hành động bạo lực, độc ác và phi nhân tính. Nhân tính của con người không còn gì nữa khi người ta đưa lên mạng clip này giống một trò mua vui, nguy hại hơn, họ muốn qua đó nick mình… nổi tiếng!

Báo chí đã nói quá nhiều về vấn đề bạo lực học đường, trò đánh trò, trò đánh thầy cô, cô thầy đánh trò… nhưng hình như vẫn chưa đủ lay động gia đình, xã hội, những nhà quản lý, những nhà giáo dục. Và lần này, dịp này, những hành động liên tục phát triển này như một cái tát vào mặt người lớn, một cái tát mà cả xã hội phải hứng chịu.

Cách đây khoảng hai thập niên, chúng ta đã báo động về hội chứng MAKENO (mặc kệ nó), bây giờ đã thành trái đắng.

Một xã hội mà người lớn, nhiều phụ huynh đều dặn dò con em mình khi ra đường đều phải bỏ qua những điều chướng tai gai mắt, đừng dây vào những chuyện không động tới mình mà rách việc. Một phụ huynh than thở: "Tôi dạy con tôi lòng dũng cảm, thấy chuyện bất bình thì phải can ngăn. Thế nhưng khi thấy bạn bị đánh, cháu can thiệp thì bị nhà trường, cô giáo chủ nhiệm bắt làm tường trình, kiểm điểm, hạ hạnh kiểm vì liên đới… Từ đó, trong lòng nó không còn tin vào lời dạy của tôi, nó không bao giờ dính tới chuyện người khác. Nó trở nên vô cảm".

Học sinh vô cảm trước hết là vì người lớn vô cảm. Đi ngoài đường thấy chuyện bất bình nhưng người ta vẫn "mũ ni che tai" là vì họ sợ dính vào sẽ bị công an gọi lên gọi xuống, tường trình, khai báo, rồi gây thù chuốc oán với kẻ phạm tội. Vấn đề đã vượt qua phạm vi của gia đình và nhà trường, đó là vấn đề lớn mà những người quản lý, điều hành xã hội phải chịu trách nhiệm.

Các bạn trẻ thường tự hào mình là... người trẻ, là thế hệ X này, X nọ. Một thế hệ đã được hưởng nhiều thành quả mà cha ông tạo dựng nên. Một thế hệ mà hầu hết học sinh đều rành công nghệ thông tin, nhưng các bạn đã sử dụng nó để tự tay quay video, đưa lên mạng những đoạn clip dã man nói về nỗi đau của người khác chỉ mong làm cho mình... nổi tiếng thì thậm nguy.

Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều, câu chuyện bạo lực của giới trẻ thực sự là một cái tát vào mặt người lớn. Đau lắm!

Nguồn:Thanh niên
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tai họa từ lòng ghen tỵ

    28/02/2016Nguyễn Văn TrọngTính ghen tỵ đã được biết đến từ lâu như một thói xấu mang tính phổ quát của con người. Văn chương của nhân loại đưa ra biết bao điển hình sinh động của thói xấu ấy dẫn đến những tội ác làm kinh động lòng người.
  • Người nghèo, chó dữ và những ông chủ giàu

    13/11/2014TS. Phạm Duy NghĩaSuy nghĩ từ vụ chó bécgiê cắn chết một phụ nữ đi mót cà phê ở Buôn Ma Thuột...
  • Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt

    16/05/2014Clip nữ sinh bạo lực khuấy động dư luận. Nhiều người sửng sốt vì tình trạng bạo lực học đường. Nhiều người khác giật mình chất vấn giáo dục, xã hội. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt mà ta không tự thấy.
  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.