Những thay đổi cơ bản của đời sống kinh tế - chính trị thế giới

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:11 CH @ Thứ Bảy - 28 Tháng Mười Một, 2015

a. Vấn đề đầu tư nước ngoài

Hãy thử nhìn vào chiếc T.V của bạn, rất có thể đó là một chiếc Sony của “Nhật” hay một chiếc Daewoo của “Hàn Quốc”. Nhưng hãy để ý đến dòng chữ bên dưới, gần như chắc chắn là bạn sẽ lại thấy một dòng chữ khác: “Made in Singapore” hoặc “Made in Vietnam”. Điều này chắc chắn sẽ chẳng hề khiến bạn ngạc nhiên. Nhưng vậy thì đó là T.V Nhật, hoặc Hàn Quốc hay T. V Singapore hoặc Việt Nam? Điều này chắc chắn chỉ có trong thế kỷ của chúng ta: Hàng hóa đã trở nên một sản phẩm có quốc tịch không rõ ràng, và rất có thể việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng gấp đôi lại khiến cho Hàn Quốc thu lợi gấp ba!

Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự thâm nhập của các công ty đa quốc gia vào đời sống. Nhưng thật ra, còn có nhiều sự thâm nhập khác khó nhìn thấy hơn và dễ khiến cho chúng ta nhầm lẫn. Chúng ta đều biết rằng kêu gọi đầu tư nước ngoài đang là một chính sách lớn và là mục tiêu cạnh tranh của nhiều nước trên thế giới và hàng năm các quốc gia này vẫn đưa ra danh sách những nước đầu tư lớn nhất vào quốc gia đó. Trong rất nhiều trường hợp, những quốc gia đứng hàng đầu không phải là những quốc gia lớn và nhiều tiềm năng nhất. Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng thì chúng ta lại thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Các công ty của các quốc gia có vốn đầu tư lớn hóa ra lại thuộc sở hữu của những công ty lớn của các nước giàu.

Đầu tư nước ngoài hiện đang được coi như nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của rất nhiều nước, đặc biệt là những nước đang trong quá trình chuyển đổi như Trung Quốc, Việt Nam và những nước Đông Âu và Liên Xô cũ.

b. Những công dân trái đất

Càng ngày, con người di chuyển càng nhiều hơn, ý niệm về dân tộc ngày càng mờ nhạt. Họ sử dụng ngày càng nhiều ngôn ngữ chung, làm quen với nhiều hệ thống thói quen hơn. Điều đó không chỉ diễn ra dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa mà cả do những giao dịch quốc tế thông thường. Trong lịch sử, những thương nhân ở Trung Đông đều là những con người quốc tế. Đạo Hồi là một tôn giáo không thừa nhận các biên giới. Ngày nay, các công nhân mới, đặc biệt là các thương nhân, có khả năng ứng phó với nhiều nền văn hóa, những thói quen và những điều kiện sống khác nhau. Đó chính là những người phục vụ cho xu thế toàn cầu hóa. Trong điều kiện hiện nay, những dân tộc nào có khả năng cung cấp nhiều nhân công như vậy là những dân tộc có cơ hội phát triển. Chính vì thế, chiến lược con người là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả các quốc gia.

c. Tầng lớp kỹ trị

Trên các sách báo gần đây chúng ta gặp ngày càng thường xuyên hơn thuật ngữ “tầng lớp kỹ trị”. Đó là một thuật ngữ không rõ ràng. Đôi khi người ta dùng nó để chỉ những thế hệ hiện đại, được trang bị những kiến thức khoa học và kỹ thuật và nắm giữ vai trò lãnh đạo. Nói cách khác, người ta coi đó là những hậu duệ của tầng lớp cai trị theo lối cũ. Đó là thế hệ những nhà chính trị mới.

Một số khác gọi những nhà kỹ trị là những người nắm được những quyền lực lớn lao nhờ vào kỹ thuật. Ví dụ thường được nhắc đến là Bill Gates. Vậy thực chất, những nhà khoa học hoặc kỹ nghệ có tạo nên một lực lượng và nắm giữ một quyền lực như vậy hay không? Hiển nhiên là xã hội ngày càng được kỹ nghệ hóa cao hơn và các nhà lãnh đạo buộc phải có những năng lực nhất định để có thể hiểu và sử dụng các kỹ nghệ. Đó là giai đoạn hiện đại của sinh hoạt chính trị. Trình độ kỹ thuật ở mỗi thời đại phải đáp ứng những yêu cầu nhất định. Ở đây không phải là sự tạo ra một tầng lớp cai trị bằng kỹ thuật.

d. Những yêu cầu của trật tự thế giới mới

Trật tự thường được coi như đồng nghĩa với tiến bộ. Nó trái ngược với sự hỗn loạn, vô chính phủ. Nhưng thực ra đó chỉ là một cách quan niệm đơn giản hóa, sản phẩm của những định kiến do hệ thống lưỡng phân. Quan niệm như thế sẽ làm nghèo cuộc sống, chẳng khác gì việc phân định những sự kiện lịch sử thành tốt hoặc xấu. Chúng ta đã được chứng kiến rằng trật tự tuyệt đối trong kinh tế đã dẫn đến đâu. Tuy nhiên, khi nói về thế giới thì sự lo âu đã khiến chúng ta nghĩ rằng trật tự tốt hơn là hỗn loạn, mặc dù chúng ta còn phải suy nghĩ nhiều về việc trật tự đa cực tốt hơn hay tồi hơn trật tự hai cực mà chúng ta biết thời chiến tranh lạnh.

Trên thực tế khái niệm trật tự thế giới có ý nghĩa thuần túy miêu tả. Nó chỉ ra cách thức, trình tự và quy luật sắp xếp các chủ thể của quan hệ quốc tế. Trật tự quốc tế có tính ổn định nhất định và thể hiện tương quan lực lượng cũng như đặc tính của các quan hệ quốc tế trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Nhưng với một quan niệm như thế về trật tự thì chúng ta lại thấy có những vấn đề mâu thuẫn bởi trên thực tế thì trong lịch sử, trật tự thế giới là kết quả của sự áp đặt bằng vũ lực của một hay vài quốc gia mạnh nhất. Một trật tự như thế về thực chất không phải là trật tự và nó chứa đựng những mầm mống nguy hiểm của sự bùng nổ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: