Những điều xã hội không mong muốn

Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia
04:18 CH @ Chủ Nhật - 28 Tháng Sáu, 2009

Thấu hiểu sâu sắc những điều xã hội không mong muốn để tránh xa hoặc để khắc phục là việc làm có giá trị xã hội rất lớn lao, không thua kém gì thấu hiểu sâu sắc những điều xã hội mong muốn để phấn đấu thực hiện tốt.

I. Lười biếng và không nghề nghiệp

Xã hội nào cũng lên án những kẻ lười biếng và lười biếng đồng nghĩa với ăn bám.

Không nghề nghiệp không chỉ là gánh nặng cho gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội.

1. Cơ hội tốt, dễ bỏ lỡ

Mỗi người đều được trang bị kiến thức từ gia đình, từ nhà trường và xã hội nhưng ở mức độ khác nhau. Trong đó, kiến thức tiếp thu ở nhà trường đã được Nhà nước chuẩn hóa. Tuổi trẻ được học tập là một cơ may để sau này lập nghiệp, để thành đạt, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Rất tiếc còn có một số bạn trẻ ham chơi, lười học. Các bạn trẻ đó cần có nghị lực để vượt qua sự ham chơi, lười học và chuyển hóa sự vất vả trong học tập thành sự say mê. Bạn trẻ nào được gia đình nuông chiều cộng với sự lười biếng của cá nhân dẫn đến bỏ học là đã tự làm mất đi một cơ hội tốt trong đời, sau này sẽ ân hận, mà mọi sự ân hận đều đã muộn.

2. Cuộc sống không nghề

Người xưa dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” – có một nghề tinh thông, sẽ có một cuộc đời vinh hiển. Không có nghề, cuộc sống thật khó khăn. Chữ “nghề” nói ở đây là nói đến một chuyên môn được học tập, được đào tạo theo những con đường khác nhau được xã hội thừa nhận.

Xin chia sẻ, đồng cảm với những người không có điều kiện học tập do hoàn cảnh kinh tế hoặc điều kiện sức khỏe kém không thể học tập để có được một nghề. Nhưng cũng rất tiếc cho những người có điều kiện học tập, nhưng thiếu bản lĩnh để vượt khó nên đã bỏ học hoặc cho rằng không cần học vẫn có thể có nhiều tiền.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không sợ muộn, nếu có sự kết hợp giữa nỗ lực của cá nhân với nỗ lực của Nhà nước thì những người chưa có nghề sẽ trở thành những người lao động có nghề.

3. Đổ ít mồ hôi nhưng muốn có nhiều tiền của

Các hiện tượng: trộm, cướp, đánh bạc… đều là các tệ nạn gây nên nhà tan cửa nát, gây mất trật tự và an toàn xã hội cần sớm khắc phục. Những đối tượng thực hiện các hành vi này đều muốn đổ ít mồ hôi nhưng tham vọng kiếm được nhiều tiền.

Để khắc phục những tệ nạn xã hội này, gia đình phải có biện pháp cứng rắn kết hợp với sự lên án gay gắt của dư luận xã hội và sự trừng trị thích đáng của pháp luật.

II. Không hiểu mình

Loài người đã đạt được nhiều thành tựu về khám phá đại dương, chinh phục vũ trụ… nhưng mỗi chúng ta nhiều khi vẫn không hiểu nổi mình.

1. Đánh giá cao về mình, chê bai tất cả

Góp ý xây dựng là điều cần thiết và là một hành vi đẹp để thúc đẩy sự thay đổi, sự tiến bộ. Chê bai khác hẳn góp ý xây dựng. Chê bai người khác là một cách tự khen mình. Đánh giá cao về mình là sự tự đánh giá mình cao hơn thực tế mình có.

Chê bai người khác và đánh giá cao về mình cùng chung nhóm máu tự cao, đều không đánh giá đúng về mình, bị người khác chê cười mà không biết.

2. Không vu cáo người khác không chịu được

Theo bạn, kẻ ác khi làm điều ác có biết mình làm điều ác không? Họ biết chứ! Nhưng sao họ vẫn làm? Câu trả lời có thể là: Làm như vậy đem lại lợi ích cho họ. Lợi ích đó có thể là lợi ích vật chất, có thể là lợi ích tinh thần. Họ muốn “nổi danh”, muốn hơn người, thậm chí bôi nhọ được người khác, hại được người khác thì mới thỏa mãn nhu cầu tâm lý. Họ vỗ tay khi người khác hoạn nạn, rủi ro. Đây là một biểu hiện bệnh hoạn về tâm lý.

Họ là người không hạnh phúc, không có bạn tốt, ngay cả với những đứa con họ đã có công nuôi ăn học nhưng đến khi chúng trưởng thành, biết phân biệt đúng – sai, cái thiện – cái ác, chúng sẽ xung đột với họ. Họ thật cô đơn. Họ thường phải nhận hậu quả khó lường, vì gieo nhân nào thì ăn quả ấy.

3. Chủ quan đánh giá về mình

Một sốngwời có tính tự cao nhưng ít khi tự nhận ra. Khi được người khác chỉ ra những nhược điểm ấy, có người thì tiếp thu và khắc phục dần, có người thì bảo thủ và cho rằng “không ai hiểu tôi bằng tôi”. Chủ quan đánh giá về mình dễ bị phiến diện và đôi khi làm trò cười cho người khác.

Xu hướng chung là có nhiều người thường đánh giá về mình cao hơn thực tế, thường nhầm lẫn về mình. Có người bị người khác lừa dối mà không biết, có người lại cố ý lừa dối người khác và sau đó tự lừa dối chính mình.

Hãy bình tĩnh, khách quan để đánh giá bản thân mình!

III. Thiếu trách nhiệm

Khi những người lớn tuổi giáo dục trách nhiệm cho người trẻ tuổi, họ nói rất hay, rất đanh thép như cấp trên giao trách nhiệm cho cấp dưới. Nhưng mỗi chúng ta hãy tự thử xem lại việc thực hiện trách nhiệm của mình với bản thân, với gia đình, với công việc và với xã hội.

1. Thiếu trách nhiệm với chính mình

Trong các loại trách nhiệm của mỗi người thì trách nhiệm với chính bản thân mình nếu thực hiện tốt sẽ là tiền đề để thực hiện các trách nhiệm khác.

Thiếu trách nhiệm với chính mình sẽ trở thành người mất tư cách, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đồng thời tự rút ngắn thời gian cuộc đời mình hoặc sống mà thân bại danh liệt, tiếng xấu để đời.

2. Thiếu trách nhiệm với gia đình

Quan hệ gia đình là quan hệ giữa các thành viên gần gũi nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Sự thiếu trách nhiệm với gia đình có thể dẫn đến sự đổ vỡ gia đình. Làm tốt trách nhiệm gia đình không những cho chúng ta niềm vui mà còn cho ta sức mạnh. Tùy theo vị trí của mỗi người trong quan hệ gia đình, hãy làm tốt trách nhiệm của mình để mỗi tế bào xã hội mạnh thì xã hội sẽ mạnh.

Đấng mày râu nào đang gánh vác công việc quan trọng hãy dành thời gian cần thiết cho gia đình vì gia đình là hậu phương vững chắc khi anh tiến thân và cả khi anh thất thế. Khi anh già yếu, ốm đau không ai chăm sóc anh bằng vợ anh và các con anh!

3. Thiếu trách nhiệm với công việc

Khi người nào đó thiếu trách nhiệm với công việc, người đó thường không nghĩ đến hậu quả. Tùy theo mức độ hậu quả gây ra sẽ phải nhận hình phạt tương ứng. Lúc đó, người ta hối hận, nhưng mọi sự hối hận đều không thay đổi được nhữg gì đáng tiếc đã xảy ra.

4. Thiếu trách nhiệm với xã hội

Trách nhiệm xã hội không trừu tượng mà rất cụ thể. Một số trách nhiệm xã hội đã ghi thành các điều luật hoặc thể hiện trong các văn bản dưới luật. Ai không thực hiện sẽ bị xử phạt theo luật định.

Nhưng bạn có thể không thực hiện một số trách nhiệm xã hội vì chưa có chế tài xử phạt, song bạn cần tự vấn mình là bạn có nên ứng xử như thế không? Mọi người sẽ nghĩ và nói gì về bạn khi bạn chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội?

Những người thực hiện tốt trách nhiệm xã hội không chỉ là những người tôn trọng pháp luật, tôn trọng dư luận xã hội mà còn là những người có lòng tự trọng cao và hướng tới hoàn thiện nhân cách sống hiện đại.

IV. Khủng hoảng tinh thần

Chữa bệnh khủng hoảng tinh thần được xếp vào loại bệnh khó chữa nhất. Nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.

1. Muộn chồng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các cô gái bị lỡ thì: Do sự khó tính của cha mẹ, do sự đa tình quá mức của bản thân, do đạo đức của bạn trai, do chính các cô gái “cao không tới, thấp không thông”.

Phần lớn những người làm cha làm mẹ đều muốn con cái mình xây dựng gia đình khi đã có việc làm ổn định và chỉ định hướng hôn nhân cho con, không can thiệp sâu. Thực chứng cho thấy rằng khi cha mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện hôn nhân của con thường làm cho quan hệ của con với cha mẹ trở nên căng thẳng và đôi khi gây hậu quả dẫn đến ân hận suốt đời.
Nhưng suy cho cùng, mỗi chúng ta cần tự quyết định số phận, hạnh phúc của mình. Chúng ta mang ơn cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục, nhưng cha mẹ già sẽ mất, còn chúng ta vẫn phải tiếp tục cuộc sống của mình.

Đối với những chàng trai đứng đắn, sau khi tìm hiểu bạn gái một thời gian đều thể hiện quan điểm rõ ràng: tình yêu này có dẫn đến hôn nhân không? Nếu dẫn đến hôn nhân thì nói rõ cho bạn gái “lịch trình” kết hôn. Sẽ là thiếu đạo đức trong tình yêu nếu trong thâm tâm người con trai không muốn cưới người con gái nhưng cũng không chia tay người con gái mà chỉ nhập nhằng để kéo dài thời gian “sống thử” không mất “tình phí” đến khi nói lời chia tay thì cô gái đã lỡ thì.

Các cô gái tuổi không còn trẻ cần sáng suốt trong tình yêu, hãy xem người bạn trai yêu thật hay yêu chơi, lợi dụng ta hay thực tâm gắn bó với cuộc đời ta. Hãy tỉnh tảo để chủ động gắn bó hoặc dũng cảm từ bỏ!

Những cô gái hội tụ các yếu tố: Ưa nhìn, tài năng và thu nhập cao đang được nhiều người ngưỡng mộ hãy dành thời gian để yêu và xây dựng gia đình. Tài năng và thu nhập cao rất đáng quý nhưng không phải đã là tất cả, điều quan trọng của người phụ nữ là mái ấm gia đình, duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội. Không ai gây trở ngại cho các bạn, các bạn chỉ cần biết dành thời gian đúng mức để yêu, để lựa chọn và quyết định. Nếu không, các bạn sẽ ân hận đấy!

2. Rạn nứt

Nếu cặp nam nữ nào đang yêu nhau mà đã khắc khẩu thì khó dẫn đến hôn nhân, nếu hôn nhân có diễn ra thì ở với nhau cũng không hạnh phúc, không bền vững. Thực tiễn cho thấy nhiều cặp trong thời gian yêu nhau sống rất đẹp, những tháng đầu sau khi lấy nhau sống rất hạnh phúc, nhưng ở với nhau chẳng được bao lâu lại khủng hoảng dẫn đến ly hôn, ly thân, bán ly thân, thậm chí coi nhau như kẻ thù.

Những lời nói phũ phàng đã nói ra không rút lại được. Những việc làm vô lối của người này khiến người khác nhớ lâu. Có người cho rằng phải thắng được người khác, hơn người khác mới thỏa mãn tâm lý.

Người ta phải học cách chia sẻ, cách tha thứ và cách làm đẹp lòng nhau. Dân gian có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”.

Những người có bản lĩnh không đòi hỏi “công bằng” hay “bình đẳng” trong quan hệ vợ chồng, họ rèn luyện để thích nghi, muốn thích nghi người ta phải học cách nhường nhịn và cả cách thua để khắc phục sự khủng hoảng.

3. Quyền lực và cô đơn

Trong số những người có quyền lực có nhiều người chân chính, nhiều người hoàn thành xuất sắc vị trí của mình, được bạn bè ngưỡng mộ, được tổ chức tôn vinh. Nhưng cũng có người lợi dụng chức quyền để kìm hãm người khác, hại người khác. Cũng có người không hại người khác, nhưng lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính, để thỏa mãn lòng tham.

Cuộc đời như có sự bù trừ: Đoạt tiền của người sẽ bị người khác đoạt lại, cha mẹ dùng mưu kế bất chính để lấy tiền của người khác thì con của họ sẽ phá họ đủ kiểu.

Ai cũng muốn thành đạt và được mọi người kính trọng. Nhưng một số người sống ích kỷ, mải mê quyền lực, mải mê làm giàu, ít quan tâm đến gia đình và bạn bè, có điều kiện thuận lợi để thực hiện những hoạt động hướng thiện nhưng không làm. Những người ấy cuối đời sống thật cô đơn, tinh thần khủng hoảng, sức khỏe suy yếu rất nhanh. Lúc ấy, người đó mới thấy nưhnxg thứ đã thu lượm được thật là vô vị! Nhưng lúc ấy, người đó không thể đem những thứ đã thu lượm được để đổi lấy tình bạn, tình người và sự tôn vinh của cộng đồng xã hội.

Xem tiếp: Thay lời kết...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: