Những căn bệnh chung của hệ thống giáo dục ở thế giới thứ ba

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
05:50 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008

Một thực tế là tất cả hệ thống giáo dục của các nước thế giới thứ ba đều rất lạc hậu, hiện đang tụt hậu so với các nước phát triển hàng thập kỷ. Vì nhiều nguyên nhân, hệ thống giáo dục ngày càng không tương thích, ngày càng tách khỏi cuộc sống mặc dù các nước này đã tiến hành không ít cuộc cải cách. Kết quả là, đầu ra của nó hầu như không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi. ở một số nước, do ảnh hưởng của chính trị, người lao động được giáo dục quá nhiều về nhận thức chính trị, thay vì được giáo dục năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng.

Chẳng hạn như ở Việt Nam, do ngành giáo dục không đào tạo được một lực lượng lao động thỏa mãn yêu cầu của thị trường nên hiện nay, nhiều công ty, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, buộc phải tự đào tạo lấy người lao động của mình. Lý do đơn giản là chất lượng đội ngũ lao động Việt Nam, bao gồm cả đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật, chưa đáp ứng được những đòi hỏi về tiêu chuẩn văn hoá, chuyên môn - nghiệp vụ của thị trường. Chúng ta trang bị cho người lao động những kiến thức mà hệ thống chính trị cần nhưng tiếc thay, những kiến thức này không phù hợp, hay nói đúng hơn, lạc hậu so với thời đại. Điều này giải thích tại sao người lao động Việt Nam thường bị đánh giá thấp hơn, và do đó, bị trả lương thấp hơn trên thị trường lao động so với lao động nước ngoài có cùng trình độ chuyên môn và cùng thời gian đào tạo.

Để đưa ra những giải pháp khoa học và toàn diện cho cải cách giáo dục, chúng ta không thể không phân tích những nhược điểm chủ yếu của hệ thống giáo dục ở các nước thế giới thứ ba.

Thứ nhất, xét về phương diện triết học và chính trị học, chương trình giáo dục không có tính đa dạng cần thiết của khoa học nhận thức.Các nguyên lý nhận thức máy móc và giáo điều, chương trình học nặng nề là thực trạng của nền giáo dục nhiều nước châu Á. Bên cạnh đó, những nhà giáo dục học lại không nhận thức được tính lạc hậu hàng ngày của các chương trình giáo dục và chương trình kiến thức. Chính bởi vậy, họ thường trang bị cho học viên quá nhiều kiến thức không cần thiết, thậm chí cả những kiến thức chỉ có giá trị thực tiễn vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Phương pháp giáo dục như vậy dẫn đến hậu quả là học sinh không được chú trọng phát triển cá tính và phát triển toàn diện.

Thứ hai, ngành giáo dục đào tạo không xem người lao động như một thực thể con người với các quyền độc lập của nó.Nói cách khác, thế giới thứ ba đã nhầm lẫn khi cho rằng, sản phẩm đầu ra của giáo dục là kiến thức chứ không phải con người. Hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, ấn Độ và Việt Nam, còn thiên về lý thuyết và thi cử quốc gia, đặc biệt là các kỳ thi vào trung học và đại học. Với nhận thức như vậy, người ta biến con người thành vật phẩm bán được, thành các sản phẩm mang chất lượng thị trường lao động chứ không phải là thành những con người tiên tiến. Nếu con người không tiên tiến, không được tôn trọng và không được phát triển tự do thì tức là con người phát triển không bền vững. Một nền giáo dục mà sự phát triển con người là sự phát triển không bền vững thì không thể gọi là nền giáo dục tiên tiến được. Việc đào tạo không xem đối tượng được đào tạo là con người, không tạo không gian cho con người phát triển các năng lực của mình chắc chắn là không thể hiệu quả. Tôi cho rằng, con người có được tôn trọng hay không, năng lực con người có thỏa mãn đòi hỏi của thị trường lao động hay không và con người có phát triển hay không là ba điểm rất quan trọng để đánh giá xã hội chứ không chỉ đánh giá một nền giáo dục.

Thứ ba, thiếu tính tự trị trong giáo dục. Tính tự trị của hệ thống giáo dục không phải là một đòi hỏi chính trị mà là đòi hỏi tất yếu của đời sống xã hội. Mục đích của chính sách tự trị giáo dục là làm cho chính trị không gây ảnh hưởng đến mức bóp méo tính tự nhiên xã hội của đời sống giáo dục. Giáo dục là một quá trình ổn định và độc lập, do đó không được gắn giáo dục với các hệ thống hành chính. ở nhiều nước phát triển, tính tự trị trong giáo dục đại học tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đại học và tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị và chính xã hội là người thẩm tra, đánh giá những sản phẩm đó. Trong khi đó, nền giáo dục ở nhiều nước thế giới thứ ba hiện nay vừa lạc hậu vừa thiếu tính tự trị, do đó hoàn toàn không hiệu quả, không đào tạo được những con người có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Còn có thể kể ra nhiều căn bệnh khác của những nền giáo dục lạc hậu và trên thực tế, ở mỗi quốc gia, nền giáo dục còn có những hạn chế mang tính đặc thù riêng. Tuy nhiên, trên đây là những nhược điểm có tính chất chung của các nền giáo dục ở thế giới thứ ba và đang cản trở thế giới thứ ba trong việc nhận thức về thời đại và các đặc điểm của nó. Chúng tôi cho rằng, các nước này không chỉ đứng trước nguy cơ mà thậm chí đã thực sự rơi vào tình trạng lạc hậu trước ngưỡng cửa của thời đại mới.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: