Những bài viết của Trịnh Công Sơn về tình yêu

07:40 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Hai, 2020

"Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu
những khi tôi giận hờn cuộc đời.
Khi cuộc đời yêu tôi,
tôi sẽ là tín đồ của tình yêu. "

Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.

Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

>> Ca khúc "Một cõi đi về"

Bút pháp của Trịnh Công Sơn

Diễm của những ngày xưa

Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây Long não lá li ti xanh mướt để đến trường.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến những phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người đi quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho một người hay cho nhiều người thì quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đi về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi còn quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thời giờ ngắm nhìn trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, lăng tẩm, đền đài khiến con người dễ có một phần nào hoài niệm về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng tục luỵ. Và từ đó, Huế đã hình thành một không gian riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và mơ ước những cõi trời gần như không có thực.

Nhưng sự thật và mơ là gì? Thật ra nói cho cùng cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời khá dài lâu những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đã dệt gấm, thêu hoa những giấc mơ giấc mộng của mình.

Đó cũng là thời gian mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, khi tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, truyền đi trên dòng sông để đến với những giấc mộng của mình.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ con người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không màu sắc, không bóng hình, chỉ có cái chết của những người già vào mùa đông quá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ của những vùng núi đá chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường - giấc mơ liêu trai ngày nào sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

>>Ca khúc "Diễm xưa" - Khánh Ly thể hiện

.

Bút pháp của Trịnh Công Sơn

Chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ

Trịnh Công Sơn
Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 6-2- 1994

Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ en đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có những lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảnh chập chờn.

Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai nay mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gởi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.

Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại

Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.

Mùa xuân là bờ hay bến? than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái biến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người -đến đến – đi đi cứ mộng vờ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi nào để neo lại một thân thể phiêu bồng.

Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lung mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.

“ Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”…

Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều…

Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thối thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em tôi không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cũng là bến. Em và tôi cũng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ. Bến ở đâu và bờ ở đâu?

1-2-1994

>> Bài hát "Biết đâu nguồn cội" - Khánh Ly thể hiện

Tình yêu và tiếng hát

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (1992)

Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa 1 cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời.

Có người đi đến với cuộc đời và ngẫm nghĩ: nếu đời sống vắng bóng âm nhạc và tiếng hát thì ta sẽ như thế nào đây? Ở đâu có con người , ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất , trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta 1 điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi, mọi người cũng sẽ mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như chiến tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của 1 cõi đời.

Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mĩ miều của trần gian này nọ đã từng vạch ra những lối đi mờ ảo, hoang đường trong bể dâu của cuộc sống. Thân thể ấy bỗng tự thân đã biến thành thánh địa cho cuộc chiêm ngưỡng tình yêu. Âm nhạc và tiếng hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi một mái tóc trầm hương và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người.

Tiếng hát là con đẻ của thân xác. Từ thân xác bay lên những giai điệu và lời ca. ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một cái gì còn ở lại và than thở một điều gì đã ra đi.

Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.

>> Bài hát "Ru đời đi nhé" - Khánh Ly thể hiện

Đành vậy với tình yêu

Cho đến cuối thế kỷ này, khi mà những khám phá khoa học đã bóc trần mọi lớp vỏ huyễn hoặc của thế giới quanh ta thì con người vẫn tiếp tục hồn nhiên chất vấn mình và chất vấn nhau: Tình yêu là gì? Tình yêu có thật hay không ?

Bao nhiêu thế kỷ qua đi và tình yêu cũng thay hình đổi dạng. Đắm chìm vào những cuộc vong thân ngoạn mục, tình yêu đã hoá thân và theo từng thời kỳ, mang những khuôn mặt khác.

Tình yêu cuối thế kỷ này không còn mộng mị nữa. Những giấc mơ hão huyền đã ra đi. Con người đến với tình yêu bằng một ngôn ngữ khác. Có một thứ hình bóng của mộng du len lỏi vào giữa cái điều mà người ta gọi là tình yêu. Và cứ thế người ta lao vào cái điều "tưởng như" ấy một cách đồng bóng và đánh mất dần cái hồn phách thơ mông của những ngày đã xa xưa.

Đừng bao giờ nói một lời có tính cách khẳng định về tình yêu. Mới ngày hôm qua là như thế hôm nay đã khác rồi. Tình yêu tưởng vĩnh viễn ra đi mà không ra đi. Tình yêu vờ như ở lại mà không ở lại. Kể lại một chuyện tình thường khi là kể lại một cái gì đã mất. Nhưng cũng không hiếm những trái tim lạc hướng bỗng một hôm lại ngoạn mục quay về. Không thể nói nhiều về tình yêu mà không mắc lỗi lầm. Cứ để nó yên ở một vị trí nào đó và nhìn ngắm, quan sát hoặc chờ đợi. Tình yêu là bất khả tư nghì.

Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim. Một trái tim kim cương không tì vết, không thách thức nhưng ngạo nghễ và thích đùa. Một thứ đùa cợt làm bằng bi hài kịch và trên sân khấu của cuôc hành trình đã làm nổ tung ra những cơn thịnh nộ của núi lửa hoặc của những mùa băng rã tuyết tan.

Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá....

Tình yêu không có thắng bại. Ở đây không phải đấu trường mặc dù vẫn có những vết thương. Thậm chí đôi khi còn mang đến những cái chết, những cái chết không báo trước nhưng cũng nhuốm đầy đủ màu sắc tai ương, của một kiếp nạn. Những cái chết như thế không còn mới mẻ gì nữa, chỉ đủ gây ngạc nhiên thoáng qua để có dịp nhắc nhở lại một thời kỳ vàng son của triều đại lãng mạn. Thế nhưng ở đâu đó trên các vỉa hè trong lòng các đô thị, nhất là dưới ánh đèn mờ tỏ ở các ngoại ô, tiếng xì xào vẫn cứ vang lên như một ngọn gió xót thương qua các đền thờ của ảo giác. Đó cũng là lời tôn vinh phù phiếm nhằm làm thăng hoa tình yêu hầu khôi phục lại một thứ lòng tin đã bị đánh mất.

Nếu có dịp chạm vào tình yêu thì hãy thử mượn một cỗ xe chở lòng bất kính đến trước. Có thể không hẳn là lòng bất kính mà một cái gì đó gần với sự thờ ơ, lãnh đạm hoặc một phương cách lịch sự bóng bẩy phường tuồng. Đó là lá chắn cần thiết, một thứ bùa hộ mạng để chống đỡ những mũi dao vô đạo có thể gây thương tích bất ngờ trên lòng tự trọng.

Tình yêu hình như không di chuyển trên một mặt phẳng. Nó thường dẫn người trong cuộc đi qua những nơi chốn không hề dự phòng trước. Thế rồi một hôm bỗng dưng mọi chuyện cứ lệch lạc hẳn đi và người trong cuộc thấy mình không còn là mình nữa. Như trong mùa biển động, những con sóng dữ tha hồ nhảy múa và nó rút dần tinh lực của con người.

Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu. Những giấc mơ hồng, những ác mộng đen. Đôi khi có những cái bóng vô hồn ngoan ngoãn tới lui trong không gian vô hình của những câu thần chú. Khi nhóm lửa đốt lòng mình trên những mê hoặccủa lời thề nguyền thì lúc ấy chỉ còn âm binh nói chuyện với âm binh. Giấy vàng bạc bay lả tả phủ hết con đường tỉnh thức để mở ra một cõi đời son phấn ngào ngạt hương hoa mơ mơ, tỉnh tỉnh, muội muội, mê mê nhưng đầy một thứ lạc thú riêng tư, một cõi trời bay bổng.

Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.

Xuân ''98

>> Ca khúc "Đóa hoa vô thường" - Hồng Nhung thể hiện

.

Nghe Trịnh Công Sơn nói về ca khúc "Có một dòng sông đã qua đời"

>> Ca khúc "Có một dòng sông đã qua đời" - Khánh Ly thể hiện

Nguồn:Petalia
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vì vốn dĩ cuộc đời là thế

    28/02/2019Siêu nhânTheo chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát Để gió cuốn đi mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc. Trên đời này, không có gì là mãi mãi, không có gì là không phôi phai. Tiền bạc: Hôm nay có, ngày mai mất...
  • Người lắng âm vọng nhân sinh

    01/04/2014Trân KhanhTận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX...
  • Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

    24/07/2009Đỗ Hồng NgọcTôi nhớ nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã “xuyên tạc” câu hát đó bằng cách đổi lời là: “Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi, từ sáng tinh mơ cho tới chiều tà…” rồi nhớ Trịnh Công Sơn viết “Một chiều ngồi say, một đời, thật nhẹ, ngày qua” mới thấy để cho ngày qua thật nhẹ đôi khi người ta cần một chút say.
  • Trường ca của Trịnh Công Sơn: Dã Tràng Xe Cát

    04/04/2009Minh BùiRất nhiều người biết và thuộc các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ ít người biết anh đã viết trường ca "Dã tràng ca". Anh Trịnh Xuân Tịnh nói: "Anh tôi đã viết trường ca này lúc ngoài hai mươi tuổi, bản chính hiện đang được gia đình lưu giữ"...
  • "Diễm" cuối cùng: "Mãi yêu Trịnh Công Sơn"

    06/01/2008Dương Thúy"Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…” - Diễm của nhạc sĩ họ Trịnh khiến người ta hình dung đến bóng dáng của người con gái nhỏ bé, mong manh và người ta gọi Lương Hoàng Anh là “Diễm”. Cách đây không lâu, chúng tôi cũng có một bài, rằng: “Diễm cuối cùng đã lên xe hoa”. Không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có coi Hoàng Anh là “Diễm” không? Và nghe đâu “Diễm” là người con gái có thật! Nhưng tôi cũng như… người ta, xin tạm gọi Hoàng Anh là “Diễm”, “Diễm cuối cùng” của Trịnh Công Sơn!