Nhốt ngựa vào chuồng hay ta nhốt chính ta

Người sáng lập Trường Đào tạo Truyền thông Ứng dụng IAMS (www.iams.edu.vn)
10:58 CH @ Thứ Năm - 06 Tháng Hai, 2014
Nhà triết học duy vật người Hy Lạp Heraclitus (535 – 475 TCN), người được coi là cha đẻ của phép biện chứng mà đây đó không ít người vẫn lặp đi lặp lại và nói theo trên các phương tiện truyền thông, từng có phát biểu kinh điển: “No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man” (Tạm dịch: Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, bởi lẽ dòng sông nay không phải là dòng sông trước và con người nay không phải là con người trước”). Dưới nhãn quan của Heraclitus, mọi sự vật luôn biển đổi, vận động và phát triển không ngừng. Nôm na là vũ trụ này như một dòng sông chảy mãi, trôi mãi, cứ thế đến vô tận của chiều kích thời gian, và ngay cả thân thể con người cũng thế. Ở phương Đông, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh từng phát biểu tư tưởng triết học này trong bài thơ, tưởng chỉ rất “tình”, có tên“Thuyền và biển”, thể hiện cái chân lý “không đứng yên” đó: Cũng có khi vô cớ/ Biển ồ ạt xô thuyền/ Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên? Nếu xem cái “phi bất biến” của tình yêu là chính cuộc sống này, thì thực ra nó là vậy. Chẳng có gì là đứng yên.

Trong tiếng Anh, tôi khá “ám ảnh” với cái từ mà với những ai học và thi chứng chỉ quốc tế của môn này đều hầu như phải biết: “stable”. Từ này, ở dạng tính từ, có nghĩa là “ổn định”, “không thay đổi”, “không dịch chuyển”, nhưng ở dạng danh từ nó lại mang nghĩa là “cái chuồng ngựa”, và khi là động từ nó lại có nghĩa “nhốt ngựa vào chuồng”. Sở dĩ bị ám ảnh, bởi trong ngôn ngữ tự nhiên “các cụ” đã “cấy” vào đó những thông điệp đắt giá. Con người qua quá trình dụng ngôn, lập ngôn và diễn ngôn, họ đã truyền tải vào ngôn ngữ tư tưởng của mình và những bài học triết lý của cuộc sống này. Chúng ta thích sự ổn định, nhưng sự ổn định đó lại manh nha một vòng kim cô của tính bảo thủ và trì trệ. Bản thân khái niệm ổn định không hàm chứa ý nghĩa cải thiện về mặt chất lượng (theo hướng tốt hơn) của các thực tế. Thực tế thì sinh động và không đứng yên, trong khi “ổn định” thực chất là ta đang đứng lại. Về bản chất, những đổi thay có chất lượng là nguyên liệu của sự phát triển, nó như là củi để duy trì đám lửa đêm đông.

Vài người bạn của tôi khi qua ngưỡng tuổi 30, đứng trước những ngả đường, họ thường ngại ngần, từ chối sự đổi thay và biện minh bởi lý do “thích ổn định”. Họ ngại khi phải bước vào một cuộc dấn thân mới với những thử thách mới. Ổn định mang lại cho họ cảm giác an toàn, dù là nhất thời. Một hôm nọ, tình cờ tôi gặp tổng biên tập của tờ báo được coi là lớn ở xứ ta, hỏi facebook để kết nối, anh bảo: Kinh tế khó khăn, mải lo cho đời sống của hàng trăm anh em phóng viên, nên mình  chưa có thời gian… mở tài khoản. Tôi cố an ủi mình rằng, một người nắm giữ vị trí cực kỳ quan trọng ở một tòa soạn như anh chẳng thể nào không biết một trong những lý do chính khiến tờ báo giấy (vốn có truyền thống) của mình tụt dốc là vì sự cạnh tranh của… mạng xã hội (?!). Còn một ông giáo sư về truyền thông, trong lúc đám sinh viên hỏi địa chỉ hòm thư điện tử để gửi bài, anh không thiếu hồn nhiên dõng dạc bảo… “cái đó mình để quên trong ngăn kéo ở nhà”.

Nhìn rộng hơn, đôi khi nhân danh sự ổn định, để ai đó không chịu đổi mới chỉ vì “sở thích” này, và quan trọng hơn, vì chính quyền lợi của những nhóm nhỏ. Nhưng mà, trong cơn say của việc “tham một bát”, chúng ta đã “bỏ cả một mâm”. Tâm lý ngại cái mới, “ta được ăn 5 còn thiên hạ lỗ, còn hơn ta ăn 10 nhưng thiên hạ ăn 5” cũng cột chân con ngựa phát triển. Nhiều khi, dân tộc mình đã lỡ cái “mâm cỗ” thịnh soạn là kết quả hứa hẹn của cuộc canh tân, chỉ vì mải mê với tâm lý tiểu nông và cái vòng kim cô cũ kỹ. Như vậy, sự ổn định không chỉ là “đưa (bầy) ngựa vào chuồng” mà còn là ta tự “nhốt” cơ hội phát triển của chính ta.



Ngay trước Minh Trị Duy Tân, nước Nhật đứng trước nguy cơ mất nước, một đất nước phong kiến dưới sự trị vì (bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 17) của Mạc Phủ (dòng họ Tokugawa) ở Edo (nay là Tokyo), và sự xé lẻ cát cứ của 262 lãnh chúa với lãnh địa riêng. Khó khăn chồng chất khó khăn, thách thức cộng thêm thách thức. Nếu sợ cái mới, chuộng sự “ổn định” thì nước Nhật ắt hẳn chẳng có một Minh Trị Duy Tân (nửa cuối thế kỷ 19) tạo đà cho nước Nhật thay đổi về chất và hùng cường như ngày nay. Cũng cùng thời kỳ đó, ở nước ta, bi kịch của sự thích ổn định lại bao trùm lên tầng lớp lãnh đạo lúc bấy giờ, phủ bức màn lên số phận của dân tộc, và nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ là một nạn nhân của “tệ” tâm lý này. Chính quyền phong kiến lúc bấy giờ từ chối những tư tưởng canh tân, như một kẻ sống lâu ngày trong môi trường yếm khí sợ bước ra ánh sáng. Và số phận đất nước đôi khi rẽ ngoặt vì không ít người sợ đổi mới và ánh sáng của sự đổi thay.

Năm mới Giáp Ngọ 2014, thay vì “nhốt ngựa vào chuồng” và giam hãm chính mình, hãy chuẩn bị áo giáp, nắm lấy yên cương, đi về nơi ánh sáng, chinh phạt thử thách, và giành lấy thành công. Tin rằng, chẳng ai trói số phận mình hay muốn sống mãi trong cái chuồng ngựa của cuộc đời. Sự chây ì trong những giai đoạn nhất định chỉ là khoảnh khắc nào đó trong ánh chớp của lịch sử. Vì rằng, những người con của dân tộc này chưa bao giờ đứng yên, chưa bao giờ quỳ gối đầu hàng trước những thử thách của số phận.

Hãy cùng chúc cho mỗi chúng ta, dân tộc ta “lên ngựa” 2014 và phi nước đại thành công!

Nội dung liên quan

  • Quốc dân nên tự lập

    08/02/2014Phan Bội Châu (1927)Ô hô gia nô! Ô hô gia nô! Tủi thân vai ngựa lưng lừa, một kiếp gia nô biết bao giờ là thôi? Câu hỏi đó là một câu hỏi rất thiết ở đời bây giờ. Tôi xin trả lời rằng: "Gia nô nay đã biết thân, thời lo gánh chức quốc dân mới là". Gia nô là thằng ở của một nhà, Quốc dân là ông chủ của một nuớc, một bên thì ty tiện rất mực, một bên thì cao quý rất mực, mắt còn chưa mù, miệng còn nói được thời chắc cũng muốn lấy phần cao quý mà bỏ phần ty tiện...
  • Kế hoạch cuộc đời

    18/07/2011Robert AshtonKhi bạn đã mở cuốn sách này ra đọc tức là bạn đã thực hiện một bước quan trọng hướng tới việc làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Không phải cách sống hiện tại của bạn là chưa tốt, chỉ là mọi người chúng ta đều có tiềm năng để được hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn.
  • Ngô Tự Lập và “Hàn thử biểu tâm hồn”

    03/10/2008Phạm KhảiNgô Tự Lập có lẽ đã "đi xa" hơn Trần Đăng Khoa (về sự pha trộn thể loại) khi trong cuốn sách dày ngót 300 trang này, anh cho tập hợp rất nhiều dạng bài: Từ các bài khảo cứu văn hóa, tiểu luận, phê bình, chân dung văn học, các bài báo về nhiều lĩnh vực nghệ thuật, thơ (sáng tác) và thơ dịch; truyện dịch, một đôi bài điểm báo… và cuối cùng là loạt bài phỏng vấn mà tác giả lại là người… được hỏi....