Nhật ký thị dân

07:58 CH @ Thứ Tư - 27 Tháng Mười Hai, 2017

Tháng 1: Một năm mới mở toang ra cái cảm giác hạnh phúc đến xấu hổ khi cảm nhận được rằng mình là một thị dân đang yên vị trong một căn nhà cấp bốn ở một thành phố to nhất nhì cả nước, có nghĩa rằng sóng thần không liếm tới mình, động đất chẳng thể giết chết mình, cúm gia cầm thì nằm đâu dưới quê xa lắc và vũ trường đầy cạm bẫy không dám quyến rũ túi tiền nhỏ nhắn của mình.

Tuy thế sự vất vả chẳng chịu buông tha vì quà tết cho trưởng phòng chưa có, tiền lì xì cho các quí tử ngài giám đốc không biết vay cửa nào.

Tháng 2: Tháng “ăn chơi” ùa về cùng những cơn gió lành lạnh lùa vào hai túi quần rỗng tuếch. Nể lời vợ đèo nhau đi trên chiếc “Rim” Tàu ọp ẹp hướng về vài nơi khói hương nghi ngút để mua may bán rủi, lòng mơ ước có ngày được chễm chệ ngồi trên xe bốn bánh biển số xanh cùng nàng đi lễ chùa đầu năm vừa oai vệ, vừa đỡ phải móc túi trả tiền đổ xăng.

Tháng 3: Mặt trời vẫn mọc ở đằng đông, một ngày như mọi ngày với hai bữa ăn, một bữa nhậu và bốn lần kẹt xe. Cô giáo vẫn như mẹ hiền, tận tụy với học trò cả trong giờ học thêm, lương y cũng như từ mẫu ở phòng khám tư... Mình thì khác: lương y như... tháng trước, không tăng đồng nào. Khao khát biết bao đến ngày chạm ngưỡng... đóng thuế thu nhập. Tiếc làm sao ngày xuân sắc mình không theo nghiệp cầm ca để giờ này hiên ngang bước vào phòng thuế mà làm gương cho các “sao”.

Tháng 4: Mình hét to với vợ “Đã có thuốc trị bệnh tham nhũng!” rồi vẽ ra cho nàng một bức tranh sáng chói về lẽ công bằng, về sự tăng vọt của GDP và về món gà rán mà cả nhà luôn thèm muốn. Nàng cười bao dung, biết bao nhiêu lần nàng đã tha thứ chuyện nói dối của mình huống chi là lời nói dối tháng tư.

Tháng 5: Một sự kiện trọng đại xảy ra trong nhà mình: kết quả siêu âm cái thai sáu tháng tuổi của vợ đúng như mong đợi, một bé gái sẽ ra đời. Trong cái nóng hầm hập phả về từ cuộc thi hoa hậu hoàn vũ bên nước láng giềng, mình vẫn thấy mát lòng khi nghĩ đến viễn cảnh một ngày 18 năm sau đứa con bé bỏng nằm trong cái bụng to đùng kia, với sắc đẹp giống mình và trí thông minh y như mẹ nó, sẽ đội lên đầu cái vương miện đầy kiêu hãnh.

Tháng 6: Niềm hi vọng từ đứa con gái tương lai cứ đeo đẳng mình mọi lúc mọi nơi. Trước khi trở thành hoa hậu thế giới thì chắc chắn nó sẽ làm vài điều gì đó đặc biệt, ví dụ như trở thành thần đồng ca nhạc hay chí ít là cũng viết văn phê phán cụ Đồ Chiểu làm thơ không đúng vần. Điều chắc chắn là nó sẽ phải đỗ vào đại học cho dù phải bán cả nhà từ đường để đóng tiền luyện thi cấp tốc.

Tháng 7: Trong khi chờ đợi 18 năm sau để bán nhà cho con gái luyện thi thì bây giờ phải kiếm thứ gì đó bán tạm để đóng tiền điện. Với lòng tự hào sâu sắc của một gia đình thị dân được hiện đại hóa... côngtơ, mình quyết không hề kêu ca tí nào khi cắt nửa... vầng trăng, à không, tiền lương, để ráp vào hóa đơn dù trong nhà mình máy lạnh, máy giặt, máy tính, nồi áp suất và lò nướng vi ba đều đang được chia ở thì tương lai.

Tháng 8: Mùa thu lại về, lá vàng rụng khắp công viên, bay lả tả vào những gian hàng hội chợ. Mùa thu xao xuyến kỷ niệm thời thơ ấu ngụp lặn dưới dòng sông vàng đục phù sa. Cảm ơn... công ty cấp thoát nước, mấy ai đem được dĩ vãng ngọt ngào vào tận... phòng tắm như họ đâu.

Tháng 9: Thuở còn thơ ngày hai buổi trốn học đi đá bóng, ta mơ ngày nào trở thành cầu thủ. Mẹ thì ước sau này con trai trở thành bác sĩ, còn cha lại mong ta là một thầy giáo tương lai. Chẳng hiểu sao bây giờ mọi người cứ mơ ước toàn những điều nhỏ nhặt. Như anh Hai mong cho mấy bài toán con mình hỏi vào mỗi tối đừng quá hóc búa, chị Hai lại mong các khoản đóng đầu năm học đừng để chị mất ngủ vài đêm, còn thằng cu Tí chỉ cầu sao cho cái cặp trên lưng nó đừng nặng hơn năm ngoái.

Tháng 10: Mình đã không trở thành cầu thủ không phải vì đá bóng dở mà chỉ bởi vì mình bị dị ứng với mấy ông trọng tài. Sở dĩ tháng này tiền mua báo của mình giảm rõ rệt không phải vì mình tiết kiệm tiền mua sữa cho con, mà vì tờ báo nào cũng in hình những người mình bị dị ứng ở mục hối lộ dàn xếp tỉ số.

Tháng 11: Đến hẹn lại lên, con H5N1 lại làm sạt nghiệp mấy bác chăn nuôi và nhân tiện cũng làm giảm luôn khoản tiền nhuận bút từ những bài thơ gửi đăng báo của mình. Biết làm sao khi nguồn cảm hứng đã bay theo món cánh gà chiên nước mắm?

Tháng 12: Những ngày cuối năm đam mê hào hùng, mình hòa vào đám đông hát vang bài “Niềm tin chiến thắng" rồi nâng ly dốc cạn chén... ngọc dương. Ai mà hay rượu ngọt nồng nàn chợt đắng nghét nuốt không trôi. Đành ngồi ngâm giùm thần tượng mấy vần thơ: “Thời oanh liệt giờ đây đành tuyệt lộ”.

Một email vừa đến khi những tờ lịch cuối cùng sắp rơi ra, đó là lá thư của chính mình gửi cho mình từ những ngày này năm trước: có thất vọng, có hi vọng, có hứa hẹn... Cứ để nguyên thế này và tiếp tục gửi cho mình vào cuối năm sau.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thư gửi vợ: Khi anh là doanh nhân

    11/10/2018Khi anh là doanh nhân! Gia đình chúng ta vui vầy, hạnh phúc. Mỗi buổi sáng thức dậy, anh đưa con đến trường, rước em tới công sở bằng xe hơi. Khi anh là doanh nhân! Em không còn hoảng hốt trước những khoản chi tiêu bất ngờ nào đó. Nhận một tấm thiệp hồng em không phải tần ngần với tủ quần áo nghèo nàn như ngày nào. Khi anh là doanh nhân...
  • Đám ruộng hai bờ ở đầu mông

    26/11/2005Mi MiCó một ông chồng mới cưới vợ được vài tháng đã phải lên đường đi công tác xa sáu tháng mới về. Được năm tháng bà vợ ở nhà đã lâu không được gần chồng nên không chịu được mới sanh lòng bậy bạ...
  • Nhật ký cơ quan Đ…

    23/11/2005Phương LiênBuổi Sáng
    7h 30: Tiết mục “Chào buổi sáng” (uống nước trà và tán gẫu)
    8h 30: Tất cả bắt đầu vào vị trí. Anh A lên mạng “cập nhật” tin tức mới...
  • Từ điển bỏ túi về tham nhũng

    16/09/2005Ăn hối lộ: ăn tiền rồi hối hận không kịp khi bị lộ
    Bắn: Dùng tiền tiêu diệt mọi sự liêm chính
    Bao che, bưng bít: Bảo vệ đoàn kết nội bộ
    Bóc lịch: Việc làm ưa thích của quan tham sau khi tham nhũng bị phát hiện...
  • Dân biết, dân bàn...

    26/08/2005Lã VọngMột số vị quan liêu thi hành dân chủ với dân theo kiểu:
    Dân biết những điều "quan" hé cho
    "Quan" rằng "Bí mật này rất to"
    Những điều "bí mật"... dân thừa biết!
    Điều dân cần biết, "quan" chẳng thò!