Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: 'Dựa vào thầy là vứt đi'

05:04 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Năm, 2019

Theo nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: "Có một con đường khác để có được kiến thức vững chắc mà không cần tới trường lớp – là tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc..."

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được coi như “hiện tượng văn học” trong những năm gần đây - với 3 tiểu thuyết đình đám: "Hồ Quý Ly” (năm 2000), "Mẫu thượng ngàn” (năm 2006), "Đội gạo lên chùa” (năm 2011). Ông dịch nhiều mảng, trong khi vốn được đào tạo từ trường y khoa, và trước đó là tú tài toán.

Cuộc trò chuyện lần này với ông bắt đầu từ cuốn sách khó dịch mà ông mới hoàn thành sau gần một năm – “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ” của tác giả Jean Piaget (Jean Piaget 1896 – 1980, nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em).

“Khi đọc Piaget, tôi mới hiểu ra một điều rất cơ bản: Con người trong quá trình khám phá thế giới, nó đã tự mình tạo nên kiến thức, nó đã tự mình tạo nên thế giới của mình. Còn giáo dục chỉ là sự giúp đỡ để con người có thể tự học, để con người tự khai sáng cho mình”.

Không thể đi xa nếu chỉ trông vào trường lớp

- Luận điểm con người tự khai sáng cho mình, con người tự làm ra chính mình đã được Piaget chứng minh rất khoa học cho suốt cuộc trưởng thành của trẻ từ lúc sơ sinh cho đến khi lớn lên thành một thiếu niên.

Điều này khi chưa có luận thuyết của Piaget, con người vẫn đã tiến hành như thế, có nghĩa đó đã là quy luật. Từ thời sơ khai con người đã tự học. Khi có chữ, con người vẫn tự học.

Thời hiện đại, trong đời sống ta gặp nhan nhản những con người tự học, ai ai cũng phải tự học cả nếu muốn có năng lực làm việc.

Tôi nhìn vào thế hệ chúng tôi thì thấy rõ điểm này. Thế hệ chúng tôi là thế hệ cũ, bị ảnh hưởng do chiến tranh, không được đào tạo bài bản. Chúng tôi có được chút năng lực làm việc nào đều là nhờ các cá nhân nỗ lực tự học tự đào tạo. Chính bản thân chúng tôi đã tạo ra chúng tôi.


Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Mất 4 năm, tôi mới hoàn thành Đội gạo lên chùa. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

.

Cứ coi như thế hệ các ông do hoàn cảnh mà bắt buộc phải tự học, còn thế hệ trẻ ngày nay với điều kiện đã khá đủ đầy, thì việc tự học còn quan trọng tới đâu?

- Những bạn trẻ ngày nay, muốn tiến xa, muốn có năng lực làm việc thì cũng phải thường xuyên tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Thấy cần gì nhất thì học cái ấy. Tìm mọi cách để mà tìm hiểu.

Nhu cầu tự nhiên do ta tự do chọn lựa sẽ cho ta một động cơ để ta lấp đầy những chỗ ta thiếu, để ta tự do tự tạo ra chính bản thân ta.

Jean Piaget là người tự học vĩ đại - những người sáng tạo đều thế cả. Ông hầu như đã đọc hết những sách quan trọng của thời đại ông sống. Trong sách của ông, ta thấy trích dẫn những tên tuổi như Groos, Wundt, Claparède, Binet, Wallon, Buytendijk, Freud, Siberer, Adler, Jung... cùng nhiều người khác. Không những ông chỉ đọc mà ông còn đối thoại để tán thành để phản biện. Đối với ông chân lý là tối thượng. Dù một tác giả có uy tín đến thế nào, nếu thấy không đúng cũng phải phản biện. Ông đã giành rất nhiều trang sách để đối thoại với Groos, với Freud, với Jung… Chỉ với tinh thần khoa học, dân chủ, không giáo điều ấy, ông mới có thể sáng tạo.

Vậy thì, vai trò của trường lớp, của người lớn là gì, để trẻ phát huy được tinh thần tự học, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông còn có bút danh Đào Nguyễn.

Ông đã nhận 3 giải thưởng - Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000, Giải thưởng Thăng Long của UBND TP, Hà Nội 2002, Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 - cho tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”. Tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa” đã dành vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011.

- Công việc giáo dục không phải là việc giảng cho trẻ em, mà là làm cho nó trải nghiệm được quá trình nhận thức.

Điều do người khác giảng giải sẽ trượt qua ngay. Phải đào sâu suy nghĩ kiến thức mới hình thành vững chãi.

Việc học của nước ta trước đây chịu ảnh hưởng của Nho giáo, học là sự nhắc lại kinh nghiệm của người xưa. Đứa trẻ được coi là thông minh nhất là đứa trẻ nhớ được nhiều nhất, chứ không phải sáng tạo nhất.

Cái căn bản vẫn là chuyện triết lý giáo dục. Phải đào tạo người độc lập sáng tạo chứ không phải đào tạo người chủ yếu nghe, hay con người của nền công nghiệp.

Người lớn phải dẫn dắt trẻ em bằng các phương pháp. Làm sao để các cháu nhận ra được kiến thức, thực hiện được qua sự dẫn dắt của người thầy, và đến khi trưởng thành, vào đại học có thể tự học.

Ngay cả người lớn cũng phải có ý thức về việc tự học của bản thân.

Học, tự học, khai dân trí để cuối cùng vẫn là có lối sống hiện đại. Đó là lối sống tôn trọng mình và tôn trọng cả người khác. Con người hiện đại không hề là con người chỉ nghĩ cho mình.

Đọc truyện chưởng không sao

Việc đọc sách gần đây đang được quan tâm trở lại. Theo ông, để trẻ em thích đọc sách, người lớn phải làm gì?

- Thói quen đọc sách phải được tạo lập từ nhỏ.

Mọi người hay nói rằng trước đây không có phương tiện giải trí gì nên nhiều người đọc sách, nhưng thực tế, khi đó có phải ai cũng đọc đâu. Cũng như bây giờ, nhiều phương tiện giải trí khác chi phối trẻ, nhưng vẫn có em say mê đọc sách.

Khi trẻ em đọc sách, người lớn nên hướng dẫn các em biết cách đối thoại, so sánh, phản biện, hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng, các tầng ý nghĩa. Khi đọc một quyển sách cần có thời gian suy nghĩ, qua động tác đọc mới có đối thoại, tán đồng hay phản đối được. Và khi đó mới có được sự thu hút khi đọc một quyển sách, để hình thành một thói quen đọc sau này.

Còn người lớn tuỳ theo nghề nghiệp, mục đích nghề nghiệp mà lập ra chương trình đọc cho mình.

Ông có thể đề xuất một mục lục sách mà phụ huynh nên giúp con tìm đọc, có thể trước mắt là trong mùa hè này?

- Cái này thì mỗi người một ý thích.

Ví dụ như tôi, khi còn nhỏ đọc sách khá “bừa bãi”. Mới 12 tuổi đã đọc Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách, Thủy Hử, Tam Quốc… Những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú, tạo óc tưởng tượng cho con người.

Nhưng cuốn sách “vỡ lòng” của tôi là cuốn chuyển ngữ Lá thu rơi của Tô Hoài. Chẳng phải đây là cuốn sách quá hay, nhưng khi đó tôi đọc thấy thương, còn khóc nức nở.

Khi bị xúc động bởi một cuốn sách tức là mình đang trải nghiệm. Câu chuyện đánh vào cảm xúc của con người, tạo nên sự xúc động trong con người, đó là ý nghĩa của việc viết văn.

Chọn sách cho con, như trước đây có Tâm hồn cao cả, hay những cuốn sách trong sáng động chạm đến xúc cảm của con người. Sách của các nhà văn Trần Hoài Dương, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài… cũng có văn phong trong sáng.

Tuy nhiên, với tôi trẻ con đọc truyện chưởng không sao, cũng lành mạnh, phân biệt rõ quân tử, nguỵ quân tử.

Thậm chí, với trẻ con, khi chịu đọc một cuốn sách dày đã là một sự tiến bộ.

Có những cuốn sách phải đọc nhiều lần trong đời. Với những tác giả đã đến mức cổ điển, mỗi lần đọc sẽ có phát hiện mới.

Xin cảm ơn ông.


“Đời tôi là những cuộc tự học nối dài. Tôi vốn đi học muộn, mới 14 tuổi do chiến tranh phải tản cư mất gần 2 năm. Tới lúc hồi cư về Hà Nội, tôi học một năm hai lớp, thậm chí có năm ba lớp để đua với thời gian, bù lại những năm tháng bị mất. Nếu chỉ dựa vào thầy thì coi như vứt đi rồi. Lâu dần thành thói quen tự học.Đến năm 1951 tôi vào Đại học Y. Học 2 năm thì đi bộ đội.

Sau này, tôi luôn đặt chương trình tự học cho bản thân. Từ những năm 60 đã lên chương trình năm nay văn học Anh, năm sau văn học Mỹ, năm sau triết học phương tây… Tuỳ công việc viết văn của mình mà phải xây dựng cho mình cơ sở nhân văn với mọi cách, từ đào sâu suy nghĩ, nhờ chuyên gia, nhưng tự đọc sách là nhiều.

Và dịch sách cũng là một cách tự học” - nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Xuân Khánh và sự va chạm với cái vảy ngược trên ngực của những con rồng

    08/01/2016Phan Tuấn AnhNếu xem xét lại tiểu sử “ba chìm bảy nổi” của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh vẫn là “kẻ sĩ” hiếm hoi trong làng văn chương Việt đương đại thường xuyên va chạm và thách thức với những cấm kỵ của những thiết chế quyền lực, những nền tảng văn hóa, những triết lý và giáo lý đồ sộ của các tôn giáo, hệ hình tư tưởng (tại Việt Nam) và cả những khúc quanh của lịch sử...
  • Tự học là yếu tố quyết định…

    02/03/2015Kim Yến (thực hiện)Từ bỏ môi trường nghiên cứu khoa học nơi xứ người, TS GIÁP VĂN DƯƠNG cùng vợ con trở về để giúp cho giới trẻ “tự thân khai sáng”, để tìm đến tự do…
  • Cùng trao đổi kinh nghiệm về tự học

    08/09/2020Nhà báo Vũ KhánhHọc đại học khác với học phổ thông cấp 4. Đại học đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu thêm nhiều bên cạnh các giờ giảng và hướng dẫn của thầy. Song ai cũng biết thực tế Đại học của ta đang không phải như vậy. Phần trình bày dưới đây nhằm mời bạn đọc tham gia trao đổi quan niệm và kinh nghiệm thưc tế về cách tự học đạt hiệu quả cao.
  • Bàn về chuyện tự học

    15/11/2016Trước hết, cần phải nói rằng, tự học là một chuyện vạn bất đắc dĩ, vì ai cũng biết câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. Một câu hoàn toàn đúng, đúng hơn là người ta tưởng rất nhiều.
  • Nghĩ về tự học

    21/07/2016Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân QuỳnhTrước kia ta có thể ỷ vào số lượng kiến thức do nhà trường trang bị để dùng trong 15-20 năm. Nhưng ngày nay chỉ sau vào năm một nửa số kiến thức cũ đã lỗi thời. Ai cũng thấy tự học là cần thiết nhưng nhiều người chưa có ý thức, chưa biết cách tự học tốt...
  • 5 sai lầm bạn thường mắc phải khi tự học

    19/08/2015Đây là 5 sai lầm và hiểu nhầm lớn nhất khi bạn trẻ dấn thân tự học. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về Đại Học Cá Nhân và trường học truyền thống để có thể tận hưởng tối đa từ trải nghiệm tự-học của mình...
  • Bài học canh tân trong tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

    02/02/2014Thái Sơn“Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”. Cuốn sách không viết về nhân vật lịch sử Hồ Qúy Ly mà viết về thời đại của Hồ Qúy Ly-thời đại của những cách tân qua góc nhìn của chính những con người sống trong thời đại ấy…
  • Ông Phật văn Nguyễn Xuân Khánh

    03/02/2012Phạm Xuân Nguyên... Lấy ngay cuốn tiểu thuyết mới nhất của lão là “Đội gạo lên chùa” mà xem. Đọc xong cuốn đó, tôi thấy mình như được xông hương...
  • Tôi tự học

    20/06/2010Thu Giang - Nguyễn Duy CầnTôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn Ả Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại: Có một nhà vua gọi các bậc trí gia trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các nhà khoa học ấy sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho nhờ vua.
  • Xây dựng khả năng tự học trong doanh nghiệp

    20/06/2006Trần Minh TrọngCác nhà quản trị doanh nghiệp thế giới gần đây cho rằng doanh nhân thế kỷ XXI phải có khả năng học tập và sáng tạo ra tri tứhc cho riêng mình. Hơn thế nữa, doanh nhân cần phải biết xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành một tổ chức có khả năng tự học. Khả năng tự học của doanh nghiệp được xem là yếu tố giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được...
  • Tự học như thế nào?

    31/10/2005"Tự học như thế nào” là một trong những tác phẩm mà N. A. Rubakin để lại cho chúng ta. Cuốn sách viết về vấn đề rất cần cho tất cả mọi người đặc biệt là thanh niên. Nhiệm vụ của thanh niên là phải phấn đấu học tập nâng cao kiến thúc của mình trong nhà trường, sau khi ra trường. Thanh niên có thể nghiên cứu phương pháp học tập do N. A. Rubakin đưa ra để áp đụng, nâng cao vốn kiến thức và trở thành người thực sự có văn hóa, có chuyên môn giỏi....
  • Biết tự học và biết sáng tạo

    12/02/2003Quang DươngQua những sáng tạo được thể hiện từ thời Thomas Edison đến thời Bill Gates, giới khoa học kỹ thuật ngày càng nhận thấy giữa trí sáng tạo và việc tự học có một mối liên hệ nhân quả. Tạp chí Science et Vie (Pháp) đã viết :"Ai tự học mạnh nhất, người đó tích lũy được một tiềm năng sáng tạo dồi dào nhất. Ngược lại, ai có nhu cầu sáng tạo nhiều hơn, người ấy càng thôi thúc ý chí tự học cao hơn".
  • Phát huy việc tự học trong trường phổ thông trung học

    10/02/2003Giáo sư Nguyễn Cảnh ToànNước ta hiện còn rất nghèo, đầu tư cho giáo dục bình quân đầu người chỉ mới bằng 1/10 mức trung bình, 1/100 mức cao của thế giới. Giải bài toán "đuổi kịp" như thế nào trong lĩnh vực giáo dục đào tạo khi phải lấy 1 đọ với 10, đọ với 100? - Khơi dậy nội lực, đó là câu trả lời chung. Trong giáo dục, thì nội lực trước hết là nội lực ở người học; Khơi dậy được nội lực này thì sẽ khơi dậy được nhiều nội lực khác trong ngành và trong xã hội.
  • Điều cơ bản là phát huy nội lực tự học của người học

    10/02/2003Tôi đã đọc bài: "Giáo dục từ xa ở Việt Nam - Vấn đề và triển vọng", đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 3-5-2000 của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Đại học New South Wales, Sydney, Australia (xin đừng nhầm với Giáo sư Phạm Quang Tuấn). Điều đáng mừng là tôi thấy có nhiều điểm nhất trí với tác giả. Tuy nhiên vẫn có những điều vênh nhau.
  • xem toàn bộ