Cân đối lợi ích trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường

02:38 CH @ Thứ Sáu - 20 Tháng Ba, 2015

Ngày 14-4, biểu thuế suất thuế tài nguyên đã không được Thường vụ Quốc hội thông qua với lý do “chưa đáp ứng được mục tiêu quan trọng là góp phần khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, nhất là tài nguyên không tái tạo”. Việc khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế là cần thiết nhưng lại dễ mâu thuẫn với chiến lược giữ gìn nguồn tài nguyên bền vững và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Trần Bạt, luật sư, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Invest Consult Group, đã có bài trả lời phỏng vấn phóng viên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Hỏi:Xin ông cho biết vai trò của ngành tài nguyên - môi trường trong một nền kinh tế?

Trả lời: Tài nguyên và môi trường là hai mặt của một vấn đề kinh tế. Nếu chỉ tính đến tài nguyên mà không tính đến môi trường thì chúng ta sẽ trở thành kẻ bóc lột tương lai để tìm sự phát triển trước mắt. Vì thế, khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường là chính phủ cũng đã ý thức được việc phải khắc phục các hậu quả của quá trình khai thác tài nguyên, để nó không đẻ ra di họa tương lai có chất lượng môi trường của việc khai thác ấy.

Muốn biết tài nguyên đóng vai trò gì thì trước hết chúng ta phải xem xem cái gì được gọi là tài nguyên. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nhìn thấy các mỏ quặng là tài nguyên. Trong tất cả các bài học phổ thông của trẻ con, người ta chỉ nhắc đến các mỏ quặng và xem đấy là tài nguyên. Bây giờ chúng ta phải mở rộng khái niệm tài nguyên gồm cả tài nguyên nước, tài nguyên mỏ, tài nguyên biển, tài nguyên đất đai… Phải nói rằng chưa bao giờ người Việt tổ chức khai thác tài nguyên một cách rầm rộ và toàn diện nhằm mục tiêu phát triển kinh tế cho những giai đoạn trước mắt như hiện nay, nhưng đấy là việc tất yếu mà chính phủ của chúng ta phải làm. Suy ra cho cùng, tất cả các chính phủ đều nhìn tài nguyên như một cứu cánh, không trừ một chính phủ nào. Có thể nói, sự chú ý đến việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên phục vụ cho sự phát triển kinh tế trước mắt là hoạt động vừa tự nhiên, vừa bản năng, vừa tất yếu đối với chính phủ của chúng ta. Chỉ có một điều đáng bàn là chúng ta phải tính đến các yếu tố phản ứng phụ của quá trình khai thác tài nguyên.

Chúng ta cũng đang tự giác dần dần, đang ý thức dần dần nhưng ở trạng thái hiện nay là chưa đầy đủ. Như đã nói, chính phủ của chúng ta hiện nay, chính phủ CHXHCN Việt Nam không phải là chính phủ duy nhất trong lịch sử Việt Nam để ý đến tài nguyên. Rất nhiều triều đại trước đây đã để ý đến các thứ luật liên quan đến lĩnh vực này. Việc quản lý đất đai mà chúng ta đang làm không chặt chẽ bằng luật về đất đai ở thời kỳ phong kiến. Những định nghĩa luật về đất đai, phân loại đất đai và phân loại để biến đất đai trở thành tư liệu sản xuất hiện nay là không khoa học bằng những triều đại trước đây. Xét về mặt kỹ thuật, năng lực khai thác mỏ của chúng ta bây giờ tốt hơn nhiều so với các triều đại trước đây, nhưng quá trình quản lý nó xét về phương diện nhà nước cũng không vì thế mà chặt chẽ và minh bạch hơn trước đây. Luật của chúng ta về chuyện khai thác tài nguyên phải kèm theo việc xử lý các vấn đề về môi trường là chưa chặt chẽ. Việc ghép khái niệm tài nguyên với môi trường là một sự ghép có ý thức và có ý nghĩa tích cực, nhưng việc tổ chức cân đối lực lượng giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa được chú ý. Mặc dù về hình thức chúng ta đã tổ chức thành một Bộ, nhưng lực lượng quan tâm đến tài nguyên vẫn mạnh hơn, chiếm ưu thế hơn lực lượng quan tâm đến sự hoàn nguyên của môi trường. Vì thế cho nên, tài nguyên và môi trường là một cặp phạm trù thể hiện sự mất cân đối rõ nhất trong sự chú ý một cách toàn diện đến vấn đề này.

Chúng ta là một nước ra khỏi nền kinh tế tập trung quan liêu khá chậm. Xét về tiến trình phát triển kinh tế thì chúng ta là một nước đi sau rất nhiều và vì thế tài nguyên như một cứu cánh quan trọng của cái giai đoạn chậm phát triển của CHXHCN Việt Nam. Và việc chính phủ chúng ta để ý đến tài nguyên như một cứu cánh là một thái độ hoàn toàn tự nhiên. Sự đúng đắn của chính phủ sẽ xuất hiện cùng với sự cân đối phân bố lực lượng giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Hỏi: Ông có thể cho ví dụ về sự mất cân đối giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường?

Trả lời:Nhiều lắm! Nếu nhìn vào toàn bộ vùng mỏ Quảng Ninh, các bạn sẽ thấy rất rõ điều ấy. Tôi đến nhiều vùng khai thác mỏ ở Úc và thấy rằng bất kỳ chỗ nào cũng rất sạch. Họ khắc phục bụi bặm, xử lý tất cả tạp chất được thải ra từ quá trình tuyển quặng ngay lập tức chứ không phải xử lý dần dần. Các bạn nhìn lớp bụi than phủ lên các công trình xây dựng ở TP Hạ Long sẽ thấy sự mất cân đối giữa tài nguyên và môi trường. Chúng ta có rất nhiều công ty được gọi là công ty vệ sinh trước đây mà sau này được gọi là vệ sinh môi trường, nhưng lực lượng vệ sinh một cách đơn giản nhiều hơn lực lượng môi trường, hay nói cách khác là chúng ta không có lực lượng bảo vệ môi trường. Vệ sinh môi trường là quét cái bề mặt bẩn của môi trường. Nhưng vấn đề môi trường là vấn đề mất cân bằng sinh thái chứ không phải là bẩn. Bụi, bẩn, tiếng ồn chỉ là bề mặt của sự mất cân bằng sinh thái. Toàn bộ hậu quả tệ hại nhất của khai thác tài nguyên là tác động đến cân bằng sinh thái. Chúng ta cũng không có luật lệ và chế tài khắc nghiệt để bảo vệ môi trường. Cho nên lực lượng bảo vệ môi trường không theo kịp con hổ đói là lực lượng khai thác tài nguyên. Đấy là một sự mất cân đối.

Vấn đề thứ hai, quan trọng hơn là quyền lợi do tài nguyên mang lại và các quyền lợi có tính chất lãnh thổ, có tính chất an ninh, có tính chất quốc phòng chưa được cân đối một cách thoả đáng. Việc này làm nảy sinh trong xã hội luồng dư luận rất không có lợi và đôi khi làm cho chính phủ rơi vào cái bẫy của sự chỉ trích. Mối tương quan của sự chú ý này không được thể hiện một cách rõ ràng, minh bạch và công khai để xã hội yên tâm về sự tự giác, sự ý thức một cách rất rõ ràng của chính phủ. Chính vì thế, chính phủ phải tỏ một thái độ khắt khe và rõ ràng trong việc cân đối quyền lợi do khai thác tài nguyên mang lại với tất cả các quyền lợi mà một quốc gia cần phải bảo vệ. Có hàng vạn ví dụ về sự thiếu chú ý một cách cân đối vì sự vội vã do thị trường tài nguyên đòi hỏi mà quên mất rằng nếu không cân đối thì sức khoẻ xã hội có vấn đề, môi trường có vấn đề và an ninh quốc phòng cũng có vấn đề. Nếu cân đối được những quyền lợi khác nhau xuất hiện cùng một lúc với quá trình khai thác tài nguyên và thể hiện nó một cách công khai với những chế tài rành mạch, với sự trừng phạt nghiêm khắc đối với những vi phạm, thì chính phủ chúng ta sẽ có được uy tín theo chiều hướng: trong khi khai thác tài nguyên vì những mục tiêu trước mắt, chính phủ vẫn quan tâm một cách toàn diện đến quyền lợi dân tộc.

Hỏi:Theo đánh giá của ông, trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, vai trò của tài nguyên có còn quan trọng không?

Trả lời: Luôn luôn quan trọng. Ví dụ, tài nguyên dầu mỏ chẳng hạn, hiện nay chúng ta mới chỉ để ý đến khía cạnh chất đốt, nhưng dầu mỏ không chỉ là nguyên liệu của quá trình sản xuất công nghiệp chất đốt, mà nó còn là nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp khác. Chúng ta chú ý một cách không thoả đáng hay chúng ta chỉ hướng sự chú ý vào một loại chế phẩm đối với một loại tài nguyên mà quên mất rằng sự chú ý toàn diện sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển cân đối hơn. Chú ý đến các chế phẩm liên quan đến một loại tài nguyên là công việc thuộc nghĩa vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ có một địa vị hết sức mờ nhạt theo đòi hỏi của việc phát hiện toàn diện các lợi ích có thể khai thác được từ một loại tài nguyên.

Hỏi:Tài nguyên hiện nay đối với Việt Nam có những lợi ích gì?

Trả lời:Vô cùng nhiều lợi ích. Chúng ta là một nước chậm phát triển, lợi ích đầu tiên mà tài nguyên mang lại là nó trở thành sản phẩm thương mại thô. Gần đây các nhà lãnh đạo của chúng ta đã nói đến chuyện cấm xuất khẩu nguyên liệu thô. Tại sao chúng ta lại phải bán nguyên liệu thô? Bởi vì muốn bán các chế phẩm thì phải có đầu tư công nghiệp. Là một nước thiếu vốn, thiếu công nghệ, chúng ta không đủ năng lực triển khai một cách toàn diện trong việc khai thác và chế biến một loại tài nguyên trở thành các sản phẩm công nghiệp, cho nên chúng ta phải bán nguyên liệu thô. Nguyên liệu thô là thị trường dễ dãi nhất đối với một quốc gia có mỏ, cho thuê đất là giải pháp dễ nhất đối với một quốc gia có đất, đấy là một cách khai thác tài nguyên. Cho thuê đất và bán nguyên liệu thô phản ánh tình trạng chậm phát triển của một quốc gia trong quá trình khai thác một cách chủ động nguồn tài nguyên nó có.

Lấy ví dụ, chúng ta xem thủy điện là một lối thoát và bây giờ chúng ta đang gặp phải hạn hán. Lượng nước trong các hồ chứa nước bây giờ đã thấp ở mức trên báo động. Tức là trong khi làm, chúng ta không đủ kinh nghiệm để tính đến các tình huống. Với địa hình mỏng, chúng ta là một quốc gia nằm ở hạ lưu của các con sông, cho nên tự nhiên chúng ta lệ thuộc vào các quốc gia ở thượng lưu. Họ mà giờ trò là chúng ta lãnh đủ. Nhưng khi xây dựng các nhà máy thủy điện thì chúng ta không tính đến tình huống ấy. Do đó, chúng ta đang đối mặt với tình trạng rất dễ dàng trở thành con tin trong các quan hệ quốc tế vì sự bế tắc hoặc thiếu chín chắn của chúng ta trong việc qui hoạch và xây dựng hệ thống công nghiệp dựa vào tài nguyên.

Có những loại tài nguyên nằm lọt trong lãnh thổ của chúng ta, nhưng có những loại tài nguyên không hoàn toàn độc lập. Ở Việt Nam, không tính đến các con sông không có khả năng làm thuỷ điện thì không có con sông nào bắt nguồn từ trong nước cả. Trong khi tính toán để khai thác tài nguyên nước thì chúng ta quên mất một điều cực kỳ quan trọng là chúng ta là một nước nông nghiệp. (như chúng ta vẫn tự hào khoe là chúng ta có nền nông nghiệp lúa nước). Nền nông nghiệp ấy sẽ trở thành con tin trong quá trình sử dụng tài nguyên nước và chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy hạn hán hay thực ra là rơi vào cái bẫy của chính sách đối ngoại. Để ý một cách toàn diện đến việc xây dựng các chính sách công nghiệp trong đó có đếm xỉa đến các khía cạnh địa kinh tế, địa chính trị và các chính sách đối ngoại khác là bản lĩnh cần có của một chính phủ. Hiện nay chúng ta không đủ thời lượng và lực lượng để nghĩ một cách toàn diện như vậy, cho nên chúng ta luôn luôn là con tin trong từng giai đoạn khác nhau của các chương trình kinh tế liên quan đến tài nguyên của chúng ta.

Hỏi:Những tài nguyên khác nằm trọn trong lãnh thổ của chúng ta đang được quản lý như thế nào?

Trả lời:Cách quản lý của chúng ta cũng không khoa học. Thứ nhất là chúng ta không biết rõ nó. Thứ hai là chúng ta không có các ngành công nghiệp để có thể khai thác, chế biến một cách toàn diện một loại tài nguyên. Cái sai lầm cơ bản nhất của chúng ta là chúng ta bán những tài nguyên thô không có năng lực tái sinh. Chúng ta bảo do sự nóng lên của trái đất, chúng ta sẽ dần dần thay đổi năng lượng đốt, nhưng thay đổi năng lượng đốt không có nghĩa là cái tài nguyên chúng ta đang sở hữu ấy mất giá cùng với tương lai, vì nó có thể được chế biến thành cái khác. Bán tài nguyên thô là tiêu diệt một cách phổ biến nhất tương lai phát triển của đất nước.

Hỏi:Các quốc gia khác để phát triển có phải trải qua thời kỳ bán tài nguyên thô như chúng ta không?

Trả lời: Không phải nước nào cũng vậy vì có nước không có tài nguyên thô. Trên thế giới có hai loại quốc gia: quốc gia bán tài nguyên thô và quốc gia nhập tài nguyên thô. Nhật Bản là một quốc gia nhập tài nguyên thô. Trung Quốc là một quốc gia có cả nhập lẫn tự có. Tuy nhiên, họ có một loại tài nguyên quan trọng mà nó có thể tiêu diệt tất cả các loại tài nguyên khác là dân số đông. Dân số đông thì đòi hỏi ăn nhiều, nấu nhiều, đốt nhiều. Do đó, trong lĩnh vực tài nguyên, Trung Quốc không chỉ phải giải quyết vấn đề phát triển kinh tế mà còn cả vấn đề dân số. Và vì Trung Quốc ở cạnh chúng ta nên điểm quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại về tài nguyên của chúng ta vẫn là chính sách với Trung Quốc.

Hỏi: Để quản lý những tài nguyên nằm trọn vẹn trong lãnh thổ thì chúng ta cần làm gì?

Trả lời: Cần phải để ý đến những điều tôi vừa nói. Cái dễ thấy nhất là an ninh, quốc phòng. Là một quốc gia bé, chúng ta rất dễ bị lấn át, rất dễ bị xúc phạm, rất dễ bị tác động, vì thế chúng ta phải để ý đến an ninh quốc phòng với nghĩa hiện đại của nó chứ không phải chỉ có ý nghĩa chống chiến tranh xâm lược. Chúng ta phải để ý đến môi trường vì nếu để đất nước của chúng ta bẩn thì du lịch sẽ không phát triển được. Thứ ba là phải để ý đến sức khỏe của người dân vì càng khai thác tài nguyên thì môi trường càng xấu đi. Không chỉ môi trường trông thấy mà môi trường y tế cũng sẽ xấu đi vì sự mất cân bằng sinh thái. Hơn nữa chúng ta là một nước nông nghiệp, sự biến dạng môi trường sẽ tạo ra tính không ổn định trong sản xuất nông nghiệp. Thủy điện mà ảnh hưởng đến thuỷ lợi thì lập tức sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp. Mà chúng ta thì có mâu thuẫn giữa thuỷ điện và thuỷ lợi. Đấy chính là mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và phát triển nền văn minh lúa nước mà chúng ta vẫn tự hào.

Nói tóm lại, tất cả các bài toán khai thác tài nguyên đều là bài toán cân đối ba thứ: trong chính sách đối ngoại là cân đối lợi ích quốc gia; trong đối nội là cân đối giữa môi trường, sức khoẻ người dân với lợi ích do tài nguyên mang lại; và cân đối lợi ích quốc phòng. Sự cân đối các lợi ích là đòi hỏi bắt buộc đối với tất cả các dự án khai thác tài nguyên. Quốc hội của chúng ta, chính phủ của chúng ta buộc phải công khai các quá trình cân nhắc ấy một cách rành mạch đến mức nó không gieo những dị nghị trong xã hội và nó tăng cường đoàn kết xã hội, tăng cường ý thức yêu nước của người dân, cái đó chính là an ninh quốc phòng. Lòng yêu nước của người dân là công cụ quốc phòng quan trọng nhất chứ không phải máy bay, không phải tên lửa. Máy bay hay tên lửa chỉ là những công cụ hỗ trợ cho lòng yêu nước để nó đỡ vất vả chứ không thể thay thế lòng yêu nước được.

Hỏi:Với tư cách là luật sư, ông nhận xét thế nào về hệ thống pháp luật về môi trường ở Việt Nam?

Trả lời:Chúng ta có tất cả mọi thứ luật, cho nên tôi không nói đến luật mà muốn nói đến vấn đề là hệ thống nhà nước của chúng ta không làm cho các bộ luật ấy trở nên có hiệu lực trên thực tế. Vấn đề là hiệu lực pháp luật chứ không phải là pháp luật. Chúng ta không có các chế tài nghiêm khắc, không có lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn các sai trái liên quan đến lĩnh vực này. Cái khó của xã hội chúng ta là những lực lượng gây tác động một cách nghiêm trọng đến môi trường trên qui mô lớn chính là lực lượng các công ty nhà nước. Vì thế nhà nước cần phải rất khách quan trong việc xử lý các công ty này. Cái bế tắc hiện nay là chúng ta không thể kiên quyết trong việc xử lý vi phạm của các công ty nhà nước. Các tổ chức tư nhân thì bé nên chỉ cần thu hồi giấy phép là được, nhưng người ta không thể thu hồi giấy phép của các công ty nhà nước, bởi vì nhà nước cần nó.

Hỏi:Ông có nói rằng luật liên quan đến đất đai của các triều đại phong kiến tốt hơn. Cụ thể là như thế nào?

Trả lời: Nó rành mạch hơn. Luật đất đai của chúng ta thực chất chỉ có mỗi câu "đất đai là sở hữu toàn dân". Tôi không định nói rằng bây giờ chúng ta phải tư nhân hoá đất đai, tôn trọng quyền sở hữu đất đai tư nhân, vì nói vào thời điểm hiện nay là chưa có lợi. Hơn nữa điều ấy có nói Chính phủ của chúng ta cũng không làm được, Đảng cũng không làm được và Quốc hội cũng không làm được. Đòi hỏi những việc mà mình biết chắc họ không làm được là đòi hỏi vô lý. Tuy nhiên cần phải rành mạch và công khai, đặc biệt trong lĩnh vực qui hoạch. Bởi vì cái làm cho đất có giá chính là qui hoạch. Tạo ra thị trường đất đai với sự biến động giá cả sôi sục như hiện nay là do hoạt động qui hoạch. Qui hoạch trở thành công cụ để đầu cơ, để lợi dụng. Nếu không tự giác về những mặt trái của qui hoạch thì nó sẽ trở thành quá trình tạo hoả mù để tạo điều kiện cho nạn tham những và lạm dụng quyền chức trong xã hội.

Hỏi:Ông có thể nói rõ hơn minh bạch và công khai trong luật tài nguyên môi trường là như thế nào?

Trả lời: Là tất cả mọi người phải biết. Những vụ vi phạm phải được xử một cách công khai và không có nhân nhượng. Ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới, nếu sản phẩm của anh là sản phẩm xâm phạm môi trường hoặc sử dụng lao động trẻ em, lao động tù nhân là người ta không mua. Chúng ta xử lý mỗi một vụ Vedan mà mất mấy năm, thậm chí mất cảnh giác đến mức trao cho họ cả giải thưởng sản phẩm thân thiện với môi trường. Những việc như vậy làm cho nhà nước mất mát rất nhiều uy tín trong xã hội.

Chúng ta cần lưu ý rằng bảo vệ môi trường là một vấn đề kinh tế. Chi phí cho bảo vệ môi trường chiếm một tỉ trọng cực kỳ quan trọng trong cấu thành giá sản phẩm. Chúng ta buộc phải cạnh tranh với các quốc gia bán tài nguyên khác. Nhưng họ đã đầu tư cho chuyện này lâu rồi, sau chu trình khấu hao hàng chục năm rồi thì giá của họ cạnh tranh hơn giá của một quốc gia mới bắt đầu khai thác. Nếu cộng cả chi phí để hoàn nguyên môi trường, khôi phục lại sự cân bằng môi trường vào giá thành thì vô cùng lớn, người Trung Quốc và người Việt Nam không dám tính đến việc ấy, vì tính đến là không còn đủ khả năng cạnh tranh.

Hỏi:Có ai đó thống kê rằng GDP của Việt Nam là 7% nhưng nếu trừ đi tổng thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra thì nó chỉ còn -3%. Theo ông kết luận đó có đúng không hay là thái quá?

Trả lời: Đúng hay thái quá dựa vào tiêu chuẩn nào? Ở một nước nghèo đang thiếu vốn thì tính như thế là quá, không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và trạng thái cụ thể của một nền kinh tế, một quốc gia như Việt Nam. Cách tính như thế đúng trong cái tiêu chuẩn là cần phải hoàn nguyên lại tương lai, nhưng nó quá khi không xét đến tình trạng nghèo khổ, tình trạng thiếu thốn của Việt Nam hiện nay. Cho nên, nhiệm vụ của chính phủ là cân đối giữa hai cực như vậy. Tức là, tài nguyên là một loại tiền vốn, mà đã là tiền vốn thì nó phải được khấu hao. Cho nên, cách tiệm cận tốt nhất đến vấn đề cân đối giữa tài nguyên và môi trường chính là phải khấu hao đối với các quá trình khai thác tài nguyên. Dùng công cụ khấu hao để kéo dài quá trình hoàn nguyên môi trường thì chúng ta vẫn đảm bảo có tương lai yên ổn mà không phải tính cùng một lúc tất cả các chi phí để hoàn nguyên.

Hỏi:Theo ông, cho đến giờ đóng góp của ngành tài nguyên trong cơ cấu vốn của Việt Nam có nhiều không?

Trả lời: Tôi nghĩ là rất nhiều. Không có một thống kê công khai nào về chuyện này, bởi vì bất kỳ chính phủ nào cũng có những thứ chi phí không nói được. Chúng ta phàn nàn rằng chúng ta không có một báo cáo tài chính công khai minh bạch là chúng ta nói lý thuyết thôi. Tất cả các chính phủ đều không minh bạch nổi. Cho nên mới có chuyện Hy Lạp vỡ nợ. Chính phủ với tư cách là người đại diện đất nước buộc phải tự cân đối chuyện này. Và để giải quyết quan hệ với xã hội, làm cho xã hội yên tâm, thì chính phủ phải minh bạch và hợp lý trong quá trình này. Sự hợp lý chính là công cụ tốt nhất để tiệm cận tới khái niệm minh bạch. Dùng công cụ khấu hao trong khai thác tài nguyên như là một quá trình giải quyết sự mất cân đối giữa khai thác và hoàn nguyên, đấy là giải pháp có tính chất chiến lược.

Hỏi:Theo ông, lực lượng bảo vệ môi trường gồm những gì?

Trả lời:Đầu tiên phải là công cụ chế tài và công cụ thực thi các quyết định có chất lượng chế tài. Các hình phạt bao giờ cũng phải lớn hơn cái lợi mang lại. Hiện nay mọi sự phạt của chúng ta đều ở mức phạt hành chính và do đó phạt được xem như một loại chi phí cho quá trình kinh doanh chứ không phải là biện pháp tác động một cách sống còn đến sự tồn tại của một doanh nghiệp. Cho nên người ta sẵn sàng hạch toán tiền phạt. Vậy phải phạt thế nào để người ta không hạch toán nổi và phải có sự minh bạch thì hình phạt ấy mới có tác dụng khuyến dụ. Nếu xem phạt như một biện pháp hỗ trợ quá trình chống cạnh tranh không lành mạnh mà phạt người này, không phạt người kia thì chẳng có tác dụng gì cả. Tôi lấy ví dụ, nhiều chục năm trước hãng Lockheed Martin là một hãng rất lớn, chỉ vì họ dính đến một vụ hối lộ cho chính phủ Hàn Quốc mà họ gần như phá sản và trở thành một hãng sản xuất máy bay nhỏ. Gần đây do sự cải tiến, do sự vươn tới các công nghiệp quốc phòng khác, họ mới lấy lại được địa vị sau hàng chục năm. Cho nên, phải làm thế nào để sự trừng phạt liên quan đến sự tồn vong của một doanh nghiệp phạm luật chứ không phải để biến phạt thành một quá trình hạch toán của doanh nghiệp và quá trình tăng cường nguồn thu của nhà nước.

Hỏi:Theo ông, đóng góp của ngành tài nguyên trong một nền kinh tế thế nào là hợp lý?

Trả lời:Nó đóng góp bao nhiêu là tuỳ thuộc vào nhu cầu, vào khả năng chiến lược, khả năng lâu dài của nguồn tài nguyên, tuỳ thuộc vào việc đánh giá cái địa vị tương lai của tài nguyên. Có những loại tài nguyên mà cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nó có thể không còn giá trị nữa thì phải khai thác nhanh. Nhưng với những tài nguyên có giá trị phát triển trong một tương lai phát triển công nghệ nào đó thì phải làm chậm quá trình khai thác lại. Vì thế cho nên Bộ Khoa học và Công nghệ mới có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ là phải xây dựng các biểu đồ diễn biến giá trị của tất cả các loại tài nguyên mà chúng ta có.

Hỏi:Ở các nước khác, người ta có làm được việc ấy không?

Trả lời: Người ta luôn luôn phỏng đoán. Toàn bộ các quá trình khoa học trên đời này là phỏng đoán. Chúng ta đòi hỏi nó chính xác thì không được, nhưng phỏng đoán để chính phủ có căn cứ xây dựng chiến lược vĩ mô cho mỗi loại tài nguyên thì phải làm. Chúng ta không có công cụ khoa học để chính phủ có thể xây dựng chiến lược vĩ mô dài hạn cho mỗi một loại tài nguyên, vì thế chúng ta khai thác một cách hú họa theo nhu cầu thị trường trước mắt mà không có chiến lược.

Hỏi:Ông có nói rằng chưa bao giờ chúng ta khai thác tài nguyên một cách rầm rộ như giai đoạn hiện nay, tức là so với thời thuộc địa vẫn là hơn?

Trả lời: Đúng. Chúng ta khai thác trên qui mô lớn hơn nhiều so với thời thực dân, vì nhu cầu phát triển của chúng ta nhanh hơn nhiều, lớn hơn nhiều so với thời kỳ thực dân. Thời thực dân chưa ai nghĩ rằng phải khai thác cái bể than dưới lòng sông Hồng. Trong tương lai nếu chúng ta làm việc ấy là chúng ta có thể phá hoại toàn bộ nền văn minh sông Hồng, nhưng chúng ta vẫn phải nghĩ. Trong quá trình đang suy nghĩ thì những anh mau mồm mau miệng lại nói ra và gieo vào trong xã hội tất cả những mối lo lắng không đáng có. Chúng ta chưa kịp chứng minh với xã hội là làm như thế có lợi gì, có hại gì và giải quyết cái hại ấy bằng cách nào, thì chúng ta reo vang là chúng ta tìm được bể than sông Hồng và chúng ta nói ngay đến kế hoạch khai thác nó. Tức là chúng ta nhìn tất cả các con mồi cùng một lúc và nói to về khát vọng vồ mồi cùng một lúc, mặc dù có khi trên thực tế chúng ta chưa làm. Việc đó gieo một nỗi lo lắng không cần thiết cho xã hội. Chúng ta phải nói rõ với mọi người rằng chúng ta sẽ thăm dò xem thế nào. Chúng ta phải làm thử, khai thác thử rồi chúng ta mới có kết luận xem nếu đốt rỗng ruột toàn bộ cái châu thổ này thì nó thành cái gì. Chúng ta không nói như thế. Chúng ta chỉ nói đấy là một nguồn lợi, mà đã là một nguồn lợi thì lắm người nhòm ngó và người dân sẽ cảm thấy lo ngại. Hàng trăm, hàng nghìn suy đoán sẽ tạo ra sự phân vân, sự rối loạn không cần thiết.

Hỏi:Theo ông có cần xây dựng một chiến lược tài nguyên trong đó có tính đến cả chiến lược của các nước khác?

Trả lời: Tất cả các nền kinh tế thành công đều được xây dựng trên cơ sở đánh giá chiến lược của các thị trường liên quan. Mặc dù đến năm 1995, chính phủ Hoa Kỳ mới dỡ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường, nhưng ngày từ năm 1985, nhiều công ty của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để nghiên cứu rồi. Năm 1987 tôi có làm việc với Citibank để nghiên cứu hợp tác với Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng luật cho các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ông Cao Sĩ Kiêm có hỏi Phó Chủ tịch Ngân hàng Citibank là tại sao ông lại quan tâm đến Luật Ngân hàng Việt Nam. Ông ta trả lời rằng: "Trong thế giới hiện đại, bất kỳ bộ luật nào tương tự như thế này đều là ngôi nhà chung của tất cả các nhà kinh doanh, trong đó có chúng tôi. Chúng tôi quan tâm đến Luật Ngân hàng Việt Nam như là quan tâm đến việc thiết kế ngôi nhà mà chúng tôi sẽ sinh sống ở đó". Các quốc gia không chỉ quan tâm mà còn tham gia vào quá trình thiết kế các chương trình vĩ mô cho các loại hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ của quốc gia khác.

Hỏi:Xét trên phương diện địa kinh tế của Việt Nam thì theo ông tài nguyên nào nên được chú ý trong dài hạn?

Trả lời: Có ba thứ nổi bật: dầu khí, đất đai và nước. Có một loại tài nguyên nữa là tài nguyên biển thì chúng ta đang có tranh chấp và phải nói rằng tiềm năng của lực lượng vũ trang của chúng ta chưa đủ mạnh để chúng ta có thể khai thác mà vẫn bảo vệ được sự yên ổn. Cho nên việc khai thác tài nguyên biển có lẽ phải đi chậm hơn và phải dựa trên cơ sở đánh giá chiến lược tài nguyên biển của các quốc gia lân cận. Đấy là loại tài nguyên có chất lượng đa quốc gia. Những loại tài nguyên như vậy buộc phải có chiến lược khai thác dựa trên chính sách đối ngoại và dựa trên sự đánh giá cả các chính sách đối ngoại của các quốc gia khác. Mỗi một loại tài nguyên phải có những chương trình khác nhau. Tài nguyên đất đai thì liên quan đến an ninh quốc phòng, liên quan đến lãnh thổ, đến sự cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp. Gần đây tôi có đọc một bài viết rằng vấn đề lương thực trở thành vấn đề chính trị của thế kỷ XXI, bởi vì vào những năm 40 của thế kỷ này, thế giới sẽ thiếu lương thực. Do sự khô hạn do sự dâng lên của mực nước biển thì diện tích canh tác toàn cầu sẽ co lại và do đó lương thực trở thành vấn đề chiến lược toàn cầu. Cho nên trong cân đối tài nguyên đất đai, đối với trong nước thì chúng ta phải cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, cân đối khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị; đối với quốc tế thì chúng ta phải tính đến tình trạng khan hiếm lương thực của thế kỷ. Tài nguyên nước cũng là tài nguyên đa quốc gia, nó liên quan đến các quốc gia thượng nguồn, cho nên phải có chiến lược khôn khéo gắn chặt với chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại không đủ sáng suốt, không đủ cương quyết, không đủ kinh nghiệm thì loại tài nguyên ấy sẽ trở thành tài nguyên phụ thuộc. Khi chúng ta trở thành nước phụ thuộc quốc tế về tài nguyên thì chúng ta sẽ dần dần trở thành quốc gia phụ thuộc, thậm chí dưới phụ thuộc. Ngay cả tài nguyên dầu khí cũng có tranh chấp. Nhìn chung, những tài nguyên có tính chất chiến lược đều vướng phải vấn đề đa quốc gia. Tài nguyên nước và tài nguyên dầu khí vướng một cách trực tiếp, còn tài nguyên đất đai thì vướng một cách gián tiếp vào vấn đề cân đối toàn cầu về tình trạng lương thực trong thế kỷ XXI. Cho nên, mọi tài nguyên có chất lượng chiến lược đều lệ thuộc vào chính sách đối ngoại, lệ thuộc vào tầm nhìn.

Qua các bạn, tôi đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nên có một phác đồ mô tả toàn bộ diễn biến về giá trị kinh tế của tất cả các tài nguyên mà Việt Nam có để làm nền tảng cho chính phủ của chúng ta xây dựng chính sách vĩ mô một cách ổn định đối với mỗi một loại tài nguyên. Cái mà chúng ta có hiện nay mới chỉ là đánh giá thị trường, đánh giá sự dao động giá cả của các nguyên liệu trong ngắn hạn. Chúng ta không phỏng đoán được trong một quá trình 50 năm thì giá nguyên liệu ấy dao động thế nào, địa vị công nghiệp của từng loại nguyên liệu là như thế nào. Xây dựng chiến lược bán hàng 100 năm khác với xây dựng chiến lược 100 năm cho quá trình khai thác một loại tài nguyên.

Hỏi:Ở những nền kinh tế từng phải xuất khẩu tài nguyên do thiếu vốn, người ta thoát khỏi tình trạng đó như thế nào?

Trả lời:Phát triển khoa học công nghệ để tăng cường năng lực sản xuất ở trong nước và gia tăng giá trị của sản phẩm có nguồn gốc tài nguyên để xuất đi, đó là chiến lược của các quốc gia để ra khỏi tình trạng bán tài nguyên thô.

Hỏi:Trường hợp Việt Nam đòi hỏi một chiến lược bảo toàn tài nguyên là rất khó, vì chúng ta buộc lòng phải xuất khẩu. Trong dự thảo luật tài nguyên, có nhiều ý kiến đề nghị không xuất khẩu nữa để bảo tồn tài nguyên. Theo ông có thể thực hiện điều đó không?

Trả lời:Mỗi một nhà khoa học hay mỗi một đại biểu quốc hội cứ phát biểu quan điểm của họ, chính phủ buộc phải có một cơ quan tổng hợp tất cả các ý kiến ấy để xây dựng thành hệ thống lý luận cho mỗi một loại tài nguyên, trong đó có cái phác đồ mà tôi nói. Chính phủ không thể dựa vào ý kiến của người này, người kia một cách trực tiếp được. Không chính phủ nào làm chuyện ấy cả. Cái việc mỗi một người nói là chính phủ phải nghe là việc rất vô lý. Thủ tướng không trở thành ôsin của các ý kiến cụ thể được. Nhà nước không trở thành công ty dịch vụ nghe lời được. Tất cả các đòi hỏi phải đi qua con đường khái quát hoá để trở thành nguyên lý chỉ đạo quá trình xây dựng chính sách vĩ mô trên mỗi một loại tài nguyên và nằm trong một chiến lược tổng thể về xuất khẩu tài nguyên. Cấm xuất khẩu tài nguyên thô là một cách nói thể hiện một nguyện vọng, một lý tưởng cao cả, nhưng có lẽ rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay của đất nước chúng ta.

Hỏi: Theo quan sát của ông, trên thế giới có nước nào gần giống chúng ta có kinh nghiệm về bảo vệ tài nguyên không?

Trả lời: Chúng ta không học được kinh nghiệm của ai cả, vì mỗi quốc gia có giá trị, có địa vị rất khác nhau, có đặc điểm địa chính trị, địa kinh tế khác nhau, có lịch sử khác nhau, có lực lượng sản xuất, lực lượng khoa học, lực lượng trí thức, lực lượng chính trị rất khác nhau. Tài nguyên bao giờ cũng là tài sản chung của xã hội, "ông" đi qua, "bà" đi lại đều có ý kiến cả, và đấy là những "ông", "bà" rất khác nhau ở mỗi một quốc gia, vì thế cho nên sự than phiền, sự kêu ca, chỉ trích của mỗi xã hội rất khác nhau đối với mỗi chính phủ. Cho nên, người Việt Nam phải tự xử lý vấn đề của mình mà không nên học ai cả.

Hỏi: Trung Quốc là một quốc gia có nhu cầu khổng lồ về tài nguyên, họ cân đối nhu cầu ấy như thế nào?

Trả lời: Người Trung Quốc có đồng nào là mua tài nguyên để dành. Mua tài nguyên thô về đổ thành từng bãi có lẽ chỉ có duy nhất người Trung Quốc làm. Có nhiều nước người ta mua từng loại tài nguyên để tích lũy, còn Trung Quốc thì mua thượng vàng, hạ cám. Có lẽ chính phủ Trung Quốc hỗn loạn trong chuyện này vì nhu cầu như hổ đói của nền sản xuất Trung Quốc. Nền sản xuất Trung Quốc là một trong những nền sản xuất phi tiết kiệm nhất thế giới. Biến tất cả mọi thứ thành sản phẩm rẻ tiền. Do đó, nó không chỉ là con hổ đói về qui mô sản xuất mà còn là con hổ đói về qui mô lãng phí tài nguyên. Và chúng ta cũng phải đối mặt với Trung Quốc về chuyện đó. Tuy nhiên, những cái đó cũng dần dần ít đi, lý do là khoa học và công nghệ phát triển lên thì Trung Quốc sẽ ra khỏi tình trạng lãng phí. Cùng với sự cân bằng của thế giới thì Trung Quốc hiểu được rằng dần dần phải ra khỏi cái tham vọng trở thành kẻ cung ứng mọi thứ. Để nhận ra sự không chừng mực thì Trung Quốc phải đủ từng trải. Hiện nay Trung Quốc chưa đủ từng trải để rút ra kinh nghiệm.

Hỏi:Theo ông trong chiến lược tài nguyên, chúng ta có cần phải tính đến các ràng buộc quốc tế?

Trả lời: Sự tác động của luật pháp quốc tế lên chất lượng của đòi hỏi của chúng ta đối với sự khai thác là đương nhiên và càng ngày càng chặt chẽ. Chúng ta phải tính đến chuyện ấy. Chúng ta không thể trở thành quốc gia chống lại WTO được. Xét về mặt lý thuyết, chúng ta là quốc gia phụ thuộc vào các trào lưu chính ở trên thế giới. Cho nên, chính sách vĩ mô của chúng ta phải hoạch định trên cơ sở nhận thức được địa vị yếu và lệ thuộc của mình đối với các chính sách toàn cầu. Chúng ta gân cổ lên để chứng tỏ chúng ta độc lập, chúng ta bất cần, chúng ta chấp tất là chúng ta chết. Đôi khi chính phủ của chúng ta làm một đằng nhưng trong thâm tâm có thể hiểu một nẻo vì họ cũng không ngốc. Chúng ta phải chấp nhận tình trạng nói một đằng làm một nẻo thôi, bởi vì đấy là cái khó thật sự của những người cầm quyền. Giữa tình trạng dân trí hiện nay với tình trạng đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao của cộng đồng thương mại quốc tế, nhiều khi chính phủ không nói thật được. Đó là thực tế mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Chúng ta không bắt chính phủ phải minh bạch mọi chuyện được, nhưng chính phủ phải minh bạch trong tất cả những vấn đề mà chính phủ có thể minh bạch được.

Hỏi:Có lối thoát nào cho Việt Nam trong hoàn cảnh của một nước nhỏ, quỹ tài nguyên hẹp và phụ thuộc, nền sản xuất thiếu vốn mà lại kẹt giữa rất nhiều trào lưu quốc tế, ràng buộc quốc tế?

Trả lời: Phần lớn các quốc gia trên thế giới này là quốc gia bé. Vì chúng ta nghĩ chúng ta là quốc gia lớn nên chúng ta mới khó, còn nếu chúng ta nghĩ chúng ta bé như mọi người thì mọi người sống thế nào chúng ta cũng sống thế. Đại sứ Nhật bản hơn chục năm trước có nói với tôi một câu thế này "Việt Nam không phải là một nước lớn nhưng không nhất thiết phải là nước bé". Câu nói ấy rất hay. Anh phải nhận thức được mình lớn trong lĩnh vực nào và bé trong lĩnh vực nào. Nhận thức về kích thước, qui mô của quốc gia mình trong từng vấn đề của đời sống quốc tế là một trong những việc thể hiện trí thông minh quan trọng nhất của nhà chính trị. Ông Đại sứ không nói với tôi như thế, nhưng tôi suy luận như thế.

Hỏi:Một mặt khác trong chiến lược tài nguyên là phát triển tài nguyên. Theo ông cần phải phát triển tài nguyên như thế nào?

Trả lời:Có nhiều tài nguyên có thể phát triển được. Đất đai canh tác là một loại tài nguyên có thể phát triển bằng cách cải tạo đất. Khai thác một cách hiệu quả tài nguyên nước cũng là phát triển tài nguyên. Đầu tranh mở rộng lãnh hải một cách hợp lý để khai thác tài nguyên biển là một cách phát triển. Khai thác một cách hợp lý và sâu sắc các loại quặng thiên nhiên cũng là một cách phát triển. Người Trung Quốc khai thác đá và biến nó thành con rồng, biến thành tượng Thích Ca mang bán cũng là một loại phát triển. Phát triển những phương thức sử dụng tài nguyên một cách có giá trị nhất là một cách phát triển. Phát triển về mặt số lượng một số tài nguyên nào đó, phát triển độ sâu sắc trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên cũng là những khía cạnh phát triển quan trọng.

Hỏi:Theo ông đánh giá thì lực lượng bảo vệ môi trường của chúng ta mỏng hơn lực lượng khai thác tài nguyên?

Trả lời:Kẻ khai thác là chủ động, kẻ bảo vệ là phòng thủ. Trong toàn bộ tiến trình phát triển của nhân loại thì kẻ bảo vệ môi trường luôn là kẻ phòng thủ. Đánh giá trên toàn cầu, chúng ta thấy duy nhất ở Đức đảng Xanh trở thành một bộ phận của Nội các. Trên thế giới chưa có đảng Xanh nào cầm quyền cả, duy nhất chỉ có ở thời kỳ của thủ tường Gerhard Schroeder ở Đức mà thôi. Điều ấy phản ánh một thực tế là vấn đề phản ứng trước sự tàn phá môi trường chưa phải là một vấn đề chính trị rõ rệt trong con mắt của mọi nhà cầm quyền trên thế giới.

Hỏi:Luật môi trường của chúng ta hình như cũng có nhắc đến vấn đề xanh hoá?

Trả lời:Chúng ta dùng chữ rất hay, chúng ta có nhiều thứ hoá như thế, nhưng chúng ta phải hoá nó thành sự thật, thành lực lượng, thành sự chú ý chính trị có tính chất sống còn đối với sự phát triển đất nước của đối tượng quan trọng nhất trong điều hành đất nước là chính phủ. Khi nào vấn đề môi trường trở thành vấn đề thu hút sự chú ý chiến lược của chính phủ thì lúc bấy giờ chúng ta mới có cơ hội có thông tin để nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này. Hiện nay chúng ta chưa có, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là phỏng đoán thôi.

Hỏi:Hiện nay xuất hiện những công ty kiểm toán xã hội, họ có nhiệm vụ kiểm định xem các sản phẩm có sử dụng lao động trẻ em không, có đảm bảo an toàn trong quá trình lao động không, có sạch sẽ không, có đảm bảo về mặt môi trường không. Họ nói rằng làm việc ở Việt Nam rất khó vì người tiêu dùng không có ý thức, cho nên họ chỉ làm được cho các công ty nước ngoài.

Trả lời: Nhiều việc ở Việt Nam làm là để rút kinh nghiệm chứ không có giá trị thực tiễn. Chính vì thế, theo cách đánh giá ấy mà chính phủ cũng không đầu tư sự chú ý của mình vào những khía cạnh như vậy. Nhưng nếu chính phủ chú ý đến những khía cạnh như vậy thì sẽ lôi kéo sự chú ý của xã hội, của dư luận. Trong một nền kinh tế như Việt Nam, trong một trình độ phát triển như Việt Nam, chính phủ là lực lượng tiên phong của sự phát triển. Và tính tiên phong của sự phát triển của chính phủ được thể hiện ở chất lượng của các chính sách vĩ mô và chất lượng của sự thưởng và phạt đối với những vấn đề chiến lược cần phải tạo ra sự cân đối.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sân golf và bài toán yên dân

    20/09/2014Nguyễn Trần Bạt“Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích, dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì là yếu tố thích hợp cho Việt Nam.”
  • Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam

    09/06/2014Vũ Hồng LâmTài nguyên địa chính trị là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này...
  • Đừng lãng phí tài nguyên đất

    21/01/2009Nguyễn ChiếnCuộc khủng hoảng lương thực trong năm 2008 cho thấy, thế giới đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, trong đó nông nghiệp được chú trọng hơn sau nhiều thế kỷ bị đứng sau sự ưu tiên cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.
  • Phát triển xã hội bền vững và hài hòa những vấn đề lý luận và thực tiễn chủ yếu hiện nay

    15/06/2007Lương Đình HảiTrong bài viết này, tác giảđã luận chứng để làmrõ rằng, phát triển xã hội bền vững và hài hoà là một xu hướng tấtyếu, khách quan của thời đại. Phát triển bền vững không thể dựa trên khuôn mẫu tư duy cũ, các quan niệm và giá trịcũ, nó đòi hỏi phảicó tưduy mới, khoahọc hơn, nghĩalà cần có một thế giới quan triếthọc mới. Theo tác giả, vấnđề cấp thiết, đặc biệt quan trọng đặt ra hiện nay không chỉ là giữ gìn,bảo vệ, mà cònlà cải thiện môi trường sinh thái.Do vậy,nội dung của quan niệm phát triển xã hội bền vững và hài hoà phảibao gồm tăng trưởng kinh tế, hiệnđại hóa hay phát triển xã hội gắn với việc giữ gìn,bảo vệ và cải thiện môi trường.
  • Đất đai: Tài nguyên hay tài sản?

    26/11/2005Tường AnhỞ ta, cho đến nay, có lẽ chưa có một lĩnh vực nào xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, xung đột như lĩnh vực đất đai. Cũng chưa có đạo luật nào bổ sung, sửa đổi lại tốn nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi như Luật Đất đai...