Nhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời

06:42 CH @ Thứ Sáu - 26 Tháng Chín, 2008

Nửa thế kỷ cầm bút, ở thời nào Nguyễn Khải cũng có người đọc của mình. Những ngày nông thôn miền Bắc đổi thay trước cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông có Xung đột (1957), Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963).

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nhà văn quân đội Nguyễn Khải cho ra đời Họ sống và chiến đấu (1966), Đường trong mây (1970), Ra đảo (1970), Chiến sĩ (1973)… Đất nước thống nhất, ông lại có ngay Cha và con, và… (1979), Gặp gỡ cuối năm (1982), Thời gian của người(1985)… Công cuộc đổi mới vừa được mở ra, con người xông xáo và tỉnh táo nơi ông đã thao thức với Một cõi nhân gian bé tí (1989), Một thời gió bụi (1993), Hà Nội trong mắt tôi (1995)…

Gần đây nhất, năm 2003, ông nhà văn tuổi 73 lại làm người đọc trăn trở, day dứt và kinh ngạc với Thượng đế thì cười. Viết về cái hôm nay, về cái đang diễn ra đã thật sự là một thế mạnh của Nguyễn Khải, đó cũng là lý do để chúng tôi tìm ông, lắng nghe từ ông một cuộc trò chuyện tâm huyết.

* Nếu người ta gọi ông là nhà văn thời sự, thì ông buồn hay vui?

- Cũng chả có gì để buồn hay vui. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện của mỗi chuyến đi, mắt nhìn tai nghe việc này việc kia, tự mình đôi lúc cũng bốc lên tham gia tranh cãi, chính là vào cái lúc ấy tôi bất chợt nhận ra một mẫu người vốn kiếm tìm, những ý tưởng từng nung nấu, nhiều cốt truyện bị bỏ quên, và cả một cách kết cấu rất mới lạ... Tất cả đều được đánh thức trong cùng một lúc, ám ảnh trong nhiều ngày, cho tới lúc viết ra những trang bản thảo đầu tiên. “Thời sự”, như thế với tôi có nghĩa là một cơ hội có sức kích thích nhiều vùng ký ức trở nên sống động, lóe sáng.

* Nhưng, thời sự hình như không mấy tương đồng với sức sống lâu dài của một tác phẩm. Chủ quan mình, ông nghĩ tác phẩm nào của mình sẽ có được cái lâu dài ấy?

- Nhiều tác phẩm hay đã được bắt đầu từ những bức xúc rất nhỏ của một chuyện “hôm nay”, của cái “bây giờ” nhưng vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc xúc động. Vì nó đã đụng chạm tới thân phận con người, tới những thăng trầm của nhiều kiếp người. Phần mình, tôi nghĩ Một cõi nhân gian bé tí, Cha và con, và..., Điều tra về một cái chết cùng một số truyện ngắn của tôi có được cái thân phận ấy của con người.

* Nhìn và thấy, hiểu và viết những chuyển động của xã hội, có người bảo rằng Nguyễn Khải không đi thì không viết được. Hình như đó là câu nói đùa?

- Thật đấy chứ. Nếu không đi, chỉ ngồi tĩnh lặng mà nhớ lại thì nhạt lắm. Ngay cả khi viết về cái xa xưa cũng cần có tia nháng lửa của hôm nay, cái xôn xao của bây giờ. Không đi, những tháng ngày nhàn rỗi ngồi nhà tôi ưa đọc sách, gặp bạn tán gẫu hoặc ngủ, cái khả năng sáng tạo hầu như chết hẳn.

* Trong một vài tác phẩm của ông, người đọc thấy ông đã đi nhưng không phải lúc nào ông cũng đi đến cùng. Nếu nói đến sự nửa vời, sự dè dặt, ông có nghĩ điều đó đúng với mình không?

- Một nhà văn như tôi quan niệm phải có một hệ tư tưởng triết học riêng, có một thế giới quan riêng, từ đó anh ta sẽ xây dựng cái thế giới nghệ thuật của mình với một hệ thống nhân vật, tư tưởng, ngôn ngữ và cách kết cấu của riêng mình. Họ sẽ đi đến cùng trong cái thế giới nghệ thuật của mình, trong niềm tin không thay đổi của mình. Còn họ đúng hay sai, cái sự nghiệp văn chương của họ là tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc sự đánh giá của bạn đọc ở mỗi thời. Như Dostoievski, Kafka, như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài...

Còn tôi, tôi chả có cái gì là riêng cả, tôi đâu có quyền tự do lựa chọn. Cái tôi đang có chỉ là một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có. Mọi người đều bằng lòng với những cái đang có, đều cảm thấy đầy đủ với những cái đang có, chả lẽ tôi lại nói là tôi không bằng lòng. Vậy tôi muốn cái gì, muốn đi tới đâu, muốn xây dựng hay muốn phá hoại?

Chính tôi cũng không thể tự trả lời được là tôi đang muốn cái gì - cũng do tuổi già nên tôi nhìn mọi sự không còn được sáng rõ như những năm còn trẻ. Nên tự nhủ, cái gì đã nhìn chưa rõ thì chớ có đặt bút viết. Sự cẩn thận ấy với tôi đã là một thói quen. Tôi là người của một thời mà. Thời thế cho tôi cũng nhiều mà lấy đi cũng không ít, có được có mất cũng là lẽ công bằng.

* Nhìn và ngắm chuyện của Trung Quốc, các tác phẩm điểm tận mặt kẻ tham nhũng, vạch những thủ đoạn tham những, chỉ cặn kẽ sự cấu kết giữa các quyền lực kinh tế và chính trị… ông có giật mình không?

- Chẳng có gì để giật mình, họ được phép mà. Cách mạng văn hóa có những việc làm quá khác thường, thế mà lúc đó có ai dám nói gì đâu. Vì họ không được phép. Còn bây giờ, Trung Quốc mạnh rồi, và có những mục tiêu cao xa, tham nhũng cũng như nhiều chuyện khác đang ngáng trở mục tiêu đó nên người ta phải cương quyết đè bẹp thôi.

* Để dựng nên những tác phẩm như thế, có lẽ không cần một tài năng lớn, nhưng cần rất nhiều sự hiểu biết và dũng khí. Ông nghĩ nhà văn VN mình có điều này không, khi ở VN tham nhũng cũng đang là một quốc nạn?

- Đúng là với nước ta, tham nhũng cũng là một quốc nạn, cái bệnh dịch này ngày càng nghiêm trọng, đã làm chết rất nhiều người, cả xã hội đều cảm thấy bất an và lo lắng. Đó cũng là một thị trường bí mật với đủ loại hàng hóa không được xác định, chỉ xuất hiện theo nhu cầu. Vẫn có mua và có bán, có mặc cả, có cạnh tranh và có cả những luật lệ nghiêm khắc với những kẻ nào dám vi phạm hợp đồng.

Tham nhũng sinh ra từ lòng tham của con người, từ những cặn bã đầy độc tố ở mỗi người nên rất dễ bị lây nhiễm ngay cả với người có trách nhiệm chống lại nó. Muốn đẩy lùi nó phải có thời gian và hãy bắt đầu bằng sự nghiêm minh của pháp luật và sự lên án quyết liệt, mạnh mẽ không một lúc nào được buông lơi của công luận. Theo tôi, các nhà báo nhà văn nước ta có đủ tài, đủ cả dũng khí để gánh vác trách nhiệm này.

Nhưng tôi lại nghĩ chỉ với cái dũng khí lẻ loi của người cầm bút thì vẫn chưa đủ. Còn phải được sự ủng hộ, bảo vệ công khai của Nhà nước đối với các chiến sĩ ấy. Tham nhũng là một hình thức kinh doanh đặc thù của những người có quyền lực. Mà đã đụng chạm tới quyền lực, nhất là ở phía tối của nó thì hãy coi chừng.

* Còn quyền công dân của nhà văn, ông nghĩ thế nào?

- Vì chị hỏi tôi mới chợt nhớ là tôi cũng có một cái quyền nào đó. Trong nhiều chục năm tôi chỉ biết có những nghĩa vụ mà thôi, nghĩa vụ đảng viên, nghĩa vụ quân nhân, nghĩa vụ nhà văn vô sản, nhà văn cách mạng... Trong gia đình tôi cũng không có quyền mà chỉ có nghĩa vụ làm chồng, làm cha, làm không đầy đủ người ta cũng có quyền trách mắng mình.

Lâu dần thành quen, không mấy khi nghĩ đến cái quyền phải có của mình. Tác phẩm viết xong in trên tạp chí thì được, nhưng in thành sách lại không được phát hành. Cũng chả có cơ quan nào, người nào nói với mình vì sao sách bị cấm, đã vi phạm vào điều luật nào của Luật xuất bản nên phải cấm. Chả lẽ tôi muốn mua vui bạn đọc bằng cách tự giễu cũng là phạm luật...

Nghĩ thế thôi chứ tôi chả tức giận tí nào và cũng không hỏi han bất cứ ai, oán trách bất cứ ai. Một năm sau, nhà xuất bản bảo tôi nên sửa mấy chỗ, sửa ít thôi, thì sách lại được phát hành. Tôi sửa liền, chả làm mình làm mẩy gì vì văn của tôi có xé bỏ cả chục trang cũng chả sao! Mọi việc lại vui vẻ, tôi cũng vui vẻ, nhưng có mấy người bạn của tôi lại lấy làm giận vì tôi đã không biết bảo vệ cái quyền chính đáng của mình.

Nói cho thật, trước sau tôi chỉ bảo vệ có cái quyền được viết của tôi thôi, cuốn này bị cấm thì bỏ đi viết cuốn khác, lại được thêm một đầu sách chứ không mất đi một đầu sách. Vả lại, phàm những gì đã được viết ra thì làm sao mà mất được. Tất nhiên cái cách tính toán ấy là rất ích kỷ, rất lạc hậu của một thời đã qua. Còn thời bây giờ là thời của tự do và dân chủ, các bạn trẻ của tôi đã có những cách ứng xử khác về cái quyền của mình, minh bạch, rạch ròi và rất đúng luật.

* Có bao giờ ông ân hận hay tiếc nuối vì những gì mình đã viết, và chưa viết?

(Với câu hỏi này, nhà văn Nguyễn Khải im lặng. Ông không trả lời. Sợ làm phiền ông, cũng ngại đụng đến một nỗi niềm nào đó mà ông chưa muốn tỏ bày, tôi gấp cuốn sổ ghi chép lại...).

Nguồn:Tuổi trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi

    24/08/2009Nhà văn Nguyên NgọcTrước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa...