Nguyễn Khắc Viện và những tư tưởng canh tân đất nước
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 -1997) là một bác sĩ, một nhà văn, nhà báo, nhà sử học, triết học có tầm cỡ quốc tế...
Sinh thời, ông thích hơn cả là danh xưng sĩ phu, một sĩ phu hiện đại với những cống hiến canh tân đất nước. Kỷ niệm 20 năm Ngày mất của ông (10/5/1997 – 10/5/2017) hãy cùng nhìn lại giá trị của những tư tưởng đó.
Nguyễn Khắc Viện là người như thế nào?
Trước khi đến với những tư tưởng đổi mới của ông, cần hiểu ông là con người như thế nào.
Từ nhỏ, Nguyễn Khắc Viện đã có một lòng thương người, đặc biệt là tình thương con trẻ nên ông chọn nghề y, trong nghề y chọn Nhi khoa là ngành học khó nhất. Ông đã phấn đấu học giỏi, có bằng Bác sĩ Nội trú những mong về giúp trẻ em khốn khổ vì bệnh tật ở quê hương. Song chính ông lại mắc vào chứng nan y, phải mổ tới 7 lần, cắt 8 xương sườn, hơn một lá phổi. Và ở đây, ông đã nêu một tấm gương vượt lên số phận, chứng minh khả năng kỳ diệu của con người: Y học Pháp tiên lượng ông chỉ sống được vài năm; vậy mà ông đã tập luyện để sống đến 84 tuổi trong điều kiện thiếu thốn của Việt Nam! Từ đó, ông đưa ra một định nghĩa về sức khỏe đáng chú ý: Sức khỏe tốt là khả năng thích nghi cao với hoàn cảnh và môi trường. Nguyễn Khắc Viện xuất dương năm 1937. 26 năm ở Pháp, ông nghiên cứu thêm, chính trị học, sử học, triết học và đến với Chủ nghĩa Mác, tham gia Đảng Cộng sản Pháp năm 1949. Ông tham gia tích cực và trở thành Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp. Năm 1963 về nước và cống hiến toàn bộ đời mình cho sự nghiệp thông tin đối ngoại, quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bên chiếc máy chữ không rời của mình lúc sinh thời.
.
Về kiến thức, Nguyễn Khắc Viện được nhà sử học Pháp Charles Fourniau, Thường trú báo Nhân đạo ở Việt Nam đánh giá: “Ngay từ những phút đầu tiên, tôi nhận ra ngay đây sẽ là bậc thầy của tôi. Và ông mãi là bậc thầy của tôi… Vốn văn hóa của ông, hay nói đúng ra là các vốn văn hóa của ông, bởi lẽ ông có đến ba vốn văn hóa Việt Nam, Trung Hoa và Pháp… quả thật dường như là vô hạn”. Viện Hàn lâm Pháp đánh giá ông bằng Giải thưởng Lớn về Pháp ngữ (Grand Prix de la Francophonie).
Về truyền thống, ông có người cha là Nguyễn Khắc Niêm, đậu Hoàng giáp, làm quan nhưng yêu nước, thương dân. Hồi làm án sát Nghệ An, ông đã góp phần làm nhẹ tội cho Tôn Quang Phiệt; cùng Phạm Liệu can thiệp để Nguyễn Xiển và một số học sinh học giỏi ở Xứ Nghệ có học bổng đi học ở Pháp. Năm 1907, khi đỗ đại khoa, ông đã dâng lên vua Thành Thái kế sách làm cho đất nước tránh tai họa, gọi là Tứ tôn châm: Tôn tộc đại quy, Tôn lộc đại nguy, Tôn tài đại thịnh, Tôn nịnh đại suy (Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp, Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan, Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh, Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong).
Về tầm nhìn, Nguyễn Khắc Viện có thể coi là người đến từ tương lai, khi từng sống ở xã hội đã phát triển hơn Việt Nam hàng trăm năm.
Nguyễn Khắc Viện và những tư tưởngphát triển đất nước
Từ vốn sống, vốn chính trị và vốn văn hóa của mình, Nguyễn Khắc Viện đã hình thành nên một tư tưởng và phương châm hành động rất rõ ràng.
Đó là mọi con người đều phải hướng về dân tộc. Mỗi dân tộc, trước hết phải có tự do, độc lập. Có tự do, độc lập, cần phải xây dựng xã hội dân chủ, tức là mỗi người dân phải được thật sự làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng mọi quyền tự do. Và cuối cùng, bất cứ Đông hay Tây, bất cứ danh xưng nào, xã hội văn minh là xã hội hướng đến phục vụ con người, vì sự nhân văn và dựa trên nền tảng nhân văn mới phát triển bền vững được.
Vì vậy, cuộc đời ông chặng đầu là phấn đấu cho độc lập tự do của dân tộc. Chặng thứ hai là phấn đấu cho dân chủ. Chặng thứ ba là hoạt động nhân văn.
Kể từ năm 1978 cho đến cuối đờì, ông đã viết hàng trăm bài báo, 30 bản kiến nghị gửi lên T.Ư Đảng và Quốc hội. Cùng với những trí thức, đảng viên tiến bộ, cùng với sáng tạo của Nhân dân; nhiều ý kiến của Nguyễn Khắc Viện đã được tiếp thu để làm nên sự nghiệp Đổi mới; nhiều ý kiến của ông còn là sự phấn đấu trong tương lai. Có thể tóm tắt như sau:
1- Về con đường phát triển: Vượt lên chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, xây dựng xã hội dân chủ, kinh tế thị trường văn minh.
Năm 1963, khi mới về nước, Nguyễn Khắc Viện từng nói, đại ý: Nếu mở mắt ra, nước Việt Nam biến thành nước Pháp thì tôi theo, còn như phải đi 200 năm đầy máu và nước mắt để Việt Nam thành nước Pháp thì tôi không theo. Nghĩa là, ông hướng tới một con đường riêng của Việt Nam, tránh được sự dã man của chủ nghĩa tư bản, một con đường phát triển có tính chất vượt gộp, đi theo kinh tế thị trường văn minh, không tách khỏi dòng chung nhân loại. Ông đề ra công thức: “Quốc tế - Dân chủ - Khoa học”. Nếu để phát triển một cách tự nhiên, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, kiểm soát không tốt kinh tế thị trường, thì Việt Nam sẽ đi theo chủ nghĩa tư bản dã man. Cho nên, ông đã cảnh báo và kêu gọi thời kỳ sau 1975 là thời kỳ toàn dân phải thực hiện một cuộc kháng chiến mới để đẩy lùi những kẻ thù đi ngược lại lợi ích Nhân dân, chống lại sự cấu kết xấu xa giữa con buôn và quyền lực chính trị.
2- Về cơ chế, bộ máy: Thay đổi nhân sự một cách mạnh dạn để gây tín nhiệm.
Từ năm 1981, ông đã kiến nghị cải tổ lại bộ máy, cho đó là vấn đề sống còn. Quán tính của bộ máy ngày nay là do trước đây Đảng chưa có chính quyền, Đảng làm tất cả. Nhưng trước đây Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, ngày nay, sự gắn bó ấy đã khác; Đảng và chính quyền nhiều nơi vừa phình ra không cần thiết, vừa đặt mình trên dân.
Còn một cái thuộc về bản chất bộ máy. “Bất kỳ bộ máy nào – Nguyễn Khắc Viện viết – cũng tìm cách bảo vệ sự tồn tại nguyên vẹn của nó và có xu hướng phình ra, xem nguyên tắc bảo tồn cao hơn pháp luật. Cương vị trong bộ máy là tất cả đối với từng thành viên. Mất cương vị ấy thì cá nhân không còn giá trị gì nữa. Để bộ máy tồn tại và ngày càng có thanh thế, nghi thức, công thức, cấp bậc, thứ vị… được hết sức coi trọng”. Đề cập thực trạng, ông cho rằng: “Mọi việc đều nhân danh Đảng, nhưng phương thức lãnh đạo tập trung quan liêu làm cho trong thực tế quyền lực tập trung vào một nhóm, thậm chí một cá nhân, tạo nên tệ chuyên quyền, độc đoán cá nhân”; “Các đoàn thể hoạt động gò bó, công thức, hình thức, bị tước bỏ hết đặc thù của từng tổ chức… Quyền làm chủ của Nhân dân trong thực tế chỉ là hình thức”. Vì coi trọng tiêu chuẩn chung chung mà không đề cao phẩm chất, năng lực thực sự của con người, cộng thêm cán bộ được đề bạt do cấp trên quyết định, được lòng cấp trên là quyết định, nên trong bộ máy có rất nhiều cán bộ vừa kém năng lực, vừa kém phẩm chất; như dân gian thường nói “người tài bị loại hết từ vòng ngoài còn đâu”. Trong kiến nghị với Đại hội Đảng VI năm 1986, ông viết: “… Cán bộ lãnh đạo khi đã thiếu năng lực rất dễ sa vào bệnh lạm dụng quyền lực. Trước hết muốn cho cơ quan đơn vị, địa phương của mình có một bộ máy đông đảo gồm những người chỉ biết tuân lệnh; dễ sa vào công thức, nghi thức, chi tiêu vào lễ tiết nhiều hơn là vào công tác. Những cán bộ lãnh đạo như vậy khó mà tránh khỏi sự cám dỗ về vật chất. Không đủ năng lực mà vẫn giữ chức vụ quan trọng tất nhiên dẫn đến tệ báo cáo láo lên trên, trù dập những người trung thực bên dưới, rồi sa đọa vì hưởng thụ. Đã đến lúc phải đặt vấn đề thay thế hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, kể cả những người đã có một quá trình vẻ vang. Thay đổi nhân sự một cách mạnh dạn chính là một tín hiệu gây tín nhiệm…".
3- Nhận thức và đấu tranh cho dân chủ.
Dân chủ là nguyện vọng của mọi người (trừ những kẻ độc tài), là thành quả cuộc đấu tranh lâu dài của nhân loại. Nó không phải là xu thế riêng của cách mạng tư sản hay cách mạng XHCN. Mác từng đánh giá cao cách mạng tư sản Pháp. Không thể nói dân chủ tư sản là dân chủ giả hiệu mà chúng ta cần kế thừa thành tựu dân chủ đó. Như Bác Hồ đã viết trong Tuyên ngôn Độc lập.
Nguyễn Khắc Viện đã lấy cả sinh mệnh chính trị của mình để đấu tranh chống lại sự độc đoán, mất dân chủ. Có lần, về một địa phương, ông nghe Bí thư Tỉnh ủy chỉ chỗ này “Tôi sẽ đào kênh”, chỉ chỗ khác “Tôi sẽ di dân”, chỗ nào cũng dạ ran, khúm núm, không ai dám ho he, trái ý Bí thư. Cùng với những quan sát khác, trong Kiến nghị gửi Đại hội Đảng VII, ông viết: “Mỗi Bí thư Tỉnh ủy là một lãnh chúa”. Thế mà không biết từ đâu dậy lên một chiến dịch tuyên truyền chống Nguyễn Khắc Viện trên báo chí. Có báo thì nhận định ông mượn cớ tự do dân chủ để chống Đảng; có báo còn gọi ông là tên gián điệp ở Pháp về. Ông bị hạn chế hoạt động. Trong buổi gặp riêng Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nguyễn Khắc Viện hỏi thẳng: “Chuyện tôi gửi kiến nghị và chiến dịch chống tôi đúng hay sai? Cá nhân tôi chẳng thành vấn đề gì. Bây giờ tôi về hưu rồi, chẳng ai cách chức tôi nữa, tù tội thì chắc cũng không đến nỗi mà tôi cũng không sợ, sinh sống thì tôi không lo. Nhưng cần chú ý đến dư luận. Anh em trí thức trong nước cũng biết tên tuổi chúng tôi. Anh em Việt kiều đều biết tôi, mà anh em quốc tế cũng biết cả quá trình tôi đã tham gia cách mạng mấy chục năm chứ không phải mới đây. Người ta sẽ nghĩ như thế nào đây? Tôi là một người trí thức như thế, Đảng này là Đảng gì mà lại đối xử với tôi như thế”?
Với tinh thần thẳng thắn và đổi mới, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Đúng rồi, cái này ta phải nói cho sòng phẳng với nhau, phải thanh toán với nhau, không để chuyện này nhập nhằng trong Đảng nữa”. Và đồng chí đến thăm cơ sở tâm lý trẻ em của Nguyễn Khắc Viện, ca ngợi đóng góp của Nguyễn Khắc Viện. Tổng Bí thư không bao giờ ca ngợi một “tên gián điệp” hay một người nghi vấn chính trị, từ đó Nguyễn Khắc Viện được minh oan!
Quan điểm của Nguyễn Khắc Viện là dân chủ và khoa học có liên quan mật thiết với nhau; dân chủ tạo điều kiện cho khoa học phát triển; dân chủ và khoa học phát triển thì xã hội mới phát triển. Ông cho rằng, KHXH nước ta trong một thời gian dài cơ bản là minh họa cho đường lối, đó là nguyên nhân cho sự tự mãn, chủ quan, duy ý chí, thoát ly thực tế, sai lầm không dám phát hiện nên để sai lầm kéo dài dẫn đến tổn thất cho Nhân dân, cho cách mạng. Ông viết: “Có dân chủ mới có khoa học… Mọi ý kiến phải được kiểm nghiệm qua thực tế, qua trao đổi với người khác. Trong khoa học không ai trên dưới. Lấy mệnh lệnh giải quyết vấn đề khoa học là kiềm chế sự phát triển của khoa học… Lâu nay hệ thống thông tin chỉ có một chiều từ trên xuống… Ai có ý kiến khác thường bị chụp mũ nên không phát huy được trí tuệ tập thể”. Ông kiến nghị lãnh đạo cần nghe ba tiếng chuông: Nghe thông tin trong bộ máy cần cảnh giác loại thông tin “vừa lòng cấp trên” – đó là thông tin giả; Hết sức lắng nghe dư luận phản ứng của quần chúng; Lắng nghe ý kiến của các nhà KHXH chân chính vì KHXH thường có chiều sâu, phát hiện những chân lý mà kinh nghiệm và suy luận bình thường không nhận ra.
4- Bổ sung cho Chủ nghĩa Mác
Vào năm 80 tuổi, khi đã từng trải việc đời, Nguyễn Khắc Viện viết: “Tôi may mắn được học y khoa là môn khoa học thực nghiệm, lấy phương pháp thực nghiệm làm cơ bản. Rồi từ phương pháp thực nghiệm chuyển sang phương pháp nghiên cứu xã hội của Mác. Là một nhà KHXH, khoa học lịch sử, khoa học kinh tế, Mác đề ra phương pháp khoa học tôi hoàn toàn đồng ý. Và hiện nay dù có những sự đổ vỡ ở châu Âu, tôi vẫn suy nghĩ theo cách suy nghĩ của Mác. Tôi cũng thấy học thuyết Mác còn có những mặt thiếu như là mặt về Phương Đông, về việc tu luyện con người, đề cao cái chủ thể của con người. Đạo Lão và đạo Thiền nói rõ vấn đề này. Mặc dù thấm nhuần học thuyết Mác, tôi vẫn chấp nhận một số ý tưởng của đạo Lão, đạo Thiền”. Về tu thân, Nguyễn Khắc Viện cho rằng, công thức “tu thân, tề gia, trị quốc” của đạo Nho vẫn còn nguyên giá trị, rất có ích cho việc giáo dục, rèn luyện, bổ dụng cán bộ hiện nay. Một cán bộ thiếu sự tu thân, để việc nhà rối nát, làm sao có thể cai trị thiên hạ?
5- Niềm tin Nguyễn Khắc Viện.
Một niềm tin dựa trên tinh thần khoa học là niềm tin vững chắc nhất. Mặc dù thấy và mạnh mẽ lên án những lỗi, trong đó có lỗi hệ thống và các tiêu cực trong xã hội ta; Nguyễn Khắc Viện luôn tâm huyết với sự nghiệp của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không đồng tình với quan điểm đa đảng.
Và ông đặt niềm tin mãnh liệt vào CNXH, vào một thế giới đại đồng. Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều người bâng khuâng trước tương lai, ông khẳng định: “Bước vào những năm cuối của thế kỷ 20 này, khi mọi người đón chờ những triển vọng vô cùng tốt đẹp, mà cũng có thể xảy ra những tai họa tày trời, đứng trước bao nhiêu cảnh tượng tan hoang, nhiều người không khỏi phân vân: Phải chăng thế giới đại đồng, tự do, bình đẳng, bác ái là không tưởng? Riêng phần tôi, dù thời thế biến động xoay vần, mặc cho ai hoài nghi chế giễu, tôi vẫn hướng suy tư và mọi việc làm theo mơ ước ấy. Đó là đạo lý của lòng người từ thuở sơ khai”.
Niềm tin này giúp mỗi người tin yêu cuộc đời; là nguồn sức mạnh cổ vũ mọi người mạnh bước trên con đường lý tưởng.
Nguồn:Kinh tế và Đô thị
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015