Nguồn gốc đích thực tạo ra sự bất ổn trong ngành giáo dục?

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

   Lâu nay dư luận xã hội đã nói nhiều về sự quá tải, về dạy thêm, học thêm tràn lan ở trường phổ thông, mà vẫn không thay đổi được là bao! Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp can thiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lâu đã có thông tư quy định về dạy thêm và giờ đây có thêm lệnh cắt giảm nội dung tất cả các bộ môn, trung bình từ 15 đến 20%. Biện pháp này xem ra có vẻ kiên quyết và dứt khoát. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không thấy lạc quan, bởi vì đó chỉ là "liều thuốc hạ sốt" tức thời, chứ không thể trị khỏi được bệnh. Muốn trị khỏi bệnh phải tìm đúng nguyên nhân. Nguyên nhân quá tải theo ý chúng tôi không phải là ở khối lượng nội dung chương trình và sách giáo khoa.

   Trên góc độ lý luận dạy - học thì căn nguyên của bệnh quá tải này là ở phương pháp dạy - học mang tính áp đặt yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng trung bình đồng loạt, thống nhất lên toàn thể học sinh, mà không có phân biệt tăng giảm cho phù hợp với nhiều loại trình độ tiếp thu. Cho nên trên thực tế không phải chương trình hiện hành là quá tải nói chung. Nó chỉ quá tải đối với những loại trình độ học lực trung bình và yếu kém của học sinh nông thôn, còn đối với học sinh trung bình và khá giỏi ở thành phố thì thường là vừa sức. Nếu quả thực nội dung chương trình trong trường đã quá tải rồi thì sao gần như 100% học sinh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều đua nhau học thêm? Cho nên việc cắt giảm đồng loạt 20% chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh các địa phương trên đi học thêm nhiều hơn nữa mà thôi, chứ cái gánh nặng quá tải mà mọi người mong được giảm cho con em mình sẽ không giảm, trái lại có khi còn tăng. Vì vậy, đó không phải là nguyên nhân cơ bản, và chữa trị như vậy không thể xóa bỏ được tình trạng quá tải về học thêm tràn lan.

   Ngoài lý do nằm trong phương pháp dạy - học kể trên, theo chúng tôi nguyên nhân cơ bản, sâu xa và trực tiếp của những vấn đề nổi cộm ấy bắt nguồn từ sự tách rời giáo dục với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội đang chuyển mạnh sang cơ chế thị trường.

   Quá trình chuyển sang cơ chế thị trường trong những năm qua cũng là quá trình hình thành thị trường lao động trong cả nước trên mọi lĩnh vực. Hàng triệu thanh niên đến tuổi lao động không còn được Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội phân phối theo chỉ tiêu biên chế như trước nữa, mà họ phải được người sử dụng lao động (kể cả chân tay và trí óc) tuyển chọn kỹ càng về trình độ, tay nghề phù hợp với yêu cầu cạnh tranh có lợi cho họ. Về tổng thể trên bình diện vĩ mô ba nhân tố cơ bản có quan hệ "nhân quả" và liên hệ chặt chẽ với nhau, đó là: người sử dụng lao động, người cung cấp lao động, bản thân người lao động.

1- Những người sử dụng lao động hiện nay đòi hỏi số lượng, chất lượng hàng hóa lao động như thế nào?
   Người sử dụng lao động có yêu cầu số lượng và chất lượng ngày càng tăng là các doanh nghiệp ngoài nước, liên doanh và trong nước. Họ là những đơn vị tự chủ, tự hạch toán không có bao cấp hoặc đang bỏ bao cấp. Vì nhu cầu đổi mới công nghệ và quản lý để cạnh tranh tồn tại và phát triển, nên họ phải tuyển chọn nghiêm ngặt những giám đốc, kỹ sư và công nhân mới vào. Nếu là cán bộ quản lý, kỹ thuật, v.v. thì ngoài bằng đại học hoặc trung cấp còn phải biết tiếng Anh và sử dụng máy vi tính. Kể cả lao động trong các ngành dịch vụ, lao động phổ thông cũng cần có kiến thức nhất định.

   Nhu cầu lao động của người sử dụng là rất lớn và ngày càng tăng, nhưng lực lượng lao động có tay nghề mà họ cần thì rất nhiều, trong khi đó số người lao động phổ thông không nghề lại rất thừa.

2- Người cung cấp lao động đáp ứng số lượng, chất lượng hàng hóa lao động như thế nào?
   Trước hết là các trường đại học, cao đẳng đảm nhiệm cung ứng hầu hết lực lượng lao động cao cấp, kể cả các thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ sở sử dụng lao động. Nhìn chung về số lượng không thiếu nhưng về ngành nghề thì đang có vấn đề lớn là mất cân đối, không đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn nên có ngành thừa, ngành thiếu. Con số cử nhân phải làm không đúng ngành nghề đào tạo hoặc đang đợi việc phù hợp quá lớn, nhất là ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật.

   Các trường trung cấp kỹ thuật và dạy nghề trong thời gian qua không chuyển hướng kịp thời theo cơ chế thị trường, nên sản phẩm cho ra trường ít có người dùng, do đó đã bị giải thể hàng loạt. Đến nay thị trường lao động loại này đang khủng hoảng thiếu nghiêm trọng. Chỉ tiêu cung cấp lực lượng lao động có qua đào tạo tới cuối thế kỷ rõ ràng không đạt được 20% lực lượng lao động như yêu cầu đề ra.

  Ngay từ khi còn đang học phổ thông bản thân học sinh và đặc biệt là cha mẹ đã phải tính toán kỹ đến việc làm và thu nhập của nghề nghiệp lao động sau này. Ai cũng phải dựa vào khả năng của mình để tìm lấy con đường chắc chắn nhất để chóng tới đích. Nhưng các thông tin dự báo về thị trường lao động ở nước ta hầu như thiếu vắng, nếu có thì độ tin cậy cũng không cao. Cho nên việc học gì để sau này có việc làm, thu nhập hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn cá nhân và phán đoán chủ quan của học sinh, mà thực chất là của cha mẹ các em. Trong xã hội hiện nay, nhất là ở nông thôn, người ta cảm thấy mơ hồ rằng chỉ có tấm bằng đại học và cao đẳng mới bảo đảm tương đối chắc chắn cho họ có công ăn việc làm và thu nhập tương đối khá. Còn nghề nghiệp cán bộ trung cấp hoặc công nhân là thế nào và thu nhập ra sao họ đều không có những thông tin cụ thể. Họ chỉ cảm nhận rằng công việc lao động là nặng nhọc, thu nhập thì không cao, địa vị xã hội không có gì hấp dẫn. Đối với nông dân thì tâm lý phổ biến là cố gắng nuôi con ăn học để thoát cảnh vất vả, "chân lấm tay bùn" quanh năm. Họ cho con học trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông và bằng mọi cách cho con thoát ly khỏi ruộng đồng. Cái đích nghề nghiệp học sinh nông thôn hướng tới là học cho có bằng để đi làm cán bộ, cán bộ gì cũng được. Chỉ có học lên đại học và cao đẳng mới bảo đảm được nguyện vọng đó. Tâm lý xã hội này càng làm tăng sức ép đối với bậc đại học, cao đẳng.

  Tựu trung lại cả ba yếu tố trên đều cùng góp phần tạo nên một thị trường lao động cao cấp tương đối hấp dẫn cả bên cung lẫn bên cầu, làm cho người lao động loại này có hy vọng được bảo đảm việc làm, thu nhập tương đối cao và ổn định.

   Vậy là để hướng tới thị trường lao động cao cấp gần như duy nhất ấy bảo đảm một vị trí chắc chắn, mọi người trong xã hội, mà trước hết là học sinh và cha mẹ các em, đều phải ra sức đầu tư sức lực, tiền của vào "cuộc cạnh tranh" này ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Trong thực tế cuộc chạy đua đang diễn ra từ tiểu học theo chiều hướng càng đến gần đại học càng gay gắt và càng đầy gai góc. Họ nhẩm tính: các trường cao đẳng, đại học tuyển vào khoảng 2 vạn học sinh, nhưng lại có tới 20 vạn thí sinh, trong đó một nửa là những học sinh thi trượt năm trước được chuyên tâm ôn tập ba môn của kỳ thi. Như vậy là trung bình một chọi 10, nghĩa là trên thực tế muốn lọt vào được danh sách 200 sinh viên/2000 thí sinh của mỗi trường thì 200 sinh viên này phải vượt lên 1.800 sinh viên khác. Thật đáng sợ! Thử hỏi nếu 200 em này không nắm chắc chương trình phổ thông, không học thêm, không vào các lò luyện thi thì làm sao có thể thắng nổi hàng trăm hàng nghìn đối thủ, chưa kể là còn gặp không ít những người vẫn dùng các thủ đoạn gian dối, đút lót, giả mạo giấy tờ để giành lấy chỗ một cách bất hợp pháp.

  Ai cũng hiểu cái vốn liếng trong lớp, trong trường mới chỉ là cơ sở mà tất cả các bạn đều có, nên buộc phải học thêm, luyện thêm ở lớp này, lò nọ thì mới có thể thắng cuộc để chen lọt qua cổng trường đại học. Những sự chuẩn bị tích cực từ xa như vậy là hệ quả tất yếu của một thị trường lao động cao cấp đã hình thành. Cho nên các biện pháp hành chính cấm đoán học thêm, cắt giảm nội dung mà ngành giáo dục đã và đang áp dụng không thể giải quyết tận gốc vấn đề quá tải và dạy thêm, học thêm tràn lan. Bởi vì, thị trường lao động hấp dẫn duy nhất vẫn còn đấy. Các thị trường đầy tiềm năng khác thì lại chưa làm hài lòng được cả "người bán" lẫn "người mua". Cho nên, liệu pháp cơ bản nhất mà ngành giáo dục, và có lẽ phải toàn xã hội nữa nên làm là trực tiếp đồng bộ, cân đối tất cả các loại thị trường lao động từ thấp đến cao để hầu hết thanh niên đến tuổi lao động có được tay nghề nhất định, có cơ hội tiêu thụ được hàng hóa lao động. Nghĩa là họ được giải quyết tận gốc vấn đề việc làm và thu nhập phù hợp với khả năng trình độ của mình. Song thị trường lao động các loại chỉ có thể hình thành và phát triển khi ngành giáo dục và đào tạo gắn được các trường phổ thông, dạy nghề, đại học và trung học chuyên nghiệp với những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn cuộc sống tại địa phương, trong từng ngành và trên quy mô toàn quốc để thực hiện cho được sứ mệnh đào tạo nhân lực cho đất nước đang đổi mới . Phương châm xã hội hóa giáo dục không nên vận dụng quá thiên về việc động viên xã hội đóng góp tiền của để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, mà cần hướng trọng tâm vào sự liên kết giữa nhà trường với các cơ sở sử dụng lao động gần xa nhằm thu hút và phát huy mọi tiềm năng trí tuệ, kinh nghiệm sản xuất trong xã hội để tạo ra những sản phẩm đích thực của giáo dục - những con người lao động có tay nghề, sẵn sàng bước vào cuộc sống lập nghiệp và cống hiến.

  Mọi lý do biện minh cho những khó khăn khách quan không thể khắc phục được của những ai đó có thể là hợp lý và đúng đắn. Nhưng tất cả sẽ không thể đứng vững và trở thành không đúng trước sự thật : hết năm này qua năm khác thế hệ thanh niên lớn lên đều bị lôi cuốn vào một thị trường lao động nhỏ bé kia để giành giật lấy cơ hội mưu sinh, kiếm sống cho bản thân mà lãng quên cái lý tưởng cao cả là đem sức lao động của mình phục vụ Tổ quốc, làm cho đất nước phồn vinh. Không ít thanh niên trong số đó bị đẩy ra ngoài cuộc sống lao động sáng tạo và trở nên bơ vơ, thất vọng về tiền đồ; than trách gia đình, nhà trường, xã hội vì không đem lại cho họ cuộc sống lao động hữu ích .

   Để thực hiện nghiêm túc và triệt để nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã trao là đào tạo nhân lực (tức là lao động có tay nghề) cho đất nước, ngành giáo dục và đào tạo (nay có cả Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phải làm cho tất cả thanh niên thành thị cũng như nông thôn có trình độ văn hóa với một nghề nhất định, từ phổ thông cho đến chuyên sâu, làm cơ sở cho việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng lâu dài và liên tục. Nhà trường phải cung cấp cho thị trường lao động của toàn xã hội một nguồn lao động chất lượng, phong phú, đa dạng, đáp ứng được mọi trình độ, mọi yêu cầu cần thiết của tất cả các ngành nghề của xã hội hiện đại . Chỉ có thiết lập và mở rộng được nhiều thị trường lao động các loại cho người lao động và người sử dụng lao động mới giải tỏa được tâm lý đua chen, thấp thỏm cầu may vào một loại thị trường cao cấp duy nhất nêu trên, mới có thể giải quyết đúng đắn, tận gốc không chỉ vấn đề căng thẳng do quá tải, dạy thêm học thêm tràn lan, mà cả tình hình căng thẳng lao động trong xã hội do thiếu việc làm và thu nhập bấp bênh. Chỉ có như vậy, mới làm ổn định chắc chắn và lâu dài nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hiền (Tạp chí Cộng sản)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: