"Du" nhiều "học" ít

11:44 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười Một, 2003

Thời gian gần đây vấn đề du học đang sôi động, đầy bức xúc. Những thông tin tuyển sinh hội thảo, những suất học, những suất học bổng hấp dẫn tràn ngập trên các báo, tạp chí Tuy nhiên, liệu có phải sinh viên nước ta đi du học chỉ vì mục đích nâng cao trình độ, mở mang trí thức, hiểu biết bằng việc tiếp xúc với các nền giáo dục phát triển hay còn có những nguyên nhân khác

Bằng ngoại vẫn hơn

Ở nước ta, dường như mọi người luôn cảm thấy rằng hàng ngoại bao giờ cũng xịn hơn hàng nội. Ôtô, xe máy, đồ dùng sinh hoạt dùng của ngoại và bây giờ cả những tấm bằng dán mác Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc... cũng rất được ưa chuộng. Nhiều ông giám đốc cơ quan này, nghiệp kia khi tuyển dụng nhân viên hễ cứ thấy bằng ngoại là ưu tiên, dành cho những vị trí đẹp mà chẳng cần biết trình độ thực sự ra sao, chuyên môn phù hợp với công việc gì. Vì vậy, một số gia đình dù chưa thực sự giầu có cũng cắn răng cho con đi học ở nước ngoài để sau này có tương lai tươi sáng.

Mong ước là như thế, nhưng từ mong ước đến thực tế là cả một khoảng thời gian dài và không phải bao giờ cũng suôn sẻ. Ông bà Thanh ở Ngọc Khánh, năm nay đã gần 60 tuổi đã bán cả căn nhà mặt phố để lên sống trên tầng 5 của một khu chung cư chỉ để dành tiền cho cậu con út đi học. Cậu út lên đường xuất ngoại mang theo niềm tin của bố mẹ để rồi gần một năm sau, cậu trở về trong tư thế một kẻ thất trận, bởi chương trình học ở bên đó quá cao so với khả năng của cậu. Vậy là tiền mất mà bằng ngoại cũng chẳng thấy đâu.

Vẫn biết rằng, sau khi tốt nghiệp những khoá hoc ở các nước có nền giáo dục phát triển thì cơ hội việc làm sẽ mở rộng hơn. Thời đại của nền kinh tế toàn cầu và bùng nổ thông tin, những kinh nghiệm du học ở nước ngoài sẽ làm tăng sức nặng cho lá đơn xin việc của bạn. Hơn nữa, học ở những trường Quốc tế danh tiếng sẽ cung cấp cho bạn bằng cấp có giá trị toàn cầu tuy vậy còn phải tuỳ thuộc vào trình độ và điều kiện kinh tế của mỗi người.

Đi một ngày đàng học một sàng hư

Xu hướng của thế giới là toàn cầu hoá quốc tế hoá. Các tổ chức dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng đều phát triển theo chuẩn mực này và với tư cách là một cá thể bạn không nên tách rời khỏi sự phát triển đó. Du học có thể sẽ mang đến cho bạn tầm nhìn và sự hiểu biết, tư duy sẽ có bước đột phá. Hơn nữa, sống trên một đất nước khác sẽ giúp bạn có cái nhìn phong phú, đa dạng về nền văn hoá thế giới góp phần giúp bạn hiểu sâu hơn về nền văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên có quyền, có tiền, để trở thành những người "sành điệu”.

Một anh bạn của tôi vừa ở Đức về tâm sự: "Nhiều sinh viên của ta sang học mà một chữ tiếng Đức bẻ đôi cũng không biết, trong khi những bài giảng toàn bằng tiếng Đức. Chẳng hiểu họ sẽ học như thế nào". Có lẽ là sinh viên của ta sang học kiểu này là để la cà trong những hộp đêm những quán bar, tiếp xúc với đủ mọi thứ nhuộm nhoạm, mập mờ. Với họ đó là tiếp thu cái mới cái tiến tiến. Cuộc sống với những người "sành điệu” này chỉ thực sự có trong những sàn nhảy, vũ trường cặp kè hết người này đến người khác. Những giá trị cao quý của văn hoá dân tộc trong mắt họ trở nên lạc hậu, cổ hủ. Bạn thử tưởng tượng xem tương lai của đất nước ta liệu có thể trông đợi vào những con người như vậy?

Phải chăng chỉ để "vênh váo với đời"?

Hiện nay có hai hình thức du hoc phổ biến ở nước ta là du học có học bổng và du học tự túc. Để du học có học bổng phải dành được xuất hoc bổng từ chính phủ Việt Nam. Muốn đi theo con đường này rất khó bởi nó chỉ dành cho một số sinh viên xuất sắc, thủ khoa trong các kỳ thi Đại học và phải vượt qua kỳ kiểm tra Anh ngữ quốc tế TOEFL hay IELTS với số điểm đạt yêu cầu. Bạn cũng có thể du học tự túc nhưng vấn đề tài chính lại rất nan giải (tiền học phí 1 năm học ở Mỹ khoảng 15.0000 USD, ở Úc là từ 7.500 đến 10.000 USD... ngoài ra còn một dãy dài các chi phí sinh hoạt phòng ở, bảo hiểm sức khoẻ, sách vở, chi tiêu cá nhân với số tiền cũng xấp xỉ tiền hoc phí).

Ấy vậy mà vẫn còn có không ít ông bố bà mẹ sẵn sảng bỏ ra khoản tiền lớn đó không chút đắn đo với mong muốn con cái thành đạt nhưng không ít trường hợp chỉ để chứng tỏ khả năng tài chính của gia đình mình không thua kém thiên hạ hoặc đơn giản chỉ để tự hào với đồng nghiệp với cấp dưới. Ông N vừa nhận chức Giám đốc công ty X nhưng ông vẫn canh cánh trong lòng nỗi buồn khó được chia sẻ. Mỗi lần nghe tay trưởng phòng vật tư kể chuyện con hắn đang học ở Mỹ là ông lại tức phát điên lên. Ông chỉ mong đứa con lớn đang học lớp 8 của ông chóng lớn đến tuổi đi du học. Thật buồn cười khi nhiều người có suy nghĩ lạ lùng đến vậy. Họ coi chuyện đưa con cái đi học ở nước ngoài chỉ là để tạo ra vầng hào quang giả tạo cho chiếc ghế họ đang ngồi, cho gia đinh họ đang sống. Phải chăng chỉ là để vênh váo với đời?

Du học để cai nghiện

Bấy lâu nay mọi người chỉ quen với việc đưa con vào trại hay trung tâm cai nghiện chứ ít ai nghe đến việc cho con đi du học để cai nghiện. Phương pháp này dù nghe có vẻ không hợp lý cho lắm nhưng hiện nay có nhiều gia đình đã và đang làm như vậy. Theo họ, khi xa nước ngoài con cái họ sẽ xa được lũ bạn xấu và sẽ không biết chỗ để mà mua cái thứ chất chết người ấy. Thậm chí biết đâu sau này trở về nó lại chẳng mang theo cái bằng ngoại.

Trên thực tế có không ít trường hợp cai nghiện bằng phương pháp này đã mang lại hiệu quả như ý, nhưng cũng có khi lại nghiện nặng hơn hoặc do túng quẫn còn dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng khácnhư trộm cắp, cướp giật . Nhiều gia đình con cho cai nghiện theo kiểu này để rồi sau đó nhận về một bình tro vô tri, vô giác, thậm chí chỉ là một cái tin báo tử. Con cái xa ngã, nghiện ngập thì việc bố mẹ tìm cách lo cho con cũng là lẽ thường nhưng điều cốt yếu vẫn là ý chí, nghị lực của chính con cái họ chứ đâu hoàn toàn do cai ở ta hay ở tây.

Đất nước đang cần những người có trình đô, có khả năng tiếp thu cái mới cái tiên tiến. \/ì vậy việc đưa sinh viên đi du học là điều nên khuyến khích nhưng phải là du học đúng nghĩa chứ không phải là vì những lý do không chính đáng. Không nên để lãng phí thời gian, ngoại tệ môt cách vô ích làm ảnh hưởng tới cả xã hội Việt Nam trong tương lai.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: