Người Việt vô tư và lạc quan vì tư duy bằng… bụng?

10:11 SA @ Chủ Nhật - 31 Tháng Tám, 2014

Nhân bài: >>Người Việt tư duy bằng cái... bụng?!

Chuyện Trạng Quỳnh phơi sách

Sách của Trạng hẳn phải là thiên kinh vạn quyển, do vậy khi nghe tin Trạng phơi sách (vì chẳng may bị ướt) mọi người đã lũ lượt tới xem. Rốt cuộc chỉ thấy Trạng nằm ngửa, vỗ bụng mà giải thích: Sách ở trong bụng này, chứ đâu...

Quan niệm tư duy bằng cái bụng không phải độc quyền của người Việt, mà tất cả các nước chịu ảnh hưởng sâu đậm của nho giáo Trung Quốc đều có quan niệm này. Nói khác, đây là quan niệm ngoại nhập, nhưng đã ăn sâu trong… bụng người Việt. Nếu định gán tính cách vô tư (như con trẻ) và lạc quan (có phần tếu) cho nguyên nhân “tư duy bụng” thì phải khảo sát rộng hơn, không thể chỉ khu trú trong biên giới Việt mà đã kết luận được.

Không cứ trong lời ăn tiếng nói người ta coi “bụng” là nơi chứa kiến thức, và để tư duy; mà ngay trong sách cổ truyền cũng quan niệm như vậy.

Nếu thích, còn có thể nói bụng là nơi chứa tình cảm ái. ố, hỉ, nộ… rất đặc trưng của con người. Người ta có thể hớn hở trong bụng, mở cờ trong bụng, buồn phiền trong dạ, tức lộn ruột… Đó là dạng “để bụng” các tình cảm đó mà chưa muốn lộ chúng ra lời nói hoặc nét mặt.

Bài Người Việt tư duy bằng cái... bụng?! đã rất công phu kiếm được nhiều ví dụ thú vị trong ngôn ngữ chứng minh quan niệm trên, nhưng bạn đọc còn có thể nêu thêm nhiều ví dụ khác nữa.

Tóm lại, đã quá đủ ví dụ chứng minh rằng “người đời xưa” đã gán cho cái bụng chức năng mà nó không bao giờ làm nổi, Tuy nhiên, “người đời nay” có còn… nghĩ trong bụng rằng ta vẫn còn tư duy bằng bụng nữa hay không (?) lại là chuyện khác.

Nói vậy, nhưng không ai nghĩ vậy

Nếu định mở rộng đề tài cho vui (nhưng sẽ lạc đề) còn có thể nêu ra: “Người xưa” đã gãn cho quả thận chức năng tình dục; lá gan (can) và túi mật (đảm) bị gán cho chức năng… “ông cóc sợ thằng nào”. Ai can đảm ắt phải là người “to gan, lớn mật”. Rồi ai sớm bạc tóc là do “máu xấu”; bị đột quỵ là do “gió độc” nhập tim, từ đó các bà sáng tạo ra câu rủa dành cho nam giới: “đồ phải gió”…

Phương Tây cũng chẳng kém: Hypocrat (tổ y học) cho rằng tim có chức năng sinh ra máu đỏ, lách sinh ra máu đen. Động mạch chứa chất khí…

Về mặt kiến thức, thời nay dường như hiếm ai còn cho rằng người ta tư duy bằng cái bụng nữa, kể cả đứa trẻ ở bậc tiểu học. Điều này liệu có cần tốn công mở cuộc điều tra để chứng minh?

Nhờ tiến bộ của khoa học, quan niệm có thể thay đổi tương đối nhanh chóng, nhưng trong ngôn (lời nói) và ngữ (chữ viết) thì không dễ thay đổi nhanh như vậy. Người ta vẫn dùng những từ ngữ, tục ngữ, thành ngữ, cách ngôn… đã quen dùng – mà không thật sự nghĩ như vậy. Bởi sử dụng chúng tiện lắm, ai cũng hiểu. Và không sợ ai hiểu lầm đến mức phải cự nự lại người nói.

Tôi cứ “nghĩ trong bụng” (hoặc cứ “bụng bảo dạ”) như vậy đấy. Liệu có cần tốn công mở cuộc điều tra để chứng minh?

Chuyện có thể bàn nếu rảnh rỗi: Thời xa xưa, con người bất lực trước bất công xã hội và bất hạnh do thiên tai, hẳn là khó mà vô tư quá mức và lạc quan quá thừa, mặc dù ai cũng nghĩ rằng mình đang nghĩ bằng bụng. Do vậy, nghĩ bằng bụng chưa hẳn làm người ta vô tư và lạc quan một cách thiếu cơ sở.

Kết quả điều tra: Người Việt vô tư và dễ lạc quan

Xin nói ngay: kết quả điều tra không sai, do vậy không cần nhấn mạnh “kết quả không bị bịa đặt”. Vấn để là đã chọn đối tượng nào để điều tra hay chưa.

Ai cũng biết rằng người Việt Nam khi ra nước ngoài dù được khen, bị chê, kể cả bị mắng… vẫn cứ cười rất “vô tư”. Tôi biết một bà người Việt khi đi chợ (Tây) lỡ giẵm vào chân một bà người Đức, đã không xin lỗi thì chớ, lại còn nhe răng ra cười (!). Nhưng làm sao người Đức hiểu nổi người Việt ta có đủ mọi loại cười, trong đó có cái “cười nhận lỗi”? Nếu kết luận rằng người Việt cười (rất vô duyên, ngớ ngẩn) trong mọi hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ sai. Cái bà người Việt nói trên dùng “cười” thay lời xin lỗi vì bà ta rất kém tiếng Đức: Đó là điều tôi biết chắc. Những người biết ngoại ngữ ở trình độ đủ giao tiếp không bao giờ như vậy.

Còn những nguyên nhân gì để một người quá dễ lạc quan?

Nếu thiếu thông tin, người ta có thể lạc quan (hoặc bi quan) mà không có đủ cơ sở. Một người mắc trọng bệnh vẫn có thể lạc quan nếu thầy thuốc và gia đình giấu bớt thông tin. Đó là trường hợp anh họ tôi bị ung thư gan giai đoạn muộn vẫn nói với tôi: “Chú ạ, BS trưởng khoa nói bệnh tôi sẽ khỏi sau nửa năm tích cực điều trị”. Khốn nỗi, đây chính là điều gia đình đã đề nghị với vị bác sĩ nọ.

Một người gửi tiền vẫn lạc quan, nếu ngân hàng sắp vỡ nợ biết cách che giấu thông tin.

Những đứa con của một gia đình đang lâm vào khốn quẫn vẫn có thể cứ vô tư và lạc quan nếu cha mẹ chúng cố ý giấu giếm chúng những thông tin nào đó.

Liệu có thiếu ví dụ? Câu hỏi là liệu những người trả lời cuộc điều tra có thiếu thông tin để dẫn đến thái độ “vô tư và lạc quan”, như kết quả điều tra đã công bố?.

Dân ta trông vào báo chí nước ta để có thông tin.
Hai câu hỏi được đặt ra:
1) Có bao nhiêu % dân được tiếp xúc với báo chí? Cứ xem số lượng báo in ra, đủ rõ. Nếu in ra quá số cần thiết sẽ bị lỗ, do vậy phải “điên” lắm mới in thừa để mà ế. Có bao nhiêu người tiếp cận được với internet và trong số này có bao nhiêu % khai thác tin (chứ không phải chỉ chat và chơi game)?

Còn những phương tiện thông tin miễn phí, không nhiều thì ít, đều có nhiệm vụ hướng dẫn dư luận (theo một chiều hướng nào đó) và củng cố một niềm tin (nào đó). Thế là, tuỳ nguồn thông tin mà người ta bi quan hay lạc quan

2) Một người rất chăm chỉ đọc các báo, xem TV, nghe radio, liệu có tránh được lạc quan tếu? Điều này còn tuỳ cách đưa thông tin (nghiêng về loại tin nào). Chỉ biết rằng “vụ sữa” vừa qua (sữa có melamin hoặc sữa nghèo protein) khiến dân ta cứ nhảy từ bi quan sang lạc quan và ngược lại. Với tình hình thị trường chứng khoán cũng vậy.

Tôi nghĩ rằng cuộc điều tra thái độ (năm 2007) của Gallup cho kết quả dân ta quá vô tư và lạc quan là có nguyên nhân từ ngoài hơn là do “bản chất” dân ta ngây thơ như trẻ nít.

Được phỏng vấn để… “lên TV”, “lên báo”, “lên đài”

Có hai cái “nếu”.

- Nếu coi cái chuyện được “lên TV”, “lên báo”, “lên đài” là vinh dự, thì người ta có cách trả lời phỏng vấn để đạt mong muốn. Tôi không biết tỷ lệ này trong dân ta, nhưng tôi vẫn “nghĩ bụng” rằng không ít.

Cô em họ tôi không đọc báo (rức đầu, và lại không có tiền mua), khi xem TV chỉ quan tâm kịch, hát và các cuộc thi vui… Nhưng nhờ có thành tích sản xuất nên cô được phỏng vấn để “lên đài”. Cô tự biết cách kể thành tích cá nhân, vậy mà vẫn cứ nhờ tôi hướng dẫn cách trả lời sao cho… đúng đường lối. Thế mới hy vọng được “lên đài”.

- Nếu người phỏng vấn có một chủ định náo đó, ắt rất biết cách chọn người để phỏng vấn.

Cái cười do lớ ngớ

Hồi nhỏ, tôi học cùng anh bạn người Thổ (nay gọi là Tày). Anh nói tiếng Kinh chưa sõi, hễ không hiểu là y như rằng anh… cười. Người Việt khi ra nước ngoài nếu chưa rành ngoại ngữ đều cười, nhiều khi rất ngớ ngẩn, không ăn nhập gì với tình huống hết. Họ bị Tây chê, ta chê. Ngược lại, mấy “em” khi tiếp xúc với khách ngoại quốc thăm Việt Nam, các em rất chu đáo, e lệ (do chưa hiểu hết ý khách) và cứ cười bẽn lẽn. Thế mà khách lại khen, mới chết chứ!

Tôi rất muốn kết luận người Việt “cười vô tư”, “dễ lạc quan”, nhưng chưa dám.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao lại cười?

    27/10/2017Vũ Minh Thu (Theo The New York Times)Đôi khi chúng ta cười vì một cái gì đó buồn cười, nhưng phần lớn các nụ cười lại chẳng có liên quan gì lắm đến sự hài hước. Nụ cười phải chăng là một công cụ sinh tồn bản năng của những động vật sống thành bầy đàn, và nó không phải là một lời đáp về mặt tinh thần cho một câu đùa dí dỏm?
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Gì cũng cười, Nói năng lộn xộn, Học hời hợt

    04/03/2016Vương Trí NhànAn Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...
  • Trạng Quỳnh – Trạng Lợn, hai nét tâm lý người Việt cười

    28/09/2015Đỗ Lai ThúyTrạng Quỳnh và Trạng Lợn là hai nét tâm lý cơ bản của người Việt cười. Đó là hai vế của một câu đối, một cỗ xe hai ngựa song hành suốt dòng thời gian như một hằng số Trạng Quỳnh là vế trắc, thông minh, tài trí, ghét kẻ trên, hay xỏ xiên, đả kích, chửi đổng. Đó là tâm lý của kẻ bị trị, kẻ yếu muốn thắng lại kẻ cai trị mình, kẻ mạnh hơn mình bằng lối đánh tập hậu. Còn Trạng Lợn là vế bằng, dốt nát và lười biếng nhưng gặp may. Đó là một chút huyễn tưởng thường thấy của các cư dân tiền nông nghiệp.
  • Thêm chất trí tuệ cho tiếng cười

    05/11/2014Vương Trí NhànKhi nói nhiều phen mình và bạn bè đã cười quá tùy tiện, quá dễ dãi cũng là lúc chúng ta cùng thành thật mong ước với nhau rằng trong những ngày vui mỗi người có thể ít cười hơn nhưng đó thật sự là những tiếng cười... có chất lượng cao (tương tự như các loại hàng xịn, hàng xuất khẩu, hoặc xe khách chất lượng cao đang được ưa chuộng).
  • Người Việt tư duy bằng cái... bụng?!

    23/02/2009Nguyễn HoàngNgười Việt lạc quan nhất thế giới bởi vì họ không chỉ tư duy bằng cái đầu, mà còn có cái bụng tham gia vào quá trình suy nghĩ, cảm nhận. Người Việt nghĩ gì, cảm gì bằng... cái bụng của mình? GS. Trí Việt luận giải.
  • Thượng đế sẽ mỉm cười

    01/01/1900Lê Thiếu NhơnViệt Nam gia nhập WTO! Dẫu biết mình chỉ là một trong hơn 80triệu người thầm lặng ở đất nước này, nhưng vẫn cứ thấy vui. Niềm vui không có hình dáng cụ thể nhưng rất rộn ràng và khó lý giải. Buổi sáng cuối tuần, ngồi với những bạn bè quen thuộc mà bỗng thấy họ mới mẻ, vì câu chuyện phiếm vòng vo một hồi lại quay về với đề tài WTO.
  • Khóc, cười chuyện biển hiệu quảng cáo

    29/12/2005Nùng Chi LanNgày nay, dùng biển quảng cáo là điều mà các Công ty, doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở dịch vụ thường sử dụng để bán được sản phẩm hoặc đánh bóng thương hiệu của mình. Thế nhưng, hình thức, nội dung của những biển hiệu ấy như thế nào, lại là chuyện khiến các "thượng đế “ nhiều khi giở khóc giở cười...
  • Ngẫm cười... éo le

    21/11/2005Lý Quốc NamBức xúc chuyện “trồng người”, bạn đọc Lý Quốc Nam đã gửi 3 mẩu chuyện nhỡn tiền, đang tồn tại một cách vô lý, để rồi chúng ta cùng ngẫm cười... cho hai chữ nhân tình.
  • Gì cũng cười

    11/11/2003Nguyễn Văn VĩnhDân tộc nào cũng có những thói xấu riêng. Người Việt ta có nhiều phẩm chất đẹp nhưng cũng không ít tật dở. Mời các bạn cùng xem những bài khảo luận của các học giả Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 về những tật xấu của dân tộc mình. Chỉ có điều, người Việt trẻ ngày nay hẳn sẽ khác với bà con làng xóm của anh Chí ngày xưa: “Nói vậy chắc nó trừ mình ra !”
  • xem toàn bộ