Người tử tế và “chuyện tử tế”

Đạo diễn phim tài liệu
03:55 CH @ Thứ Năm - 09 Tháng Hai, 2012

Năm 1985, nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung cùng nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết (1940 – 1986) vào TP.HCM để thực hiện bộ phim tài liệu nhựa “Cùng một dòng suy nghĩ”, một bộ phim về những vấn đề của tiểu thủ công nghiệp thành phố.

Một tuần sau, Đồng Xuân Thuyết đột ngột bay ra cầm theo lá thư của đạo diễn Sỹ Chung gửi Ban giám đốc. Trong thư, đạo diễn Sỹ Chung đã đề nghị Ban Giám đốc cho tôi bay vào gấp để làm tiếp công việc của Đồng Xuân Thuyết.

Cũng không hiểu vì sao, những năm ấy, nhiều nhà làm phim tài liệu đã qua đời, đều do một căn bệnh hiểm nghèo: ung thư.

Nhà quay phim Nguyễn Quý Nghĩa, Nguyễn Quang Trình, nhà biên kịch Quang Minh, đạo diễn Tô Cương, nhà quay phim Phan Trọng Quỳ, đạo diễn Trần Thịnh, đạo diễn Xuân Thành dều ra đi vì căn bệnh tai quái ấy và, bây giờ là Đồng Xuân Thuyết…!

Công việc của anh Sỹ Chung và tôi rồi cũng xuôn sẻ. Sau một tháng, chấm dứt những cảnh quay cuối cùng, chúng tôi bay ra và mang theo quà của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh gửi cho anh Thuyết.

Sáng hôm sau, nộp trả máy quay, đóng gói phim gửi in tráng xong, tôi và anh Sỹ Chung chạy ngay vào Viện E, nơi anh Thuyết đang nằm.

Cũng không thể tưởng tượng nổi khi bước vào phòng bệnh, một người quay phim to khỏe như con bò mộng ngày nào, chỉ đổ bệnh sau một tháng, anh đã như một bộ xương nằm trên giường.

Khi chúng tôi đến, cũng thật bất ngờ đã thấy đạo diễn Trần Văn Thủy đang ngồi cạnh anh và hình như các anh đang trao đổi với nhau một công việc gì đó rất say sưa.

Sau những thăm hỏi về công việc, sức khỏe thì chúng tôi mới biết Đồng Xuân Thuyết đang trở thành một nhân vật trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” đang triển khai của đạo diễn Trần Văn Thủy.

Cách đó một tuần, đạo diễn Trần Văn Thủy đã quay những cảnh Đồng Xuân Thuyết trên giường bệnh đang tâm sự với bạn bè đồng nghiệp. Anh còn hứng chí đọc lại cho bạn bè một đoạn thú vị luận về tâm hồn và thể xác trong cuốn “Quy luật của muôn đời”của nhà văn Nga Dumbatzê.

Hôm nay Thủy vào, thông báo cho Thuyết kết quả của mẻ phim nháp vừa xem. Hình như cũng chưa hài lòng lắm và các anh muốn quay lại.

Những chuyện mà tôi và đạo diễn Sỹ Chung định kể cho Đồng Xuân Thuyết nghe về một tháng làm việc với những việc làm được và chưa làm được, những vui buồn của chuyện làm phim bỗng trở nên nhợt nhạt khi đạo diễn Trần Văn Thủy và nhân vật Đồng Xuân Thuyết của Thủy tiếp tục bàn về bộ phim tương lai của các anh sẽ như thế nào.

Thủy muốn lùi bộ phim tới lúc Thuyết nằm xuống. Đám tang của Thuyết với bạn bè đồng nghiệp và những người thân đưa tiễn sẽ phải quay vào phim để làm cái cớ bàn tới lẽ sống của cuộc đời.

Thủy thì say sưa nói đến mạch phim tiếp theo, những vấn đề sẽ được động chạm tới. Thuyết thì rất hào hứng với chi tiết đám tang mình sẽ được quay vào phim để lấy cớ cho một mệnh đề.

Cái máu quay phim trong nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết bỗng bật lên, anh hào hứng bàn với Trần Văn Thủy rằng cái đám tang sẽ phải quay như thế nào.

Lê Văn Long (người quay phim đang quay cho đạo diễn Trần Văn Thủy) sẽ phải đưa máy quay xuống dưới huyệt và đón cảnh cỗ quan tài từ từ hạ xuống ra sao… “Cứ thế, cứ thế…!”

Tôi ngồi đấy mà lạnh gáy. Nhìn sang, thấy đạo diễn Sỹ Chung lặng đi.

Hình như nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết đang bàn về việc quay một đám tang của một ai đấy đang là nhân vật của các anh…

…Nhớ lại chuyện người anh, người đồng nghiệp, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết của chúng tôi, chúng tôi không bao giờ quên cái khuôn mặt hốc hác, cặp kính lão thường đeo ngày nào, giờ đây như to lên một cách không bình thường trong phim “Chuyện tử tế”:

“Mấy ngày hôm nay tớ đau kinh khủng, như xé ruột. Nhưng những lúc đỡ, đọc cuốn sách này tớ thấy hay quá! Đọc thử các cậu nghe một đoạn nhé: Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác.

Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy cố gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử.

Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng… Sao cho cái chết của một con người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống…”.



Có lần mẹ anh vào thăm anh, thương con quá, bà òa khóc: “Con ơi nhà ta bất hạnh quá!”.

Tôi thấy anh Thuyết bật dậy, ôm lấy mẹ và nói: “Sao mẹ nói thế, con hạnh phúc lắm, con ốm có tất cả bạn bè quay con, cho con các thứ, tiếp máu cho con, lùng mua mật gấu cho con uống, ai hạnh phúc bằng con nữa?”.

Tôi nhìn, nước mắt tứa ra trong hốc mắt của bà.

Anh là người tốt bụng với tất cả, anh đã sống như một người tử tế.

Có lẽ, nhờ cái sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trời cho trong anh, sau ca phẫu thuật Thuyết khỏe lại như chưa từng đổ bệnh. Một hôm Thuyết phóng cái Honda 67 đen xì tới nhà Thủy và hét to: “Thủy ơi, phim mày đổ rồi, tao không chết thì phim mày đổ rồi…”.

Từ trên gác ba, nghe hai tiếng “Thủy ơi”, đạo diễn Trần Văn Thủy biết ngay chỉ có Thuyết. Anh vội chạy xuống đón bạn. Không có cảnh Thuyết chết thì xoay cách khác, mà không làm phim này thì làm phim khác, Thuyết mà sống thì Thủy còn hạnh phúc nào bằng…Họ là vậy!

Tình cảm ấy, đạo diễn Trần Văn Thủy đã dồn vào những cảnh kết phim với tâm sự của chính anh “…

Có dám tranh cãi với ai đâu và có gì mới đâu? Chỉ thương bạn, người đồng nghiệp xấu số, lúc sống và lúc chết đều vui lòng để chúng tôi quay phim. Nỗi bất hạnh to lớn trong quá khứ của gia đình cậu ta kể ra ở đây không tiện.

Vậy mà vẫn tự cậu ta đùa bỡn với chính cái chết của mình cho đến lời cuối… Cậu ta bảo rằng, tao thèm sống quá, muốn sống nữa để xem chúng mày làm cái phim tao chết như thế nào ?...”.

Trời ơi, những người làm phim đàn anh của chúng tôi đã từng sống và nghĩ với nghề, với đời như vậy! Mỗi khi nhớ lại, tôi vừa buồn vừa muốn làm thêm điều gì đó cho nghề mà tôi theo đuổi.

Có một lần đạo diễn Thanh An nói với tôi: “Với những người làm phim tài liệu, trước tiên phải có bản lĩnh, có bản lĩnh rồi mới đến tri thức và tài năng…”.

Vâng, cái bản lĩnh của những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh tài liệu Việt Nam đã kết lại trong anh, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết, người anh, người đồng nghiệp của tôi.



Chuyện tử tếlà một bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Được coi là phần 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế tiếp tục là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". Cả Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đều chỉ đến được với đông đảo khán giả sau khi có sự can thiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1987. Tác phẩm sau đó đã giành giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức và được nhiều đài truyền hình mua bản quyền để phát lại. Cho đến nay đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy.

Chuyện tử tế mở đầu bằng hình ảnh của đạo diễn Trần Văn Thủycùng các nhà làm phim thắp hương trước ngôi mộ của một đồng nghiệp của họ là nhà quay phim Đồng Xuân Thuyếtnhân ngày giỗ đầu của anh. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, Đồng Xuân Thuyết đã đề nghị các bạn của mình thực hiện một bộ phim tài liệu thực sự có ý nghĩa về tình thương yêu giữa con người và con người hoặc xuất phát từ nỗi đau nhân thế, anh cũng đọc cho các bạn nghe một đoạn trích về tâm hồn con người trong tiểu thuyết Xô viết Quy luật của muôn đời. Tiếp đó, bộ phim xoay quanh câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". Đạo diễn tìm câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau. Từ người thành phố bình thường tới những người lao động lam lũ nơi thôn quê và cả những người bị bệnh phong, một căn bệnh khiến họ bị cả xã hội xa lánh. Qua chuyến đi tìm câu trả lời ấy, Trần Văn Thủy đã bộc lộ sự trăn trở trước cuộc sống khó khăn và thiếu đi sự tử tế giữa con người và con người. Bộ phim chứa đựng rất nhiều cảnh đời của những người nghèo khổ ở đáy xã hội, từ một cậu bé chăn vịt vì lỡ để đàn vịt phá ruộng hợp tác để rồi phải mang lý lịch xấu tới một giáo viên dạy Toán giỏi phải đi bán rau kiếm sống hay những cựu chiến binh từng chiến đấu dũng cảm nay phải đi đạp xích lô hay làm nghề sửa xe đạp. Chuyện tử tế kết thúc bằng hình ảnh đám tang của Đồng Xuân Thuyết và những lời tâm sự của anh về lòng ham muốn được tiếp tục sống để chứng kiến bộ phim hoàn thành.

(nguồn:Wikipedia)
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế

    15/04/2017Kim Yến thực hiện, chân dung hội họa Hoàng TườngNếu ai đã từng xem Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, và mới đây nhất là Mạn đàm về người man di hiện đại, sẽ hiểu Trần Văn Thuỷ quay quắt như thế nào với từng số phận con người, với đời sống thực của những người cùng khổ, với những giá trị thực đang dần mất đi…
  • Xin lỗi thôi đã thành người tử tế!

    10/05/2016Phạm Sông HồngĐể nói được câu “Xin lỗi”, tập mãi cũng thành quen. Nhưng để trở thành người tử tế thì câu xin lỗi ấy vẫn chưa đủ. “Còn cần gì nữa?” Hoá ra, “Xin lỗi, cảm ơn” chưa đủ sức mạnh để “lăng xê” một con người lên hào quang văn hóa.
  • Nhỏ: dối trá, lớn lên: sao thành người tử tế!

    23/07/2006H. VinhNền giáo dục ngày nay, mục đích thi cử rõ ràng là để lựa chọn những người đủ tâm, đủ tài cho đất nước. Nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở qua những kỳ thi nhiều khi bị biến tướng, không phản ánh thực chất của việc học hành và trình độ các thí sinh hiện tại, không phản ánh đúng thực chất của tình hình giáo dục hiện nay...