Người Việt xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ

11:43 SA @ Chủ Nhật - 08 Tháng Bảy, 2018

Khi được hỏi về thói xấu của người Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại thường mắc thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức….

LỜI TÒA SOẠN: Lá thư của một học sinh lớp 4 Việt Nam đường hoàng gửi các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, đã thể hiện rõ khát vọng hòa bình, bảo vệ vẹn toàn chủ quyền và khát vọng làm chủ đất nước, của những công dân tương lai. Những công dân tương lai này sẽ tiếp bước những cái tên đã trở thành huyền thoại trong giới khoa học toàn cầu như Ngô Bảo Châu. Tên của doanh nhân Phạm Nhật Vượng được xướng lên trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes, đã chứng minh khát vọng của nhiều doanh nhân thời đại mới muốn góp phần đưa nước Việt sánh vai các cường quốc 5 châu.

Đặng Lê Nguyên Vũ muốn Trung Nguyên vượt qua Starbucks ngay tại Hoa Kỳ trên con đường chinh phục vị trí lãnh đạo ngành cà phê thế giới; Hai CEO của Vingroup và Viện nghiên cứu phát triển giáo dục Việt Nam là Lê Thị Thu Thủy và Giản Tư Trung lọt vào danh sách những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu; Hai nữ yếu nhân của Vinamilk và Dược Hậu Giang là Mai Kiều Liên và Phạm Thị Việt Nga lọt danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á… tất cả đều là minh chứng hùng hồn của những khát vọng Việt đang trỗi dậy mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Nhưng như vậy đã đủ cho một nước Việt hùng cường?

Để cổ vũ, phát hiện và tôn vinh cho khát vọng ấy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chính thức mở chuyên mục “Vì Khát vọng Việt” từ tháng 5/2013. Chuyên đề đầu tiên sẽ là: Người Việt “mạnh” hay “yếu”?

Nếu nhà nghiên cứu, nhà phê bình Văn học Vương Trí Nhàn khẳng định: “Bệnh gian và tham của người Việt không thể chữa được” và điều đó khiến người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ không thể tiến lên được thì PGS. TS Trịnh Hòa Bình nhận định: "lòng tham của người Việt không hẳn như một thứ ma túy, không đến mức báo động nhưng nó ghì nặng hình ảnh người Việt Nam xuống. Và “nếu không biết điều tiết, không tự “biết mình, biết ta” thì sẽ không thể địch nổi với thiên hạ, không khẳng định được bản ngã của mình với thế giới hiện đại”.


Bài 2: Người Việt xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ

Khi được hỏi về thói xấu của người Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại thường mắc thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức….

Thói vị kỷ là miếng đất tốt cho lòng tham trỗi dậy

Nói về lòng tham của người Việt, GS.TS, Nhà Nghiên cứu Văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã từng nói: Lòng tham ấy, đam mê ấy như một thứ ma túy. Thứ ma túy ấy vượt lên trên đạo đức, trên cả đồng loại để con người đứng sang một chiến tuyến khác đối lập với nhân dân, dùng nhân dân làm vật nuôi cho chính lòng tham của mình…

Với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), lòng tham của người Việt không hẳn như một thứ ma túy, không đến mức báo động nhưng nó ghì nặng hình ảnh người Việt Nam xuống. Và “nếu không biết điều tiết, không tự “biết mình, biết ta” thì sẽ không thể địch nổi với thiên hạ, không khẳng định được bản ngã của mình với thế giới hiện đại”.

Cũng giống như bài học rút ra từ sự tích “Cây khế” mà ông cha ta ngày xưa đã để lại. Thay vì may túi 3 gang như chim thần dặn, người anh vì quá tham lam đã may túi 9 gang, thành một cái tay nải lớn. Kết quả là người anh đó mất cả chì lẫn chài, đã không mang được vàng, bạc, châu báu về mà còn bỏ cả mạng sống.

Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng mang nhiều màu sắc thì lòng tham của người Việt đã bắt đầu có sự thay đổi muôn hình muôn vẻ. Sự tham lam này dường như không thể hiện lộ liễu, sơ khai mà thậm chí người ta sẽ tìm cách để chiếm đoạt tài sản của người khác một cách hợp pháp.

Những hình ảnh như những người lái xe ôm giữa thủ đô Hà Nội tranh giành nhau 30 nghìn đồng, người phụ nữ bán bò bía nhặt được chiếc ví, nhất định không trả lại người bị mất ở cổng trường Đại học Quốc gia như báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, khiến không ít người xem đắng lòng.

“Lòng tham có những điều kiện, hoàn cảnh khởi phát, ví dụ như khi quá đói, quá khó khăn, khi đức tính hi sinh, kiên cường bị thách thức ghê gớm, hay khi thói cơ hội nổi lên, các tật xấu thắng thế, giống như kiểu “nghèo thì dễ hèn”, đói thì dễ làm càn.

Đặc biệt, thói vị kỷ là miếng đất tốt cho lòng tham trỗi dậy. Chúng ta hãy phân tích hình ảnh khi một chiếc xe chở dưa hấu bị đổ dọc đường, có những người vội vã lao vào nhặt. Không phải vì họ khó khăn, không có tới một miếng ăn, mà bởi họ thấy dễ dàng quá.

Vì vậy mới có câu nói: Ai đó hãy cố giữ lấy cái ví của mình, đừng để người khác nhìn thấy, bởi khi “miếng mỡ” đặt vào miệng “con mèo” thì “con mèo” khó lòng mà từ chối được” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích.

Ở một góc nhìn khác, không hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, theo ông Bình, con người có tính tham lam hay không, phụ thuộc vào giáo dục, vào việc dạy dỗ nhân tính truyền thống của cả một gia đình, một dòng tộc. Bởi trên thực tế đã chứng minh, trong rất nhiều trường hợp, cùng một điều kiện như nhau nhưng người ta có những cách hành xử khác nhau, tính cách cũng không thể giống nhau được.

Người Việt hiện đại thường mắc thói hám danh, chuộng lạ

Bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Ông cảm thấy khó chịu khi phải nghe đám người “mở miệng là họ nói tới chức tước”. Còn GS Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie).

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn thì phân tích: Cái sự thích kêu cho to chẳng qua là “Bệnh gian và tham của người Việt không thể chữa được” một cách để xóa bỏ mặc cảm. Kẻ yếu bóng vía lấy cái mã bên ngoài để làm dáng che đậy cho sự trống rỗng bên trong.

Còn PGS.TS Trịnh Hòa Bình thì gọi tên đích danh đó là thói “hám danh, chuộng lạ” của người Việt trong thời hiện đại ngày nay.

Người Việt bây giờ cứ thích ghi danh vào Guinness, muốn làm bánh chưng khủng, chai rượu lớn,… Thói sính ngoại, sính hình thức, sính thành tích, thói đạo đức giả,… đã ăn sâu vào trong máu của người Việt” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Thói hám danh, chuộng lạ này theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình còn thể hiện ở chỗ: Nhìn danh để định người, lấy danh để “ra oai” với thiên hạ. Như chuyện "ghi nhầm" chức Phó ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố Cần Thơ lên thiệp mời cưới con của ông Nguyễn Hùng Dũng; công văn "mời" các cơ quan đoàn thể đến đám tang cha ông Trưởng công an huyện Giồng Giềng, Kiên Giang; thiệp mời ăn giỗ mẹ, không quên ghi thêm chức danh của ông Nguyễn Công Lý - chủ nhiệm UBKT thị xã Đồng Xoài, Bình Phước...

PGS.TS Trịnh Hòa Bình kết luận: “Xuyên suốt động cơ của lòng tham, chìm sâu vào bên trong, chi phối mọi thứ vẫn là thói vị kỷ, được kích hoạt lên bởi tính cơ hội”.

Vì “tính cơ hội” nên ông Dũng, ông Lý trên kia mới ghi thêm danh, chẳng qua cũng bởi mong muốn thu về đầy túi, nhiều tiền mừng, tiền hiếu - hỉ, lợi dụng chức quyền để thu về tiền riêng, kẻo lỡ sau này về hưu rồi, sẽ chẳng còn ai “đi tiền” các ông nữa!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: