Người Mỹ đã thay đổi nước Nhật ra sao?

10:29 SA @ Thứ Bảy - 13 Tháng Hai, 2016
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước sức tấn công của quân đội Đồng Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật Bản ký hiệp ước đầu hàng với các nhà lãnh đạo quân đội Đồng Minh trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ. Năm ngày sau khi Nhật ký hiệp ước đầu hàng, ngày 7 tháng 9 năm 1945, thống tướng Mỹ Douglas McArthur, người chỉ huy các lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương, thiết lập văn phòng làm việc tại Tokyo, mở đầu cho giai đoạn Mỹ chiếm đóng nước Nhật kéo dài trong sáu năm, tám tháng. Trong giai đoạn này, ông McArthur đã đề ra nhiều biện pháp thay đổi nước Nhật về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để biến nước Nhật từ một quốc gia hiếu chiến thành một nước đi theo con đường hòa bình, lo phát triển kinh tế...


Tình cảnh nước Nhật sau khi bại trận

Thành phố Hiroshima bị tàn phá bởi bom nguyên tử
Sau khi bị bại trận và phải đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945, nước Nhật có nhiều thành phố bị tàn phá vì chiến tranh. Ngoài hai thành phố là Hisosima và Nagasaki bị san phẳng vì bom nguyên tử với hàng triệu người chết và bị thương, nhiều thành phố khác cũng bị tàn phá vì phi cơ Mỹ ném bom vào các khu trung tâm công nghiệp để triệt hạ sức sản xuất cho chiến tranh của Nhật. Khi người lính Mỹ đặt chân lên nước Nhật họ đã sững sờ vì mức độ nước Nhật bị tàn phá trên sự tưởng tượng của họ. Tại nhiều nơi, chỉ còn lại sườn sắt thép siêu vẹo, cột, đà gỗ bị cháy. Hệ thống cấp nước đến các nhà bị phá hủy nên ở một số nơi, người dân phải lấy nước ở vòi nước công cộng để sinh sống. Ở một số khu vực, nhà cửa bị hư hại không còn cầu tiêu nên người dân phải đào lỗ cạnh nhà để tiêu tiểu.
Trung tâm thương mại tại khu phố Meguro bị bom tàn phá nên năm 1948, các cửa hàng được dựng lên bằng tre lá . Đến thập niên 1970 khu này được xây dựng lại với các building kiên cố

Hàng triệu người lính giải ngũ cũng một lúc không có công ăn việc làm. Nhiều người dân thất nghiệp vì các nhà máy bị tàn phá. Ngoài đường phố nhiều cựu chiến binh và thương binh phải xin ăn.


Nạn thiếu thực phẩm đã xảy ra. Có trường hợp tại vùng quê có người nhảy lên tàu hỏa để đi lên thành phố xem có thể kiếm gì ăn được. Nhiều người phải tìm rau dại, đào củ ăn thay cơm. Mỹ đã phải cấp tốc chở gạo cứu đói đến cho Nhật. Nhiều trẻ em lớn lên vào thời kỳ này vì thiếu ăn nên đã bị còi cọc, không lớn được.

Sau 1945, vì thiếu lương thực nên thực phẩm được phân phối theo tiêu chuẩn . Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm
Nạn lạm phát lên cao. Nạn chợ đen cũng lan tràn. Hàng hóa rất khan hiếm vì nhà máy bị phá hủy hết. Người dân Nhật lúc đó rất nghèo, chỉ có ít tiền nhưng cũng chẳng có gì để mà mua.
Thủ đô Tokyo điêu tàn vì bom đạn
Lính Mỹ đi tuần trên một chiếc cầu tại Tokyo với cảnh tàn phá xung quanh
Vì Nhật bị thua phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện nên phải chấp nhận các biện pháp mà tướng McArthur đưa ra nhưng cũng có những người Nhật chấp nhận hợp tác với người Mỹ trong các cải cách về nước Nhật vì họ cũng đồng ý là các thay đổi này có lợi cho nước Nhật. Người Nhật đã gọi ông là vị Shogun Mỹ. Shogun nghĩa là Sứ Quân, là người đứng đầu một lãnh địa, vào thời Nhật còn bị nạn sứ quân chia cắt.

Việc làm đầu tiên của ông là ra lệnh chở lương thực và các vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội do nạn đói và thiếu thốn gây ra. Ông ra lệnh thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa tại các trường học Nhật.
Quân đội Mỹ tiến vào nước Nhật, giải thoát các tù binh Mỹ và thi hành các điều kiện đã ký kết trong văn bản đầu hàng. Toàn bộ quân đội Nhật bị giải tán. Các binh sĩ được cho về quê sống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nhật, nước này bị quân đội ngoại bang chiếm đóng.

Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước Nhật và giúp đỡ người dân, chẳng hạn, khi vào nhà phải cởi giày để ở bên ngoài, đứng điều khiển giao thông trước các trạm xe lửa có xe cộ đông đúc, giúp đỡ trẻ em thiếu ăn. Người Nhật cảm động trước cách cư xử này của lính Mỹ.
Một bé gái Nhật cõng em, chụp tại Hiroshima năm 1945

Điều đầu tiên chính phủ Nhật chuẩn bị khi lính Mỹ tiến vào nước Nhật là mở ra hàng trăm nhà chứa điếm và các trạm giải trí để lính Mỹ đừng xâm phạm đến phụ nữ Nhật. Một số phụ nữ Nhật lo sợ bị lính Mỹ hãm hiếp nên đã cắt tóc ngăn, ăn mặc giả như là đàn ông khi đi ra ngoài. Có người kể là có phụ nữ đem theo những viên thuốc độc cianide để phòng khi bị cưỡng hiếp thì họ sẽ uống thuốc độc tự tử để khỏi bị mang nhục.


Lúc đầu, lính Mỹ được ra lệnh khi đi ra khỏi doanh trại phải trang bị đầy đủ vũ khí giống như khi ra trận, không được phép thân mật hay kết bè bạn với người Nhật. Nhiều người Nhật phàn nàn về chính sách này và sau đó người Mỹ thấy người Nhật không có vẻ gì là thù hận người Mỹ và không có ý định hại người Mỹ nên sáu tháng sau, lệnh trên được bãi bỏ. Lính Mỹ có thể đi ra ngoài phố mà không cần phải đem vũ khí theo.

Lính Mỹ chơi với trẻ em Nhật

Khi tướng McArthur ra trước quốc hội Mỹ để trình bày cho quốc hội biết kế hoạch ông sẽ thực hiện tại Nhật, ông nói là sẽ biến nước Nhật thành một nước dân chủ và theo kinh tế tư bản.

Chính sách của Mỹ tại Nhật sau chiến tranh là tìm cách loại bỏ các thành phần hiếu chiến đã chủ trương gây chiến tranh. Đồng thời với việc loại các thành phần hiếu chiến là sửa đổi kinh tế để các thành phần chủ chiến mất cơ sở về kinh tế. Về mặt xã hội, tinh thần thượng võ theo truyền thống của Nhật bị xóa bỏ bớt.

Thay đổi về chính trị

Sau chiến tranh, có 23 viên chức Nhật trong hàng ngũ lãnh đạo, một số ở trong quân đội, một số bên dân sự, bị đem ra tòa xử về tội ác chiến tranh. Trong số 23 người này, có bảy người bị xử tử. Thủ Tướng Nhật thời chiến tranh là Hideki Tojo cũng nằm trong số người bị xử tử.
Hideki Tojo (1884 - 1948)

Về phần Nhật Hoàng Hirohito, ông đứng ra nhận tất cả trách nhiệm về cuộc chiến và chấp nhận từ chức nếu Mỹ yêu cầu. Tướng McArthur đã không đòi hỏi Nhật Hoàng từ chức.

Có người lý luận là những tướng lãnh, những viên chức chính quyền bị xem là tội phạm chiến tranh và bị trừng phạt chẳng qua là họ nghe theo lệnh Nhật Hoàng. Thế mà đem trị tội những người thi hành lệnh mà lại không trừng phạt người ra lệnh, tức là Nhật Hoàng, thì việc trừng phạt những người kia chẳng còn có giá trị. Nhưng tướng McArthur hành động theo thực tiễn. Ông thấy Nhật Hoàng là người được toàn dân Nhật tôn trọng nên ông muốn Nhật Hoàng được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về chính trị. Nếu đem hạ bệ Nhật Hoàng thì khi người lãnh đạo tối cao không còn, mọi người sẽ quay ra tranh giành quyền lực, chống đối nhau, gây mất ổn định cho đất nước.

Tướng Hideki Tojo (Đông Điều) tự tử bằng cách dùng súng lục bắn vào tim để khỏi bị cái nhục khi bị đem ra tòa xử. Viên đạn không trúng tim, ông được cứu sống và sau này bị đem ra tòa xử và bị treo cổ

Nhật Hoàng đã đi khắp nơi trên đất nước Nhật đến nhiều gia đình để bắt tay người dân, thăm hỏi về đời sống. Việc làm này làm cho người dân rất xúc động và lên tinh thần, cố gắng làm việc để vượt qua các khó khăn.
Tướng McArthur và Nhật Hoàng Hirohito

Hiến pháp của Nhật bị thay đổi để trở thành một hiến pháp của một nước theo đường lối hòa bình. Hiến pháp Nhật trước đó được soạn vào năm 1889 vào thời Minh Trị Thiên Hoàng theo mẫu của hiến pháp Anh để biến chế độ nước Nhật từ chế độ quân chủ thành chế độ quân chủ lập hiến. Trong chế độ quân chủ lập hiến, người dân được quyền bầu đại diện vào quốc hội, đại biểu của dân tham gia việc soạn luật trong khi vua vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao.Với tư cách là người thắng trận, người Mỹ đã sửa đổi một số điều trong hiến pháp và đưa sang cho quốc hội Nhật biểu quyết chấp nhận. Việc soạn các sửa đổi trong hiến pháp được làm trong thời gian rất ngắn, chỉ có sáu ngày.

Trong hiến pháp mới, Nhật Hoàng vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao, nhưng chỉ có tính cách biểu tượng cho quốc gia và sự đoàn kết dân tộc mà không có quyền lực trong việc quyết định các đường lối, chính sách của quốc gia. Đường lối và chính sách quốc gia do các chính trị gia được dân bầu lên theo thể thức dân chủ đảm nhiệm.
Hiến pháp mới qui định nước Nhật sẽ không gây chiến với các nước khác để chiếm đất đai. Nước Nhật sẽ không lập một quân đội đông đảo mà chỉ có lực lượng phòng vệ quốc gia.

Trong hiến pháp mới, các quyền tự do căn bản của người dân như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tôn giáo được tôn trọng và phụ nữ cũng được quyền đi bầu.

Hiến pháp mới của Nhật được gọi là Hiến Pháp Hòa Bình, mở đầu với câu:
« Chúng tôi, nhân dân nước Nhật, mong muốn vĩnh viễn có hòa bình… Chúng tôi mong muốn luôn luôn có được một chỗ đứng vinh dựng trong cộng đồng thế giới trong việc duy trì hòa bình thế giới, trong việc hủy bỏ sự độc đoán và sự nô lệ hóa, sự áp bức và lòng bất khoan dung. »

Điều 9 trong hiến pháp Nhật ngăn cấm mọi hoạt động quân sự . Điều này viết : « Nhân dân Nhật không sử dụng chiến tranh để áp đặt lên nước khác uy quyền của mình và không dùng vũ lực trong các vụ tranh chấp với các nước khác ».

Hiến pháp này cũng qui định Nhật sẽ không tuyên bố gây chiến với các nước khác và không xây dựng một lực lượng bộ binh và hải quân lớn. Vì hạn chế có một quân đội lớn nên Nhật tiêu ít vào quốc phòng hơn các nước khác. Mỗi năm Nhật chỉ chi vào quốc phòng khoảng 1% ngân sách quốc gia. Tỉ lệ trung bình của các nước khác là từ 2% đến 4%.

Một số người Nhật muốn Nhật có quân đội mạnh hơn nhưng đa số người Nhật muốn giữ tình trạng như vậy. Cũng có lúc Mỹ muốn Nhật chi vào quốc phòng nhiều hơn vì nếu Nhật có một lực lượng quân sự lớn hơn thì Mỹ sẽ có thể giảm bớt chi phí về lực lượng quân sự của mình tại Á Châu trong việc ngăn ngừa sự bành trướng của khối Cộng Sản nhưng người Nhật cũng vẫn không gia tăng ngân sách quân sự . Họ muốn dồn ngân sách vào việc phát triển kinh tế.

Hiệp Ước Hòa Bình ký tại San Francisco năm 1951 bởi 48 nước, trong đó có Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Nhật qui định Nhật là một nước có chủ quyền về các chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia. Năm 1956, Nhật trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, Nhật ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn), nước trước đây là thuộc địa của Nhật.

Thay đổi văn hóa xã hội

Nhiều điều thay đổi trong xã hội Nhật đã được thực hiện trong giai đoạn này. Những phong tục, tập quán được cho là đề cao tinh thần ham chuộng sử dụng vũ lực và tinh thần quốc gia cực đoan bị ngăn cấm.

Tuồng Kabuki, loại tuồng cổ của Nhật, bị cấm. Tuồng Kabuki đã có từ lâu đời nhưng được đề cao và phổ biến mạnh mẽ trong thập niên 1930 là thời giới quân phiệt Nhật nắm quyền và thời tinh thần dân tộc được đề cao mạnh mẽ. Nhưng đến năm 1947, tức là hai năm sau, thì lệnh cấm bị bãi bỏ và ngày nay, tuồng Kabuki vẫn còn tồn tại.
Một cảnh trong tuồng Kabuki

Các môn võ bị cấm dạy trong đó có cả môn như Kiếm Đạo. Sau này, khi Nhật được trả lại chủ quyền vào năm 1952, chính quyền Nhật đã bãi bỏ luật cấm dạy võ. Các cuộc tranh tài về võ và đánh kiếm được phục hồi lại. Nhưng sau này các môn võ nghệ được xem như là thể thao chứ không phải để đào tạo, huấn luyện võ sĩ để theo sự nghiệp chiến tranh như thời xưa.

Trong trường học, giáo viên dạy học sinh về tinh thần dân chủ thay vì dạy học sinh phải tôn thờ Nhật Hoàng. Những đoạn ca tụng tinh thần thượng võ của giới Samurai trong sách giáo khoa bị bãi bỏ. Người dân Nhật phải đem nộp hết các kiếm, trong đó có các thanh kiếm cổ có từ hàng trăm năm. Ước lượng có đến hàng triệu thanh kiếm phải đem nộp cho nhà nước.
Một số thanh kiếm Nhật được trưng bày trong viện bảo tàng

Thần Đạo không còn được xem là quốc giáo mặc dù không bị cấm. Nhật Hoàng tuy còn tại vị nhưng không được xem là một vị thần ở dưới trần thế như xưa. Việc bãi bỏ Thần Đạo là quốc giáo và để cho tự do tôn giáo đã đưa đến hiện tượng có một số người đứng ra đi giảng đạo, qui tụ tín đồ và thành lập tôn giáo, đạo giáo mới.

Cổng kiểu này là biểu tượng của Thần Đạo
Đền thờ Thần Đạo ở thành phố Kyoto
Thay đổi về kinh tế
Trước khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra vào năm 1939, Nhật đã là một nước công nghiệp hóa với hệ thống kinh tế, chính trị có những nét giống như các nước tư bản Tây Phương. Nhật có những công ty lớn gọi là Zaibatsu, do tư nhân làm chủ, và kinh doanh trong nhiều ngành. Zaibatsu tiếng Nhật có nghĩa là tập đoàn tài chính. Các Zaibatsu hoạt động trong ngành khai thác quặng mỏ, luyện thép, chế tạo máy móc, chế tạo vũ khí, buôn bán với các nước. Một số các Zaibatsu này là cơ sở kinh tế của tầng lớp chủ chiến tại Nhật.
Xe hơi đầu tiên của hãng Toyota, kiểu AA bốn chỗ ngồi, 1936

Chế độ chính trị Nhật cũng phát triển theo qui luật hạ tầng kiến trúc chi phối thượng từng kiến trúc với các công ty lớn có liên hệ với các đảng chính trị và các đảng này tranh đấu cho quyền lợi của các công ty trong quốc hội. Có sự liên hệ giữa các Zaibatsu và các đảng chính trị và giới quân nhân chủ trương dùng chiến tranh bành trướng để chiếm các vùng có nhiều quặng mỏ, nhiêu liệu. Số công ty lớn đáng được gọi là Zaibatsu có đến hàng chục. Trong đó bốn Zaibatsu lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Các công ty này đã hiện diện hàng chục năm, từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật vào thập niên 1860. Hãng Mitsubishi cũng chế tạo khí giới, bom đạn để phục vụ cho chiến tranh. Chiếc chiến đấu cơ nổi tiếng của Nhật là Zero được chế tạo bởi hãng Mitsubishi.
Chiến đấu cơ Zero do hãng Mitsubishi chế tạo

Sau 1945, Mỹ giải tán mười sáu Zaibasu, trong số đó có bốn công ty lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Hai mươi sáu Zaibatsu được tái cấu trúc lại để trở thành hàng trăm công ty nhỏ. Mục đích của việc tái cấu trúc là để xóa bỏ ảnh hưởng của những thành phần chủ chiến trong xã hội Nhật, từ lãnh vực chính trị cho đến kinh tế, văn hóa chứ không chỉ giới hạn trong việc đem xét xử những người lãnh đạo chiến tranh trong quân đội và chính phủ mà thôi.

Hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Ryūjō được hãng Mitshubishi đóng từ 1929 đến 1931. Bị Mỹ đánh chìm tại Thái Bình Dương năm 1942

Đồng thời việc tổ chức lại một số tập đoàn tài chánh lớn là việc ban hành Luật Tản Quyền và Ủy Ban Kinh Doanh Công Bằng. Luật này nhằm mục đích giảm bớt việc tập trung nguồn lợi kinh tế vào trong tay một thiểu số người.

Kinh tế Nhật sau đó, với chính phủ có chủ quyền, có đặc tính là chính phủ can thiệp và chi phối khá nhiều vào hoạt động kinh tế chứ không tự do như nền kinh tế Mỹ. Một số thí dụ trong việc chính phủ can thiệp vào kinh tế như chính phủ hạn chế số hãng được mở ra trong một số ngành công nghiệp quan trọng. Việc hạn chế số hãng được mở ra nhằm mục đích vừa duy trì sự cạnh tranh giữa các hãng với nhau, vừa giữ cho số vốn được tập trung trong một số hãng mạnh, có khả năng cạnh tranh với các công ty mạnh trên thế giới chứ không tản mát vốn vào các công ty nhỏ không đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Một thí dụ khác như chính phủ giúp đỡ cho một số công ty quan trọng khi các công ty này gặp khó khăn, tránh cho các công ty bị vỡ nợ, phải đóng cửa quá sớm, tạo thêm điều kiện cho các công ty lướt qua các khó khăn khi kinh tế thế giới không thuận lợi. Các biện pháp can thiệp của chính phủ có những ưu điểm cũng như khuyết điểm cho nền kinh tế nói chung.

Nói chung Mỹ không tìm cách làm cho kinh tế Nhật suy yếu đi khi giải tán các công ty lớn mà chỉ tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của các thành phần chủ chiến. Mỹ muốn Nhật có một nền kinh tế thịnh vượng phát triển trong khung cảnh hòa bình. Nền kinh tế thịnh vượng đem lại công ăn việc làm cho người dân sẽ giảm bớt số người nghèo khổ bất mãn, thấy cuộc đời mình bị bế tắc, không có tương lai sẽ gia nhập các phong trào chính trị cực đoan, chủ trương dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội.

Người Mỹ đã thay đổi được gì?
Những việc làm của tướng McArthur như thay đổi hiến pháp, thay đổi kinh tế, văn hóa sau đó có điều được bỏ đi, có điều chỉ áp dụng ở một mức độ nào đó hoặc chỉ có ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội Nhật đến một mức nào đó.
Điều đã thay đổi nước Nhật là phe quân nhân mất ảnh hưởng và không còn can thiệp vào kinh tế, chính trị Nhật nữa . Quân đội Nhật chỉ giữ vai trò phòng vệ quốc gia chứ những người lãnh đạo quân đội không làm kinh tế, không can thiệp vào đường lối của chính phủ do dân bầu.

Nếu nhìn vào một số quốc gia ngày nay như Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Pakistan… với quân đội và cơ quan an ninh có ảnh hưởng trong chính trị, kinh tế và có hậu quả xấu cho quốc gia thì việc triệt tiêu được ảnh hưởng của giới quân nhân Nhật sau Thế Chiến Hai là sự thành công. Sự thành công này có lợi cho Mỹ là Nhật sẽ không dùng quân sự mà chống Mỹ, nhưng cũng có lợi cho Nhật là các thành phần kinh tế, xã hội khác trong nước Nhật có cơ hội được hoạt động và phát triển mà không bị giới quân nhân lấn át.

Tại Thái Lan, quân đội vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong chính trị. Thủ tướng Thái mặc dù được dân bầu lên nhưng có thể bị lật đổ khi quân đội làm đảo chánh. Như vậy, khi thủ tướng Thái có những chính sách làm thiệt hại đến quyền lợi của quân đội thì sẽ bị quân đội ngăn cản. Nếu thủ tướng cứ tiếp tục chính sách đó thì sẽ bị quân đội làm đảo chánh lật đổ, rồi sau đó quân đội lại để cho bầu cử để có thủ tướng mới. Một số tướng lãnh Thái tham nhũng và có quyền lợi trong một số công ty. Việc quân đội dùng sức mạnh xen vào chính trị khiến cho một số hành vi phạm pháp, tham nhũng không bị trừng phạt và quân đội dùng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người chứ không theo sự công bằng xã hội.

Nước Nhật đã từng trải qua sự thay đổi vào giữa thế kỷ 19 khi những người lãnh đạo muốn canh tân nước Nhật. Việc kinh doanh trước đó bị coi thường. Tầng lớp thương nhân bị đứng hàng chót trong bốn tầng lớp Sĩ, Nông, Công, Thương. Tầng trên cùng là Sĩ tức là Võ Sĩ, Samurai, là người được trọng vọng, có quyền đeo kiếm đi ngoài đường. Sĩ của Nhật khác với Sĩ của Trung Hoa và Việt Nam. Sĩ của Trung Hoa và Việt Nam là Nho sĩ, là người xem trọng việc giáo dục dân, giải quyết vấn đề bằng hòa bình hơn là dùng vũ lực. Để chấn hưng thương mại, những người chủ trương canh tân đã viết sách thay đổi cách nhìn của dân Nhật về giới thương nhân. Tầng lớp võ sĩ cũng bị giảm bớt giá trị khi chính quyền không còn duy trì sự phân biệt các tầng lớp một cách chặt chẽ như xưa. Với sự thay đổi của người Mỹ, giới quân nhân bị mất ảnh hưởng rất nhiều, tinh thần võ sĩ đạo đề cao sự can đảm, không sợ chết không còn được trọng vọng, thay vào đó là một lớp doanh nhân, xem việc kiếm tiền là mục tiêu cần theo đuổi.
Võ sĩ, Samurai
Việc giảm đi tinh thần thượng võ, gia tăng tinh thần kinh doanh làm cho một số người Nhật bất mãn vì thấy văn hóa truyền thống của Nhật bị phai nhạt đi. Nhưng chính đa số dân Nhật cũng tán thành việc làm giảm bớt tinh thần thượng võ vì họ thấy sự tai hại ghê gớm của chiến tranh. Về những năm sau này, có trường hợp một người Nhật tự mổ bụng tự tử để tỏ ý phản đối văn hóa mới, không còn xem trọng các đức tính của Samurai nữa.
Xe Honda Civic 1973, kiểu xe hơi đầu tiên của hãng Honda khi hãng này bước qua lãnh vực sản xuất xe hơi


Những gì nước Nhật không thay đổi

Tuy Mỹ có thay đổi hiến pháp và luật pháp, cũng với ý định thay đổi cả văn hóa Nhật nhưng sau hàng chục năm, có những điều Nhật vẫn không thay đổi nhiều.

Xã hội Nhật vẫn có tính cách tôn ti trật tự, người dưới nghe lời người trên, chứ không giống như các nước Tây Phương mỗi người là cá nhân bình đẳng với nhau.

Vai trò phụ nữ Nhật trong các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn khiêm nhường hơn so với vai trò phụ nữ Tây Phương. Trong hàng chục năm sau chiến tranh, gia đình Nhật vẫn còn là người chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái trong khi cùng thời gian đó, tỉ lệ phụ nữ Tây Phương ra ngoài đi làm cao hơn.
Người Nhật vẫn giữ thói làm việc rất cẩn thận, chu đáo. Vào đầu thập niên 1980, khi hàng hóa Nhật với đồ điện tử, xe hơi, xe mô tô xuất cảng lan tràn trên thế giới, người Mỹ thấy hàng hóa Nhật tốt hơn, bền hơn nên tìm hiểu tại sao. Họ thắc mắc tại sao người Nhật học phương pháp kiểm soát phẩm chất trong công nghiệp từ Mỹ lại sản xuất ra hàng hóa có phẩm chất cao hơn hàng hóa Mỹ. Người Mỹ thấy là sở dĩ hàng hóa Nhật có phẩm chất tốt là vì người Nhật làm việc với thái độ cẩn thận, chu đáo, để ý đến từng chi tiết nhỏ.
Cửa tiệm Wako với tháp đồng hồ tại khu Ginza, Tokyo, 1950
Phép lạ Nhật Bản
Vào thời gian đầu tiên sau 1945, Nhật là một nước bị chiến tranh tàn phá nên kinh tế Nhật là kinh tế thắt lưng buộc bụng, đời sống kham khổ, phải làm việc nhiều. Đến thập niên 1960 người ta nói đến Phép Lạ Nhật Bản khi kinh tế Nhật hồi phục mau chóng và đi vào giai đoạn tăng trưởng với tốc độ nhanh. Vào thời gian này, tại Châu Âu, kinh tế Tây Đức cũng hồi phục và phát triển nhanh. Dư luận tại miền Nam lúc đó nói rằng Đức và Nhật là hai nước kẻ thù của Mỹ mà ngày nay trở thành bạn và có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, nên có nhiều người hy vọng việc miền Nam sẽ có được sự giúp đỡ của Mỹ để phát triển kinh tế.
Tại Châu Âu, sự giúp đỡ của Mỹ được nhắc đến qua chương trình Marshall. Qua chương trình này, Mỹ đem tiền cho các nước Tây Âu vay để các nước này xây dựng lại hạ tầng cơ sở, hồi phục lại nền công nghiệp đã bị chiến tranh tàn phá trong Thế Chiến Hai. Tại Nhật, không có chuyện Mỹ đổ tiền vào một cách dồi dào như tại Tây Âu nhưng Mỹ cũng có góp phần làm cho kinh tế Nhật phát triển nhanh hơn trong việc dành các hợp đồng cung cấp quân trang, quân dụng cho quân đội Mỹ trong hai cuộc chiến tranh tại Đại Hàn, 1950 – 1953, và chiến tranh tại Việt Nam vào thập niên 1960.

Sự phục hồi kinh tế của hai nước Tây Đức và Nhật cũng là do chính phủ các nước này biết quản lý kinh tế một cách khôn ngoan và người dân các nước này hăng hái làm việc, nhưng đối với dân miền Nam lúc đó thì trường hợp hai nước này cho thấy ít ra là hai nước này có thể trở thành thịnh vượng khi nằm trong khu vực ảnh hưởng của Mỹ, dù là trước đó đã là kẻ thù của Mỹ.
Xe Toyota Corona 1968, xuất hiện tại miền Nam, nhập cảng từ Nhật
Xe Mazda 1500, 1969, cũng thấy xuất hiện trên đường phố miền Nam cùng thời với chiếc Toyota Corona. Được đặt tên Mazda 1500 vì xe này dùng động cơ 1500 phân khối
Phép lạ Nhật Bản là làm việc nhiều và chịu khó,Vào thập niên 1950, 1960 dân Nhật sống đời sống cần kiệm, kham khổ. Một ký giả Tây phương mô tả bữa cơm của một gia đình công nhân Nhật thường không có thịt. Trên mâm chỉ có mấy miếng đậu phụ. Cả nhà ăn đậu phụ chấm tương. Ăn xong rồi thì chan canh rau cũng nấu với đậu phụ. Ăn canh sau cùng cũng để rửa sạch bát để không còn dính một hạt cơm nào trong bát. Nhật là đảo quốc thì ăn tôm, cá nhiều hơn. Thịt bò tại Nhật rất đắt chỉ có nhà giàu mới có tiền ăn thịt bò. Vì Nhật ít đất nên không để đất trồng cỏ để nuôi bò, cho nên phải nhập cảng thịt bò. Người Nhật, người Đài Loan và người Đại Hàn ăn đậu phụ rất nhiều so với người Việt.
Đậu phụ là nguồn cung cấp chất đạm cho bắp thịt cần cho những người làm việc nặng và đậu phụ rẻ hơn thịt.

Phép lạ Nhật Bản cũng là sự tính toán, tiết kiệm trong đời sống. Nhật tuy đất ít nhưng cũng có thể tự túc được gạo. Để phát huy năng suất của đất, người Nhật sử dụng nhiều phân bón hóa học. Vì thế giá thành của lúa làm ra cao. Chính phủ Nhật phải phụ cấp cho nông dân để nông dân có thể bán lúa trong nước với giá thấp hơn. Để đạt được mức cung cấp gạo tối đa cho một diện tích đất ít ỏi, người Nhật trồng loại lúa thượng hạng. Loại lúa này họ đem xuất cảng bán được với giá cao. Số tiền bán được họ mua gạo hạng thường về cho dân dùng như thế họ có được nhiều gạo hơn. Trong những năm từ đầu thiên niên kỷ 2000, chính phủ Nhật bỏ phụ cấp trồng lúa cho nông dân và bỏ chính sách phải tự túc được về gạo mà nhập cảng gạo cho dân trong nước dùng. Họ dùng đất để xây nhà máy, chế tạo hàng hóa đem bán thì được lợi gấp bội việc trồng lúa.

Phép lạ Nhật Bản cũng là sự tỉnh táo, sáng suốt nhìn vào tình thế. Người Nhật có thể rình giết lính Mỹ, quấy rối quân đội Mỹ mãi mãi để đuổi người Mỹ đang chiếm đóng nước Nhật. Nhưng làm thế thì Nhật sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ và mất đi dịp học hỏi kỹ thuật của người Mỹ. Người Nhật hiểu họ thua Mỹ là vì kém về kỹ thuật trong nhiều mặt, kém về tiềm năng kinh tế. Vì thế họ đưa ra khẩu hiệu "đuổi kịp người Tây Phương, vượt qua người Tây Phương". Họ đã từng canh tân nước Nhật vì thấy khoa học kỹ thuật và kinh tế là nền tảng của sức mạnh quốc gia. Họ tìm cách xây dựng nền tảng của sức mạnh quốc gia trong khi hoàn cảnh bại trận giới hạn họ trong một số mặt. Họ đã tự nhủ với nhau rằng "Nếu chúng ta không thể làm người thắng giỏi thì chúng ta sẽ làm người thua giỏi". Người thua giỏi là người biết nuôi sức mình để chờ cơ hội thuận tiện mà đứng thẳng lên.

Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ?

Cho đến ngày nay cũng vẫn còn có người gọi các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của các nước tư bản Tây phương là « thuộc địa kiểu mới » của các nước Tây phương.
Chữ thuộc địa kiểu mới phát sinh từ chỗ sau Thế Chiến Hai, các nước Tây Phương đã trả lại độc lập cho các nước thuộc địa nhưng vẫn giữ quan hệ về kinh tế, chính trị với các nước này. Các nước thuộc địa cũ tuy được độc lập nhưng vẫn còn nền kinh tế nông nghiệp, chưa công nghiệp hóa nên vẫn tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các nước Tây phương, các nước Tây Phương vẫn khai thác và mua nguyên liệu từ các nước thuộc địa cũ giống như thời các nước này còn là thuộc địa. Chẳng hạn, các nước cựu thuộc địa của Anh, sau khi được trả độc lập vẫn ở trong khối Common Wealth do Anh dẫn đầu và buôn bán, giao thiệp với Anh. Một số nước cựu thuộc địa của Pháp ở trong khối Liên Hiệp Pháp và tiếp tục buôn bán, giao thiệp với Pháp.

Trường hợp của Nhật xem ra không thể xếp chung vào với các nước cựu thuộc địa vì Nhật đã là một nước công nghiệp hóa chẳng khác gì các nước Tây phương từ trước Thế Chiến Hai. Sau Thế Chiến Hai, vì thua trận nên Nhật và Đức bị Mỹ khống chế không cho có quân đội lớn, nhưng về mặt kinh tế, Nhật là một nước công nghiệp hóa nên Nhật bán hàng cho các nước khác đồng thời mua nguyên liệu từ các nước khác giống y như các nước Tây Phương đã công nghiệp hóa chứ không phải là nước chỉ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các nước Tây phương và cung cấp nguyên liệu cho các nước công nghiệp. Vì thế không thể gọi Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Nhật bán hàng sang Mỹ nhiều hơn Mỹ bán sang Nhật. Công ty Toyota của Nhật đã soán ngôi công ty GM của Mỹ trong ngôi vị công ty bán xe hơi nhiều nhất thế giới thì đâu thể gọi Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Qua đến thập niên 1980, một số nước Á Châu trước đây bị gọi là thuộc địa kiểu mới như Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Phillipines lại được xem là Con Rồng Của Á Châu khi có nền kinh tế phát triển nhanh. Trường hợp Đài Loan và Nam Hàn thì từ nước nông nghiệp sau Thế Chiến Hai ngày nay đã thành một nước công nghiệp sản xuất hàng bán đi khắp thế giới.

Dù gọi là thuộc địa kiểu mới hay là gì chăng nữa thì trong nền kinh tế tự do của thế giới, nước nào mà người dân hăng hái hoạt động, có chính sách phát triển khôn ngoan thì cũng vươn lên được.

Người Mỹ đã thay đổi nước Nhật ở chỗ giới hạn khuynh hướng gây chiến tranh, nhưng trong khung cảnh kinh tế tự do của thế giới, nước Nhật cũng vẫn vươn lên được bằng các sử dụng tốt nhất các điều kiện eo hẹp nhất định mà họ có.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật

    10/04/2014TS. Nguyễn Xuân XanhTrình độ văn minh của một đất nước có thể được đo lường bằng tri thức và đức hạnh của cả dân tộc đó. (Fukuzawa Yukichi)
  • Tinh thần cầu học: sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản

    12/03/2019Sông HànTâm tính và tinh thần cầu học của quốc gia sẽ đưa lại những ngã rẽ khác nhau, hoặc phú cường hoặc tụt hậu...
  • Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản

    02/04/2018Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19...
  • Chúng ta có thể học gì từ người Nhật?

    17/10/2017Nguyễn Trần BạtTrong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, đất nước gặp nhiều khó khăn, chúng ta buộc phải có những thay đổi căn bản và quyết liệt. Nhìn nhận lại những bài học từ Nhật Bản là một việc giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn để bắt đầu cho sự đổi mới sâu sắc, toàn diện...
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Người Nhật học thế nào?

    20/07/2017Môn Nghiên cứu xã hội (Social Studies tức Đức Dục theo cách gọi hồi xưa) ở Nhật là môn quan trọng thứ 2 chỉ sau môn “Tiếng Nhật”, đứng trên mọi môn khác còn lại như toán lý hóa sinh kinh tế học….và có thời lượng dạy và học rất nhiều...
  • Tại sao người Nhật mê đọc sách?

    19/03/2017Nguyễn Xuân Xanh2Những lý do nào khiến dân tộc Nhật đã có một văn hoá đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới? Văn hoá đọc này không phải chỉ bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân 1868 khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc. Những lý do nào khiến cho một dân tộc võ sĩ lại trở thành mê đọc sách như thế? Và đọc sách để làm gì?
  • Tân thư và phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ cận đại

    25/07/2016Phan Trọng ThưởngDấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng...
  • Nhật Bản đầu hàng không điều kiện năm 1945

    12/02/2016Bùi Minh10 h đêm ngày 9 tháng 8 năm 1945. Tất cả các bộ trưởng mặc đại lễ cùng với Thủ tướng Suzuki vào Hoàng cung. Cùng giờ này, Nhật hoàng Hirohito mời đủ mặt các nhân vật cao cấp trong nước tới hầm núp của Nhà vua...
  • Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

    12/02/2016Trương Văn DânTrong bài này người viết muốn tìm hiểu do đâu mà (trước đây) nước Mỹ được xem là thiên đường và hiện nay đó là một thiên đường có súng và két sắt giữ tiền. Câu trả lời có thể nằm trong những con người vĩ đại và lý tưởng lớn giành lấy tự do và dân chủ từ thời lập quốc...
  • Những tư tưởng của Fukuzawa Yukichi tạo nên bước nhảy vọt kỳ diệu của Nhật Bản

    15/12/2015Fukuzawa Yukichi (1835-1901)Cuốn Khuyến học của người Nhật này sẽ giúp cho độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô "ăn nhờ ở đậu", nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành "quốc dân" của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay...
  • Sửng sốt với 'thế hệ đánh mất' của Nhật Bản

    08/08/2015Nha ĐamTuần qua, người Việt sửng sốt với thông tin về “thế hệ đánh mất” của Nhật Bản được truyền thông phương Tây phản ánh, với khoảng 1 triệu người trẻ tuổi đang tách mình khỏi xã hội trong hoàn toàn cô độc...
  • Nhật Bản duy tân 30 năm: Gương cũ nên soi

    06/08/2015Bạch DươngPhía sau vai trò của Thiên hoàng có hay không những căn nguyên, những đóng góp của các nhân vật khác? Và tại sao trong rất nhiều quốc gia khu vực có chung hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội như Nhật Bản lại không có được bước phát triển thần kỳ đó? Thật bất ngờ là lời đáp cho các câu hỏi khiến giới nghiên cứu hiện nay vẫn còn đang trăn trở lại đã được giải đáp một cách đầy đủ và chính xác từ cách đây 80 năm bởi công trình tầm vóc của nhà khảo cứu lịch sử Đào Trinh Nhất, cuốn sách “Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân”...
  • Nhật Bản: mặt trời mọc từ những trang sách

    08/05/2015"Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học kẻ thù, mà chỉ sợ vô minh vì không học"...
  • Tinh thần quốc dân của người Nhật qua chuyện "Người phu xe hiếm có"

    29/01/2015Phan Bội ChâuCuối năm 1905, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ dành dụm được vài đồng bạc làm hành phí để lên Tokyo tìm cho được anh học sinh Trung Quốc, quê Vân Nam có tên Ân Thừa Hiến. Xuống khỏi xe lửa, 2 người gọi một phu xe và đưa danh thiếp "Ân Thừa Hiến" ra. Người phu không biết chữ Hán bèn đi tìm một đồng nghiệp khác biết chữ...
  • Cảm nhận Nhật Bản

    01/07/2014Nguyễn Tất ThịnhDù đã học tập sinh sống nhiều năm, đi lại vài lần tại Nhật Bản, nhưng mỗi lần thêm cảm nhận hơn về đất nước con người Nhật….Đến chỗ hay, gặp người hay, trao đổi việc hay…luôn là một điều quý giá : kiểm chứng lại mình, thêm những giá trị mới, hình dung tỏ tường cách đi đến tương lai …
  • Từ bao giờ và bằng cách nào người Nhật thoát ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc?

    07/04/2014Cao Huy ThuầnNhật Bản đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc không thua gì Việt Nam. Cũng như ở ta, Khổng giáo đã từng là khuôn vàng thước ngọc chính thống trong tư tưởng của nước ấy. Nhưng người Nhật đã sớm ra khỏi quỹ đạo tư tưởng của Trung Quốc. Họ bắt đầu giải phóng tư tưởng của họ từ bao giờ? Bằng cách nào? Do trường phái nào? Bằng lý luận gì? Đó là câu hỏi mà tôi mong nhiều bạn sẽ cùng đặt ra với tôi, và bài viết này chỉ là một câu trả lời rất khiêm tốn.
  • Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật Bản hiện đại

    15/12/2011Cuộc đời Hirohito gắn liền với sự phát triển và biến chuyển của Nhật Bản là một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn nhưng hầu như không được biết đến nhiều. Ở Việt Nam, chúng ta biết nhiều về sự Thần kỳ Nhật Bản...
  • Nhân đọc "Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hoá" của Vĩnh Sính

    14/12/2011Ngày nay Nhật Bản là một cường quốc, và cũng là nơi tập trung nhiều tinh hoa, nghệ thuật thuộc hàng bậc nhất của thế giới. Thế thì tại sao Nhật Bản lại phát triển mạnh mẽ như vậy? Những bài tiểu luận trong cuốn sách "Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hoá" của Giáo sư Vĩnh Sính đã trả lời được phần nào câu hỏi đó.
  • Tinh thần võ sĩ đạo qua một số nhân vật lịch sử Nhật Bản

    28/06/2011Trần Văn Thọ (Tokyo)Nếu sống ở Nhật một thời gian tương đối dài ta sẽ nhận thấy tính cách độc đáo của người Nhật về lối giao tiếp, về nghi lễ, về cách xử thế, v.v… Nhiều người nước ngoài có thể thấy phiền toái hoặc thấy khó hiểu về lễ nghi, về cách thể hiện trách nhiệm cá nhân, về quan niệm đạo đức của người Nhật. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ ta sẽ thấy bề sâu của tính cách độc đáo ấy là sự tuyệt hảo của các quy phạm đạo đức Đông phương như nhân, nghĩa, lễ, dũng, tín.
  • Hội trí thức Meirokusha và tư tưởng Khai sáng ở Nhật bản

    19/06/2011Vĩnh SínhVì Meirokusha quy tụ những nhà Tây học có tư tưởng khai sáng tiêu biểu ở Nhật lúc bấy giờ, có thể xem tư tưởng khai sáng của họ cũng chính là tư tưởng khai sáng của nước Nhật nói chung. Đối với những thành viên Meirokusha, họ tự giác về nhiệm vụ phải cung cấp cho dân chúng những kiến thức mới, nhưng đồng thời họ cũng ý thức việc đổi mới tư duy dựa theo lối mòn của Nho giáo nói chung mới chính là nhiệm vụ cơ bản...
  • xem toàn bộ