Nhà văn Ngô Tất Tố bàn về "Thuế ngày Tết" và tệ tham nhũng

08:22 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Mười, 2014

Ngày nay xác định tham nhũng là loại tội phạm nguy hiểm, là giặc nội xâm. Tham nhũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực và có nguyên nhân sâu xa. Khi làm bổn phận "thư ký của thời đại, một thời chưa xa lắm", Ngô Tất Tố đã đề cập tới những biểu hiện của nạn hối lộ trong cuộc sống đời thường và các cách ngăn chặn tệ tham nhũng...

* Thuế ngày Tết

Các quan quen gọi là lễ Tết

"Trong một đời người dân An Nam, ngoài những thuế chính ngạch, ngoại ngạch mà họ phải gánh bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, lại còn một thứ thuế nữa. Tuy không phải nộp cho chánh phủ nhưng cũng phải nộp cho các quan. Tuy không phải cả dân ai cũng chịu, nhưng bao nhiêu người dính đến việc quan đều phải đóng hết.

Nó là thứ thuế ngày Tết.

Gọi là thuế chắc rằng các quan sẽ không bằng lòng. Bởi vì xưa nay các ngài vẫn quen gọi nó là lễ: lễ Tết. Chứ chưa có ai bảo là thuế.

Kỳ thực có phải là lễ nữa đâu. Xưa kia thì nó là lễ, bây giờ nó đã mất hết tính cách "lễ" hóa ra tính cách "thuế" rồi. Phải gọi thuế mới đúng".

Nộp thuế bằng hiện vật

"Ở các thôn quê, mỗi lần năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang, những người dính đến việc quan, ai mà không lật đật về "vi thiềng" để nộp cho những ông "quan phụ mẫu"? Đối với cái vi thiềng của các ông "quan phụ mẫu" họ còn nóng hơn giò nem, bánh trái, những món để cúng ông bà ông vải nhà mình. Không có giò nem, bánh trái, ông bà, ông vải cũng không bắt tội nào, nhưng không có cái vi thiềng kia, thì có khi họ sẽ không thể sống được bình yên trong năm sắp tới.

Cái vi thiềng ấy, thuở xưa, chỉ là thúng gạo, đôi gà, hoặc là vài ba bao chè chẳng hạn.

Tổng thì chánh tổng phó tổng, xã thì lý trưởng, phó lý, chánh hội, phó hội, thủ quỹ thư ký, trương tuần, chưởng bạ, mỗi người phải riêng một cái vi thiềng là đã đành rồi, ngoài ra lại phải chung nhau mà góp cho được một cái vi thiềng của hàng xã và một cái vi thiềng của hàng tổng nữa.

Trong một phủ hay một huyện có bao nhiêu tổng, xã, bao nhiêu lý dịch ấy là những ông "quan phụ mẫu" có bấy nhiêu cái vi thiềng. Mỗi cái vi thiềng là mỗi đôi gà, thúng gạo. Giả sử những ông phụ mẫu có đi mở hiệu cao lâu chăng nữa, cũng không thể tiêu thụ được hết gà, gạo trong dịp Tết. Đừng nói để lại ăn dần".

Nộp thuế bằng tiền

"Vì vậy, tại các phủ, huyện mới có cuộc cải cách, không biết khởi lên tự quan hay tự dân, cải cách thúng gạo, đôi gà ra mấy đồng bạc.

Mấy đồng bạc là cái vi thiềng riêng của bản thân mỗi người, lại còn cái vi thiềng chung của hàng tổng, hàng xã nữa.

Mỗi một vụ Tết, một người lý dịch phải trực tiếp mà nộp vào quan huyện hoặc quan phủ ít nhất cũng bằng một suất công sưu của họ. Ấy là chưa kể ông nha, ông lệ, các ông trên tỉnh, đối với mỗi ông, họ cũng phải có ít nhiều gì đó.

Nhưng nếu họ không có thì sao?

Thì họ sẽ bị ghi tên vào cuốn sổ đen trong bộ óc thông minh của các vị "phụ mẫu". Rồi họ sẽ bị bới lông tìm vết, người ta rình họ như rình miếng mọc.

Ấy vậy, nếu trong dịp Tết mà không có một số tiền nộp cho các ông "quan phụ mẫu", thì kết quả của bọn tổng lý sẽ đến như vậy".

Đường dây di truyền nộp thuế và chả ai cho khất thuế

"Thế thì có khác gì thuế? Thuế còn có khi khất được, chứ cái số tiền ngày Tết phải nộp thì ai cho khất bao giờ?

Tuy vậy, chúng ta cũng không nên trách các ông phủ, huyện nhiều quá về vụ thuế đó. Bởi vì chính những ông ấy cũng có bổn phận như bọn tổng lý. Lấy thuế của bọn tổng lý, các ông ấy lại phải nộp cho mấy ông ở trên. Nếu không nộp, các ngài cũng bị người ta coi làm kẻ thù, hoặc chậm thăng quan, hoặc phải đổi đi thượng du.

Chẳng phải chỉ những quan cũ mới có cái chính sách di truyền ấy đâu. Các ông quan mới, nghĩa là những người đã có được chút tân học cũng vậy. Có ông còn tệ hơn, thậm chí vào mùa gạo mới, chim ngói, người ta cũng bắt tổng lý phải nộp số tiền thay gạo, thay chim, mới ghê cho chớ.

Nếu như không sợ mếch lòng, chúng ta có thể nói rằng: mỗi dịp Tết, tức là mỗi lần quan lớn bóc lột quan nhỏ, rồi quan nhỏ lại bóc lột tổng lý".

Cấm quan thu đồ lễ Tết của dân

"Trước kia đã có một đạo chỉ dụ cấm quan thu đồ lễ Tết của dân, cấm dân đem đồ lễ Tết cho quan, dân gian thấy vậy đã lấy làm mừng. Không hiểu tại sao đạo chỉ dụ ấy tự nhiên lại bị nguội lạnh dần dần, rồi thì cái nạn lễ Tết lại mỗi ngày một dữ dội.

Giả sử mỗi một dịp Tết, đạo chỉ dụ kia lại được sao lục, phát hành một lần khắp các phủ, huyện và thôn quê, thì may ra mới trừ được cái thuế Tết".


Các quan lại Bắc Kỳ thời xưa (ảnh tư liệu).

* Chống tham nhũng: Tăng lương và kiểm soát - đằng nào có hiệu quả hơn

Sự ăn hối lộ không do ở ít lương

"... Trước đây lương của quan lại chẳng có bao nhiêu, một viên tri huyện mỗi tháng chỉ được hai quan tiền và hai hộc gạo, một viên tri phủ mỗi tháng được bốn quan tiền bốn hộc gạo mà thôi. Thế mà trong chốn quan trường vẫn giữ được thanh liêm, ít người phạm tội hối lộ. Tới nay lương của quan lại đã nhiều gấp trăm ngày trước, mỗi viên tri huyện hạng ba mỗi tháng được 150 đồng, một viên tri huyện hạng nhì mỗi tháng được 180 đồng. Như vậy mà cái nạn hối lộ vẫn có, đủ rõ sự hối lộ không do ở ít lương".

Chả phải lương không đủ chi tiêu mới sinh tham nhũng

"Có người nói, ngày xưa một khác, bây giờ một khác, không thể đem mà so sánh với nhau. Xưa kia vật dụng rẻ rúng, tiêu pha ít ỏi, quan lại tuy ít lương mà vẫn giữ được thanh liêm vì chi dụng đã đủ. Đến bây giờ đồ ăn thức dụng cái gì cũng đắt gấp mấy ngày xưa, số lương không đủ chi tiêu cho nên mới sinh tham nhũng.

Nói vậy thật vô lý. Bây giờ vật dụng đắt hơn ngày xưa thì số lương quan lại cũng đã cao hơn ngày trước nhiều lắm rồi. Nếu quan lại biết giữ đức thanh liêm, số lương của một mình cũng đã đủ cho một nhà phong lưu dư dụng. Xem như những viên thông phán, giáo học cũng cùng bị cái ảnh hưởng đắt đỏ mà sao ít thấy có người mắc tội tham nhũng như các viên quan lại?".

Vì đâu quan lại sinh ra tham nhũng

"Quan lại sinh ra tham nhũng bởi nhiều cớ:

- Vì dân ta chưa hiểu pháp luật, gặp việc khó khăn đến mình thì muốn đút lót cho nhanh việc, cho khỏi tội cho nên quan lại mới dễ lấy tiền.

- Vì xã hội ta đương giao thời, học thuật tư tưởng thay đổi, nhiều đạo đức cũ đã bị đánh đổ, đạo đức mới chưa gây dựng nên, cái hồn liêm sỉ đã không còn, cái tệ tham nhũng mới bành trướng.

- Việc giám sát quan lại chưa hoàn hảo, bọn chúng dễ dùng thủ đoạn khôn khéo mà che giấu, vì thế tệ tham nhũng vẫn diễn ra mà ít người biết".

Cách trừ nạn tham nhũng

"Trừ tệ tham nhũng mà chỉ dùng cách tăng lương, chẳng khác gì công nhận sự hối lộ là vô tội.

Muốn trừ tệ tham nhũng phải dùng ngay hai cách:

- Phải đưa quyền giám sát quan lại thật sự giao lại cho dân, các hội viên hàng huyện, hàng tỉnh do dân cử có quyền "đàn hạch" (kiểm soát) công việc của quan lại, nếu xét ra việc đàn hạch quả đúng, thì quan lại bị đàn hạch phải chịu trách nhiệm.

- Phải có một bộ thanh tra quan lại hoàn hảo và lớn hơn ngày nay để soi xét được hết sự ám muội của những quan lại tham nhũng"

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiền tham nhũng: Của Cesar phải trả về cho Cesar

    10/07/2019Hiệu MinhTheo World Bank (WB) và Liên hợp quốc (UN) ước tính, hàng năm có khoảng từ 20 đến 40 tỷ đô la bị ăn cắp do tham nhũng từ các nước đang phát triển. Số tiền khổng lồ đó gấp đôi nhu cầu của chính các nước này để tồn tại trong khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.
  • Tham nhũng dưới góc nhìn tâm lý xã hội

    24/10/2014Nguyễn Đăng TấnTham nhũng, là biểu hiện nguy hiểm nhất của sự tha hoá quyền lực, sự thoái hoá, biến chất của công chức đó là “quốc nạn” của cả dân tộc. Đã hàng chục năm nay nhiều biện pháp đã được vạch ra, nhiều cơ quan đã được thành lập để phòng và chống tham nhũng...
  • Tâm lí tham nhũng

    06/08/2014Nguyễn Văn Tuấn dịch (Theo “Psychology of corruption”)Chúng ta đánh ngã một nhà độc tài và nghĩ rằng chúng ta đã tiêu diệt những tay chân của y. Thế mà với Chính phủ sau đó, vấn đề tham nhũng và hối lộ tiếp tục gây tác hại cho đất nước chúng ta...
  • Chặn đứng “tham nhũng quyền lực”

    08/02/2014Phi Tuấn thực hiệnKhi quyền lực được trao vào tay một cá nhân mà thiếu đi một cơ chế giám sát hiệu quả, quyền lực ấy rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến những hành vi tham nhũng...
  • Sự biến dạng tâm lý xã hội dưới tác động của tham nhũng

    08/02/2013Nguyễn Trần BạtTham nhũng không phải là hiện tượng tiêu cực duy nhất gây ra biến dạng tâm lý nhưng nó là một trong những yếu tố gây ra những biến dạng khủng khiếp nhất, trên quy mô rộng lớn nhất, ở mức độ sâu sắc nhất và thậm chí, tham nhũng gây ra sự biến dạng nhân cách...
  • Để chống lạm quyền và tham nhũng tài sản công

    06/11/2010Vũ Quang ViệtViệt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường giống như các nước kinh tế thị trường khác trên thế giới, nhưng cơ chế quản lý tài sản công thì lại không giống tuyệt đại đa số các nước này...
  • Tình trạng tham nhũng khắp nơi và nghiêm trọng

    01/09/2010Dưới thời Brezhnev, tình trạng tham nhũng tại Moscow và các nước cộng hòa thuộc Liên bang ngày càng nghiêm trọng...
  • “Tham nhũng là một tội lớn”

    27/04/2010Phan Phan thực hiệnSự giàu nghèo là một giai đoạn cần thiết của sự phát triển. Nó là kết quả của sự phát triển quá nhanh về kinh tế, tài chính. Chúng ta muốn nó cân bằng tức là muốn tất cả mọi người cùng xếp hàng ngang rồi cùng tiến... điều đó là sự sắp xếp không tuân thủ quy luật tự nhiên... Trong Phật giáo, thì con người ta nhận được điều gì, cũng là do một quá trình tích góp từ trước. Thế nên không quy chụp, không nóng vội... Hãy nhìn mọi thứ đôn hậu nhất để tránh những sai lệch...
  • An ninh chống tham nhũng

    28/06/2009Huy ĐứcDân chúng không thể đòi hỏi một “Nhà nước pháp quyền” bỏ tù ai đó mà không đảm bảo về bằng chứng. Tuy nhiên, khi có những vụ việc mà cảnh sát nước ngoài có thể tìm được những bằng chứng hiển nhiên mà cảnh sát Việt Nam bó tay thì dân chúng không thể không bày tỏ mong muốn Nhà nước nỗ lực nhiều hơn nữa..
  • xem toàn bộ