Nghìn trùng thơ ẩn

04:29 CH @ Thứ Hai - 26 Tháng Giêng, 2009
Khi tôi còn nhỏ, cứ vào khoảng giữa tháng chạp, cả không gian bắt đầu có mùi Tết. Đó là mùi mứt gừng, mứt dừa, mùi vani, mùi đường… thơm ngào ngạt, lãng đãng bay, làm ấm sực những đêm đông se lạnh. Những buổi tối, cả nhà quây quần bên nhau cùng nạo dừa, gọt khoai, cạo gừng, xắt bí… chuẩn bị rim mứt.

Dù còn nhỏ, các em tôi cũng rất thích tham gia với người lớn. Mẹ tôi sợ hỏng “sản phẩm” nên chọn những đầu mẩu hoặc những củ xấu xí cho bọn trẻ “thực tập”. Thế là chúng tha hồ “sáng tác” ra đủ thứ hình dáng vuông tròn, hình ngôi sao, mặt trăng,… Cả nhà vừa làm vừa nghe ba mẹ kể chuyện ngày xưa chuẩn bị Tết. Tiếng cười rộn rã căn bếp nhỏ.

Mẹ cho các thứ vào chảo, trộn với đường, bắc lên bếp. Cố gắng chống lại cơn buồn ngủ, chúng tôi ngồi bên cạnh, hít lấy hít để mùi thơm sực nức và ngọt ngào của những chảo mứt rim đường đang sôi lục bục. Vui nhất, được mong chờ nhất là lúc mứt “tới”, đường “cô”. Mẹ nhanh tay đảo những đũa cuối cùng rồi nhấc chảo ra, đổ mứt lên những tờ báo, dàn đều cho nguội. Chúng tôi xúm lại, lom lom nhìn. Mẹ chọn riêng những lát to nhất, đẹp nhất đặt lên bàn thờ cúng ông bà. Phần tiếp theo sẽ gói kỹ để dành ăn trong mấy ngày Tết và tiếp khách. Chỗ còn lại là những chỗ đầu thừa đuôi thẹo và những “sản phẩm” của các “thợ vườn” là chúng tôi. Lần lượt mỗi đứa nhận phần của mình, theo sự “phân phối” hết sức công bằng của mẹ. Nhón từng miếng mứt, từ tồn bỏ vô miệng, nhẩn nha nhai, thật kỹ, thật lâu rồi mới nhẩn nha nuốt… Ngon tuyệt! Vừa ngọt, vừa thơm, vừa dòn, vừa béo… Ngon như không có thứ gì trên đời ngon đến thế.

Dạo đó, ba mẹ tôi chỉ được nghỉ vào chiều ngày 30 tháng chạp (hoặc 29 Tết nếu tháng thiếu) nên chỉ có thể gói bánh vào lúc đó. Trước đó vài ngày, mẹ tôi tranh thủ đi chợ mua thịt, lá dong, đậu xanh và lạt,… Tối về, cả nhà lại quây quần. Ba chẻ lạt, mẹ đãi đậu, vo nếp, tôi và các em rọc cuống, phơi và lau láu… Hồ hởi và tràn ngập niềm vui. Những niềm vui thơ trẻ mà tôi mang theo suốt cuộc đời, để những cái Tết sau này, tôi truyền lại nguyên vẹn cho các con tôi. Chiều 30 Tết, ba bắt tay vào gói bánh. Mẹ trải chiếu ra giữa nhà, đặt lên đó các thứ nguyên liệu đã chuẩn bị từ trước: nếp đã ngâm, đậu xanh đồ chín, thịt ướp nước mắm ngon… Chúng tôi ngồi xung quanh. Những cặp mắt mở to, háo hức. Cả nhà chỉ có ba gói được bánh, rất nhanh và rất đẹp. Không có khuôn nhưng bánh chưng cái nào cũng giống nhau, đều nhau, chằn chặn như được cân sẵn.

Khi cả rổ nếp đã gần cạn, chỉ còn lại khoảng 2 chén, ba chia ra gói những cái bánh nhỏ theo sở thích của từng đứa. Út bao giờ cũng được ba ưu tiên gói trước. “Út thích bánh chưng!”. Út đáp vậy khi ba hỏi. “Sẽ có ngay bánh chưng!”. Ba gật đầu tắp lự. Ba gói 2 cái bánh chưng bằng lòng bàn tay, áp vào nhau thành một cặp xinh xắn. Bé Tư thích bánh tét. Thế là có ngay một cái bánh tét tròn trĩnh. Thằng Ba ngập ngừng giây lát rồi nhìn ba: “Con thích một cái bánh nữa tròn nửa vuông được không ba?”. Ba cười: “Để ba thử coi!”. Ba xếp lá, trải nếp, đậu, thịt, gói lại, ép phẳng. Vậy là có một cái bánh tét hình chữ nhật. Ba gọi đó là bánh “tày”. “Cậu” Ba khoái lắm vì không cái bánh nào giống cái bánh của nó. Chị Hai là tôi cũng được ba gói cho một cái bánh tét to hơn của bé Tư chút xíu. Thì là chị mà!

Ba ra sân chọn một khoảng đất trống, kê ba hòn đá chẽ làm ông Táo, bắc thùng luộc bánh. Chúng tôi lục tục khuân bánh ra, trên tay lủng lẳng cái bánh tí hin của mình. Ba xếp bánh rồi đổ nước. Phía trên có một lớp lá để nước sôi khỏi trào. Sau khi xếp củi, ba châm lửa. Những que củi khô cong, bắt lửa, cháy bùng lên, phần phật…

Tôi trải cái chiếu nhỏ trước bếp, đủ chỗ cho mấy chị em ngồi, vừa ngắm lửa vừa đẩy củi. Bữa cơm chiều dọn ra, mẹ gọi vô ăn, nhưng đứa nào cũng nhấn nhá, không muốn rời nồi bánh. Vậy là mẹ đành xới ra chén, bỏ thức ăn lên trên, mỗi đứa một chén, bưng ra ngồi quanh bếp, vừa ăn vừa ngắm lửa, vừa nói chuyện huyên thuyên.

Ngày cuối năm, trời tối rất nhanh. Tuy vậy, cả góc sân sáng rõ nhờ ánh lửa hắt ra từ bếp, thành một quầng sáng lung linh ấm áp. Mẹ kê thêm mấy hòn gạch, làm hai cái bếp phụ, bắc một ấm nước và một cái nồi lớn. Thỉnh thoảng, tôi cời than sang bên đó, cho thêm cây củi. Một lúc sau, nước trong ấm sôi sùng sục. Mẹ gọi từng đứa vô tắm tất niên, thay quần áo mới. Nước nóng và ánh lửa đỏ làm những đôi má bọn trẻ hồng hào như trái táo chín. Mẹ dọn dẹp xong xuôi, ra nhấc cái nồi cạnh bếp xuống, mở vung, vớt ra những củ khoai lang tròn căng, láng bóng. Mắt đứa nào cũng sáng lên bởi những chén cơm ăn hồi tối đã tiêu hết từ lúc nào. Mẹ đem ra một chén cà muối trắng bum. Mỗi đứa cầm một củ khoai, lăn qua lăn lại trên tay cho đỡ nóng rồi bẻ đôi. Nghe cái bục, bên trong màu trắng đục, bở tơi. Bóc vỏ chỗ nào xong, chỉ kịp thổi cái phù, cắn ngay miếng đó. Đưa tay bốc một trái cà, cho vô miệng, cắn cái rốp. Khoai bùi bùi, ngọt lự. cà chua chua… Từng miếng trộn vào nhau, chua chua ngọt ngọt, thấm trên lưỡi, tan vào miệng. Chưa hết miếng này đã muốn cắn miếng khác. Tiếng cà bể rôm rốp, tiếng thổi phù phù, tiếng xuýt xoa, tiếng hít hà… Những âm thanh vui vẻ mỗi lần xuân về lại thức dậy trong ký ức tôi!
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vui như Tết

    15/02/2018Tết được nghỉ ngơi, có thời gian đi thăm bạn bè, họ hàng mà lại bảo không sướng, lại còn sợ. Cái sướng cái khổ là tự mình mà ra cả, chứ cái Tết nó làm gì mà phải sợ nó...
  • Lời mùa xuân

    02/01/2018Việt VănMùa xuân là khởi đầu, là hy vọng. Lời chúc đầu xuân bay đến bạn vào những thời khắc chuyển giao một năm mới đều là những lời tốt đẹp. Chúc thành công, may mắn. Chúc mọi sự an lành, chúc ước mơ thành hiện thực. Chúc phú quý đại lợi. Chúc an khang thịnh vượng. Và dễ thương nhất là lời chúc "vạn sự như ý"...
  • Tết lại nhớ Tết

    25/01/2009Hồ Đình GiangSài Gòn cũ ăn Tết rất rộn rã. Tâm lý "hiện sinh" thấm nhuần cả chuyện ăn Tết. Chơi Tết cho đã đi vì quanh năm ngất ngư lo toan bao nhiêu chuyện. Nghe mấy bản nhạc ban QVT là đã thấy ra không khí tưng bừng
  • Trò chuyện với mưa xuân

    24/01/2009Anh NgọcTrong thế giới thơ Đường mênh mông với những kiệt tác bất hủ, tồn tại suốt 15, 16 thế kỷ nay của những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Thôi Hộ, Trương Kế…
  • Tiếng gõ cửa mùa xuân

    24/01/2009A.NTiếng gõ cửa ấy với tôi có khi là tiếng sột soạt của bức mành treo ngoài cửa sổ, mỗi khi có ngọn gió thổi qua. Nhà ở trên cao, một gợn gió nhẹ cũng có thể gây nên một tiếng động đủ để giật mình...
  • “Lì xì” Tết muôn chuyện nói

    22/01/2009Thuần ViệtTết đến xuân về ai cũng muốn mình và người thân được vui vẻ, hạnh phúc. Mọi việc làm, mọi lời chúc đều muốn hướng tới những điều may mắn và tốt đẹp. Cái tục mừng tuổi ở ta cũng xuất phát từ những điều tốt đẹp ấy.
  • Giới trẻ thời @ đón tết

    19/01/2009Phương LanĐối với giới trẻ Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam, Tết ngoài ý nghĩa đoàn tụ gia đình, còn là ngày hội để bạn bè gặp nhau, vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nên cách đón Tết, chơi Tết của các bạn trẻ cũng trở nên rất phong phú, mới lạ...
  • Tin vào mùa xuân

    18/01/2009Ngọc Thiện AnhĐã rất nhiều cơn gió mùa từ phương Bắc thổi lại. Vẫn chưa thấy mùa xuân trở về...
  • Nhàn nhã như Tết

    31/12/2008Nguyễn Vĩnh NguyênGiật mình vốn là cảm trạng có thật khi một năm đi qua. Giật mình là để được trở về. Trở về với góc sống, không gian và trạng thái thanh thản của mình. Giật mình là cái buốt nhói trống rỗng hoang lạnh tâm thức sau tháng ngày bươn bả rồi nhận ra cái vô nghĩa của thời gian nhân sinh thường nhật.
  • Mùa xuân mới lại về

    01/03/2007Vũ Hoàng TiếnTôi đi và cứ nghĩ miên man như thế, mưa xuân phủ một lớp mỏng lên mái tóc và chiếc áo choàng… Có hạt mưa xuân nào chui vào cổ áo – rùng mình, người tôi mát lạnh, tim tôi rung lên, đập nhịp: Mùa xuân ơi, Mùa xuân đã về!
  • xem toàn bộ