Nghịch lý của lạm phát

08:01 SA @ Thứ Bảy - 26 Tháng Bảy, 2008

Trong kinh tế học, lạm phát được định nghĩa “là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền”...

Điều đó có thể hiểu rằng, mức giá chung tăng lên chứ không phải mọi mức giá sản phẩm đều tăng theo đà lạm phát. Trên thực tế có những hàng hóa bị giảm giá cho dù lạm phát có tăng cao đi chăng nữa, và hàng hóa máy tính là một trong số ít sản phẩm nằm trong trường hợp đó.

Khi lạm phát cao xảy ra, những người dùng có mức thu nhập trung bình, khá trở xuống sẽ chú ý nhiều hơn đến những chi tiêu sinh hoạt trong cuộc sống của họ. Họ dè sẻn nhiều hơn, mua sắm những vật phẩm thiết yếu trước rồi mới tính đến chuyện mua những hàng hóa khác. Đối với người dùng cá nhân, hàng hóa phần cứng máy tính gần như là xa xỉ phẩm trong hoàn cảnh lạm phát. Chính vì vậy mà sức mua trong thời gian từ đầu năm đến nay giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật, đau đầu với kế hoạch tăng doanh số bán hàng.

Rất nhiều chương trình khuyến mãi liên tiếp của các doanh nghiệp kinh doanh phần cứng được tung ra cũng không nằm ngoài mục đích “kích cầu, tăng doanh số bán hàng”. Tuy nhiên, cho dù có giảm giá, có khuyến mãi hấp dẫn, sức mua vẫn không tăng đáng là bao. Anh Trần Trọng Phi – Phó phòng kinh doanh Công ty Nam Quốc Sơn cho biết: “Lượng khách hàng đến cửa hàng giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Nếu như trước đây có vài trăm khách hàng đến mỗi ngày thì nay chỉ còn từ vài chục đến trăm người cho dù công ty có nhiều chương trình giảm giá bán trên nhiều mặt hàng laptop”.

Hàng hóa phần cứng máy tính không những mất giá do công nghệ lỗi thời theo thời gian mà còn phải giảm giá ngay trong điều kiện lạm phát. Nếu không có khuyến mãi, giảm giá, rất ít khách hàng đến mua, những doanh nghiệp nhỏ không đủ sức làm chương trình khuyến mãi càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Khó khăn chồng chất khó khăn làm cho không ít những doanh nghiệp nhỏ “rũ áo ra đi” mà không hẹn ngày trở lại. Mới đây thôi, anh bạn tôi làm nghề kinh doanh máy tính bảo: “Những ngành nghề khác, khi lạm phát họ tính mức lợi nhuận tăng lên theo mức phần trăm lạm phát để bù đắp chi phí tăng lên, đảm bảo lợi ích công ty không bị giảm nhiều, còn trong ngành bán phần cứng máy tính phải hạ giá bán mới mong bán được hàng”.

Những đại gia trong ngành không thể tăng giá bán mà chỉ có thể giữ nguyên hoặc giảm giá bán sản phẩm để đẩy mạnh doanh số bán hàng, tăng phần chiết khấu hoa hồng từ nhà phân phối đối với những đại lý lớn và nhà phân phối được giảm giá khi bán với số lượng lớn, những doanh nghiệp nhỏ lẻ do mức chiết khấu thấp nên không thể hạ giá bán vuợt mức lỗ cho phép, vì vậy họ không chịu được khoản lỗ trong thời gian dài. Những doanh nghiệp bán phần cứng nhỏ lẻ tạm thời “cầm hơi” cho qua cơn bão giá hiện nay, nhưng không biết đến lúc nào đó họ cũng tạm biệt cái nghề kinh doanh quá rủi ro nhưng lợi nhuận thì chẳng đáng là bao so với nhiều ngành nghề hấp dẫn khác.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lạm phát cần tăng liều “kháng sinh”

    25/07/2008Tâm ChánhCăn bệnh lạm phát đã quay trở lại nền kinh tế Việt Nam từ năm ngoái. Cùng một lúc, cơ thể còn non yếu của nền kinh tế vốn còn sẵn nhiều bệnh tật, gặp cơn trái gió trở trời của thị trường thế giới, đã bộc phát thành cơn sốt cao cấp tính trong sáu tháng đầu năm nay.
  • Nhìn nhận và xử lý lạm phát hiện nay như thế nào?

    23/07/2008Đức Thành(thực hiện)Mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, tuy nhiên, kiềm chế được mức độ nào lại là vấn đề quan trọng và rất được quan tâm. Để giúp bạn đọc có thêm cái nhìn về vấn đề này, Lanhdao.net có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Vũ Đình Ánh- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả- Bộ Tài chính...
  • Lạm phát hay tăng trưởng: Con người và ý chí

    29/04/2008GS, TS Trần Ngọc ThơChống lạm phát bằn cách thắt chặt tiền tệ, giảm cung tiền, tăng lãi suất, dẫn tới giảm tổng cầu hàng hóa, giá hàng hóa và xuất khẩu giảm...