Một nền giáo dục thời bình

09:38 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Năm, 2009

Làm thế nào để con em chúng ta, thế hệ tương lai của đất nước, có được những phẩm chất của một nhân cách lớn? Câu hỏi này quá tham vọng, nhưng nó đáng để chúng ta suy nghĩ. Hẳn chúng ta mong muốn những cá thể của thế hệ tương lai có một đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh, giàu lòng nhân ái, có tinh thần khách quan và độ lượng, và tự tin ở các phẩm chất của cá nhân mình. Vậy thì đó cũng chính là những yêu cầu trong đơn đặt hàng của chúng ta cho nền giáo dục đương thời.

Sự phát triển tâm lý tự nhiên ở trẻ em

Khi các em còn bé, cha mẹ mua về những món đồ chơi. Không phải ngẫu nhiên mà những món đồ chơi này mô phỏng sự vật thường ngày. Chiếc ô tô, tàu thuỷ, búp bê, những món đồ hàng, đều là sự mô phỏng các hình ảnh cuộc sống thường ngày quanh ta. Khi chơi đùa với chúng, bề ngoài ta đơn giản chỉ thấy các em vui vẻ. Còn thực chất bên trong là một sự phát triển hài hoà về tâm lý. Đó là cảm giác kiểm soát được cuộc sống, yên tâm về cuộc sống, và xây dựng, sáng tạo trên nền tảng của sự yên tâm ấy.

Khi các em lớn hơn, trí tưởng tượng mở rộng hơn do sự nghe nhìn phong phú hơn. Những món đồ chơi đơn sơ không còn làm cho các em thoả mãn. Một cách tự nhiên, trẻ em tìm niềm vui theo cách khác. Ở các đô thị phát triển, trẻ em ham mê đọc truyện tranh, hay chơi game điện tử. Đối tượng ưa thích của các em thường là những người hùng, hoặc những nhân vật nổi tiếng. Bằng việc hoá thân vào nội dung truyện tranh, game, vào vai trò người hùng hoặc người nổi tiếng, các em cảm thấy sự yên tâm, tự chủ, và giá trị cá nhân được khẳng định.

Nhu cầu làm chủ cuộc sống và được khẳng định vị thế là điều tự nhiên trong con người nói chung, trong đó có trẻ em. Sẽ phản tự nhiên nếu người lớn tìm cách kiềm chế, đè nén nhu cầu này của các em. Nhưng chúng ta cũng biết rằng tuổi thơ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong việc hình thành cá tính, nhân cách của trẻ, và chuẩn bị cho các em sau này trở thành những con người gánh vác các trách nhiệm thực tế. Những hoạt động giải trí mà chúng ta đề cập ở trên, chỉ mới giúp thoả mãn nhu cầu tâm lý nhất thời, chứ chưa giúp bồi dưỡng nhân cách và rèn luyện khả năng thích nghi với thực tế cuộc sống. Thậm chí những truyện tranh và game điện tử mang tính chất bạo lực thường kích thích tính hiếu thắng, khiến trẻ cảm thấy có thể dễ dàng khẳng định được giá trị cá nhân thông qua việc phá huỷ các chướng ngại, tiêu diệt các đối thủ. Chúng không hề giúp rèn luyện những phẩm chất quan trọng cho nhân cách của trẻ, như tính kiên nhẫn và độ lượng, sự trân trọng các vẻ đẹp, những thành quả được vun đắp, xây dựng bởi tạo hoá hay con người.

Hệ lụy từ tính bạo lực trong nội dung giáo dục

Tính bạo lực là sự đối nghịch với lòng nhân ái. Nó phổ biến vì dễ dàng phát sinh từ nhu cầu con người muốn nhanh chóng vượt qua các trở ngại để khẳng định vị thế của mình. Đáng lo ngại là nội dung giáo dục của chúng ta từ vài thập kỷ trở lại đây nhuốm khá nhiều màu sắc bạo lực. Lịch sử dân tộc bị phủ bóng bởi các cuộc xung đột vũ trang. Những tấm gương anh hùng đa số là hình ảnh những người cầm gươm ra trận. Văn, thơ khắc họa chiến tranh vẫn chiếm một tỉ trọng lớn trong văn học Việt Nam hiện đại. Những ấn tượng đó có thể tác động tiêu cực tới sự hình thành lòng nhân ái trong nhân cách của trẻ. Chúng cũng dễ tạo ra suy nghĩ trong trẻ thơ rằng điều quan trọng nhất mà cha ông ta trong lịch sử làm được là việc tiêu diệt kẻ thù.

Không phủ nhận rằng lịch sử đất nước ta gắn chặt với một quá trình giữ nước và dựng nước có tính bền bỉ liên tục. Rằng chiến tranh chỉ mới xa rời chúng ta được ba, bốn thập kỷ. Nhưng lịch sử của người Việt đáng tự hào không chỉ vì cha ông ta chiến đấu giỏi và luôn cố gắng giữ lấy đất, mà còn vì dân tộc ta đã xây dựng nên được một nền văn hiến sâu sắc, phong phú và có bề dày lâu đời.

Có lẽ việc chú trọng giảng dạy về chiến tranh vốn xuất phát từ nhu cầu xã hội của một thời kỳ loạn lạc. Nhưng không thể sống trong thời bình mà vẫn giáo dục con người theo cách của thời loạn. Hệ quả tiêu cực ngoài mong muốn là những gì chúng ta đã và đang được thấy hằng ngày. Đạo đức xã hội suy thoái. Môi trường thiên nhiên bị tàn phá, hủy hoại. Những công trình xây dựng kém chất lượng nhanh chóng xuống cấp. Các di sản văn hóa bị xâm phạm. Nguyên nhân của tất cả những hiện tượng trên xuất phát từ con người, cũng là sản phẩm của một đường lối giáo dục tiêu cực kéo dài.

Xem nhẹ con người cá nhân liệu có là phản giáo dục?

Làm sao để những sự kiện lịch sử không nhất thiết cứ phải là ta thắng, địch thua, thì mới thu hút trẻ?

Làm sao để trẻ em tìm thấy hưng phấn, sự đồng cảm khi tiếp thu các giá trị văn hóa nhân bản?

Làm sao để những tên người, những địa danh, gắn với những ấn tượng sống động thay vì khô khan, tẻ nhạt?

Sự đồng cảm giữa người học với kiến thức chỉ xảy ra sau một sự đối chiếu giữa nội dung thông tin được học với kinh nghiệm cá nhân của người học.

Trẻ em là những cá thể đang chập chững học cách vào đời, tìm kiếm một chỗ đứng trong cuộc sống, với nhu cầu được đồng cảm và tôn trọng. Vì vậy mà các em rất dễ hóa thân vào các nhân vật. Thông qua hành xử của nhân vật và thái độ của chúng ta với nhân vật, trẻ em học ứng xử, tư duy. Nếu chúng ta tỏ ra kính trọng nhân vật, trẻ em cũng sẽ kính trọng nhân vật. Nếu chúng ta khắc họa cá nhân nhân vật với những chi tiết mà trẻ có thể hiểu và đồng cảm được, trẻ sẽ yêu nhân vật.

Nhưng nếu không có sự khắc họa thân phận cá nhân con người thì không có sự đồng cảm với người học. Như vậy thì sẽ không có giá trị văn hóa đáng kể nào được truyền thụ. Và cũng không thể có tấm gương cụ thể để trẻ em rèn luyện noi theo.

Hơn nữa, nếu chúng ta muốn giáo dục trẻ em về tinh thần trách nhiệm của cá nhân, về ham muốn phát huy sáng tạo cá nhân, vậy thì chính chúng ta phải trân trọng con người cá nhân. Tư duy giáo dục sai lệch trước đây, chỉ khắc họa thành quả của tập thể mà xem nhẹ vai trò cá nhân, đã dẫn đến hệ quả ngoài mong muốn là thói lợi dụng danh nghĩa tập thể và nấp bóng tập thể để lảng tránh trách nhiệm cá nhân.

Dạy tính khách quan và đại lượng như thế nào?

Hai phẩm chất cần thiết đầu tiên là tính khách quan và đại lượng. Vậy thì phương pháp giáo dục phải ra sao? Qua hai vấn đề chính mà chúng ta vừa đề cập thì có thể thấy như sau.
Phải giảm nhẹ tính bạo lực trong nội dung giáo dục. Tinh thần đối kháng gay gắt vốn phần nào xuất phát từ tính tiểu khí. Nó hoàn toàn vô ích khi giáo dục trẻ em.

Phải tôn trọng cá nhân người học, song song với việc giáo dục sự tôn trọng cá nhân người thầy. Và tất nhiên, người thầy phải tự giáo dục mình sao cho xứng đáng với sự tôn trọng ấy.

Phải nêu cao những tấm gương lớn về nhân cách của những con người có công với xã hội và đất nước. Họ không chỉ là những chiến binh, mà cả các nhà văn hoá, khoa học, nghệ sĩ, ... Thậm chí nên cân nhắc cả những người mà lịch sử trước đây từng có đánh giá lệch lạc. Điển hình như nhà văn hoá Phạm Quỳnh, nhà thơ Trần Dần, hay Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Họ đều là những nhân cách lớn, với những đóng góp thầm lặng mà xã hội đang dần công nhận rộng rãi. Việc bảo tồn những tên tuổi này trong sử sách sẽ là minh chứng cho sự tiến bộ của xã hội, theo xu hướng khách quan hơn, đại lượng hơn.

Phải giảm bớt khối lượng những bài vở nặng về tính kỹ thuật. Thay vào đó mở rộng sự phong phú của những nội dung xã hội và nhân văn, nhằm giúp các em có thêm cơ hội tự do phát huy trí tưởng tượng của mình. Cuộc sống là hành trình để khám phá chứ không đơn thuần là một chuỗi những sự vụ ép buộc phải hoàn thành. Chúng ta cần các em tập dượt để sau này làm chủ cuộc sống chứ không cần những người thợ bị lệ thuộc vào gánh nặng. Một đời sống mang quá nhiều gánh nặng, với những mục tiêu quá cụ thể, sẽ làm thiếu không gian để phát triển nhân cách lớn.

Nhưng có lẽ mấu chốt quan trọng nhất chính là sự giáo dục từ gia đình. Như đã đề cập, mọi trẻ em đều có nhu cầu tâm lý chính đáng là được trân trọng và làm chủ được cuộc sống. Những bậc phụ huynh có thể do thiếu kinh nghiệm, hoặc thời gian, hoặc cả hai, thường đáp ứng điều này một cách dễ dàng. Nhưng chính những đứa trẻ được nuông chiều lại là những cá thể thường xuyên cảm thấy không được thoả mãn. Sự tôn trọng đến một cách quá dễ dàng cũng gần với sự thiếu được tôn trọng. Các em cần được vượt qua thử thách. Trong bài viết Trên ghế nhà trường(1), tác giả Cao Huy Thuần từng đề cập tới sự quan trọng của việc giáo dục trẻ em tính chuyên cần, làm việc gì cũng tới nơi tới chốn. Tính chuyên cần này không chỉ giúp các em sau này trở thành những người làm việc giỏi trong mọi lĩnh vực. Nó cũng là chìa khoá giúp mọi người có một đời sống tinh thần khoẻ khoắn. Cảm giác trọn vẹn vượt qua một thử thách là điều cần thiết, và không thể thay thế được trong đời sống mọi cá thể. Nó cho phép con người tự tin ở mình. Từ đó mới có được sự độ lượng và khách quan chân thật.

Lời kết:

Những yêu cầu đặt ra trong bài viết này thật bình thường. Chúng hiển nhiên phải có trong một xã hội tiến bộ. Nếu chúng ta tin tưởng rằng xã hội mình tất yếu phải đi tới sự tiến bộ, thì nghiễm nhiên ai cũng phải đối diện với câu hỏi của một thế hệ trong tương lai. Rằng chúng ta đã và đang làm gì cho sự tiến bộ mà ai cũng mong muốn này?

----------
(1) Cao Huy Thuần, Trên ghế nhà trường, Tạp chí Tia Sáng, số 2+3 ngày 15/01/2009

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm

    30/07/2018“Hiện nay từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.
  • Giáo dục: Cần một triết l‎ý

    10/09/2015Dương Trung QuốcCông cuộc Đổi mới bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì dường như nó lẽo đẽo bị cuốn theo... Phải chăng, vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ?
  • Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục

    18/09/2013Nguyễn Trần BạtCải cách giáo dục hướng đến sự phát triển con người, chính vì thế những người đi dạy, đi hướng dẫn con người cho tương lai phải có nhận thức, phải có những nguyên lý mang chất lượng dự báo và định hướng. Phải khẳng định, người đi dạy quan trọng nhất là nhà nước...
  • Truy nguyên tình trạng lạc hậu của hệ thống giáo dục

    13/04/2012Nguyễn Trần BạtTruy nguyên những căn bệnh của hệ thống giáo dục đào tạo ở thế giới thứ ba không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm vì nếu không tự nhìn ra điểm yếu của mình thì con người không thể nhận thức và lựa chọn đúng đắn được...
  • Suy nghĩ về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam

    17/03/2009Phan Chánh DưỡngNội dung dự thảo chiến lược giáo dục từ 2009 đến năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu giáo dục, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà quản lý của ngành giáo dục. Qua phản ánh của các phương tiện truyền thông, phần lớn ý kiến đóng góp đều không đánh giá cao bản dự thảo.
  • Cải cách giáo dục Việt Nam

    27/12/2008Nguyễn Trần BạtCó thể nói, câu chuyện tưởng như không bao giờ hết tính thời sự và luôn được bàn nhiều trong xã hội Việt Nam vẫn là cải cách giáo dục. Đấy là một dấu hiệu tốt cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng nhìn ở góc độ khác...
  • Sứ mạng của giáo dục

    11/05/2008Lê Văn GiạngVấn đề cơ bản cần làm sáng tỏ trong triết lý giáo dục Việt Nam của chúng ta hiện nay là làm rõ các quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa, định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục và phương pháp giáo dục dân chủ, khêu gợi tự do tư tưởng đối với người học cùng với phạm vi tự do tư tưởng đối với người thầy trong khi đứng trên bục giảng dạy và khi làm công tác nghiên cứu khoa học...
  • Những căn bệnh chung của hệ thống giáo dục ở thế giới thứ ba

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtMột thực tế là tất cả hệ thống giáo dục của các nước thế giới thứ ba đều rất lạc hậu, hiện đang tụt hậu so với các nước phát triển hàng thập kỷ. Vì nhiều nguyên nhân, hệ thống giáo dục ngày càng không tương thích, ngày càng tách khỏi cuộc sống mặc dù các nước này đã tiến hành không ít cuộc cải cách...
  • Phương pháp tiếp cận nhân văn: nhân cách người dạy - nhân cách người học

    21/12/2006Phạm Minh HạcCách tiếp cận nhân văn trong giáo dục, trong nhà trường, trong phương pháp dạy-học gắn liền vôi cách tiếp cận giá trị là một quy luật tổng quát trong xã hội có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết mỗi một con người, mỗi một hoạt động như hoạt động dạy và hoạt động học ở đây, mỗi một cuộc sống riêng của cá thể người phải được coi là một giá trị, mà trong thời cổ đại Protagor (khoảng 490 - 420 TCN) đã coi "con người là thước đo của vạn vật".
  • Những yêu cầu đổi mới cơ bản giáo dục nước ta

    07/08/2006GS. TS. Phạm Tất DongKhái niệm học tập suốt đời cần phải được hiểu khác trước thì nó mới có tác dụng như một chiếc chìa khóa để giải quyết những vấn đề đặt ra trong những năm đầu của thế kỷ 21 như tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển xã hội bền vững, xóa nghèo toàn diện: nghèo về tri thức, nghèo về nhân văn và nghèo về thu nhập. Như vậy, sự hiểu biết của chúng ta về học tập suốt đời là phải từ bỏ quan niệm và thái độ truyền thống về phân biệt giữa giáo dục ban đầu và giáo dục liên tục....
  • Làm gì để đổi mới tư duy giáo dục?

    12/07/2005Tố PhươngGS.TSKH Nguyễn-Đăng Hưng (Giáo sư trường ĐH Liège, Bỉ - Chủ nhiệm các chương trình Cao học Bỉ&Việt tại ĐHBK TP.HCM và Hà Nội) được mệnh danh là người "tiếp thị" chất xám Việt Nam, người "chở" chất xám về Việt Nam, người “đi tìm” tiến sĩ cho Việt Nam vì đã và đang thực hiện các chương trình đào tạo thạc sỹ Bỉ-Việt tại các Đại học Bách khoa Hà Nội và TP.HCM, với chương trình 50 tiến sĩ bằng học bổng Quốc gia…
  • xem toàn bộ