Một mình - hay hạnh phúc bên ta là người phụ nữ thương yêu?

11:09 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Ba, 2016
Thanh Tùng (tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng) (15 tháng 9 năm 1948 – 15 tháng 3 năm 2016) là một nhạc sĩ Việt Nam với nhiều ca khúc nhạc trẻ rất được yêu thích. Bằng những bài hát nhưGiọt nắng bên thềm, Lối cũ ta về, Mưa ngâu, Giọt sương trên mi mắt, Lời tỏ tình của mùa xuân, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Hát với chú ve con, Ngôi sao cô đơn, Chuyện tình của biển, Phố biển, Em và tôi, Một mình, Một thoáng quê hương, Phố biển, Hoa tím ngoài sân...với giai điệu trữ tình, lời nhạc trong sáng, giàu chất thơ... ông đã được công chúng và giới âm nhạc đón nhận nhiệt tình. Có thể nói nhạc sĩ Thanh Tùng làn gió mới của sân khấu biểu diễn thời kỳ Đổi mới.

Từ năm 2008, ông bị tai biến bất ngờ, không còn đi lại được và hoàn toàn xuất hiện trước công chúng. Xin vĩnh biệt ông - một tượng đài của âm nhạc Việt Nam!


.
Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/ Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình/ Nhớ em vội vàng trong nắng trưa/ Áo phơi trời đổ cơn mưa/ Bâng khuâng khi con đang còn nhỏ/ Tan ca bố có đón đưa/ Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai/Gío sương mòn cả hai vai/ Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ/ Nghiêng nghiêng bóng em gầy/ Vắng em còn lại tôi với tôi/ Lá khô mùa này lại rơi/ Thương em mênh mông chân trời lạ/ Bơ vơ chốn xa xôi/ Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/ Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn cùng với tôi về…
.
Ca khúc “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng, mộng mị, hoài niệm, đầy cảm xúc, tưởng như tất cả là lãng quên nhưng lại ào ạt tìm về trong một lúc đối diện mình với mình, như là câu chuyện về hạnh phúc đã rời xa trong khắc khoải và mãi không bao giờ còn có được. Một hạnh phúc giản dị của thời nghèo khó, nhưng thấm đẫm tình yêu và trở nên giàu có hơn tất cả. Nỗi cô đơn thấm đẫm đến tận cùng của người đàn ông nhớ vợ, nó làm cho không chỉ những người phụ nữ phải rưng rưng nước mắt mà còn làm cho trái tim tưởng là mạnh mẽ của những người đàn ông cũng phải nhói lên.

Câu chuyện kể của nhạc sĩ Thanh Tùng về ca khúc này, cũng là câu chuyện của nỗi vương vấn không bao giờ nguôi ngoai trong trái tim người nhạc sĩ. Ông nói “một mình” có lẽ là số phận dành cho ông. Ông từ 6 tuổi đã phải sống xa gia đình, giờ hơn 60 tuổi, nhưng tính tóan lại chưa đầy 1/3 con số đó được sống trong hạnh phúc một gia đình- gia đình có vợ, chồng, con cái. Ông chỉ có được 18 năm hạnh phúc khi bên ông có người vợ. Lúc đó là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước nói chung, nhiều vất vả, gian khổ, thiếu thốn… nhưng có vợ, ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Khi đã có thể sống dễ thở, có chút thoải mái vật chất, thì vợ ông mãi mãi đi xa, mang theo hạnh phúc của ông, để ông chỉ có “một mình”, cô đơn đi tiếp con đường với trái tim không còn biết hạnh phúc là gì nữa. Sau này ông cũng có vài mối tình, nhưng ông nói không ai yêu ông như người vợ đã đi xa vĩnh viễn kia….Cái gì đã mất thì không bao giờ còn tìm lại được. Có lẽ trong người đàn ông này chỉ có thể có một người phụ nữ- là mẹ của các con ông mới mang đến ông hạnh phúc đích thực.

Bên cạnh sự thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ. Ngày xưa, thời cổ đại, các anh hùng, chí sĩ, văn, võ, thường bao giờ cũng có bên mình một “hồng nhan tri kỷ”, không chỉ là người chăm sóc những gì thuộc về đời thường mà còn là người chia sẻ, đồng cảm về tinh thần, giúp cho người đàn ông thăng hoa trong sự nghiệp.Người đàn ông thành đạt mà không có một người phụ nữ kề bên, có lẽ sự thành đạt đó cũng chỉ có một nửa.Ngay cả ở thời công nghệ cao hôm nay thế kỷ 21, vị trí của người phụ nữ bên cạnh người đàn ông rất quan trọng, chẳng thế mà các cuộc bầu cử Tổng thống của các quốc gia lớn, người vợ của ứng cử viên luôn sát cánh trong các cuộc vận động tranh cử, gần như là một sứ giả giúp cho hình ảnh của chồng chiếm được cảm tình của cử tri, nếu người vợ được mọi người yêu quý, thì người chồng “ứng viên” khả năng chiến thắng càng cao.

Quay lại với ca khúc “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng, hình ảnh người phụ nữ trong đó không còn là của riêng nhạc sĩ, nó đã vượt thoát ra để chỉ chung cho hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, nhân hậu, chịu thương chịu khó vì chồng vì con, không đòi hỏi gì riêng cho mình. Đức tính hy sinh vì chồng con của người phụ nữ Việt Nam đã như một “tài sản”, di sản truyền thống từ ngàn xưa thời lập quốc.Trong ca dao dân ca, cổ tích, thần thoại…, những câu chuyện truyền khẩu từ ngàn xưa, trong nhiều tác phẩm văn học và trong đời thực, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vì chồng, con mà quên đi bản thân mình như một biểu tượng bất tử. Và khi người đàn ông bên mình không có người vợ thì đó là chuỗi ngày của đắm chìm trong cô đơn, thậm chí như một nỗi đau đớn triền miên bởi hạnh phúc đã là quá khứ chỉ còn trong hoài niệm.

Nhạc sĩ Thanh Tùng hình như chưa bao giờ quên được hình ảnh người vợ tần tảo của mình. Ngay bây giờ, khi nhắc đến, trong ông vẫn vương vấn, ngậm ngùi, vẫn xót xa cho số phận của người vợ hay cho chính ông. Ông kể trong nỗi niềm của sự “một mình”: Những ngày gian khổ nhất có nhau, nhưng tới lúc hoà bình, tạo được chút kinh tế nho nhỏ trong gia đình thì tự nhiên một người không được hưởng gì hết. Thật trớ trêu. Vắng đi người vợ yêu thương, cuộc đời của ông như cũng chông chênh với những cơn say, không phải là sự bê tha, mà như ông nói, trong lúc say, ông thấy hạnh phúc có người vợ ở bên, dù là ảo ảnh nhưng nó giúp ông sau đó lấy được thăng bằng trên con đường đi tiếp còn dài của nghĩa vụ, trách nhiệm người cha mà ông đã hứa với vợ trước lúc bà đi về”chốn xa xôi, chân trời lạ”.

Đôi khi nghe “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng,giai điệu bàng bạc, như một lời thủ thỉ, một tâm sự của nỗi khắc khoải trong cô đơn tận cùng trái tim người đàn ông,lan man nghĩ đến hai chữ “hạnh phúc” và người phụ nữ Việt Nam cả thời chiến, thời bình… Người phụ nữ là hạnh phúc của người đàn ông mà không cần một sự bù đắp. Và khi không có người phụ nữ trong cuộc đời,thì đó là khoảng trống vô tận trong người đàn ông.
Ngôi sao cô đơn
...Em hãy nhìn vào cuộc đời, trong một đời có những cuộc đời
Em hãy nhìn vào lòng người, trong mỗi người có cả mọi người,
có em và có tôi...
Tôi mong em, mong em hãy mang cho đời,
tiếng hát trái tim,
Và tôi mong em, mong em hãy yêu con người
bằng tình yêu của em...

Chuyện tình của biển

Ngày xưa, biển không có cát như bây giờ
Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ ...
Và gió, gió hát thật êm
Và mây, mây trôi thật hiền
Biển ngây thơ, và biển không như bây giờ ...

Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe
bài hát có đôi câu chuyện buồn
Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe
bài hát có những niềm vui thật vui
Rồi một ngày em vắng, làn gió nhớ tóc ai,
bờ cát nhớ chân ai, để sóng hát ru miệt mài
Rồi một ngày em vắng, biển nhớ mong ai
biển thức đã bao đêm, biển thấy trong mình có một trái tim...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: