Mở rộng cánh cửa học vấn cho mọi người

03:51 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Mười Hai, 2003

Trong mục tiêu chung hiện nay, GDCĐCMN được ngành GD-ĐT chia ra 4 nhóm mục tiêu, bao gồm: chăm sóc và giáo dục mầm non; giáo dục tiểu học; giáo dục trung học cơ sở; giáo dục không chính quy.

Những thách thức của GDCĐCMN trong giai đoạn 2003 - 2015 đặt ra là: sự cần thiết huy động tất cả trẻ em thiệt thòi đến trường và từ đó giúp các em hoà nhập vào xã hội hiện đại; sự xuất hiện dần và tất yếu một chu kỳ học tập cơ bản cho mọi người liên tục trong 9 năm; phương pháp tiếp cận mới trong cấp kinh phí cho giáo dục dựa vào hiệu quả thực hiện và quyền tự chủ hơn ở cấp trường...

Theo nghiên cứu của ngành GD-ĐT và UNESCO, mỗi nhóm mục tiêu được đề ra đều có những khúc mắc riêng, như giáo dục mầm non chất lượng vẫn còn bị hạn chế do trình độ giáo viên còn thấp, được đào tạo chuyên môn rất hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, chi phí cho các chương trình học là khá cao so với mức tài chính của một số gia đình nghèo, miền núi, vùng sâu...Nhóm tiểu học gặp khó khăn , phổ cập giáo dục tiểu học vẫn chưa đến được với tất cả các em trong độ tuổi, trẻ em ở vùng miền núi, trẻ em nghèo rất khó hoàn thành mức học này, cơ hội đến trường của các em rất thấp, thiếu tài liệu, giáo viên chưa được đào tạo thêm nên không thể phát triển...

Phổ cập THCS lại gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực nên chất lượng cũng là vấn đề nan giải, ở các vùng dân tộc thiểu số, sự mất công bằng về giới ảnh hưởng đến tỷ lệ tham gia giáo dục THCS của các em gái...

Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra là: tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 0-5 tuổi đều thông qua chương trình chăm sóc và GD mầm non, các em 5 tuổi đều được học 1 năm chương trình tiền học đường chuẩn bị cho tiểu học, tăng cường năng lực quản lý ở cấp mầm non; trẻ em tiểu học tiếp cận với chương trình GD chất lượng và phù hợp điều kiện kinh tế, đảm bảo hoàn thành chương trình đầy đủ 5 lớp của tiểu học, 4 lớp của THCS, khuyến khích cải cách và phát triển giáo dục cơ bản; cung cấp giáo dục cơ bản cho thanh thiếu niên thất học, cung cấp cơ hội xóa mù chữ, học các kỹ năng sống và cơ hội học tập suốt đời cho người lớn có trình độ học vấn thấp, xây dựng hệ thống chiến lược quốc gia về cung cấp giáo dục không chính quy..

Chi phí dự toán để thực hiện kế hoạch GDCĐCMN đến 2015 ước khoảng 2.585,2 triệu USD. Đây là nguồn kinh phí bao gồm tài trợ của Chính phủ và tài trợ của các tổ chức và đóng góp của cộng đồng. Với nguồn kinh phí này, sẽ tạo được điều kiện học tập hợp lý và đúng với tầm phát triển của đất nước trong công cuộc GDCĐCMN.

Những yêu cầu đặt ra trong một kế hoạch cụ thể đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ là tiền đề tốt cho mục tiêu GDCMN được thực thi một cách hoàn thiện và hiệu quả nhất, mang đến cơ hội học tập tốt nhất cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội. Đấy là cái đích mà ngành GD-ĐT và Chính phủ Việt Nam đang hướng đến.

D.H

LinkedInPinterestCập nhật lúc: