Mệnh lệnh từ cuộc sống

05:26 CH @ Thứ Bảy - 02 Tháng Bảy, 2005

Khi một tổ chức xã hội nghề nghiệp cao nhất của những nhà khoa học - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... thực hiện sáu biện pháp cải cách giáo dục, người ta nhận ra tính cấp bách của vấn đề.

Khi một HS lớp 11 thể hiện chính kiến của mình qua bài văn “gây chấn động”, người ta hiểu rằng nội dung chương trình nặng nề, phương pháp giảng dạy áp đặt một chiều dai dẳng nhiều năm qua phải được đổi thay.

Chấn hưng giáo dục đã là yêu cầu, là mệnh lệnh tối thượng từ cuộc sống!

Có thản nhiên được không khi chứng kiến những bà mẹ, ông bố đau đớn đến rơi nước mắt khi nhìn thấy con mình phờ phạc với những con chữ? Có đành lòng chăng khi người thầy vẫn phải cắn răng nhồi nhét HS mình đến cùng kiệt, mụ mị?

Nguyên nhân của thực trạng đau lòng ấy không khó để nhận diện. Đó là nội dung chương trình nặng nề, là phương pháp giảng dạy lạc hậu, bệnh thành tích... Nhưng tại sao người ta vẫn bàng quan nhìn thực trạng ấy tồn tại và diễn ra mỗi ngày? Và tại sao không ai có trách nhiệm thay đổi?...

Ai đó dẫu lòng nhiệt tình có bị che mờ vì mệt mỏi, vì sự an thân… cũng xin một lần lắng nghe, xin một lần nóng lòng trước sự khắc khoải và day dứt của hàng triệu con tim đang hướng về giáo dục, vì đó là mệnh lệnh từ cuộc sống.

Mệnh lệnh đó, ý chí đó, nguyện vọng đó phải được đặt lên bàn nghị sự và phải được các đại biểu của nhân dân thể hiện tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Ngay từ năm 1989, Mỹ cũng đã phải tiến hành một cuộc “chấn hưng giáo dục trung học” với mong muốn trang bị cho thanh niên Mỹ một cái đầu giỏi, một lòng nhiệt tình không ngừng khám phá và một khả năng áp dụng kiến thức vào công việc. Gần hơn, các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore... cũng đã khởi xướng công cuộc cải cách giáo dục với nhiều tham vọng từ nhiều thập niên trước.

Giáo dục vẫn được xem là bệ phóng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là nơi cung ứng những nhân tố sẵn sàng cho cuộc đua tranh toàn cầu đầy cam go ở phía trước... Và vì lẽ đó, chấn hưng giáo dục nhất định phải diễn ra, nhất định phải như thế như một đòi hỏi không thể cưỡng lại! 

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc: