Lý thuyết cốc nước

09:00 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Chín, 2014

Các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tiếp cận với thông tin toàn cầu hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều, tuy vậy lại chả mấy người biết “Lý thuyết cốc nước”. Xin nói rõ, đó không phải là câu hỏi triết học tầm phào ”nửa cốc nước” về việc cần tư duy tích cực (thậm chí cô hoa hậu hoàn vũ 2005 Natalie Glebova nhắc tới trong đêm chung kết cuộc thi, châm ngôn này đã khá quen thuộc với chúng ta-nếu cốc nước chỉ đầy có một nửa, những người có tư duy tích cực sẽ nhìn vào phần còn của ly thay vì phàn nàn khi nhìn vào phần vơi), nó là một lý thuyết hẳn hoi và có phần rất cách mạng!

Học thuyết của Max-Engels đã được Lenin phát triển thêm về lý thuyết và biến thành một phần hiện thực trên 1/6 lãnh thổ của thế giới, chứng tỏ học thuyết này phải có rất nhiều cơ sở triết học và hơn thế nữa! Không phải là “chuyên gia” về M-L nhưng ngày xưa “phải học”, có đọc qua khá nhiều tác phẩm của mấy thiên tài Do Thái này, hồi đó đọc đối phó thôi nên cái nhớ cái quên, chả hiểu hết được ý tưởng của các vị này, tôi chỉ biết chắc chắn họ đã là những thiên tài mới viết được hay và nhiều như thế (Lenin còn làm được nữa, quá siêu!). Hồi đó đã tò mò, có những việc gì mà 3 “cụ” này tư tưởng không thống nhất không? Có mấy thứ thôi, nhưng đập vào mắt nhất là cái ngưòi ta ít nói đến nhất-Lý thuyết cốc nước.

Đó là một lý thuyết tương đối hoàn chỉnh, cụ thể, và cũng như các lý thuyết cách mạng khác thì nó phát triển dần dần và có nhiều người đóng góp to lớn vào việc truyền bá và hoàn thiện phần lý luận của nó. Cái hay là những người khởi xướng lại đều là những phụ nữ-những người đấu tranh đòi bình đẳng giới!

Những lời đầu tiên về lý thuyết này được ghi lại trong tiểu sử Sôpanh do Friederich List viết về người tình của Sôpanh năm 1852-Aurore Dudevant- người phụ nữ đấu tranh giành bình quyền thời đó. ‘TÌNH YÊU NHƯ CỐC NƯỚC, HÃY ĐEM CHO NGƯỜI NÀO XIN NÓ!

Không có gì kêu gọi giải phóng phụ nữ mạnh hơn đòi hỏi về bình đẳng giới, nhất là trong tình yêu, tình dục. Phải nói là tư tưởng của những phụ nữ đấu tranh đòi bình đẳng giới còn vượt lên cả những bộ óc bác học của đàn ông đương thời. Hãy nhớ lại Kovalevskaya (1850-1891)-thiên tài toán học, cơ học, triết học-đã phải vượt biên, cưới giả để được học đại học. Bà đã trở thành người phụ nữ-giáo sư giảng dạy đầu tiên của Bắc Âu, cũng là nhà cách mạng tham gia công xã Paris và nhiều sự kiện lịch sử khác. Là người phụ nữ rất mạnh mẽ, yêu nhiều và tuy rất yêu chồng nhưng chồng không thể đáp ứng được đòi hỏi thường xuyên của bà, sau này chồng tự tử (vì vỡ nợ)-khỏi nói bà đã ủng hộ Lý thuyết cốc nướcmạnh mẽ như tính cách của bà-nhưng ngày nay người ta chỉ còn biết đến sự ủng hộ đó của bà qua những công trình toán học (toán cũng là cách bà “thỏa mãn”!) và những áng văn chương bà đã viết bằng tiếng Nga và Thụy Điển (là chính). Qua văn chương, bà muốn nói lên đã yêu nhau thì tình yêu đòi hỏi nam nữ cống hiến tất cả cho nhau, nhưng bù lại tình yêu sẽ làm cho cuộc sống của họ tràn đầy năng lượng và ánh sáng!


Sophia Kovalevskaya (1850-1891) thiên tài toán học Nga

Lý thuyết cốc nước có thể tóm tắt như sau: phải thay đổi hoàn toàn cái nhìn về tình yêu, gia đình, tình dục! Không có tình yêu, mà chỉ có quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn bà để thỏa mãn những đòi hỏi tự nhiên về thể xác, và sự đòi hỏi ấy phải được đáp ứng hoàn toàn đơn giản, tự nguyện và không có những “thủ tục” gì khác (cũng như ăn cơm, uống nước thì sex cũng phải được đáp ứng như một nhu cầu tự nhiên nhất!).Tóm lại: khát thì cứ uống-thèm muốn thì cứ “yêu”!

Marx và Engels-2 nhà sáng lập của chủ nghĩa cộng sản tất nhiên không thể bỏ qua chủ đề cực quan trọng này. Cuối năm 1847, trong tập 4 phần 2 của “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” họ đã tiên đoán: chủ nghĩa xã hội sẽ tiêu diệt gia đình kiểu tư sản! “Cộng đồng vợ thực ra đã tồn tại rất lâu trong lịch sử loài người, đang có và sau này sẽ có...Hôn nhân kiểu tư sản đạo đức giả bây giờ cũng là một dạng của cộng đồng vợ... Chúng ta sẽ thay đổi kiểu cách giáo dục trẻ em...Nếu bỏ được những quan hệ lao động ngày hôm nay, thì cũng sẽ tự nhiên biến mất việc làm điếm công khai cũng như không công khai...Đây là mục mà những người cộng sản bị tư bản đả phá ầm ĩ nhất...”.

Nghe thì có vẻ “tư bản” như thế nhưng những người ủng hộ, phát triển Lý thuyết cốc nước mạnh mẽ nhất phải là những “nữ chiến sỹ cách mạng” thứ thiệt: Kollontai , Clara Zetkin và Rosa Luxemburg-mặc dù họ ít khi công nhận điều đó! Nhắc lại nếu bạn nào quên, Clara Zetkin (mẹ tinh thần của Ngày 8/3) và Rosa Luxemburg là những học trò xuất sắc theo chủ nghĩa Mác-Lê, là lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản đảng và những sáng lập viên của Đảng cộng sản Đức, đồng chí “đàn chị” của Lenin. Khi mất năm 1933 xác ướp của Clara Zetkin được chôn tại bức tường của điện Cremlin! Còn Kollontai là bạn chiến đấu của Lenin, lãnh tụ của phong trào phụ nữ Liên Xô và nổi tiếng với tên gọi “Bà đại sứ”.


Clara Zetkin và Rosa Luxemburg: Tình bạn đến lúc chết...

Clara Zetkin lấy chồng sau lúc bà 40, còn cậu ta 22 tuổi. Về sau tuy không sống với nhau nhưng đến năm 71 tuổi bà mới đồng ý chính thức li dị. Rosa Luxemburg lúc 36 tuổi yêu con trai 22 tuổi của Clara Zetkin nhiều năm trời (làm 2 bà giận nhau mất một thời gian, nhưng đến khi cùng “thất tình” thì 2 bà lại thân nhau, và đây là một trong những tình bạn nổi tiếng nhất trong lịch sử cận đại...).

Nhưng về mặt lý luận triết học thì Kollontai đi xa hơn 2 bà kia khá nhiều, cụ thể là năm 1913 Kollontai đăng bài báo nổi tiếng nhất của mình-“Người phụ nữ mới”. Theo bà, người phụ nữ mới phấn đấu trở thành thành viên bình đẳng trong xã hội, do đó tuân thủ những quy tắc sau:

- Chế ngự được cảm xúc, luyện được kỷ luật tự giác.
- Không ghen tuông, tôn trọng tự do của đàn ông.
- Không đòi hỏi đàn ông bao bọc về vật chất mà đòi họ cư xử tôn trọng đối với mình.
- Người phụ nữ mới tự lập, không chỉ quan tâm đến ngôi nhà, gia đình và tình yêu.
- Mọi cảm xúc đều phải tuân theo suy nghĩ tỉnh táo.
- Bỏ kiểu “đạo đức giả hai mặt” trong các quan hệ yêu đương. Người phụ nữ mới không cần che dấu sự sexy của mình!

Với những “nữ tướng” như thế, tưởng không có gì lạ là phong trào “yêu đương tự do” rất thịnh hành ở Liên Xô vào những năm đầu của chính quyền Xô Viết (chứ không phải ở “tư bản” nhé!). Nhiều nhà lý luận cộng sản hàng đầu tuy phê phán “Lý thuyết cốc nước” nhưng cũng phải bào chữa cho các thủ lĩnh phe bình đẳng giới, là làm gì đến mức độ “đói ăn, khát uống” thế! Ngay Lenin cũng không đồng tình với những tiên đoán của Marx-Engels và lý luận của đàn chị Clara Zetkin, ông nói: «Tất nhiên khát thì đòi hỏi sự thỏa mãn. Nhưng chẳng lẽ người bình thường trong điều kiện bình thường lại nằm lăn ra đường bẩn thỉu để uống nước trong vũng? Hay là thậm chí từ cái cốc nước mà đã có hàng chục đôi môi chạm vào rồi?”


Alejandra Kolontai (1872-1952)

Sau này các lãnh tụ Đảng cộng sản Liên Xô cử bà Kollontai đi sứ liên tục cho đến lúc già hẳn ở đủ các nước, ngoài chuyện bà giỏi, tri thức và uy tín quốc tế cao, thì trong đảng vẫn đồn đoán rằng phải để bà ra nước ngoài, chứ để trong nước thì tấm gương của bà sẽ làm ảnh hưởng quá đến uy tín lãnh đạo...

Tôi cũng chưa thấy ở đâu viết vì sao Lê Nin lại kiên quyết chống lại “Lý thuyết cốc nước”, tự tôi suy đoán có thể ông có mối thù gia tộc quá lớn, rồi lại đi tù từ khá trẻ, rồi mải viết sách, lãnh đạo cách mạng thành công... nên tâm sinh lý có nhiều cái khác biệt so với 2 tiền bối “rậm râu” và 3 “nữ tướng” kia chăng? Marx nghe đâu nổi tiếng về khoản “yêu” lắm đấy! Cái này chắc phải đọc xem Freud (chả hiểu vì sao các cụ nhà ta lại gọi là “Phơ rớt” mặc dù đúng ra là “Phờ roi đờ” thế này) viết gì về ca khó này, tình yêu hay đời sống gia đình của các lãnh tụ quan trọng lắm, ảnh hưởng đến hàng triệu con người chứ không hề là chuyện cá nhân đâu. Mà thực ra cũng chẳng cần hỏi đến Freud, vì ông Do Thái Freud làm sao so được chữ nghĩa với 3 ông Do Thái uyên bác đầy mình kia? Chúng ta chỉ cần tưởng tượng xem, giả sử thôi nhé, nếu Lenin cũng ủng hộ lý tưởng của hai vị tiền bối cách mạng, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có khi chủ nghĩa xã hội hãy còn đơm hoa kết trái đến thế kỷ 21 chứ không “thoái trào” như bây giờ? Lý thuyết cốc nước liệu có lan được đến Trung Quốc, Việt Nam? Nhất là Việt Nam thì sao, thì sao... Ngày trước tôi đã không hình dung nổi rồi, lâu lắm mới có dịp nghĩ lại, tưởng nửa đời trôi qua thì đầu óc sáng ra, vậy mà đến hôm nay nghĩ lại vẫn không tỏ, mà biết hỏi ai bây giờ? Lúc đầu nghĩ thấy “sướng”, xong rồi lại thấy “hoảng”, lạnh hết cả người!

Viết đến đây thì đã quá nửa đêm, mất phương hướng toàn tập, ra vòi làm một cốc đầy nước lạnh, uống cho tỉnh lại, thôi chả biết làm gì nữa, như mọi khi, post!

P.S. Đầu thế kỷ 20 phong trào "kia" mạnh thế, mà tuyên truyền cộng sản sau này mạnh đến mức có câu nói đùa nổi tiếng là “Ở CCCP không có sex!” (đó là vào những năm 70-80 thế kỷ trước)

Theo tôi không hoàn toàn ngẫu nhiên mà phong trào giải phóng thân thể FKK (Frei Korper Kultur) bắt nguồn từ Đông Đức, rồi sau này các nước tư bản mới cuốn theo-chứng tỏ “Lý thuyết cốc nước” vẫn còn đất sống! Bởi vì về ý tưởng thì nó chả khác gì với ý tưởng cách mạng tình dục tại các nước phương Tây vào những năm 70...

Việt Nam hay đi sau các nước vài chục năm, hay là...

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy tích cực hay Câu chuyện về Nửa cốc nước đầy

    04/09/2018Chân Từ PhươngCuộc sống ngổn ngang trăm mối khiến chúng ta đôi khi rơi vào trạng thái stress đầy lo âu và phiền muộn. Cần làm gì để có thể vượt qua những khó khăn này? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một chiếc chìa khoá, hoặc ít nhất qua cách nhìn về tư duy tích cực của tác giả, biết đâu bạn sẽ tìm được chiếc chìa khoá mở cánh cửa Bình an và Hạnh phúc cho riêng mình.
  • Say nắng

    13/02/2014Nhà văn Nga Ivan BuninSau bữa chiều, từ cái phòng ăn sáng ánh đèn và nóng nực nọ, họ bước lên boong tàu và dừng lại bên hàng lan can. Nàng nhắm mắt lại, đưa hai bàn tay lên má, lòng bàn tay để lộ ra ngoài, rồi cười không kiểu cách rất đáng yêu - từ người đàn bà nhỏ nhắn ấy toát ra một cái gì thật đáng say mê. Nàng nói: - Tôi hình như đang say phải không? Anh từ đâu tới? Ba giờ trước đầy tôi cũng không thể ngờ rằng có anh tồn tại trên đời này.
  • Người nữ cộng sản và sự “đúng đắn đến ngạc nhiên”

    27/09/2010Nguyên Hải (tổng hợp từ tài liệu nước ngoài)Chiến sĩ - nhà lãnh đạo cộng sản nữ Rosa Luxemburg của nước Đức luôn cho rằng bản chất của xã hội Xã hội chủ nghĩa là ở chỗ đa số quần chúng lao động không còn là quần chúng bị thống trị mà là người chủ toàn bộ đời sống chính trị - kinh tế của mình, làm chủ một cách có ý thức trong sự tự do, tự quyết...